Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 13, 2016

HƯƠNG CAU MÙA CŨ - Tản mạn của Lê Thí

Tác giả Lê Thí
  
HƯƠNG CAU MÙA CŨ
Tản mạn của Lê Thí

Anh bây giờ già khú đê khú điếc,
Làm sao về thương tiếc … một mùa cau!

Những làng quê Quảng Nam nhất là những làng trung du thì chuối, tre và cau là những loại cây biểu trưng. Tre được trồng thành hàng rào bao quanh vườn, vừa tạo cảnh quan vừà để bảo vệ. Còn trong vườn lại theo qui luật “chuối sau, cau trước”.

Đối với bọn trẻ chúng tôi thời nhỏ, cây chuối “bình dân”, cây tre quá“gần gũi” nên ít được chú ý. Riêng cây cau không những vừa rất “gần gũi” lại vừa rất “lạ lùng” vì thế đã tạo nhiều ấn tượng sau này, nhất là về tuổi thơ và quê nhà.

Những vật dụng “gần gũi”.

Cây cau được người dân quê yếu mến và gần gũi vì sự đa dụng của nó. Không có bộ phận nào của cây cau là không trở thành vật dụng trong nhà.

Thân cau già xẻ dọc được dùng làm rui, mè lợp nhà rất đẹp và chắc vì thẳng, cứng và không bị mối ăn, nhất là sau khi ngâm một thời gian dưới bùn. Đem bổ dọc rồi đục bỏ lớp ruột mềm bên trong thân cây sẽ là máng xối, ống dẫn nước vô cùng tiện lợi. Nhiều người còn dùng thân cau để vót thành đũa bếp, đũa con hay làm giàn, hàng rào… vừa chắc vừa đẹp.

Bẹ cau, phần bọc quanh buồng hoa cau khi mới ra lại là thứ để gói cơm, gói xôi rất tuyệt vời vì vừa giữ ẩm tốt lại hình như vẫn còn thoang thoảng mùi hoa cau làm cho món ăn thêm ý vị.

Tàu cau tước bỏ phần lá, phần xương được phơi khô bó lại thành chổi cau. Loại chổi mới để quét trong nhà, khi đã “cùn” được đưa ra quét sân, quét ngõ.Tiếng chổi cau rào rào trên sân gạch là thứ âm thanh gợi nhớ quê nhà nhiều nhất có lẽ chỉ sau tiếng võng đưa kẽo kẹt.

Mo cau được sử dụng vào nhiều việc, từ dụng cụ để nhắc nồi cơm, trả cá… đang sôi trên bếp xuống cho khỏi nóng, cho đến cái gàu múc nước, cái “mo đài” thay cho gáo, bát uống nước. Nước chè tươi uống bằng cái mo “mo đài” thì không thứ nước giải khát nào qua mặt được. Cái quạt mo để đuổi ruồi, muỗi, quạt cho mát, ngày trước còn đắc dụng hơn cả quạt máy, điều hòa ngày nay. Nhà nào cũng có mươi chiếc, không những cho mỗi thành viên trong nhà mà còn để giành cho khách. Quạt mo vừa mát lại vừa bền không như quạt giấy, sang nhưng chỉ “ba bảy hai mốt”. Chính vì vậy mới có chuyện “thằng bờm có cái quạt mo”, “quân sư quạt mo”. Mo cau còn được dùng để làm dép rất “thân thiện với môi trường” mang trong nhà, ra vườn theo mùa cho đỡ nóng, lạnh đôi chân.

Ngày trước chưa có kem đánh răng và bàn chải. Xác cau là loại bàn chải “dùng một lần” góp phần vào việc tạo nên một hàm răng trắng sạch, làm nên cái duyên của trai, gái. Miếng trầu cau ăn hàng ngày chính là “nước súc miệng Listernin” có công dụng kháng khuẩn, thơm miệng!

Loại cây đầy… dược tính

Quê tôi ngày trước cau là cây đầy dược tính, chữa được nhiều loại bệnh, từ những bệnh thông thường cho đến những bệnh rất… thời sự!

Nếu có người bị đứt tay chân, chảy máu, người ta thường cạo một ít mốc cau (rêu cau, phấn cau) đem rang lên rồi trộn với bồ hóng rịt vào vết thương. Có người lại sử dụng trái cau già giả thật mịn rắc vào, lấy vải rịt lại. Bảo đảm hôm sau mở ra vết thương hoàn toàn lành miệng.

Trẻ em quê tôi không bao giờ tốn một viên thuốc xổ sán. Người ta lấy hột cau già sắc lấy nước cho uống. Không loại sán nào chịu nổi. Có lẽ nhờ vậy mà dù cơm thì “bữa sắn, bữa khoai” nhưng đứa nào cũng khỏe mạnh!

Lá cau sắc chung với võ cây núc nác là thuốc trị bệnh co giật cho trẻ em rất thần diệu. Chỉ cần uống vài ba thang là yên trí không bao giờ tái phát không cần gì thuốc hạ sốt, chống co giật!

Xác cau khô (phần võ của trái cau) được các thầy thuốc đông y gọi là phúc đại bì, vị thuốc rất hay cho những người bị phù thủng. 

Các bộ phận của cây cau còn chữa được nhiều bệnh khác như kiết lỵ, mụn nhọt, ăn không tiêu, đầy bụng… Bà nội tôi từng được mấy ông chú của tôi phong làm bác sĩ … cau vì bệnh gì cũng chữa bằng … cau!

Đặc biệt rễ cau, loại trồi lên mặt đất, nhất là những rễ ở phía mặt trời mọc lại là thuốc đặc dụng cho đàn ông… mà thiếu bản lĩnh đàn ông! Lúc nhỏ một lần tôi thấy ông bác thứ hai đến gặp cha tôi với vẻ mặt hết sức căng thẳng. Thấy hai người thầm thì với nhau điều gì đó có vẻ rất …bí mật, tôi lân la đến gần để nghe. Bị cha tôi đuổi đi nơi khác. Sau đó nghe cha tôi dặn: Rễ cau, rễ cau… loại nổi lên trên mặt đất… nhớ là về phía mặt trời mọc. Một lúc vẻ mặt bác tôi tươi hẳn lên. Hai anh em nhìn nhau cười ha hả. Sau này lớn lên tình cờ đọc sách tôi mới biết được chuyện bí mật của hai người ngày ấy nên đem kể cho mấy ông anh nghe. Cách đây mấy năm trong lần giỗ đầu của bác, mấy anh tôi đem chuyện này hỏi cha. Ông già đánh trống lảng bằng cách đập nhẹ cái quạt mo xuống bộ phản ngựa mấy cái rồi bảo: “Hơi mô mà nghe cái thằng tào lao nớ”!

Và những điều… lạ lẫm

Đối với chúng tôi, hương hoa cau chính là mùi hương của tuổi thơ và quá khứ. Hoa cau thoang thoảng, êm dịu chứ không ngạt ngào như hoa sầu đông hay hoa sữa. Vì ở trên cao nên hương hoa cau thường thoắt có thoắt không theo gió. Đôi khi đứng dưới gốc cau muốn tìm một chút hương lại không có nhưng ra xa hàng trăm mét, gặp một cơn gió mùi hoa cau lại xuất hiện, thoáng một cái chưa kịp thưởng thức đã bay mất.

Ngày nhỏ những buổi chiều bọn trẻ chúng tôi thường tụ tập ngồi dựa lưng vào gốc cau trong vườn, xoay theo chiều của nắng xiên khoai đọc say sưa mấy cuốn sách của Tự lực văn đoàn, đến độ quên cả trời nhá nhen và tiếng mẹ gọi về ăn cơm tối!

Còn vào những đêm trăng sáng, nửa đêm giật mình thức giấc vì âm thanh của gió nồm làm ngã cái nong phơi lúa xuống nền gạch. Nhìn ra ngoài sân, những bóng cau đang nhảy múa. Tôi giật mình tưởng như những cây cau cũng có linh hồn, đang đùa giỡn cùng ánh trăng!

Ngày trước, lương duyên thường được bắt đầu chỉ bằng việc “bỏ một nhánh cau, liễn trầu” mà ngày nay gọi là lễ thăm nhà, chạm ngõ … rất phức tạp và tốn kém. Những nhánh cau, liễn trầu đơn sơ ngày đó lại có khả năng giữ cho bao mối tình bền chặt đến tận… răng long đầu bạc!

Ngày cha tôi đi học xa, ông bà nội tôi đã sai người làm trèo cây cau ở gần giếng “tước” một buồng cau và hái mấy liễn trầu trên giàn đến nhà ông bà ngoại tôi để làm lễ “bỏ trầu cau” cho con trai, để gọi là “rào một nhành gai” cho chắc ăn. Bà nội tôi kể, lúc hai gia đình đang bàn chuyện “trăm năm” trong nhà thì ngoài sân mẹ tôi và mấy chị em vẫn đang chơi trò kéo… mo cau. Sau này đối với anh em tôi, cây cau bên giếng bỗng trở nên vô cùng … thiêng liêng!

Cau là cây có giá trị nhiều mặt. Nhà nào vườn hẹp thì ít nhất cũng trồng mươi cây, làm chói cho giàn trầu, làm cảnh cho lối dẫn từ ngõ vào nhà và cung cấp đủ trầu cau cho gia đình dùng nhất là trong các dịp lễ tết, cúng giỗ. Nhà nhiều đất có thể trồng cả rẫy, hàng trăm cây để bán, chế biến. Cau là loại cây lâu năm, không tốn nhiều đất, không bỏ công chăm sóc, trồng một lần có thể thu hoạch cả đời, có khi đời cha trồng, đời con vẫn được hưởng, lại là mặt hàng giao lưu trên thị trường, phục vụ cho xuất khẩu nên rất "kinh tế". 

Chuyện kể, vợ nhà văn Nhất Linh nhờ chuyện buôn cau khô với những Hoa kiều ở Hội An đã tìm lại “cố xứ” cho chồng. Không “ngoa ngôn” tí nào khi nói chính hạt cau khô lại là cái “duyên” để vợ chồng Nhất Linh về an nghỉ ở Hội An vào năm 2001, mảnh đất mà tổ tiên ông, đã chọn làm nơi “Tường phát địa” năm xưa.

Hương mùa cũ

Mùa cau bắt đầu từ khi cau ra hoa, vào khoảng tháng 3-4. Khi hoa cau “rụng trắng sân nhà” là lúc chuyển qua mùa trái.Từ trái non chuyển qua trái dầy phải mất gần 4-5 tháng. Cau dầy là cau đã đến thì, ruột cứng hơn và nhất là trăn cau đã đầy (trăn cau là mầm của cây cau sau này). Khi cau bắt đầu “dầy” vào tháng 9, mùa thu hoạch bắt đầu. Thu hoạch cau gắn liền với việc “xé cau”. Xé cau thường dùng để chỉ việc trèo cây cau hái quả cau xuống để làm cau khô hoặc bán tươi thành từng buồng. Đó là, động tác dùng “dao xếp” cắt vào hai bên buồng cau chỗ dính vào thân, sau đó dùng sức tách buồng cau khỏi thân cây và đưa xuống đất. Để xé cau, người ta phải dùng một dây nài tréo lại thành hình số 8 để leo cau. Bẻ xong buồng cau người ta dùng dây thả xuống sau đó “san” qua cây khác. “San” là chuyền từ cây này sang cây khác. Đây là cả một nghệ thuật. San cau tuy nguy hiểm nhưng lại rất thú vị và chỉ những người thành thạo mới thực hiện được. Trước hết, họ chọn hướng gió và nhún người tạo trớn để cây cau nghiêng về phía cây mới. Đến khi có thể thì hai tay chụp vào thân cây mới, hai chân nhanh chống rời cây cũ bám vào cây mới” (Phạm Úc-Từ chân núi Đá Tịnh, Nxb Văn Học, 2015).

Cau hái xuống được đưa vào lò, dùng “dao cau” róc lớp vỏ xanh bên ngoài sau đó “bửa” ra, tách riêng phần vỏ trắng đem phơi làm “cau xác”. Ruột cau được bửa làm 2 hoặc 4 đem vào lò sấy. Lò sấy chỉ là những tấm ví (cót) quấn tròn có nia đậy ở trên để giữ hơi nóng. Dưới là lửa than, trấu đun …để sấy cho khô. Cau sấy bằng lửa thì mới thơm ngon.

Cuối tháng 10, mùa cau chấm dứt, những tấm cót, sịa sấy cau nằm im trên giàn chờ mùa cau sang năm. Hột cau khô và cau xác được phân loại vô bao tời chờ thương lái đến mua hoặc mang ra Hội An bán. Ngày trước sau mùa cau, bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng được một tấm áo ấm chuẩn bị một mùa đông giá rét. Mùa cau vì vậy là mùa của ấm cúng!

*
* *

Ngày nay đồ nhựa, đồ điện tử đã thổi phăng những vật dụng làm bằng cau. Cũng không còn những người con gái “ăn trầu cắn chỉ” như xưa. Cau mất dần vị thế, mùa cau không còn. Chỉ còn là những hàng cau cảnh để gợi nhớ một thời. Mỗi lần dong ruổi trên đường quê, chợt thấy những hàng cau đang soi bóng, bỗng nhớ đến não lòng mùi hoa cau thoang thoảng dịu nhẹ, tiếng chổi cau rào rào trên nền gạch, bóng cau nhãy múa trên sân vào những đêm trăng sáng; thèm được một lần trở về khu vườn cũ ngồi đọc sách Tự lực văn đoàn dưới gốc cau khi nắng xiên khoai đang kéo bóng chiều dần về phía xa phai như một chiều xa lắc xa lơ thời trẻ dại!

Tháng Tư-Mùa cau

Tháng Tư, hạ rập rình trước ngõ
Em có về vườn cũ nhớ hoa cau
Có thấy quyển sách Tự lực văn đoàn
Anh bỏ quên ngày tuổi nhỏ
Có bông cau rụng trên nền cỏ
Thoảng chút hương chợt có chợt không
Quyển sách cũ chắc đã nhòa nét chữ
Trang cuối cùng có còn giữ tên ai!
Thời gian trôi, trôi mất những mùa phai
Trôi luôn cả những tháng ngày còn lại
Nên gom mùa đông và cả Giêng Hai
Gửi theo gió những mùa cau thuở trước
Anh một đời nổi trôi theo con nước
Chút buồn lên chút sầu xuống trơ lòng
Anh bây giờ già khú đê khú điếc
Làm sao về thương tiếc một mùa cau!
Lê Thí
lethitp@gmail.com


No comments: