Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
MÀU CỦA MƯA
Tản mạn của Lê Hứa Huyền Trân
Quy Nhơn trời đổ cơn
mưa…
Cứ mỗi lúc hạ sang tiết
trời Quy Nhơn lại trên mùa đổi khác: ban ngày nắng hiu
hắt đến cháy bỏng, rồi chiều buông thì trút khồng
hết những cơn mưa. Và cứ những lúc trời bắt đầu
những cơn mưa ông và tôi lại hay cùng nhau đi tắm mưa
làm bà cứ mắng cả hai vì sợ đau sợ ốm.
Thuở nhỏ tôi ở cùng
ông bà nội vì bố mẹ đi làm xa, chỉ có một mụn cháu
duy nhât nên ông bà thương hết mực. Nhà tôi bên một
dòng sông, cứ mỗi lúc mưa tràn về là con nước nổi,
tôi vẫn hay cùng cái Lài, cái Quỳnh đi mò cua ốc, và
lấy rổ đi úp những con cá chốt về khoe ông bà. Những
thứ chúng tôi bắt được sẽ chẳng thấm tháp gì so với
một bữa cơm no nhưng những lời khen của ông bà làm
chúng tôi có cảm tưởng chúng tôi lớn lắm, kiếm được
bữa cơm cho gia đình rồi. Những lúc mưa bắt đầu to
hơn, con nước trở nên giận dữ, lũ chúng tôi lại ngồi
ngắm mưa qua cửa sổ, thi thoảng đứa này lại đẩy đứa
kia phân công nhau đi lấy thau hứng nước. Thưở ấy nhà
chúng tôi thiếu thốn tùm lum, cứ mưa về là chỗ này
nối tiếp chỗ kia mà dột, rồi nước từ mái thấm
tường mà xuống, thành ra niềm vui của chúng tôi khi ấy
còn là lắng nghe tiếng mưa rơi vào thành thau nghe rất
vui tai, dù đến đêm là ồn không sao ngủ được.
Mưa về là hai ông cháu
lại kéo nhau ra mưa tắm, bà trách thì ồng chỉ cười,
bà nào biết được tại đứa cháu hay vòi nên ông mới
nuông, rồi mỗi khi ra mưa ông lại lấy cả tấm thân còm
cõi che chở cho cháu vui đùa tinh nghịch... Có những đêm
mưa rằm, chẳng thấy nổi trăng vì mưa to, mây đen vần
vũ, ông cháu lại kê chõng nơi góc tường, nằm kể
chuyện mà nghe. Những câu chuyện của ông không thiếu
những cơn mưa vì dường như ông yêu mưa lắm: từ chuyện
sự tích trời mưa, chuyện con cóc nghiến răng kêu mưa
xuống, cho tới chuyện ngày ông đi lính, áo mưa là những
lá chuối rừng, hay mặc mưa giống đoàn quân vẫn đi Tây
Tiến không gục ngã… Cơn mưa đêm cứ rì rào, rả rích…
Lại nhớ có những hôm
tôi đi học về con dường lầy lội, tôi, cái Lài, cái
Quỳnh ,ba đứa cứ phải gọi là bấm chân xuống đất
mà đi cho khỏi ngã. Mưa to trắng xóa đất trời, tôi bị
cận kính mờ đường không thấy, cái Lài hồi giờ giữ
thăng bằng không tốt, trượt chân té ngã, khóc òa không
chịu dậy, thế là cả ba đứa lúng túng không biết làm
gì khóc nức nở giữa cơn mưa. Rồi có những hôm nước
rút, con sông bên nhà chỉ còn chừng đầu gối, ba dứa
hì hục xuống “tập bơi”. Chân thì chạm đáy, cứ đi
đi dưới nước, hai tay lại cứ quờ quạng trên mặt
nước, rồi cứ thế mà tiến tới, ấy vậy mà cũng hãnh
diện là đã bơi được rồi đấy. Cái bè chuối trở
thành cái phao cứu sinh, những con cá ,con tôm trở thành
“sinh vật biển” sống trong ao, thế là một thế giới
kì thú lại mở ra.
Lớn thêm một chút, tôi
lên phố học, những cơn mưa trở thành kí ức ghi dấu
nhiều kỉ niệm. Đó là khi được tặng một nhành phượng
ép trong cuốn vở bên trong có một lá thư viết vội
nhưng đã nhòe ướt, cứ như “người ta” đứng dưới
mưa chờ mình tan học đã lâu lắm. Đó là khi chiếc cặp
bé xíu che chung đầu tôi và người ấy, và nụ hôn đầu
ướt bởi cơn mưa. Đó cũng là khi tôi đứng khóc một
mình vì tình đầu không như nguyện ước… Mưa cũng làm
người ta thêm buồn những lúc phải chia tay. Tôi xa quê,
xa ông bà, xa đám bạn thân thuở bé để đi thành phố
học đại học. Ngày chia tay, ông không nhìn tôi mà chỉ
dặn dò vài điều cần thiết, bà và lũ bạn thì tấm
tức khóc, ôm chặt không muốn rời. Mưa rơi thay cho nước
mắt tôi rơi. Những lá thư trở thành thứ duy nhất để
liên lạc. Nhưng rồi cũng nhạt phai theo năm tháng, Tôi
đánh rơi kí ức về những cơn mưa khi bộn bề việc
học.
Lên
thành phố, mưa thành phố dường như nhạt thếch như
lòng người vậy, không còn mấy những cơn mưa đầy kỉ
niệm như ngày xưa nữa. Đôi khi ngồi bâng khuâng tôi
chợt nghĩ nhiều về những cơn mưa đọng. Lại có đôi
khi bất giác như trong vô thức, hay một khoảng trời nào
đó của riêng tôi, tôi như không tự chủ được mình,
để quá khứ thôi thúc, tôi đưa tay ra cửa sổ chạm vào
hạt mưa. Có gì đó lành lạnh, có gì đó làm tôi nhớ
về kí ức. Kí ức thuở thiếu thời của tôi và chúng
bạn, kí ức của một cô bé học trò ngồi mơ mộng ngắm
mưa rơi qua cửa sổ, làm thằng em chốc chốc lại phát
một cái rõ đau vì không giúp nó bưng xô chậu hứng
nước. Kí ức với ông tôi, người cứ hay chiều theo sở
thích của tôi rồi sau đó bị bà mắng quá trời vì cái
tội nuông chiều con cháu quá. Tôi thích nghe những câu
chuyện tiền tuyến ông kể, thích cả lúc cả gia đình
quây quần bên nồi cháo nóng để giữa nhà, nhà bếp
liền kề chỗ ngủ vì quá nghèo. Tôi không thể nào quên
gia đình nhỏ của tôi khi mưa tới, nhà cúp điện, một
ngọn đèn dầu, bắc chân ngồi hát giữa nhà, tôi cứ
hay inh ỏi cả xóm làm ba má phì cười, cũng may tôi còn
nhỏ quá mấy bác không mắng cho.
Bẵng
một thời gian tôi về thăm quê. Con đường đất ngày
xưa nay đã được trải bê tông rất đẹp. Đôi khi xuất
hiện vài chiếc cộ bò hãy còn loanh quanh chốn đường
làng bởi cấm lưu thông trên đường bộ. Tất cả dường
như cũng đã đổi thay rất nhiều kể từ ngày tôi ra đi.
Ông tôi đã già thêm, giờ đã lẩn, không còn cùng tôi
hì hục chạy băng ra sông tắm, dạy tôi tập bơi như
trước nữa. Lũ bạn tôi đứa tha phương tìm vận may nơi
thành thị, đứa giờ đây đã lấy chồng lấy vợ, bộn
bề cuộc sống đồng áng, không khi nào rảnh. Những đứa
bạn thân của tôi cũng đã đi những nơi rất xa mà tôi
không còn cách nào gặp lại được, có đứa còn giữ
liên lạc, có đứa đã không biết thông tin nữa. Tối
trời, trời lại mưa, cơn mưa này sao nghe lành lạnh gì
đó không rõ. Tôi vẫn đứng trong căn nhà nhỏ của ông
bà, đưa tay ra đón những hạt mưa. Hình như có gì đó
trong tôi đã mất đi, một điều thật ngọt ngào, màu
của mưa rơi xuống đất hòa tan vào đất, sao nghe trắng
xóa.
Tác
giả : Lê Hứa Huyền Trân,
Hội
viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định,
phongtruongtu201@gmail.com.
phongtruongtu201@gmail.com.
No comments:
Post a Comment