Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 14, 2016

ĐÔI MẮT VẦNG TRĂNG KHUYẾT - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa HuyềnTrân


 ĐÔI MẮT VẦNG TRĂNG KHUYẾT

Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


Dì tôi không có chồng. Là không có chứ không phải không lấy. Cũng bởi dì quá bận rộn với cuộc sống mà để thời thanh xuân trôi qua quá nhanh để rồi khi chợt nhận ra thì tóc dì đã điểm bạc, cái tuổi băm đã tới, đôi lúc ngồi tiêc nuối đưa tay với lấy thời gian nhưng thời gian cũng trôi qua kẻ tay mà bay đi mất. Dì cũng đẹp nhất nhì làng, cũng nhiều anh ngấp nghé nhưng cả chính dì cũng không hiểu tại sao dì không tìm được chàng nào dì ưng để mảnh tình vắt vai, cũng giống như thả một hạt cát ngoài đại dương rồi bắt người ta đi tìm lại. Dì yêu thương khó là vậy.
Nhà ngoại chỉ có dì và mẹ nên dì thương mẹ lắm, tôi lại là đứa cháu duy nhất nên dì càng yêu thương cưng chiều tôi gập bội, cái gì dì cũng dành phần cho tôi. Dì xem tôi như con vậy nên nhiều lúc tôi cũng gọi dì là mẹ chứ không còn gọi là dì như tôi vẫn hay gọi, những lúc ấy dì lại hấp háy cười, đôi mắt long lanh như những giọt sương. Dì tôi có đôi mắt khiến tôi không bao giờ quên. Có thể đó không phải là đôi mắt đẹp, cũng có thể đó không phải là đôi mắt buồn như lắm nàng thơ của các bậc thi nhân nhưng đó là đôi mắt tôi ấn tượng nhất. Đôi mắt nhỏ nhỏ luôn nheo nheo như đang cố gắng nhìn một cái gì đó thật chăm chú, và khi phát hiện thứ gì mà mình luôn yêu thương, trân trọng thì đôi mắt ấy sẽ có hình của vầng trăng khuyết. Cái vầng trăng ấy là gương mặt cười, nó chỉ xuất hiện khi dì muốn cổ vũ ai dó hay muốn nói với ai đó rằng dì đang ổn hoặc cố gắng lên, nói chung đó là đôi mắt của sự động viên, và cũng dường như đó là thứ duy nhất trên gương mặt của dì làm tôi nhói lòng mỗi khi nhìn thấy, bởi vì nó quá mạnh mẽ, hay nó chỉ đang tỏ ra là mình mạnh mẽ còn tất cả những thứ còn lại đều phảng phất tơ buồn.
Tôi thương dì lắm, thương bằng tình thương của một người con đối với một người mẹ, vì mẹ tôi cứ đi làm xa mãi, chỉ có mỗi dì luôn bên cạnh, thậm chí cả một thời gian rất dài chúng bạn ngây ngô cứ bảo dì là mẹ của tôi, và tôi cũng không chối bởi trong thâm tâm tôi, dì cũng như là người mẹ thứ hai của tôi vậy.
Dì có phận buồn, dường như từ bé dì đã quá quen với việc cầu toàn trong mọi thứ, ông bà ngoại khó nên gửi dì qua cho mấy chú bác trong họ nuôi. Từ bé dì đã phải luôn quá quen với công việc chịu đựng mọi thứ một mình bởi lẽ tính dì hay ngại, không thích nhờ vả, phần vì phận ở nhờ nên không dám đòi hỏi thiệt hơn trong bất kì điều gì, đôi lúc tôi nghe kể về dì trông dì giống một người ở hơn là một người thân, mà có lẽ bởi dì cứ nhận tất cả về phần mình nên dường như mọi thứ vất vả đều đổ lên vai dì. Có lẽ bởi dì sợ dì sẽ bị chối bỏ, sẽ bị bỏ rơi, nên dì dần dần trở thành hoàn hảo trong mọi thứ, tôi đã lớn lên trong sự chăm sóc của bàn tay hoàn hảo đó. Gọi dì là mẹ nhưng dì cũng chẳng hơn tôi bao nhiêu, đôi lúc dì trẻ con lắm, thế nhưng có lẽ quá vất vả mà dì luống hơn tôi rất nhiều, và có lẽ bởi thế dì làm tròn cả phận của một người chị trong tôi. Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn hay nhớ tới bát bánh đa dì bán đầu làng, lúc nào tôi đi học về cũng ngang qua ghé húp xì xụp, dì lúc nào cũng bỏ phần tôi thật nhiều riêu để rồi mấy đứa bạn ganh thì tôi lại tự hào nói “mẹ hai của tao đấy”, những lúc ấy dì cười thật tươi vuốt vuốt mái tóc tôi, còn tôi thì mãi nhặt những hạt lạc còn sót lại trên cái mâm dì cắt bánh. Tôi không thể quên những lúc dì đang gặt lúc dưới cánh đồng, tấm mạng che gần hết mặt, chỉ chừa có đôi mắt xanh trong biêng biếc, đôi mắt ấy có hình vầng trăng khuyết mỗi khi tôi tung tăng chân sáo đi ngang qua gọi to “dì ơi” và dì ngẩng lên cười khiến cái mạng phập phồng. Tôi ít khi thấy dì khóc. Chỉ có một lần ông mất dì đã nấc không nên lời, rồi uât nghẹn khóc trên vai mẹ, dì nấc rồi đôi mắt rướm lệ đỏ hoe, nhưng khi thấy tôi dì lại cười ngay để giọt nước mắt bị đôi mắt vầng trăng ép lại rơi xuống dưới môi rồi dì nuốt lấy. Kể từ đấy tôi mới biết dì cũng yếu đuối. Dần lớn lên, tôi học trường làng, cách xa nhà hàng cây số, dì lại lặn lội chở tôi đi học mỗi ngày, cái ngày bỡ ngỡ bước vào cổng trường, còn sợ, tôi quay lại thấy dì vẫn đứng đó nơi công trường, cái quai nón che mất làm tôi không biết dì có cười không, chỉ thấy đôi mắt sáng trong đang ngả hình trăng, đôi mắt ấy làm tôi biết dù tôi có đi đến phương trời nào cũng có dì bên cạnh. Rồi khi dì quay đi, tôi chạy vội theo, dáng di lầm lũi làm tôi thấy thương vô cùng. Những buôi tối về lúc nào tôi cũng thấy bát chè sen dì phần cho tôi, đêm khuya khi tôi ngồi học dì lại chong đèn trứng ở sát bên mà vá áo. Tôi cứ hay trách dì bật điện lên cho sáng sủa chứ mắt mũi kèm nhèm rồi thì dì chỉ cười “để cho mày có cái tiền mà học, dì mày chẳng chóng thì chầy cũng xong cái áo”, tôi lại rưng rưng quay vội đi chẳng nói. Tôi lên phổ thông thì mẹ theo ba đi xuất khẩu lao động, nhà chỉ còn 2 dì cháu, dì ăn ít hơn nữa, hay bệnh hay ho, nhưng mỗi lần tôi hỏi thăm thì dì lại cứ gạt đi rồi mang đôi mắt vầng trăng ấy quắc lên trông rất dữ. Nhiều đêm tôi chong đèn ngồi học trong màn thấy dì ho rất dội nhưng chỉ cần tôi nhìn thì luôn thấy đôi mắt ấy nhìn tôi quá đỗi dìu dàng. Cứ mỗi lần nhìn sang cho tới khi tôi tắt đèn tôi đều biết có người dõi theo xem tôi đã ngủ chưa, tự nhiên tôi bớt cô đơn hẳn.
Rồi tôi lên phố, đại học đưa tôi đến những nơi xa, ngày đưa tôi ra bến trông dì như thêm tuổi, tôi biết dì buồn, kéo theo những tràng ho là lời dặn dò đù thứ cứ như tôi còn bé lắm, lên xe rồi tay dì còn vẫy, tôi nhìn đôi mắt của dì, ánh mắt cười nào biết đâu lần cuối tôi được thấy, tôi ra đi với những lời hứa hẹn sẽ quay về… Rồi cuộc sống hào nhoáng nơi phố thị cuốn lấy tôi, chưa cái tết nào trong suốt 2 năm đầu đại học tôi về thăm, dẫu dì không ngớt gửi thư thương nhớ.. Những lần đầu tôi cũng viết lại, năng lắm, rồi việc học, và cuộc sống bận rộn vây quanh tôi nên dần thư cũng thưa đi, tôi lại học xa, biếng về,
Và, dì mất đột ngột ở tuổi 50, vì bệnh phổi, hậu quả của dầm nước làm việc đêm ngày. Khi nhận được thư mẹ, tôi bàng hoàng, không tin, vội bắt xe về ngay bỏ cả tiết học. Dì nằm đó, lặng yên không nói… Những lúc ăn cơm, những lúc dì cháu chạy trên cánh đồng thả diều, những lúc dì bấm chân vào bùn lội qua những nơi nước sâu chở tôi di học, những lúc dì vá áo bên bàn học và cả lúc dì vẫy tay tiễn tôi đi… Tôi lại nhìn gương mặt dì lần cuối, gọi “mẹ ơi” nhưng dì không dậy nữa. Đôi mắt kia đã khép lại rồi. Đôi mắt ấy không còn nhìn tôi cười như muốn nói “mạnh mẽ lên con” nữa….




Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân.
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Email cá nhân : phongtruongtu201@gmail.com



No comments: