Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 17, 2015

BÁT SỮA CỦA CHÓ - Truyện ngắn của Nguyễn Bá Trình


Tác giả Nguyễn Bá Trình


Truyện ngắn của Nguyễn Bá Trình

BÁT SỮA CỦA CHÓ


Trong dịp nghỉ lễ vừa rồi, vợ chồng người con trai của tôi cùng hai đứa cháu đi nghỉ mát ở đảo Phú quốc. Lúc về nó mang theo một con chó đen tuyền, loài chó đặc biệt ở Phú quốc. Trên gáy có một cái xoáy tròn và một cái bờm lông dựng đứng chạy dọc trên lưng. Loài chó nầy không to con nhưng người ta bảo nó rất khôn. Khẩu phần dành cho con chó hằng ngày không thua gì khẩu phần của một người trong nhà, dù lượng thức ăn có ít hơn. Một ít thịt bò, một ít rau xào và một chút cơm. Mỗi lần đứa cháu mang thức ăn cho con chó, trong lòng tôi lại có một chút áy náy. Thay vì nuôi một con chó như thế nó có thể nuôi một đứa bé. Tất nhiên là đứa bé  của gia đình tương đối khá giả. Chứ những gia đình nghèo khó làm gì mà có thịt bò xào với bắp cải! Có lẽ do cuộc sống của bản thân mình vất vả khó khăn quá nên thường hay cảm thông cho những số phận khó khăn, dù cái cảm thông đó cũng chỉ là tấm lòng thôi. Tôi chưa giúp đỡ hay san sẻ với ai được cái gì trong những khó khăn của những cuộc sống quanh tôi. Bởi một lẽ đơn giản: Chính tôi cũng khó khăn. Cái khó khăn của tôi thì nói không rồi. Nó bám riết tôi từ ngày mới sinh ra.Tôi sinh năm Ất dậu, năm đó có hai triệu người Việt Nam chết đói. Cha mẹ tôi hồi đó cũng chỉ là nông dân, nhưng không biết bằng cách nào đã nuôi nổi bốn anh em chúng tôi, dù thiếu ăn nhưng không có ai bị chết đói. Đó là điều thật vĩ đại của cha mẹ đối với tôi.  Những năm sau đó, tuổi thơ tôi cùng với quê hương làng mạc chìm trong khói lửa chiến tranh chống Pháp. Cha tôi theo Việt Minh. Mẹ tôi ở nhà nuôi bốn đứa con. Sự vất vả của mẹ tôi cũng thuộc loại không bút mực nào tả hết. Mẹ tôi kể lại, trong mỗi bửa ăn có đến năm miệng ăn mà chỉ có chưa đầy  nừa lon gạo. Nửa lon gạo nấu cháo với một nồi rau và củ khoai lang. Vậy là trong mỗi khẩu phần anh em chúng tôi mỗi người được hai tô cháo. Chủ yếu là rau, còn cơm thì chắc cũng được vài ba muỗng canh, dính vào các cọng rau. Hết chiến tranh chống Pháp lại chiến tranh chống Mỹ. Cha mẹ tôi qua đời tự thân tôi phải bươn chải với cuộc sống từ những ngày còn học trung học. Lập gia đình, vợ chồng tôi phải lo xoay xở nuôi nấng con cái cho nên người. Bây giờ thì chúng đã thành đạt và tóc mình cũng vừa bạc. Tôi không biết mùi cà phê, thuốc lá hay rượu bia. Vì hồi còn trẻ, tôi không có tiền và cũng không có thời gian giao lưu với bạn bè, giờ thì lớn rồi cũng không tập tành những thứ đó làm gì nữa. Dù vậy cũng chẳng có gì phải hối tiếc. Sau nầy mỗi lần thấy con cái ăn tiêu phung phí, tôi thường đem chuyện tuổi trẻ của mình  kể cho con cái nghe. Nhưng chúng cười: Chuyện cách đây đã nửa thế kỷ ba còn nhắc làm chi. Bây giờ đất nước giàu có thì cuộc sống của mọi người cũng phải sung sướng chứ. Đúng là thế. Nhưng bây giờ có phải ai cũng đang sung sướng cả đâu. Cho dù giờ nầy không còn  ai ăn cháo rau khoai nữa, nhưng sự thiếu thốn không phải đã chấm dứt trên đất nước mình.  Vừa rồi tôi đọc tờ báo do con đem về, trong đó đăng cảnh cả ngàn người dân lao động đứng chen chúc nhau dưới nắng trưa để được nhận một bữa ăn từ thiện do mông công ty nào đó phân phát! Còn bao nhiêu cảnh cơ cực khác mình làm sao thấu hết. Tôi nói dông dài về điều nầy bởi khẩu phần của con chó mà đứa con trai mới mang về. Đó là chưa nói con chó nó mua với giá sáu triệu nữa đấy! Nếu nó chưa mua thì tôi có thể can nhưng nó đã mua về rồi thì phải nuôi, biết làm sao được.
 Sáng nay con chó lại không chịu ăn. Vợ nó lo lắng, pha sữa nhưng nó cũng không  uống. Cuối cùng thằng con trai phải dùng ống tiêm bơm sữa vào miệng cho nó.
Hai vợ chồng nó đi làm đến chiều tối mới về. Vợ tôi thì bận về thăm bên ngoại của bà cùng đứa con gái. Tôi lại phải canh  giữ nhà. Nếu có vợ tôi ở nhà hôm đó thì sự việc đáng tiếc đã không xẩy ra. Bà vốn là người thực tế và chu đáo. Tính đàn bà thường là vậy. Nội tướng mà. Không thực tế và không chu đáo thì làm sao giữ được giềng mối gia đình.
 Cả nhà đi hết vậy là tôi phải làm cái công việc săn sóc con chó thay cho con trai.
 Đến bữa trưa, tôi pha một bát sửa chuẩn bị lấy ống tiêm bơm vào miệng con chó thì một bà ăn xin bồng theo đứa con đứng ngoài cổng ngửa tay vào xin. Tôi dừng công việc cho chó uống sữa bước ra cổng. Một thiếu phụ do ăn mặc nhếch nhác nên tôi không đoán được tuổi, nhưng cũng áng chừng chưa tới bốn mươi. Khuôn mặt còn khá trẻ của người đàn bà nói lên một điều là nếu bà ta được sửa soạn như những người đàn bà có điều kiện khác, thì đấy cũng là một thiếu phụ có nhan sắc mặn mà, chưa dễ nhiều người đàn bà khác có được. Người đàn bà ẳm trên tay đứa bé gầy tong teo. Đứa bé cũng chừng khoảng ba tuổi hoặc ít hơn.  Nó  mặc chiếc áo ba lỗ vàng xỉn, rộng tuyềnh bày rõ những lóng xương sườn. Đầu đứa bé to hơn bình thường so với cái thân còm cõi và tay chân khẳng khiu của nó.
-Ông có gì ăn, cho cháu xin một ít cho đứa con của cháu.
Người đàn bà mở miệng xin.
Tôi nhìn hai mẹ con người đàn bà ăn xin một lượt để xem lời xin ăn của người đàn bà có đúng với thực tế của đứa con bà ta ẳm trên tay không. Với thân hình của chú bé như thế nầy thì chẳng ai có thể hóa trang ra được. Và có lẽ thiếu phụ  cũng đang đói nữa, nhưng bà ta lại không xin cho mình. Tôi nói:
-Được rồi chị vào đây tôi lấy một ít thức ăn cho cháu.
-Dạ cảm ơn ông.
 Người đàn bà đặt đứa con nằm xuống thềm. Tôi hỏi:
-Chị có cái gì đựng thức ăn không?
-Dạ có.
Người đàn bà lục trong chiếc bao vải lấy ra một cái tô.
-Có cái nào lớn hơn nữa không? Thôi được rồi. Chị đứng đây đợi tôi một lát.
-Xin lỗi, ông có thể cho cháu đi toa let một chút được không.
Tôi nhìn người đàn bà, đắn đo một lát rồi nhìn đứa trẻ nằm quắt queo trên hè, tôi nói:
-Được rồi chị theo tôi.
Tôi đi vào bếp và chỉ tay sang hướng trái nói:
-Toa lét phía ấy.
Chờ người đàn bà khuất theo hướng rẽ trái, tôi đến bếp lấy thức ăn. Lấy một cái túi nilon,  tôi chọn các thức ăn bỏ vào. Nghĩ đến thằng bé, tôi đến mở  tủ lạnh lấy cho nó hai gói sữa tươi. Tôi buộc túi nilon lại và để hai gói sữa ra bên ngoài định bảo chị ta cho nó uống ngay bây giờ. Không biết cái công việc nầy tôi làm lâu mau, nhưng khi xong rồi tôi phải đợi chị ta vài phút nữa. Có lẽ chị ta còn tranh thủ rửa ráy. Và đúng như vậy, khi chị ta trở lại thì khuôn mặt còn ướt át. Chứng tỏ chị ta vừa rửa mặt xong.
-Xin lỗi ông, cháu rửa ráy hơi lâu, bắt ông phải đợi.
-Không sao. Đây, gói thức ăn nầy chị mang về mà dùng, còn hai hộp nữa nầy chị cho cháu uống một hộp, cất một hộp để dành cho nó.
-Dạ mẹ con cháu cảm ơn ông nhiều lắm.
Có lẽ đi xin lâu ngày nên trông chị ta cũng có vẻ miệng mồm chứ không nhút nhát vụng về trong cách ăn nói.
Khi trở ra thì đứa bé đã nằm ngủ bên bát sữa mà tôi chưa kịp dùng ống tiêm bơm vào miệng con chó. Nhưng bát sữa đã hết sạch. Tôi cũng mừng. Vậy là sáng nay con chó đã uống được sữa rồi.  Khỏi phải mất công. Tôi nhắc người đàn bà:
-Chị cho cháu uống một hộp sữa đi cho nó đỡ đói.
-Dạ thôi để lát nữa cháu uống cũng được. Ngồi đây lâu phiền ông.
Tôi định ra mở cửa thì nhớ lại mình chưa cho bà ta đồng nào. Tôi móc trong túi lấy ra tờ giấy bạc năm ngàn đưa cho người đàn bà ăn xin:
-Tôi không có nhiều, chị cầm đỡ mấy ngàn nầy mà tiêu.
Người đàn bà cảm ơn rối rít rồi bồng con chào từ giã tôi.
Tôi khóa cổng trở vào định lấy cái tô đựng sữa đem đi rửa, chợt nhận ra một điều: Con chó tôi đã xích lại bằng một dây xích ngắn chưa đầy một mét thì  làm sao nó có thể lết đến tô sữa đặt cách xa nó phải đến gần hai mét để uống? Vậy là đứa bé đã uống hết tô sữa chứ không phải con chó! Thôi thế cũng tốt. Sữa nầy cũng đã được xử dụng đúng phép vệ sinh. Sữa thì tiệt trùng còn cái tô thì đã được rửa xà bong và phơi khô thật kỹ trước khi cho chó uống. Bởi theo thằng con trai, loài chó nầy từ vùng đất mặn đem về đây thay đổi môi trường nó dễ bị bệnh đường ruột. Nên những ngày đầu vấn đề ăn uống của nó phải rất cẩn thận. Có điều là tôi phải chịu khó thêm một chút, pha lại tô sữa khác để bơm vào miệng cho con chó.

Gần tối, hai vợ chồng đứa con trai đi làm về. Mới bước vào nhà thằng con trai đã hỏi, con chó ngày nay có uống sữa được không. Nhiều hay ít. Tôi trả lời cho nó yên tâm:
-Tốt, cũng gần hết tô.
-Nó tự uống hay ba phải bơm?
-Phải bơm vào miệng, nó chưa tự uống được.
-Dạ cũng phải vài ngày, ba chịu khó săn sóc nó một chút.
Trong lúc nó bơm sữa cho con chó uống, tôi kể chuyện hai mẹ con người ăn xin lúc chiều cho nó nghe. Ý cũng muốn nhắc nhở nó, trong xã hội còn có nhiều hoàn cảnh bi đát lắm. Nhất là trẻ con, vẫn còn nhiều đứa trẻ đói ăn, thiếu mặc. Tôi kể lại hình thù ốm đói quá thương tâm của đứa trẻ, con của bà ăn xin lúc chiều. Và cũng kể chuyện đứa bé đã uống hết phần sữa của con chó và sau đó nó ngủ một giấc ngon lành.
-Vậy thì ba phải pha sữa  lại à?
 -Cũng phải vậy thôi.
-Mà sao ba lại cho bà ta vào nhà? May mà không có chuyện gì xẩy ra. Con dặn rồi. Vợ chồng con đi làm khỏi thì ở nhà ba khóa chặt cửa lại. Ai có hỏi gì thì đứng ở bên trong mà  trả lời người ta. Chỉ trừ nhân viên điện nước đến  kiểm tra đồng hồ thì phải mở cho người ta vào thôi. Tuyệt đối ba không cho ai được vào nhà. Một mình ba ở nhà mà để người lạ mặt vào thì nguy hiểm lắm. Ba đọc báo cũng đã thấy nhiều trường hợp kẻ gian tìm cách để được vào nhà. Thấy chỉ có người già một mình là nó sẽ ra tay sát hại để cướp của. Chuyện ấy xẩy ra như cơm bữa, ba không sợ sao?
-TRường hợp thanh niên hay người khỏe mạnh xin vào nhà thì mình đề phòng. Đằng nầy là người đàn bà ốm yếu lại mang một đứa con đói khát nữa thì có gì mà sợ. Người đàn bà thì có thể đóng vai người ăn xin, còn không ai có thể ngụy trang đứa con khỏe mạnh của mình thành một đứa bé ốm đói được, con à. Nếu với ai mình cũng nghi ngờ cả thì bỏ rơi những trường hợp như thế cũng tội. Nhất là trẻ con. Con thấy không. Có cho bà ta vào nhà mình đứa trẻ mới có một tô sữa để uống đấy.
-Trời! Ba biết không, đứa trẻ ấy có thể không phải con của bà ta đâu?
-Vậy thì con ai thiếu đói mà bà ta đi xin để nuôi cũng tốt thôi.
-Được vậy thì quá tốt, nói làm gì. Nhưng không phải như ba nghĩ. Có thể bà ta bắt cóc con  ai đó rồi giam cho nó đói để đưa đi ăn xin. Vì nếu còn trẻ như bà ta  mà đi ăn xin thì có ai cho? Ba biết không, có nhiều người bắt cóc con người ta về rồi cho uống thuốc ngủ.  Để nó ngủ mê rồi vác đi xin ăn. Bởi không làm vậy thì nó khóc ré lên đòi về với mẹ, làm sao mà xin ăn.
-Trời đất! Thật tình ba không nghĩ ra được những điều như vậy. Nhưng nếu biết mà nhẫn tâm không cho con bà ta một cái gì  thì tội cho đứa bé quá. Mà cho bà ta thì mình lại vô tình tiếp tay cho âm mưu thâm độc. Lòng người quá sâu hiểm. Cũng may sáng nay không có chuyện gì xẩy ra.
Hai cha con đang nói chuyện thì chợt nghe trong phòng ngủ của hai vợ chồng đứa con trai tiếng con dâu la lên thảng thốt:
-Trời ơi!  Chết rồi. Ví tiền tôi để trong phòng ngủ ai lấy mất mà để cái ví không lại như thế nầy trời!
Chết cha! Kiểu nầy là mình đã mắc lừa con mẹ ăn xin rồi. Tôi nghĩ trong bụng vậy.
Đứa con dâu từ trong phòng chạy ra hớt hải hỏi tôi:
-Sáng nay có ai vào nhà mình không ba?
Cũng chẳng còn cách nào khác hơn, tôi đem chuyện người đàn bà ăn xin vào toa let kể cho con dâu nghe và nói:
-Ngoài con mẹ ấy ra thì chẳng còn ai vào nữa.
Trước vẻ mặt đau khổ của người con dâu tôi ân hận vô cùng. Tôi hỏi:
-Mất bao nhiêu tiền vậy con?
-Toàn bộ lương tháng nầy của con.
-Lảnh lương về sao con không cất vào trong tủ?
-Con định mang theo sáng nay mua một ít đồ dùng, nhưng lúc ra đi lại quên khấy nó ở giường. Xui sao vậy chứ.
Người con dâu quay sang nói với tôi:
-Con đã bao nhiêu lần dặn ba rồi. Không cho bất kỳ ai lạ mặt vào nhà. Vậy mà sao ba lại để cho con mẹ đó vào nhà. Kiểu nầy thì chết mất. Không biết nó có lấy cái gì trong nhà nữa không đây.

 Nói cho đúng, cũng chính vì đứa bé tôi mới mở cửa. Cũng có ý là để nó vào nghỉ một lát cho mát, rồi cho nó ăn một thứ gì. Nếu chỉ một mình mẹ nó thì đời nào tôi  mở cửa. Mà chưa chắc tôi đã cho một xu nào. Bà ta còn trẻ, còn đủ sức lao động kiếm ăn\, mắc mớ gì phải cho. Có lẽ biết thế  nên bà ta đã âm mưu mang theo đứa trẻ. Thật là khôn ngoan và nham hiểm! Tôi nói với người con dâu:
-Ba xin lỗi mấy con, thực tình ba cũng nhớ mấy đứa bây dặn. Nhưng nhìn thằng bé tội nghiệp quá mà cầm lòng không được.
Con trai tôi nói:
-Thôi việc đã xẩy ra rồi, tiền đã mất, có nói cũng chẳng lấy lại được. Thật ra lỗi nầy cũng không phải do ba. Nhưng thương người hại mình là như vậy đó. Rút kinh nghiệm thôi.
Người con dâu vẫn tỏ ra bức xúc vì số tiền mất quá lớn, nó nói:
-Con dặn ba lần nữa, ngoài đường có ai chết cũng mặc họ. Nhất định ba đừng ra mở cửa.

                                                          *
Sáng nay hai vợ chồng đứa con trai đi làm, tôi cẩn thận ra khóa cửa. Trong đầu tôi cứ vang lên lời dặn của người con dâu:
-Ngoài đường có ai chết cũng đừng ra mở cửa.

Con người ta sống với nhau, chẳng lẽ đã đến lúc như vậy rồi sao!       

                                                             NBT

No comments: