Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 16, 2016

TRĂNG MUỘN - Cảm nhận của Nguyễn Đình Nguộc về bài thơ “Hẹn cùng trăng”





                TRĂNG MUỘN
                                 Cảm nhận bài thơ “Hẹn cùng trăng”

Hẹn cùng trăng” là một bài thơ tình viết theo thể tự do trong tập thơ “Con mắt lá” của nhà thơ Trần Thanh Xuân. Những câu thơ đầy tâm trạng đọc lên ta cảm thấy nỗi buồn man mát ở phần đầu nhưng cuối bài, cung bậc tình cảm bỗng thay đổi, niền vui đến bất ngờ. Bài thơ đa chiều, nhiều hình ảnh đẹp, có tính triết lý sâu sa, kén người đọc nên có thể một số bạn thơ cảm thấy không dễ hiểu.
Trong cuộc sống có những lúc ta cảm thấy nỗi buồn cô đơn chưa biết tỏ cùng ai, mong gặp được tri kỷ:
“Trốn nỗi buồn cô đơn/ Hẹn trăng đợi bên hồ/ Hẹn mây, hẹn gió đến làm thơ”
Rất may, những người có tâm hồn thi sĩ còn có điểm tựa là nàng thơ để trải lòng mình vơi đi nỗi buồn đơn lẻ. Trong cảnh đẹp bên hồ: liễu rủ, trăng thanh, gió mát, mây nước hữu tình tạo cảm hứng để thi nhân có những vần thơ ưng ý. Người ta thường gọi trăng là chị Hằng, là Hằng Nga... Tôi có cảm giác trăng sẽ là nhân vật chính của cuộc hẹn này vì vắng trăng sao ngắm được gió, mây? Và, phải chăng người thơ đang hẹn hò một bạn tâm tình để lòng bớt “cô đơn”? Nhưng:
“Gió, mây đúng hẹn, trăng không đến/ Chú Cuội ghen tuông /Phá rối cuộc đợi chờ!”
Như vậy, gió mây chỉ là ngoại cảnh làm nền cho cuộc hẹn hò; trăng mới là nhân vật chính! Vì vậy, khi trăng không đến người hẹn hò chẳng thể nào vui. Và bắt đầu suy diễn, trách cứ về sự “ghen tuông” của chú Cuội đã “phárối cuộc đợi chờ!”. Tác giả đưa nhân vật chú Cuội cũng có thể là chú Cuội chăn trâu trên mặt trăng như truyền thuyết dân gian... Nhưng người Việt ta thường có câu: nói dối như cuội. Kẻ ghen tuông, phá rối cuộc hẹn này tôi ngờ rằng lẽ nào lại là chú Cuội hiền lành đến nỗi: để trâu ăn lúa gọi cha ồi ồi như bài hát đồng dao... “Trăng không đến” bên hồ như đã hẹn vì một lý do nào đó cũng có nghĩa là cuộc  đợi chờ không còn ý nghĩa. Vắng trăng làm sao ngắm được mây, gió nô đùa, nhìn thấy được mặt hồ xanh muôn thuở? Những tưởng có trăng sẽ giải tỏa được nỗi buồn cô đơn. Nhưng vắng trăng sao có thể làm thơ... thi nhân thất vọng, nỗi buồn nhân đôi. Người “hẹn cùng trăng” khẳng định thủ phạm chính là chú Cuội vì ghen tuông đã “phá rối cuộc đợi chờ!” khi dùng dấu chấm than ở cuối khổ thơ. Mạch thơ lại tiếp tục:
“Thơ vắng trăng/ Thơ chỉ thơ một nửa,/ Gió lùa mây/ Tứ thơ đâu còn nữa!”
Thật vậy, trăng là hình tượng chính tạo nên cảm hứng thơ. “Vắng trăng”, chỉ còn lại nhà thơ thì sao có thơ “hẹn cùng trăng” được nữa. Bởi vậy “Thơ vắng trăng/ Thơ chỉ thơ một nửa”. Câu thơ hay, đầy triết lý làm lay động lòng người. Trong tình yêu cũng vậy... mỗi người là một nửa của nhau, là miếng ghép của tạo hóa tạo nên một chỉnh thể. Khi vắng một nửa của mình cảm thấy trống trải, hẫng hụt... “nỗi buồn cô đơn” lại nhân thêm. Đã vậy, nếu “Gió lùa mây” đi mất thì không còn gì để thành thơ nữa. Nhà thơ thất vọng vì cuộc “hẹn cùng trăng” đã không thành. Tây Hồ đêm không trăng... nỗi buồn cô đơn của người thơ càng tăng lên gấp bội tưởng như không thể chịu đựng hơn được nữa. Nỗi lòng này ai tỏ cùng ai?  “Cuộc đợi chờ” tưởng như tan biến... thì:
“Có ai ngờ rẽ liễu trăng lên/Gương trăng non vằng vặc vẻ thần tiên!”
Câu thơ như tiếng reo mừng nhưng được dấu kín trong lòng. Dẫu muộn... nhưng trăng đã đến nơi hò hẹn. Qua  nhành liễu rủ ven hồ người thơ đã thấy “gương trăng non”- gương mặt thân quen xuất hiện, niềm vui bất ngờ đến ngất ngây... ngỡ như ánh sáng của trăng rằm “vằng vặc”, đẹp như “thần tiên”. Khi đợi chờ đến mỏi mắt ngóng trông“có ai ngờ” trăng non đã xuất hiện. Cuộc đợi chờ tưởng như vô vọng đã thành hiện thực đến ngỡ ngàng... không tin ở mắt mình là thực hay là mơ nữa. Phải chăng người thơ vì“trốn nỗi buồn” mong gặp trăng để trải lòng nên đến sớm hơn thời gian hò hẹn? Bởi vậy, khi trăng đến người thơ đầy xúc động, đôi mắt hình như đã nhòe lệ:
“Ánh điện nhòe, hồ xanh run rẩy.../ Mắt đưa tình liễu mềm như muốn gẫy,/ Tóc trăng vờn.../  mơn gió ngẩn ngơ...”
Nhìn “ánh điện nhòe” đi, “hồ xanh run rẩy...” thể hiện tâm trạng xúc động dâng trào của người thơ khi gương mặt“trăng non” xuất hiện. “Hồ xanh run rẩy...” hay trái tim người thơ run rẩy? Mỗi khi diễn tả nỗi buồn, người ta thường dùng hình ảnh: liễu rủ bên hồ ngẩn ngơ. Mềm như nhành liễu... ấy vậy mà khi “mắt đưa tình liễu mềm như muốn gẫy” ta cảm thấy tình yêu nồng nàn, mãnh liệt đến dường nào? Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn... khi vui, khi buồn đôi mắt đều nói lên tất cả! Nhưng ánh “mắt đưa tình” thì chỉ có ở người đang yêu. “Như muốn gẫy” nghĩa là chưa gẫy. Mắt đưa tình đến liễu mềm cũng muốn gẫy thì thật là đa tình, đa cảm! Đọc những câu thơ trên, nhắm mắt lại tập trung suy nghĩ và liên tưởng: có ai nhìn thấy mắt của trăng đâu thì sao có thể “mắt đưa tình” được? Cả suối tóc của trăng vờn mơn man... đến gió cũng phải “ngẩn ngơ”. Tôi ngờ rằng “trăng non” phải là một cô gái đẹp, có duyên thầm... Có thế mới làm cho người thơ bồn chồn, không thể bình tĩnh được khi phải chờ đợi đến vậy. Trăng đến muộn phải chăng để thử thách tình cảm và sự kiên nhẫn của người thơ? Nếu đúng vậy thì tôi thương chú Cuội bị trách oan. Không biết rằng Cuội ghen hay ai đó ghen mà để bao trách giận của người thơ trút lên chú Cuội? Người ta nói khi yêu đến một ngưỡng nào đó thì bắt đầu ghen, chẳng biết có đúng không. Trước  vẻ đẹp như “thần tiên”của “trăng non” không ghen mới là chuyện lạ? Bài thơ tình kết có hậu. Tất cả cũng bởi vì trăng đến muộn.
Câu kết của bài thơ để chúng ta phải suy ngẫm: “Tiếng chim lạc đàn buông chấm lửng... vào thơ”. Chim lạc đàn là con chim cô đơn! Tiếng kêu gọi bầy lạc lõng giữa đêm thanh từng tiếng, từng tiếng một như dấu chấm lửng... thật não nề. Phải chăng con chim cũng muốn có bạn tình, muốn có đôi như bao con chim khác theo quy luật của tạo hóa? Và, thơ với thiên chức phản ánh tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người... không thể thờ ơ!
Bài thơ tình với nghệ thuật ẩn dụ đầy tâm trạng và lãng mạn; những hình ảnh đẹp, lựa chọn có chủ đích; kết cấu có thắt, có mở tạo tình huống kịch tính trong thơ; tác giả lại viết vào một đêm không trăng bên Tây Hồ lộng gió tạo cho bạn thơ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác... và hiểu rằng đó chỉ là... TRĂNG MUỘN.
                                                 
                                Hà nội, cuối thu 2015
                              Ts.Nguyễn Đình Nguộc

HẸN CÙNG TRĂNG

Trốn nỗi buồn cô đơn
Hẹn trăng đợi bên hồ
Hẹn mây, hẹn gió đến làm thơ,
Gió, mây đúng hẹn, trăng không đến
Chú Cuội ghen tuông
Phá rối cuộc đợi chờ!

Thơ vắng trăng
Thơ chỉ thơ một nửa,
Gió lùa mây
Tứ thơ đâu còn nữa!
Có ai ngờ rẽ liễu trăng lên
Gương trăng non vằng vặc vẻ thần tiên!
Ánh điện nhòe, hồ xanh run rẩy...
Mắt đưa tình liễu mềm như muốn gẫy,
Tóc trăng vờn...
                         mơn gió ngẩn ngơ...

Tiếng chim lạc đàn buông chấm lửng... vào thơ

                                    Trần Thanh Xuân
                 Tây Hồ, đêm không trăng 6/7/2013

No comments: