Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 15, 2022

NĂM THÁNG NGÀY XƯA... - Thy Lệ Trang

Tác giả Thy Lệ Trang

 

NĂM THÁNG NGÀY XƯA...

Hồi ký

Thy Lệ Trang

 

Sau khi dọn nhà về Biên Hòa, việc đầu tiên là ba xin cho tôi đi học.  Từ nhà tôi đến trường tiểu học Tân Thành khoảng hai cây số.  Ba dẫn tôi đi bộ để tôi có thể nhớ đường về nhà một mình.  Thời đó nhà cử̉a thưa thớt - xa xa mới có một căn nhà, vẫn còn một ít nhà lợp mái tranh, vách đất.  Hai bên đường là những luống mạ trải dài như tấm thảm màu xanh xinh xắn. Không khí thật bình an, trong lành.  Ba rất thích phong thổ nơi này và tuyên bố sẽ ở đây cho tới ngày nhấm mắt.  Thày Hiệu trưởng Huỳnh văn Rao tiếp ba và tôi tại lớp hai trong giờ dạy học - vì thày vừa là Hiệu trưởng vừa là thày giáo.  Ba xin cho tôi vào lớp hai .

 

Vì công việc làm ăn thất bại, ba phải bán nhà ở Sài Gòn và đưa gia đình về Vĩnh Long theo lời mời của một người bạn. Nhưng chỉ được vài tháng cho là không thích hợp, ba lại đưa cả nhà về Sài Gòn.  Sau đó ba nghe lời bác tôi đi về Biên Hòa.  Di chuyển nhiều lần như thế nên sự học của tôi bị gián đoạn.  Tôi chưa học hết lớp một.  Tuy nhiên, nhờ học ở nhà nên tôi biết đọc và làm toán rất giỏi.  Ba trình bày với thày Hiệu trưởng và khoe thêm về tôi:  "Con bé còn thuộc làu thơ bà Huyện Thanh Quan nữa đấy." Thày nhìn tôi cười.  Thật lạ, lúc này tôi không cảm thấy nhút nhát mà còn dạn dĩ hơn bình thường.  Tôi đã đọc một đoạn văn thật rõ ràng và làm vài bài toán theo yêu cầu của thày.  "Khá lắm." Thày nhận tôi vào lớp hai.  Ba chờ tôi vào chỗ ngồi và yên chí tôi không khóc, ba mới ra về.  Lúc này tôi mới nhận thấy cả lớp đang nhìn tôi.  Chắc lúc đó mặt tôi trông rất ngố.  Dảy bàn con trai yên lặng, chỉ nghe tiếng xầm xì phía bên con gái, nhất là lúc thày xoay lưng viết bài trên bảng - tiếng xầm xì càng rõ hơn: "Con nhỏ này Bắc Kỳ tụi bay ơi", "Con nhỏ Bắc Kỳ mỏ chu",  "Con nhỏ tóc quăn dễ ghét "... Trước ngày tôi về BH, người chị con bác tôi - chủ một tiệm uốn tóc ở đường Gia Long  Sài Gòn đã uốn cho tôi một kiểu tóc mà chị cho là mốt mới nhất: tóc quăn xuăn tít vào nhau.  Tôi thường hay dang nắng nên da tôi đen sậm hơn.  Mẹ gọi tôi là "Chà Và con".   Ở đây những đứa con gái trạc tuổi tôi chỉ để tóc dài kẹp lại hoặc cắt bum bê.  Đến giờ ra chơi, tôi đứng sớ rớ trước cửa lớp nhìn các bạn vui đùa với nhau mà thèm.  Một nhỏ học chung dáng to lớn giống Tây lai có đôi mắt rất đẹp lân la làm quen với tôi.  Tôi chưa kịp trả lời thì có hai đứa khác đã đẩy nó ra và lớn tiếng trêu chọc: "Ê, bộ mày đi Tây Ninh bỏ dấu nặng hả?"  Từ nhỏ tôi chỉ sống quanh quẩn với mẹ và anh chị em trong nhà -chúng tôi rất hòa thuận, chưa nặng lời với nhau bao giờ nên tôi không hiểu những câu "móc lò" hay "chửi xỏ".  Sau này tôi mới hiểu đi Tây Ninh bỏ dấu nặng là “nịnh”.  Không phải trong lớp ai cũng xấu với tôi, chỉ có một số thôi, nhưng vì bọn này "dữ như chằn" nên các bạn khác không dám trái ý. Mỗi lần đi ngang tôi, bọn chúng hay làm dấu "lêu lêu" tôi: "Bắc Kỳ con, bỏ trong lon, kêu bon bon, bỏ trong đít, kêu chít chít" và “uốn tóc quăn như con chó xù xách bóp đầm không có đồng xu".  Tôi không biết trả lời thế nào nên chỉ lặng im.  Không có bạn, tôi chăm chú vào việc học hơn.  Tôi lắng nghe thày giảng bài và thường hay xung phong trả lời.  Thày rất vừa lòng.  Tuần lễ đầu, ba còn đi đón -sau đó ba cảm thấy yên tâm nên  để tôi về nhà một mình.  Mấy đứa "dữ như chằn" cùng đường về với tôi.  Tôi không ngờ chúng đã sắp đặt sẵn kế hoạch "đánh cho bỏ ghét'".  Còn một đoạn ngắn nữa là tôi về đến nhà, tụi nó khoảng năm đứa giả vờ xô đẩy nhau để đụng vào người tôi.  Một đứa tên út Tám chỉ vào tôi nói to: "Ê tụi bây, mấy hôm trước tao nghe con nhỏ này nó "buồn cười" ha...ha... đã buồn sao cười được ... tức cười qúa ha...ha... Tự dưng tôi cũng vọt miệng phản pháo lại: "Còn mày thì sao đã "tức" sao còn "cười" được?".  Con nhỏ tên Lắm dường như chỉ huy bọn này đã chỉ định một đứa khác: "Nhào vô đánh nó đi Phượng, bộ mày ngán nó hả, có gì tụi tao giúp cho."  Con nhỏ tên Phượng cao hơn tôi, tóc dài cột đuôi ngựa chạy lại định ôm vật tôi xuống.  Bất ngờ và nhanh trí, tôi nắm đuôi tóc nó siết mạnh. Tuy ốm yếu nhưng tôi nắm bằng hai tay và quay một vòng làm nó siểng niểng.  Mấy đứa ở ngoài quăng cặp định nhào vô.  Thật may, một chú nông dân dắt bò ngang qua: "Ê mấy đứa tụi bay con cái nhà ai tan trường chưa chiụ về nhà mà còn bày đặt đánh lộn, học lớp nào vậy để tao mét lại thày Rao".  Nghe chú la lớn, tụi con  Lắm chạy mất.  Tôi được yên thân về nhà. Tôi không kể lại cho ba mẹ hay vì tôi biết ba thương tôi và nóng tánh, ba sẽ mét thày và ba mẹ chúng.  Tôi không muốn bị chúng gọi là "con Bắc Kỳ nhỏng nhẽo".  Sáng hôm sau, tôi vào lớp học như thường lệ.  Trong đầu tôi dự định tới giờ ra chơi tôi sẽ trình bày tất cả sự việc cho thày biết.  Bọn con Lắm và út Tám nhìn tôi bằng đuôi mắt.  Bất ngờ thày gọi tôi lên bảng.  Chẳng lẽ thày biết mọi chuyên rồi sao? Nhưng mà không, khuôn mặt thày tươi cười, hân hoan lắm.  Chuyện gì đây?  Tôi lên bục gỗ mà lòng nghe hồi hộp.  Thày đưa một tấm giấy màu đỏ cho tôi, tôi liếc nhìn - tờ bảng khen tên tôi được viết thật to và thật đẹp.  Nước mắt viền quanh mi tôi.  Thày đặt tay lên đầu tôi vỗ nhẹ :-"Trò rất xứng đáng được bảng khen này."  Nói xong thày đưa những bài tập tôi làm giơ cao cho các bạn xem - bài nào cũng điểm cao cả.  Lúc này cả lớp nhìn tôi tỏ vẻ thán phục Từ đó có nhiều bạn đến làm thân với tôi, tụi nó không còn sợ áp lực của bọn con Lắm và út Tám nữa.  Vài ngày sau, bọn con Lắm và út Tám rủ tôi tham dự những trò chơi chung với chúng.  Thời con nít thật hồn nhiên, vô tư.  Những trò chơi con gái làm chúng tôi gần gũi nhau hơn.  Đánh đũa, nhảy dây, lò cò, chơi u, chơi hấp... trò chơi nào tôi cũng có mặt.  Năm lớp hai của tôi từ từ trôi qua ... thật êm đềm...

       

          Lên lớp Ba, thày hiệu trưởng vẫn là thày giáo phụ trách lớp tôi.  Cũng từng đó khuôn mặt quen thuộc của lớp Hai.  Cũng hai dãy bàn, một bên con trai, một bên con gái.  Có điều bọn chúng tôi già dặn hơn.  Tôi có thêm cô bạn mới Trần thị Châu Châu ở trên xóm tôi, mỗi sáng chúng tôi thường gặp nhau trên đường đến trường.  Châu trạc cỡ tôi, hình như tròn trịa hơn một chút.  Nhỏ có nụ cười tươi và đôi mắt to.  Tôi để ý đến Châu vì nhỏ ôm cặp táp giống tôi.  Nói là cặp táp chứ thật sự chỉ là cái vỏ bọc ngoài của cái Radio Nhật Bản, tôi thấy xinh xắn nên dùng đựng sách vở.  Những ngày vào Đông không khí se lạnh.Trên đường đến trường, tôi thích nghe mùi rơm và lá khô đốt từ vài nhà bên vệ đường.  Mùi khói tỏa lên cao nghe thật ấm áp, dễ chịu.  Con đường dài vừa đủ cho bọn tôi nhâm nhi củ khoai hay trái bắp.  Ở trường làng, con gái học giỏi và mang tên đẹp hơn con trai.  Thường là con gái mang tên các loài hoa hay các loại ngọc đá qúy, trái lại tên con trai được đặt theo thứ tự trong gia đình là nhiều: Hai, Tư, Năm, Mười... hoặc quá bình dân như Soài, Thôi... Tân Thành là vùng phần đông dân cư sống bằng nghề làm ruộng và đập đá, có một số ít người Hoa mở các cửa hàng buôn bán.  Trong lớp tôi có một số bạn vừa đi học vừa phụ gia đình - nhất là con trai; phụ đập đá, chăn bò, cắt cỏ và những việc lặt vặt nơi đồng áng.  Vì vậy, các bạn ấy không có nhiều thời giờ học bài.  Thày Rao rất nghiêm khắc.  Nhiều lần không thuộc bài thày sẽ lấy thước khẻ vào tay thật mạnh.  Mắt thày "lé" nên thày hay đeo kính đen. Học trò rất sợ thày vì không biết thày đang để ý đứa nào.  Khi vừa ý, thày cười ha hả rất vui vẻ.  Những khi thày cười gằn trong cổ họng thì hãy coi chừng, sẽ có một tên học trò nghịch ngợm bị trừng phạt!  Tôi chưa bao giờ thấy thày cô nào có nét chữ đẹp như thày Rao.  Lối viết vừa đậm vừa lợt, vừa bay bướm như “rồng bay phượng múa”.  Không những thày nắn nót trên những Bảng Khen, Bảng Danh Dự mà ngay viết trên bảng cũng vậy, lúc nào cũng cầu kỳ, sắc sảo.  Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất trong năm học này là những ngày lễ có hát Bội ở chùa Long Ẩn.  Trước ngày lễ đã thấy nhộn nhịp, rộn ràng.  Loa phóng thanh  thông báo từ làng trên xóm dưới.  Từ lớp học nhìn ra ngoài, tôi có thể nhìn thấy cảnh tấp nập hai bên đường, xe cộ nhiều hơn, người đi qua lại cũng nhiều hơn.  Ai ai cũng nôn nao đón chờ ngày vui sắp đến.  Chùa Long Ẩn với tôi không xa lạ gì.  Tôi thường theo mẹ đến chùa trong những ngày rằm.  Trong lúc mẹ và các bác lớn tuổi quỳ trên chánh điện, tôi mon men theo các bạn cùng trang lứa xuống nhà bếp.  Ở đây có một tấm ván bằng gõ thật to, thường dùng làm bàn ăn khi có lễ lớn.  Chung quanh tường có treo những tấm hình Hồi dương chánh quả.  Lối vẽ thật sống động về sự trừng phạt của chín tầng địa ngục làm tôi vừa sợ, vừa thích thú.Tội nói láo sẽ bị cắt lưỡi, tội có chồng còn lấy trai bị cưa hai nấu dầu,  tội buôn bán gian lận... tội giết người... tội nào cũng bị hình phạt xứng đáng.  Ngoài xem những hình ảnh trên, bọn con nít chúng tôi thích tụ tập ở nhà bếp vì lý do đơn giản: được ăn.  Các dì, cô nấu bếp sau khi sắp xếp chè xôi lên bàn Phật, phần còn lại phân phát cho bọn tôi; dù là chè cháy hay xôi cháy lúc nào ăn cũng thơm ngon, đậm đà.  Những ngày lễ ở chùa Long Ẩn không phải chỉ dành riêng cho xã Tân Thành mà hầu như cho thành phố Biên Hòa và các vùng lân cận.  Hát Bội được hát hai xuất: xuất trưa và xuất tối.  Việc này làm ảnh hưởng không ít cho lợ́p học của tôi. Một số trốn học, một số đi học trễ, một số vào lớp ngủ gà, ngủ gật.  Dĩ nhiên thày Hiệu trưởng không vui.  Lúc này ba là hương chức, hương làng gì đó trong xã nên ba thường có mặt ở chùa.  Tôi và thằng em út thường theo ba xem hát vào những ngày nghỉ.  Những tuồng tích cổ xưa chúng tôi đã nghe ba kể cho mẹ mỗi ngày nên đã thuộc lòng.  Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi xem các đào, kép diễn trên sân khấu.  Tôi đặc biệt thích cô đào chánh, vai nào cô đóng cũng xuất sắc.  Khi đóng vai Phàn Lê Huê hay Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, trông cô thật oai phong, đôi mắt sáng long lanh trông thật có hồn.  Nhất là lúc cô đi bằng hai đầu gối, mọi người đều vổ tay khen thưởng.  Khi đóng vai Hàn Tố Mai hay Bàng Qúy Phi, chao ơi cô đẹp quá, đẹp từ ánh mắt đến nụ cười.  Cô làm nhà vua điêu đứng và làm tôi cũng ngẩn ngơ.  Trong khi các bà cụ và các dì đứng tuổi ngồi phía trước tôi nguyền rủa cho cô chết đi, còn tôi mong cô đừng chết để vở tuồng được kéo dài thêm.  Những ngày lễ vui tươi rồi cũng qua mau. Đời sống dân làng trở lại bình thường, lớp chúng tôi cũng vậy.  Nhưng thày Rao không quên những tên học trò ham vui bỏ học.  Khoảng năm tên được gọi lên bảng, mặt tên nào cũng xanh xao vì thiếu ngủ. "Đêm qua các trò xem tuồng gì?".   Thày cười gằn trong cổ họng.  Câu hỏi lập lại hai lần mới được cả bọn lí nhí trả lời: "Dạ tuồng Ngũ Long Công chúa.” Đang cười, thày đổi sang sắc mặt giận dữ: "Ngũ long Công chúa, Ngũ hổ trùm mền ... ngủ luôn tới sáng… nè ...”.  Thày dơ thước lên cao đánh cho mỗi tên vào lòng bàn tay thật mạnh.   Đau qúa, tên nào cũng rơm rớm nước mắt, xoa tay vào mông cho đỡ đau.  Đám con gái chúng tôi nhìn nhau rụt đầu, le lưỡi...

 

 

          Lên lớp nhì, chúng tôi có cô giáo mới - cô Võ Thị Lành.  Cô thật xinh xắn, dễ thương.  Trên khuôn mặt đầy đặn phúc hậu luôn điểm nụ cười dịu dàng.  Từ lâu chúng tôi chỉ học với thày Hiệu Trưởng - người nổi tiếng nghiêm nghị, khô khan.  Bây giờ cô đến tạo một bầu không khí thật mới mẻ, sinh động.  Có nhiều khác lạ trong việc giảng dạy.   Không giống như các thày cô khác mỗi sáng chỉ chọn một vài học trò lên bảng trả bài.  Với cô Lành, chúng tôi phải trả bài mỗi ngày.  Không phải trả bài với cô mà trả bài cho người bạn ngồi bên cạnh. Tùy theo mức độ thuộc bài, chúng tôi được phép đánh dấu trên bài học a, b hay c.  Buổi sáng lớp học thật rộn ràng, tiếng trả bài xôn xao... Cô khoanh tay đi vòng quanh kiểm soát.

          Bọn con gái lớp tôi vẫn học xuất sắc hơn con trai.  Những khuôn mặt học giỏi, siêng năng tiêu biểu như Trần Thị Ngọc, Trần Thị Châu, Đặng Nhựt Hưng, Mai Hữu Huệ... Bọn con trai học dở hơn, nhất là môn luận văn thật dở tệ.  Có tên đã chép bài mẫu tả con chó để tả bà ngoại của mình: "Vì sợ trộm đạo nên nhà em có nuôi một bà ngoại."  Vì vậy cô Lành đặc biệt quan tâm đến bọn con trai. Cô khuyến khích nâng đỡ các bạn nhiều hơn.  Thật tinh tế, cô để ý có một bạn lúc nào cũng mặc chiếc áo sơ mi trắng sờn vai, cũ kỷ.  Cô mua chiếc áo mới tặng cho bạn.  Tuy nhiên cũng có bạn thật lì lợm, hỗn hào.  Một lần, qúa tức giận cô đã dùng thước khẻ vào tay một tên.  Đối với thày Rao đó là chuyện bình thường, nhưng với cô đó là điều đau khổ nhất, cô đã ôm mặt khóc nức nở.  Cuối cùng bạn ấy đã biết lỗi và xin lỗi cô.  Tôi thích nhất giờ đọc sách, kể truyện.  Cô có những cuốn sách bìa cứng màu sắc và hình ảnh thật đẹp.  Giọng cô nhẹ nhàng ... đưa hồn tôi vào thế giới thần tiên... Ở đó có những nàng công chúa mắt to, tung tăng chạy đuổi theo qủa banh và có những chàng hoàng tử đẹp trai, uy nghi trên lưng con bạch mã...  Cô đã cho lớp tôi nhiều kỷ niệm khó quên.  Buổi đi chơi trên núi Bửu Long, lần đầu tiên tôi và các bạn tung tăng ngoài trời, được ngồi trên Hàm Hổ, Hàm Rồng.  Cô đã chỉ cho chúng tôi pha màu những chiếc lá để lưu niệm.  Theo lời cô chỉ dẩn, tôi đã lấy lá cây mảng cầu xiêm ngâm vào bùn.  Khỏang hơn một tuần sau lấy ra, lá cây chỉ còn những gân lá giống như một mạng lưới mong manh, đem nhúng vào mực xanh, tím hay đỏ trông thật đẹp.  Tôi thích màu lá đỏ, dưới ánh nắng mặt trời màu đỏ lóng lánh vô cùng.  Năm học lớp Nhì thật thoải mái dễ chiụ.  Vừa học, vừa chơi, không phải lo nghĩ đến việc thi cử. Cuối tuần, tôi dẫn em trai tôi đi xem hát ở rạp Biên Hùng.  Tôi có rất nhiều Bảng Danh Dự.  Để khuyến khích học sinh giỏi, rạp hát Biên Hùng đã nhận bảng Danh dự thay vé hát.  Khi vào xem, người soát vé chỉ cắt một góc nhỏ và trả lại BDD để học sinh giữ làm lưu niệm. Vào mùa hè, tôi thường đến nhà cô bạn trưởng lớp Trần Thị Ngọc chơi. Ngọc lớn hơn tôi khoảng hai tuổi, ốm và cao.  Tôi không thua Ngọc về việc học chỉ thua bạn về sự ngăn nắp, cẩn thận.  Sách vở của Ngọc lúc nào cũng thẳng tắp, sạch sẽ.  Bìa bao và nhãn tên đàng hoàng.  Ở bên trong lúc nào cũng có sẵn hai tờ giấy chậm.  Nhà Ngọc xây theo lối xưa nên nền nhà thật cao, thật kiên cố.  Vườn nhà Ngọc thật rộng có trồng nhiều loại cây ăn trái.  Vườn nhà tôi nhỏ chỉ có một vài cây xoài, bưởi, mãng cầu xiêm, mận và cây cóc.  Còn vườn nhà Ngọc có thêm các loại trái cây hấp dẩn hơn như chôm chôm, vú sữa, dâu  và sa-bô-chê.  Vú sữa nhà Ngọc trái tuy nhỏ nhưng mỏng vỏ và rất ngọt.  Ngọc rất lanh lợi, tháo vát.  Cây vú sữa cao thật cao, có những  trái tận trên ngọn, Ngọc có thể khéo léo đưa chiếc lồng lên và hái xuống.  Tôi đã cố gắng thử nhiều lần mà vẫn không làm được.  Trái cây nhiều, nhà Ngọc lại ít người nên Ngọc thường đem trái cây ra chợ Biên Hòa bán, Ngọc thích rủ tôi theo.  Theo Ngọc, có hai địa điểm bán tốt nhất: trước cửa tiệm vàng Kim Châu và cửa hàng bán xe đạp Đông Hưng.  Tôi vốn ít nói, không lanh lẹ mời mọc khách hàng như Ngọc nên chỉ giúp bạn tính tiền và thu tiền.  Bán xong chúng tôi kéo nhau đi ăn hàng.  Cả hai đứa có chung một món khoái khẩu - món cá chiên của chú người Tàu có chiếc xe bán ở góc cửa tiệm vàng Kim Châu.  Miếng cá nhỏ khoảng bằng hai ngón tay ướp với bột chiên vàng, chấm một chút tương ớt thật ngon, còn có thêm một chén súp nhỏ thật béo.  Trước khi đi, mẹ đã cho tôi vài đồng nhưng Ngọc không để tôi trả tiền.  Nhỏ vổ tay vào túi tiền bên hông: "Đừng lo, tao có nhiều tiền ..." Cũng có đôi lần bán chậm, nhưng Ngọc cũng biết khéo léo xoay sở nhỏ giảm giá và nài ép những người quen mua dùm, ai cũng cho là Ngọc có duyên bán hàng.  Lúc đầu được tin cô Lành sẽ tiếp tục dạy lớp tôi năm lớp nhất, nhưng cuối cùng cô được lệnh đổi về trường Nguyễn Du.  Ngày chia tay thật buồn.  Cô và học trò đều khóc.  Tôi chỉ còn một điều an ủi: cô về Nguyễn Du dạy lớp em tôi, tôi sẽ có dịp gặp lại cô.  Cô Đổ Thị Ba thay thế cô Lành.  Cô cũng hiền diụ, nhẹ nhàng.  Tóc cô dài chấm vai, thỉnh thoảng cô thắt một bím tóc để qua một bên trông thật duyên dáng.  Niên khóa này lớp tôi có một bạn từ Nguyễn Du đổi về: Trần Văn Ba.  Lần đầu tiên lớp tôi có một bạn trai học giỏi.  Có nhiều nhỏ xầm xì: "Tên này học giỏi vì học lớp nhất hai năm liền."  Tôi chỉ chú ý một điều bạn ấy viết chữ thật đẹp, nét chữ thật lạ, thật hay.  Vì tò mò, tôi đã quan sát và nhận thấy ngòi viết tre của bạn rất đặc biệt. Thì ra bạn đã khéo léo cắt ngang đầu ngòi viết một chút, khi viết chữ có nét đậm, nét lợt như những chấm phá của họa sĩ. Năm lớp nhất là năm học quan trọng.  Cô giáo chú tâm hơn và học trò chuyên cần hơn.  Tuy nhiên, vào dịp những lễ lớn, cô Ba cũng cho lớp tôi được trình diễn văn nghệ.  Giọng hát nổi tiếng nhất là Nguyễn Thị Hòa - giống như tên gọi Hòa - rất nhu mì, hiền lành.  Hòa hát bài Cánh thiệp đầu Xuân rất hay.  Tôi và nhỏ Châu cũng tham gia văn nghệ nhiệt tình.  Ở nhà, chị Mai tôi hay hát nên tôi cũng bắt chước theo ...Những bài Sương lạnh chiều Đông, Bóng nhỏ đường chiều, Về đâu mái tóc người thương, Ngày em hai mươi tuổi ... tôi đều thuộc nằm lòng.  Nhỏ Châu cũng được chị Mai hướng dẩn hát bài Em không buồn nữa chị ơi, bài hát này hạp với nhỏ nên khi trình diễn cũng được bạn bè ái mộ.  Không hiểu tại sao tôi lại chọn bài Ngày em hai mươi tuổi.  Vừa nghe tên bản nhạc, cô Ba đã bật cười ... cả lớp cũng cười theo.  Kể từ ngày đó tên tôi gắn liền với tên bản nhạc. (Năm 2005, trước khi đi dự đại hội trường Ngô Quyền, nhỏ Hồng có gọi cho Châu ở San Jose: "Kỳ này có Cúc đi nữa. Cúc học chung với mày ở trường Tân Thành mày nhớ không?" Châu ̣đã ròn rã trả lời: "Sao không nhớ, Cúc ngày em hai mươi tuổi đó mà …”)

 

          Vì là năm thi, nhất là thi tuyển vào đệ Thất nên tôi bỏ nhiều thú vui riêng để gạo bài.  Ba mua cho tôi quyển 366 bài toán đố và một luyện thi luận văn.  Nhân đọc báo tôi thấy bảng quảng cáo  lớp luyện thi đệ Thất ở trường Khiết Tâm, tôi xin ba đi học.  Lớp học vào ban đêm.  Tôi không dám đi xe đạp nên đi học bằng xe lam.  Lớp học thật đông, toàn là dân thành phố.  Có hai thày phụ trách.  Thày Kỳ dạy môn Toán và thày Chấn (?) dạy môn văn.  Tôi ngồi bàn cuối cùng, cô bạn gần bên là Bùi Thị Duyên -chính là Duyên của Thà như giọt mưa... về sau này.  Không khí lớp học thật sôi nổi hào hứng -chúng tôi thi đua nhau học tập.  Một lần bị cúp điện, lớp học phải dùng đèn cầy.  Chẳng hiểu hôm đó tôi loay hoay thế nào mà để lửa cháy xém một ít tóc phía trước, may là không bị phỏng.  Đôi khi đi học về không có xe lam, tôi phải đi bộ về nhà.  Sợ nhất là đi ngang nghĩa địa của người Tiều Châu.  Vừa ̣đi tôi vừa khấn Phật Bà Quan Âm.  Không ngờ lớp luyện thi cũng được tổ chức thật xôm tụ, khi mãn khóa có thi đàng hoàng và có lễ phát phần  thưởng.  Một bạn trai được xếp hạng nhất, tôi hạng nhì và Duyên hạng ba.  Ngày phát phần thưởng có chương trình văn nghệ.  Một bạn trong đám con trai đã hát bài vọng cổ nổi tiếng của nghệ sĩ Út trà Ôn ..."Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài... ngờ đâu giếng cạn, tôi tiếc hoài sợi dây ...".  Duyên hát bài Giấc ngủ cô đơn; giọng Duyên thật trầm ấm, truyền cảm.  Sau cùng là lễ phát phần thưởng.  Duyên và tôi - hai con bé Bắc kỳ nho nhỏ - Duyên nói giọng  Bắc còn tôi nói giọng Nam - khệ nệ ôm phần thưởng cao nghều về nhà.  Năm học này tôi vui nhất vì được hai phần thưởng ...

 

          Đã bao mùa Xuân trôi qua ... có nhiều  biến chuyển trong cuộc đời... Ba tôi và thày Rao đã yên lành nơi cõi vĩnh hằng.  Tôi vẫn không quên những lần thày đến nhà tôi, ba và thày đứng cạnh hồ cá trước sân nhà.  Cả hai nói về chuyện thời sự và về việc học của tôi.  Thày luôn luôn quan tâm ... Nếu tôi chăm chỉ hơn một chút, bớt ham chơi một chút ... như thày luôn nhắc nhở... có lẽ cuộc đời tôi sáng lạn hơn chăng?   Đôi khi tôi cảm thấy tiếc nuối ... Khi cô Lành đổi về trường Nguyễn Du, năm đầu tiên tôi vẫn  còn đến thăm cô ... Nhưng sau đó, tôi mất liên lạc với cô vì cô chuyển đi hay vì tôi mải mê ham chơi mà không nhớ đến ???  Bây giờ mỗi lần Thu về, nhìn màu lá đỏ, tôi vẫn nghe xôn xao, bùi ngùi.  Tôi nhớ chiếc lá đỏ năm xưa và ao ước gặp lại cô dù chỉ một lần.    Ba ở Oregon, cách đây vài tháng cô có gọi cho tôi, giọng cô vẫn dịu dàng, đằm thắm như thủa nào.  Nhắc về tôi, cô vẫn không quên con bé với chiếc áo trắng cúp tay và cái đầu luôn "bù xù tóc rối" - biểu hiệu của một thi si ̃- cô vừa nói vừa cười.  Tôi hình dung nụ cười nửa miệng của cô và chiếc bím tóc để một bên vai của cô thật dễ thương.  Dù bao nhiêu năm chưa gặp, tôi vẫn nghĩ cô không già vì cô sống giản dị, ăn chay và đọc kinh Phật.  Một điều mất mát luôn làm tôi băn khoăn, muộn phiền: Tình bạn của tôi và Ngọc đã chấm dứt khi tôi thi đậu vào Ngô Quyền.  Ngọc nghỉ học và tránh gặp mặt tôi.  Cả hai lúc đó còn nhỏ nên không có những suy nghĩ chín chắn để tìm đến nhau hàn gắn lại những ̣đổ vở.  Vài năm gần đây, khi nghe tin Ngọc mất ở quê nhà, lòng tôi rất buồn.  Tôi vẫn nhớ những lần theo bạn ra chợ Biên Hòa, nhớ chiếc xe bán cá chiên của chú người Tàu mà cả hai đều ưa thích.  Ôi, tất cả chỉ còn là kỷ niệm ... Trong giấc ngủ, tôi thường mơ về thời tuổi nhỏ... về ngôi trường làng ... Tôi thấy ba dẫn tôi đến trường ... Khung cảnh xung quanh vẫn êm ̣đềm ... hòa bình như thủa nào.  Tôi thấy ngôi chùa Long ̉Ẩn với những ngày lễ hội tưng bừng... với nụ cười và ánh mắt của cô Bàng Qúy Phi một thời làm tôi ngơ ngẩn.  Trong tiềm thức, tôi nghe văng vẳng tiếng chuông chùa và giọng ngâm nga của ba một bài thơ của Hồ Dzếnh mà ba từng yêu thích:

..........................................................

Chỉ nghe thiếu vắng trong hồn

Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ

Chân đi đếm tiếng chuông chùa

Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về

 

THY LỆ TRANG

MASSACHUSETTS







No comments: