Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 12, 2016

NGÀY GIỖ MỘT NHÀ THƠ - Hồi ký của Lâm Bích Thủy



                Gia đình nhà thơ Yến Lan


       NGÀY GIỖ MỘT NHÀ THƠ


Cứ mỗi độ rằm trung thu sắp đến thì mẹ tôi chộn rộn, luôn miệng nhắc nhỡ các con về ngày làm giỗ cho cha. Không biết ngày giỗ năm nay (vào đúng rằm trung thu 15/8/ âm còn dương là 5/10) mẹ còn nhớ được để nhắc con cháu nữa không?! bởi bà đã già lắm rồi, bà đã đi qua 94 mùa thu trên cõi trần đầy trầm luân này. 
Còn chúng tôi, là con thì làm sao mà quên được ngày giỗ cha mình, nhưng nếu được  mẹ nhắc vẫn hơn, vì như thế có nghĩa là chúng tôi vẫn còn trụ cột để dựa.
Trong hơn 60 năm làm đời thi sĩ, cùng thời với Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… nếu kể về công và tâm huyết thì ba tôi không thua kém ai về tri thức, về tài năng trong nền văn học cho quê hương và đất nước. Chính ba tôi cũng tự thấy điều đó; lúc ốm nặng, biết qũi thời gian của mình không còn nhiều, ông gọi hai chị em gái chúng tôi lại: “Riêng hai con là phận gái ba mới nói điều này, ba nghèo không có gì để lại cho hai con…nhưng bù lại, suốt đời ba đã phấn đấu, đến giờ các con có quyền tự hào-mình là con của một người làm thơ biết tự trọng và khiêm tốn. Điều này còn quí hơn tiền bạc, nhà cửa”.        
Thực ra, chúng tôi rất tự hào về người cha thi sĩ của chúng tôi.. Bởi vì hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào những thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.
Dẫu ngoài đời ông được giới văn chương, và người yêu thơ kính nể về đức, ái mộ về tài, song quyền lợi mà ông được hưởng ở chính nơi sinh ra ông không được may mắn và người. Vì sao lại vậy?!: Cũng có nhiều người hỏi như vậy mà chẳng ai trả lời được. Vì vậy, người thân của ông cứ phải thương, tiếc nỗi bất hạnh của ông.mãi…!
 Chết rồi thì nằm đâu chẳng được, miễn có nơi. Đó là nghĩa trang ở Huyện, nay là thị xã rồi. Xét ra, như vậy quê hương cũng có đôi chút ưu ái cho nhà thơ rồi; còn nếu đem so sánh với cụ Phan Khôi thì ba tôi hơn hẳn còn đòi hỏi gì nữa!…
Nhưng giá như bức điện này đến sớm hơn :
“Chúng tôi được biết, trước khi mất, nhà thơ Yến Lan có để lại một di chúc và tỏ ý mong muốn về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi kính mong các đồng chí giúp đỡ để ý muốn cuối cùng của nhà thơ xuất sắc của chúng ta được toại nguyện.”  
                                                          (Nguyễn Hữu Thỉnh)         
Nội dung bức điện khiến tôi tiếc từ bấy đến giờ! Song, nếu điện của ông Nguyễn Hữu Thỉnh–Chủ tịch Hội nhà văn VN đến sớm hơn thì liệu có tác dụng gì đối với các nhà lãnh đạo trẻ trung của quê hương Bình Định tôi “Vua cũng thua lệ làng” mà!!!
Nhà thơ Chế Lan Viên từng tâm tình với bạn văn «Chính Yến Lan đã dẫn dắt tôi vào làng thơ.. » điều đó càng chúng tỏ suy nghĩ của tôi càng đúng « Ba tôi là người luôn luôn đi trước nhưng mãi về sau ».
Mấy tháng trước khi ba tôi còn tại thế, cả ông và tôi nghe mọi người bàn tán về nơi dành cho nhà thơ cuối cùng của Tứ Hữu Bàn Thành. Người này bảo « Họ sẽ đưa ông vào nghĩa trang tỉnh ở Qui Nhơn, người kia nói “Họ sẽ đặt ông cạnh Hàn Mặc Tử, để sau này nếu thuận lợi sẽ qui tụ toàn bộ “Tứ Linh” về nơi này, lập nên “Đồi thi nhân trong quần thể du lịch của Thành phố biển v.v…”.
Những gì nghe được tôi đều mừng cho ba tôi. Nếu ít ra, được nằm ở nghĩa trang tỉnh thì ông đỡ quạnh hiu, hoặc giả sử được nằm cạnh ông Hàn, ở đấy, hàng ngày khách du lịch viếng thăm; tiện thể, thắp cho Hàn Mặc Tử (gốc người Đồng Hới Quãng Bình) nén tâm hương, cũng không nỡ quên thắp cho Yến Lan (sinh tại thị trấn An Nhơn Bình Định) nén hương ấm cúng! Nhưng thực tế không diển ra như vậy ?!
 Sự lạnh lùng này, âm thầm gặm nhấm lòng con cháu ông đến tận giờ. Có lẽ ông Trời muốn ông phải luôn đi trước và mãi mãi về sau chăng ?!…”
Ngày ba tôi mất, chúng tôi ở xa, chỉ nhờ con, cháu cô Ba Đen giúp hết mọi việc. Tôi về tới nhà thì mọi việc đâu vào đó : Quan tài ba đặt ở giữa phòng khách, trưởng nam của gia đình tôi. Trên quan tài có ba cây nến to, đặt ở đầu, giữa và cuối, đang leo lét cháy !
Ngoài con, cháu, thời gian trôi trôi qua khá lâu mà chẳng thấy người của chính quyền huyện nào đến chia buồn cả! Quang cảnh lễ tang thật buồn! Nỗi đau trong lòng tôi tràn ra khóe mắt!
 Ba đi xa thật rồi! lặng lẽ và cô liu như cái “Bến My Lăng” má trong thơ ông có dự báo; Đó là trong đêm vắng, trên bến sông,  chỉ mình chàng kỵ mã trơ trọi đứng gọi đò vậy thôi!…
 Tôi bùi ngùi nhớ về lễ tang cha mẹ của bạn ở thành phố; hết đoàn ra lại đoàn vào. Còn ba tôi, dù sao ông cũng là nhà thơ lớn, là người đã bằng văn chương của mình làm rạng danh cho quê hương xứ sở Bình Định bằng bốn bài thơ với tên là Bình Định 1935, 1945, 1947 1975, ông cũng được mệnh danh là danh nhân của đất võ Bình Định,  mà lặng lẽ, ảm đạm, hẩm hiu đến là vậy !?
Rất lâu sau đó, lèo tèo học sinh, hàng xóm đến thắp cho ông nén nhang! Bỗng một người đàn ông trẻ, khuôn mặt sáng sủa, tôi đoán là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha? vì tôi chưa có dịp gặp, chỉ dựa vào bài viết của anh sau đó. Anh đã chạm vào nỗi đau trong tôi.
Cảnh tượng tang lễ của một danh nhân Bình Định, khiến anh bất bình hỏi: “Người nhà của nhà thơ đâu?”. Thằng em trưởng của tôi đứng cạnh anh trả lời :”dạ, tôi đây”, vậy là anh thốt lên với em trai tôi. “Trời ơi! sao lại thế này! Ban tang lễ đâu? Lãnh đạo huyện, tỉnh đâu? sao gia đình không yêu cầu lãnh đạo làm gì cho nhà thơ? Phải làm cái gì đi chứ, sao để nhà thơ thế này? Không được rồi, không được rồi! Ai lại thế này kia chứ!!!
Thằng em trưởng nam của nhà tôi, nó không giảo hoạt như anh nhà báo. Nghe anh giục, nó ừ ừ, hử hử, ngơ ngác như người ở hành tinh khác tới trái đất lần đầu!
Tôi cũng không hiểu vì sao mà như vậy! Buồn lắm! Tình trạng như vậy kéo dài hơn ngày rưỡi. Khi chỉ còn mấy tiếng nữa, gia đình phải thực hiện nội qui của huyện  “Không để người quá cố quá 24h”, Tối qua, lãnh đạo huyện đã cử người đến dặn gia đình, không được rải vàng, tiền âm phủ khi qua quốc lộ, làm mất vệ sinh đường phố, làm ô nhiễm môi trường!  Gia đình tôi chấp hành triệt để mọi thứ huyện đề ra.
Trước khi được Ban tang lễ của huyện ra tay, ba tôi-nhà thơ Yến Lan vẫn hẩm hiu, như vậy bạn ạ!….
Mãi đến hơn 8 giờ ngày 7/10/1998 gia đình được lệnh “khiêng nhà thơ ra đặt tại Nhà Văn Hóa huyện”, để cho long trọng với một danh nhân! Việc làm này không biết có ảnh hưởng gì đến tương lai con cháu? khi phải thuê bốn người gánh quan tài ba tôi ra Nhà Văn hóa huyện như khiêng hàng hóa, trông rất thê thảm, mà gia đình chúng tôi cũng phải nghe.
Đến 9 giờ tang lễ mới bắt đầu. Lúc đó mới có điện, hoa của bè bạn, đồng nghiệp và người hâm mộ các nơi gửi tới chia buồn cùng gia quyến.
Đặt biệt CTy Animex – cơ quan của vợ chồng tôi, từng giờ đã  fax tất cả các mẫu báo viết về sự ra đi của nhà thơ Yến Lan…
Trong hơn 60 bức điện chia buồn, bức điện của nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn đã viết:

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập-Tự do – Hạnh phúc
Hội Nhà Văn Việt Nam        
Hà Nội, ngày 6 tháng 10 năm 1998
Kính gửi:
    -Tỉnh Ủy tỉnh Bình Định
    – Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định
    – Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định
    Các đồng chí kính mến!
Hội Nhà văn Việt Nam vô cùng xúc động khi đột ngột nhận được tin cụ Yến Lan, nhà thơ xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, người con thân yêu của Bình Định đã tạ thế
   Nhà thơ Yến Lan (lức Lâm Thanh Lang) sinh ra trên đất Bình Định 82 năm trước, trong một gia đình nghèo khó và sớm có lòng yêu nước, yêu quê hương. Trước cách mạng, Yến Lan đã tích cực hoạt động yêu nước trong nhà trường, viết kịch diễn cải lương, lập quỉ cứu tế xã hội. Yến Lan tham gia cách mạng tháng tám, cướp chính quyền ở huyện An Nhơn và là Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện An Nhơn ngay từ tháng 9 năm 1945. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp Yến Lan đã lần lượt tham gia nhiều công tác kháng chiến: Trưởng ban tuyên truyền khu vực Bình Định: Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn Nghệ Liên Khu Năm kiêm chấp hành Phân hội Văn Nghệ Bình Định
 Tập kết ra Bắc 1955 ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho Hội Nhà văn, cho Nhà xuất bản Văn học, trong công tác biên tập cũng như đào tạo các tài năng trẻ.
  Trong sáng tác, gần 60 năm liên tục ông đã cống hiến nhiều chuyện ngắn, kịch thơ, ca kịch trường ca và thơ, ở thể loại nào cũng có thành tựu.
  Chính vì vậy, cùng với Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh và nhiều nhà thơ cùng thế hệ Yến Lan đã có nhiều đóng góp lớn cho văn học và để trở thành bậc thầy mẫu mực cho nhiều thế hệ các nhà văn noi theo.
  Chúng ta cùng chia sẻ nỗi buồn đau và tổn thất to lớn. Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức long trọng lễ tưởng niệm nhà thơ Yến Lan.
  Tham gia lễ tang tại Bình Định, chúng tôi trân trọng cử nhà thơ Giang Nam, nguyên Ủy viên Đảng Đoàn, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Hội Nhà văn tham gia Ban Tổ chức
   Chúng tôi được biết, trước khi mất, nhà thơ Yến Lan có để lại một di chúc và tỏ ý mong muốn về nơi an nghỉ cuối cùng.
  Chúng tôi kính mong các đồng chí giúp đỡ để ý muốn cuối cùng của nhà thơ xuất sắc của chúng ta được toại nguyện.

TM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
PHỔ TÔNG THƯ KÝ THƯỜNG TRỰC

 Nhà thơ Hữu Thỉnh
                                                                    Lâm Bích Thủy

No comments: