Tác giả Lâm Bích Thủy
TÔI NGƯỜI CHẤP BÚT
Hồi ký của Lâm
Bích Thủy
Thời gian trôi nhanh quá! như dòng nước xiết cuốn hết bốn
mùa vào quá khứ. Muốn giữ cũng không được! Thoáng đó mà đã mười mấy lần xuân
qua. Mùa thu này, tôi và các em từ hai đầu đất nước rong ruổi về quê để làm mân
cơm tưởng nhớ cha - người thi sĩ của “Bến My Lăng”, đã ra đi vào thu năm ấy!
(15/8/1998 âm lịch)
Hôm nay chợ Gò Chàm cũng đang
phiên, thời gian ở đây dường như dừng lại. Trong không khí thiêng liêng của đất
trời, tôi như nhìn thấy bóng dáng người cha thân yêu đang tựa lưng trên chiếc
ghế gỗ ở góc trái nhà, mắt hướng về khu chợ đầy mùi cần lao, để cảm nhận quá
khứ và hiện tại của thị trấn mà ông gắn bó cả một đời.
Ảnh của nhà văn Mang Viên Long. Nhà thơ Yến Lan ngồi bên phải, nhìn ra chợ Gò Chàm
Ảnh của nhà văn Mang Viên Long. Nhà thơ Yến Lan ngồi bên phải, nhìn ra chợ Gò Chàm
Con người được sinh ra, trưởng thành, già rồi
chết - là qui luật tự nhiên, công bằng với mọi vật có mặt trên trái đất. Có nghĩa người cũng mang một con số như bao
đồ vật khác. Con số ấy; nó vận vào ngôi sao vận mệnh như định mệnh trời ban.
Với Yến Lan - ba tôi, dường như phận đời ông rơi vào ngôi sao không may mắn!!!
Bồi hồi nhớ lại ngày giỗ thứ 10 (15/8/2008 âm lịch). Hôm
đó, má tôi khoe: “Con biết không, ngày giỗ ba, anh em ở Hội Văn Học Nghệ Thuật
Quy Nhơn “Tổ chức đêm thơ Yến Lan.” Đầu giờ chiều, cơ quan lên đón gia đình ta
xuống dự. Hôm ấy, má thấy người đến dự đông lắm con à!” Niềm tự hào về
người chồng thi sĩ lộ rõ trên khuôn mặt già nua tuổi 90 của bà. Có một điều gì
đó như vỡ òa ra rồi trộn lẫn vào tôi; khiến sự tổn thương về người cha trong
tôi như tan biến đâu mất! Và, tôi cảm nhận được sự có mặt của ông trong ngày
giỗ cũng đã nhận được chút ân tình ở đời nên nhẹ nhàng vút vào không giang…!
Bà Nguyễn Thị Lan-Vợ Nhà Thơ Yến Lan và Mang Viên Long
( Một góc phòng lưu niệm nhà thơ Yến Lan)
( Một góc phòng lưu niệm nhà thơ Yến Lan)
Thời gian qua, người yêu thơ Yến Lan, bạn đồng niên,
vong niên, ai cũng chạnh lòng về ông - người bằng văn chương làm rạng danh cho
quê hương mình với cái Bến My Lăng huyền ảo và bốn bài thơ mang tên Bình Định: Bình
Định 1935; Bình Định 1945; Bình Định 1947; Bình Định 1975-76. Nhưng quê hương
dường như cố tình quên ông! Điều đó thể hiện rõ trong đêm Festival Bình Định,
đêm thơ hoành tráng với chủ đề “...dành cho thi nhân Bình Định.”
Dành cho thi nhân Bình Định, nhưng người yêu thơ Bình Định chỉ nghe thơ của hai thi sĩ gốc Thanh Hóa và Quảng Trị; khiến cho nỗi lòng người yêu thơ Yến Lan
rất bức xúc:
-“Chúng
ta thật vô tình và không công bằng với Yến Lan!!!”
Lần giỗ thứ 12 vào rằm trung thu 2009, gia đình tôi mời
anh em Văn nghệ sĩ ở thị trấn. Những gì thể hiện hôm ấy đã làm ấm lòng gia đình
tôi. Ai cũng tỏ ra vô cùng tiếc nuối cho ông-người công dân số 3 của Tứ Hữu Bàn
Thành - một nhóm thơ mà bằng văn chương của mỗi người đã làm nên niềm tự hào
cho miền đất võ Bình định.
Một nhà văn trẻ, vẻ mặt ưu tư, chân thành nói:
- “Gia đình hãy làm cái gì đó cho Yến Lan đi, đừng để
ông thiệt thòi mãi như vậy!”.
Còn anh giáo viên dạy văn ở Đập Đá, như thấy mình có lỗi:
- Từ lâu, hầu như chúng ta đều lãng quên Yến
Lan! Thế là có lỗi với cụ. Việc khơi dậy một nhà thơ như ông, sớm muộn gì cũng
phải làm. Giờ tuy mưộn còn hơn không!
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết (trong tác
phẩm thơ Yến Lan, xuất bản vào năm 1986):
“Có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm
lũi trong im lặng. Nếu không ai nhắc đến, chỉ ra, gọi tên, tán dương thì nó bị
vùi lấp đi, đầu là trong im lặng mà sau là sự lãng quên”
Vâng! vậy đó, có thể nói là đã đến lúc rồi. Song, nếu người
nhà không làm cái việc ấy thì làm sao người ngoài biết được những gì mà Yến Lan đã tâm huyết cả đời mình.
Nhưng là ai trong gia đình tôi? Từng khuôn mặt các em hiện
ra: Tú Thủy, Huy Ánh, Hưng Đạo, Bạch Đàn? có đứa nào để tâm đến việc này; ngay
cả Lâm Huy Nhuận, nó mang danh là nhà báo, nhà thơ là phóng viên của Đài tiếng
nói Việt Nam mà không ý kiến gì đến! Tôi ư? Khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi là đứa dốt văn nhất lớp lại ít gần gia đình, vì sống và học trong Trường học sinh Miền
Nam tại Hải Phòng.
Đầu óc tôi lộn xộn, rối như tơ vò, nghĩ không ra. Có lần,
nhà văn Mang Viên Long gợi ý và tôi hứa sẽ cố gắng viết bài gởi vào blog của
anh. Song tôi cò cưa thoái thác dần. Nhưng, anh không để tôi yên, hai ba lần anh
điện vào Sài Gòn giục: “Em bảo về
nhà viết bài gửi, sao để anh chờ hoài vậy?” Và, như hiểu cái
khó của tôi, anh động viên: “Em
viết đi, viết một cách tự nhiên, có gì không thông, anh giúp”. Lại nữa, nhà văn
Nguyễn Hòa - Văn Chương Việt cũng vào cuộc; động viên:- “Em cố gắng viết, đừng ngại, nhà thơ Yến
Lan phải được đặt đúng vị trí mà lẽ ra từ lâu ông đã phải được đứng;
các anh luôn bên em…”
Tôi đang bâng khuâng; bỗng như có ai gợi mở cho tôi lối đi là hãy
bắt đầu từ “Phòng Lưu Niệm Yến Lan”. Phòng lưu niệm này có là nhờ tâm sức của má tôi và sự giúp đỡ của anh Long.
Tôi lên lầu, nhìn mấy tủ sách, tài liệu. Đầu tiên là sự
ngạc nhiên về người mẹ của tôi. Ngày thường, bà chỉ là người nội trợ trong gia đình, sao bà có
được ý thức thu thập, gìn giữ, bảo tồn những kỷ vật của ba tôi một cách
cẩn trọng và phong phú đến vậy?!...
Tôi bắt đầu từ các xấp báo, thư từ, rồi đến những bài viết
về Yến Lan. Lần giở từng tờ báo, tôi dán mắt vào bài:
“Yến Lan, một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam và của tỉnh
Bình Định”:
“Đi vào cỏi bất tử, nhà thơ Yến Lan đã để lại cho dân tộc, cho kho
tàng thơ việt Nam nhiều bài thơ độc đáo, đặc sắc từ ý đến lời. Anh đã được đặt
ngang hàng với các nhà thơ lớn như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận…Trong thời
Pháp thuộc anh là bạn của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bích Khê, Chế Lan Viên, anh có
đăng nhiều thơ trên các tập san và các báo trong thời điểm lúc bấy giờ. Trong
kháng chiến chống Pháp anh sáng tác được nhiều thơ. Thơ anh đã đến với nhân dân
và phục vụ cách mạng đúng lúc. Tập kết ra Bắc anh lại càng sáng tác nhiều thơ
và đã xuất bản nhiều tập thơ phục vụ kịp thời những biến động của sự phát triển
lịch sử cách mạng ở Miền Bắc. Ngày 14 tháng 4 năm 1991 anh được Hội đồng Nhà
nhước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất …” Văn nghệ
BĐ/91-Trà Văn Tri
Bài viết của ông Trà Văn Tri đã mở lối cho tôi:
Bài báo đặt một vấn đề rất lớn, tôn vinh “Yến Lan” một nhà
thơ lớn của nền Văn học Việt Nam và của tỉnh Bình Định. Bài báo có một tầm
khái quát cao về cuộc đời thơ Yến Lan. Nó như nhan đề của một quyển sách Văn
học sử, có thể dày đến hai ba trăm trang. Mà yêu cầu nghệ thuật viết văn học sử
về những vấn đề như vậy thì quyển sách (hay bài báo) lại thiếu các phần sau đây:
1/ Tiểu sử nhà thơ (trong này phải nêu rõ những đặc điểm về
tiểu sử có liên quan mật thiết đến những khía cạnh về mặt nội dung tư tưởng
toàn bộ các tác phẩm của nhà thơ)
2/ Những tư tưởng, quan điểm, chính kiến, lòng nhân đạo của
nhà thơ. Đặt điểm về nội dung tư tưởng ấy đạt đến đâu, như thế nào. Nó kế thừa
những gì của quá khứ và sáng tạo sự mới mẻ. Ý nghĩa các tư tưởng này đối với
thời đại như thế nào trong thực tiễn đấu tranh xã hội, khám phá thiên nhiên và
nhất là trong thực tiễn sáng tác của nhà thơ lúc còn sống và khi qua đời.
3/ Những đặc điểm về nghệ thuật nhà thơ đã sử dụng để chuyển
tải những nội dung tư tưởng những tác phẩm của nhà thơ. Mỗi nhà thơ lớn đều có
một bài thơ làm biểu tượng. Ví dụ: Nguyễn Bính có “Lỡ bước sang ngang”, Bảo
Định Giang có “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” Tố Hữu có “Từ ấy” thì Yến Lan phải
là bài “Bến My Lăng, Bình Định 1935” Nhưng trong bài viết trên không nói gì đến
“Bến My Lăng” mà chỉ dẫn chứng một bài “Nhớ” và 4 câu thơ của bài Bình Định
1935...
Hai hôm sau, chị em tôi tạm biệt mẹ, bay vào Sài Gòn để kịp
làm mâm cơm theo dương lịch 5/10/2010. Ngồi chờ ở sân bay Phù Cát, tôi lấy tờ
“Báo Bình Định” thấy bài:
"Năm tháng còn trên mấy đốt tay" của tác giả Lê Hoài Lương:
“Năm
tháng đời người còn trên mấy đốt tay? Không, còn trong sự tưởng vọng nhiều đời
dành cho những giá trị chân chính.!
Một lần cùng người bạn đến thăm nhà thơ Yến Lan lúc ông nằm
trên giường bệnh mấy tháng trước khi qua đời, ông nói: “Cái đáng sợ nhất của
tuổi già là sự tỉnh táo!” Câu nói không hẳn là sự chiêm nghiệm của ông khiến
tôi lạnh người. Người già thường sợ sự cô đơn, hoặc sợ lú lẫn làm phiền con
cháu, với ông, một thi sĩ, sự tỉnh táo của tuổi già còn đáng sợ hơn. Cũng lần
này, hỏi thăm ông về mấy năm tháng buồn vì tai nạn nghề cầm bút, ông im lặng
nói lảng sang chuyện khác. Ôi cái sự tình của ông, sao nghĩ tới thấy buồn
thương.
Trong nhóm thơ Bình Định, ông là linh Lân. Lân, vận vào ông
sao đúng thế. Sách xưa mô tả lân là linh thú, mình giống nai, đuôi giống trâu,
móng như ngựa, lưng có lông ngũ sắc, bụng thì vàng, một sừng. Đặc biệt đây là
con thú nhân đức, không ăn các sinh vật, đi cỏ không nát! Ông hiền lành đức độ
một đời, văn nhân thi hữu nhiều lứa tuổi khác nhau đều chung nhận xét này. Linh
lân lành hiền và từng chói sáng trên thi đàn với “Nhóm thơ Bình Định” và
“Trường thơ loạn” ít nhất tới giờ mọi người vẫn ngưỡng mộ với Bến My Lăng và
Bình Định 1935. Riêng Bến My Lăng cái bến thơ đẹp lộng lẫy và kỳ ảo không thể
thiếu trong danh mục những bài thơ hay nhất nước Việt Nam thế kỷ XX .!....
Ông đã về với cái bến trăng huyền ảo của ông cách đây đúng
10 năm. Lạ lùng thay lại nhằm đúng vào đêm trăng đẹp nhất trong năm: Trung thu.
Ông lặng lẽ về với trăng trong niềm hân hoan lớn của trẻ nhỏ tùng cắc múa lân,
ông - con linh – thú - lân lành hiền đi không làm đau cỏ!
Đọc bài viết, chị em tôi xúc động theo từng con chữ. Tâm tư
tôi lại xáo trộn, và tôi nhận ra trách nhiệm của người chị cả: Trách nhiệm quá
lớn đối với một người chưa từng cầm bút để viết về một nhà thơ, mà nhà thơ
đó là một trong bốn nhà thơ nổi tiếng của Tứ linh đất võ. Mà nhà thơ đó đã để
lại trong lòng người yêu thơ rất nhiều nỗi niềm bâng khuân: Chính một cô
giáo-đồng hương Bình Định đã nhận xét:
-Nhà thơ Yến Lan là người khá cầu toàn, em cảm nhận một cách rõ
ràng, sâu
thẳm trong trái tim ông luôn muốn hoàn thiện về giá trị nhân văn của văn học để thế hệ sau có thể tự hào về
tiền bối của mình mà chưa làm được; vì lực bất tòng tâm”
Với ý nghĩ “nếu mình không làm thì rồi
đây những gì cha để lại cho đời sẽ mai một đi do sự lãng quên của con người. Tôi đành nhờ đến cụ Thổ Địa vậy. Tôi ghi
nội dung vào hai mãnh giấy:
1/- Con đừng viết, vì không đủ trình độ
2/- Con cứ viết, có khó khăn gì ta sẽ giúp .
Tôi bỏ hai mẫu giấy ấy vào đĩa, nơi thờ thần Thổ Địa, thần tài;
thắp nhang; khấn, bốc một; trúng mẫu số 2.
Và, sau đó, không hiểu sao, ký ức về tuổi thơ, tình yêu, nhân
cách sống về người cha thi sĩ của tôi ồ ạt xô vào tâm
trí tôi. Rồi, tối đó, trong giấc chiêm bao tôi thấy ông đứng trước mặt, tay trái cầm tờ giấy khổ A4, tay phải huơ
huơ lên trang giấy. Tôi không hiểu người âm, nên hỏi cô bạn nhà bên. Cô ấy bảo: - “chắc cụ muốn chị viết gì đó”.
Vậy là rõ: Tôi-người cha chọn để cầm bút .
Trước kia, khi đối diện với vô vàn khó khăn trong đời sống. Chị em tôi cằn nhằn, gây áp lực cho cha: “Sao ba không làm việc
gì dễ kiếm tiền, làm chi nghề nhà thơ để “Bút sa gà chết, lại nghèo xác xơ thế
này?! Nỗi bức xúc đó chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng của cha. Ông để con tự
hiểu, không đôi co, không giải thích. Nhưng, khi bốc mẫu số 2, tôi như được
ai đó âm thầm dẫn qua mọi ngõ ngách, góc khuất của 82 năm đời và hơn 60 năm làm thi sĩ của cha tôi.
Dần dà tôi nhận ra được chân dung con người thật của cha qua thư
bè bạn ông và qua cuộc sống thực tế mà ông đã chiêm nghiệm.
Hồi ấy, tôi thuờng nghe người ta tranh luận về thơ ba tôi, nào là:
- “Thơ của Yến Lan là thực tế và là
lời nhắc nhở sự tìm tòi Nào là nhận xét của Văn Cao hoàn toàn đúng với thơ
của Yến Lan, không phải chỉ thời đó mà còn cả các tập thơ mới xuất bản sau
này”; hay như “Những điều Yến Lan đưa ra trước đây, giờ mới thấy ông đúng.” họ còn cho rằng:
“Yến Lan là nhà thơ biệt lạ! v.v…”
Tôi chú ý đến một lá thư của bác Quách Tấn. Bác dặn:
- “Những chuyện của chú nên kể cho con
trẻ biết. Bây giờ chúng ta chưa nhận ra, hoặc xem nó bình thường nhưng sau này,
đối với trẻ là vàng, là ngọc quí đó chú ạ”.
Còn nhà nghiên cứu văn học hiện đại
Đinh Tấn Dung thì cho rằng: “rồi đây lớp trẻ sẽ nhìn Yến Lan với cái
nhìn khác so với bạn cùng thời với ông”.
Tôi thấy trách nhiệm là con phải tìm cho ra
sắc ngọc trong ba tôi để chuyển tải nó trước hết cho con cháu mình.
Tuy cha tôi không để lại một thiên hồi
ký nào viết về “tôi làm thơ” nhưng mỗi tác phẩm của ông là lời nhắn nhủ, là chính cuộc đời ông đã
chiêm nghiệm. Nó như bức
thông điệp mà ông muốn gửi
lại cho thế hệ trẻ mai sau.
Khi bắt tay vào những trang đầu của hồi ký, tôi phải lội qua ma trận của giới văn chương
mà trước đó tôi chẳng hiểu tí gì Tôi thật sự lúng túng! Nhưng nhờ sự giúp đỡ
thấu tình đạt lý của nhạc sĩ La Nhiên-con trai nhà danh cầm nổi tiếng của Bình
Định vào thập niên 50 của thế kỷ XX, của thầy giáo dạy triết Trường Đại học Qui
Nhơn - anh Cao Kế, nhà nghiên cứu văn học Khổng Đức, nhà văn Mang Viên Long,
Nguyễn Hòa. Và tôi đã đủ niềm tin để vững tâm
cầm bút viết hồi ký về người cha thi sĩ của mình.
Lâm Bích Thủy
No comments:
Post a Comment