Nguyễn Đặng Mừng
NHỊP ĐỜI BUỒN VUI
-
Cách đây mươi năm
tôi đi học khiêu vũ. Thời đó dân miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp mà đi học
nhảy là chuyện lạ. Bạn bè, nhất là các
bà thường xì xào dị nghị, xem như hư
hỏng tới nới rồi. Vậy là tôi dấu bạn bè đi học khiêu vũ một mình. Tưởng dễ, ngờ
đâu phải khổ luyện gần một năm mới dám vào vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ
. Khác với lúc học có hàng có lối, tiến
lùi phải trái đồng đều, vào vũ trường mỗi cặp nhảy mỗi kiểu, dìu không vững là
dẫm đạp lên chân người ta như chơi. Những ngày đầu tôi không dám mời ai, chỉ
ngồi một mình ở góc khuất nhìn thiên hạ nhảy. Rồi cũng quen dần, vài tháng sau
tôi đã có nhiều bạn nhảy. Với quy luật nam thiếu nữ thừa, kép nào cũng
đi với đào ruột, tôi độc thân, nghiễm nhiên trở thành của hiếm của quý cô quý
bà.
Vậy là một ngày một cữ, sáng chiều hoặc tối ở các câu lạc bộ
khiêu vũ tôi luôn có mặt. Gọi là câu lạc bộ nhưng cách trang trí, từ đèn màu
đến âm nhạc không khác gì vũ trường là mấy, chỉ không có cave. Có lần được mời đi vũ trường, mấy em cave
nhảy lộn tùng phèo, họ ôm nhiều hơn là nhảy. Với người mê khiêu vũ tốt nhất là
đến các câu lạc bộ, ở đó có nhiều bạn nhảy giỏi và cùng đam mê như mình.
Như thường lệ, tôi ngồi quan sát xem cô, bà nào giỏi mới mời, nhảy với người mới học chán
lắm, chỉ trông mau hết bản nhạc. Một
hôm, nhạc trỗi bài rumba, thay vì tôi
phải đi mời bạn nhảy thì có một em lại gần đưa tay: “Mời anh”. Đó là một cô mình
dây, mặc đầm dài quý phái. Tôi vịn tay cô em đứng lên điệu nghệ. Với kinh
nghiệm mấy tháng dìu đào, tôi nhẹ nhàng đi bước căn bản rồi nâng cao từ từ. Đào
thường bối rối những bước đầu, khi đã quen rồi hãy “ phăng”, từ đơn giản đến phức tạp. Muốn lấy lòng đào
hãy nhẹ nhàng, có dự lệnh động lệnh hẳn hoi như cơ bản thao diễn trong quân đội
vậy. Muốn đưa về hướng nào phải có dấu hiệu bằng tay trước một chút…Đào thường
thích những kép có bàn tay điều khiển chuẩn mực, đôi chân chỉ cần bước đúng là
được. Tự nhiên tôi nhớ câu: “Lấy chồng
thì phải theo chồng, chồng đi đường rắn đường rồng phải theo”, quan trọng là
“chồng” phải vẽ đường cho tử tế, thật
thà, điệu đàng.
Nhạc rumba nhẹ nhàng lãng mạn đủ chúng tôi tâm sự. Tôi nói
nhỏ vào tai nàng, “anh đi vậy được không, em học tới lớp mấy rồi”. Nàng bảo: “Anh cứ tự nhiên, tôi sẽ cố gắng”. Đúng
một tua nhạc tôi không rời nàng. Từ cha cha cha, đến tango nàng nhảy không chê
vào đâu được. Đôi mắt nàng không có tuổi, tôi không biết tên nàng, thầm gọi là em Mắt Nai, tên tôi tự đặt tự biết. Mắt Nai buồn
vợi khi rumba, sôi nỗi nhí nhảnh, lúng liếng khi cha cha cha, bebop, nghiêm
trang quý phái khi khi boston, valse,
lắc đầu dứt khoát khi tango… Chưa bao giờ tôi phấn khích với khiêu vũ như thế
này. Xong bản tango cuối cùng tôi chào nàng lịch sự điệu nghệ như kiểu chia tay một buổi dạ hội ở châu Âu,
nàng cũng đáp lại lịch sự không kém.
Mắt Nai đi ba buổi
đều đặn trong tuần, thứ hai, tư và sáu. Có điều tôi thắc mắc là không biết nàng
đi bằng lối nào. Có hôm, tôi đi sớm để canh nhưng vẫn không gặp nàng, thế mà
nhạc vừa trỗi pasodoble là Mắt Nai xuất hiện ngay: đầm dài, giày cao gót, mời
tôi. Một hôm, tôi phát hiện nàng từ sau quầy đi ra. Có người bảo: Những quý bà
dấu các quý ông, thường giả vờ mặc đồ bộ
đi chợ, đến vũ trường, áo quần, giày đã
được gửi sẵn ở đó. Biết vậy tôi không thắc mắc nữa.
Ba tháng đẹp trời, tôi như được bay bổng với những vũ điệu
cổ điển. Từ sôi nổi bốc lửa như cha cha cha, bebop, Samba, lãng mạn tình cảm
như boston, rumba đến những vòng xoay choáng ngợp của valse, góc cạnh dứt khoát
của tango… Đêm ngủ cứ trông trời mau sáng, chạy một vòng giao công việc cho các
cộng sự xong, chín giờ là đến câu lạc bộ. Từ khi gặp Mắt Nai tôi ít nhảy với
ai, bỏ luôn những buổi nàng không đến.
Sáng thứ hai như thường lệ tôi đến câu lạc bộ, chọn đúng chỗ
tôi thường ngồi đợi nàng. Chờ đến gần hết buổi vẫn không thấy nàng đâu. Tôi ra
về đêm đó không ngủ được. Đến thứ tư rồi thứ sáu nàng cũng bặt tăm. Thời đó
chưa có điện thoại di động, tôi băn khoăn không biết cách nào gặp được nàng.
Một hôm ngồi buồn nhìn thiên hạ nhảy, uống tới chai bia thứ năm, trong tiếng
nhạc lúc dặt dìu lúc sôi nổi, loáng thoáng những bóng người ôm cuốn nhau tình
tứ, nhiệt thành, tôi nhớ nàng da diết. Xong buổi khiêu vũ người ta về hết, tôi
vẫn ngồi. Nàng lại xuất hiện, bảo: “Anh vẫn đi nhảy thường xuyên đấy chứ”. Như
bắt được vàng, tôi cầm chặt tay nàng, run run nói: “Sao cả tuần nay cô không
tới đây?” Nàng nhẹ nhàng, “Thôi mình
kiếm quán cà phê, tôi có chuyện cần nói với cậu”. Sao nàng gọi mình bằng cậu,
tôi hoang mang đi theo nàng.
Nàng chạy trước, tôi rà xe theo. Nàng tấp vào một quán cà
phê yên tĩnh, dựng xe, mời tôi vào. Buổi trưa vắng khách, yên ắng như giữa hai
bản nhạc, sắp bùng nổ một giai điệu. Lần đầu tôi nhìn nàng dưới ánh sáng thật:
Nàng gọi tôi bằng cậu là đúng, nàng khoảng bốn mươi tuổi, hơn tôi năm tuổi, chỉ
có đôi mắt là Nai. Nàng mang tang màu đen nhỏ ở ngực áo sơ mi trắng, cương nghị
và buồn buồn, nhìn tôi: “Cậu này, cậu
nhảy còn kém lắm, nhưng có hồn. Văn , Thơ, Nhạc cũng cần có hồn, không phải
biết nhiều hay biết ít. Chồng tôi vừa mất, anh ấy là nhà thơ, một nhà thơ không
bắt kịp nhịp điệu, hơi thở tình đời thật
và giả. Cậu hiểu chứ, cậu em. Chồng tôi rất ghét khiêu vũ”. Tôi nhìn chị, ngơ ngác
không hiểu gì. Chị nghiêm mặt: “Hãy sống chân thật, đừng dối trá, cậu em ! Nhảy
cũng thế… Đời cũng thế, uống bia ôm còn tệ gấp trăm lần… nhảy đầm. Ông nào cũng
ngại khiêu vũ, còn nhậu với gái thì…” Chị hớp một ngụm nước, thở dài: “Cậu em
này, con chim con cá khi yêu nhau nó
cũng nhảy, cậu thấy không. Người Gialai, ÊĐê cũng biết nhảy, cậu thấy không.
Chỉ có người Kinh, người Kinh Việt Nam là… chưa bao giờ được nhảy… vô tư. Nhảy
cũng như thơ”. Chị buồn, nhìn tôi, bắt và chia tay. “Tạm biệt cậu, tôi nghỉ
nhảy một thời gian như đã hứa với chính mình, chào cậu”.
Hơn mười lăm năm tôi không có dịp khiêu vũ, một phần do công
chuyện, phần khác là không tìm được ai hơn NÀNG. Bao nhiêu bận bịu của đời, cơm
áo và tình cảm, cả lời dị nghị nữa, tôi đành quên niềm vui khiêu vũ.
Mấy năm lại đây, đọc báo thấy có Khiêu Vũ Dưỡng Sinh. Vui quá mà cũng buồn
quá. Vợ ơi, ta, chúng ta đã đánh mất cả một khoảng đời rồi, đã đến tuổi cần
khiêu vũ dưỡng sinh rồi.
Vợ tôi giờ mê khiêu vũ hơn chồng, dù ngày xưa tôi năn nỉ
cũng không chịu đi nhảy, sợ người ta đồn trưởng giả học làm sang.
Nhảy phòng lạnh chán, một hôm vợ bảo: “Công viên nhảy vui hơn”. Thế là vợ nói
chồng nghe, cùng nhau đến công viên.
Một nữ vũ sư, mình
dây, đầm dài, sôi nỗi nhí nhảnh, cầm micro hát và nhảy: “Mắt nai ơi xin đừng đi
nhé em…”. (*) Nhìn tấm lưng mềm như…
thơ, tôi biết là ai rồi. “Dù cho ngày tháng qua đi, qua những phong ba, tôi vẫn
còn ngồi mãi nơi này…”
Tôi nói với vợ, mệt quá rồi, em ơi, trễ quá rồi. Về đi.
* Mắt nai cha cha cha, NS Sĩ Luân.
NĐM
Đã đăng trên Báo Nhịp Cầu Đầu Tư.
Trích từ
NHỊP ĐỜI BUỒN VUI,
Tập tản văn của Nguyễn Đặng Mừng,
NXB Hội Nhà Văn, 2011.
Tác giả gởi tặng.
No comments:
Post a Comment