Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 13, 2014

GIẢI MÃ CHỮ VẠN TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO - Lê Hoàng


Thường mỗi lúc chúng ta đi lễ chùa hay lúc có các ngày hội lớn của Phật giáo, chúng ta thường thấy, ngoài cờ Phật giáo ngũ sắc còn có hình tượng của chư vị Phật, Bồ tát v.v…Trong những hình tượng đó, chúng ta vẫn thấy có những ký hiệu, hình thể biểu tượng nhiều vấn đề khác nhau. Chữ VẠN trong Phật giáo, như chúng ta thường thấy, cũng là một trong những biểu tượng của Phật giáo.



Chữ Vạn thuộc trong phần kinh điển bí truyền của Phật giáo.  Gọi nôm na là “thuộc giáo lý bí truyền”. Nói đến giáo lý bí truyền, chúng ta phải nghĩ ngay đến Phật giáo Mật Tông.

Khái niệm về Mật giáo: Vì sao phái này có danh xưng là “Bí mật Phật giáo”, lược gọi là Mật giáo? Có những lý do như sau:
  
Vị giáo chủ của tông phái này không phải là đức Phật Thích Ca, như một số người lầm tưỏng, mà chính là pháp thân của đức Thích Tôn, tự là đức Đại Nhật Như Lai, hay còn gọi theo Phạn âm là Đại Tỳ Lô Giá Na Phật. Nhưng Đại Nhật Như Lai hay Đại Tỳ Lô Giá Na Phật (Mahavairocana) là vị nào? Các tông phái Đại thừa hay Mật giáo đã giải thích rằng Phật có đến 3 thân: Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Thân.



1/ Pháp Thân Phật: Theo tiếng Phạn: Varocana Buddha. Thường đuợc dịch là Đại Nhật Như Lai; biểu tượng nhân cách cho Pháp Thân của chân lý, vốn sáng rực rỡ như mặt trời giữa hư không bao la. Ngài ngự ở thế giới Hoa Tạng Trang Nghiêm (Kusumatala, Garba, Vyuhalamkara, Lokadhatu), thế giới được kết dệt bằng một ngàn cánh hoa sen. Trong truyền thống Đại Thừa, những kinh điển siêu việt tri kiến như Hoa Nghiêm (Avatamkara), Phạm Võng (Brahmajaqla) đều do ngài giảng thuyết. Chỉ có bậc đại Bồ Tát mới nghe và thấy đức Phật, hiện thân của chân lý này. Quốc độ của ngài đuợc gọi là: Thường Tịch Quang Tịnh Độ.

Mặt khác, Pháp Thân còn là tự thể của hết thảy chư Phật và chúng sanh, do Pháp Thân mà các pháp có thể xuất hiện. Không Pháp Thân, sẽ không có thế giới. Theo nghĩa này Pháp Thân là bản thân yếu tính của hết thảy mọi loài, đã có từ trước. Pháp Thân là Pháp Tánh (Dharmata) hay Phật Tánh ( Buddhata). Cũng vì đó có thiền sư đã nói: Pháp Thân chân thật của Phật như hư không, ứng vật hiện hình như trăng lồng bóng nước. Hoặc: Trúc biếc xanh xanh đều là Pháp Thân, hoa vàng rậm rạp chính là Bát Nhã. Như vậy Pháp Thân của Mật giáo phù hợp với nền tảng đạo lý của các tôn giáo khác.
         


Tất cả các tôn giáo đều quy kết về một kiến giải duy nhất, đó là MINH KIẾN VỀ NGUYÊN LÝ NỀN TẢNG CỦA VŨ TRỤ.  Nguyên  lý đó là năng lực huyền diệu của vũ trụ, nguyên lý của trời đất. Nguyên lý đó là thực tại tối cao, tối hậu mà triết học Vedanta gọi là Brahman,Thiên Chúa giáo gọi là Thiên Chúa, Hồi giáo gọi là Allah, Do Thái giáo gọi là Jehovah, người Việt Nam gọi là Ông Trời. Mật Tông gọi là Pháp Thân hay Đức Phật Đại Nhật; hay còn gọi là Đại Linh Quang…

2/ Báo Thân Phật (Sambhogakaya): Còn gọi là Thọ Dụng Thân; là bản thân tâm linh của các Bồ Tát, được Bồ Tát thọ dụng như là kết quả do tu tập các Ba La Mật. Các ngài tự mình thành tựu điều này tùy theo định luật nhân quả trên phương diện đạo đức; trong đây các ngài giải trừ trọn vẹn tất cả những sai lầm và ô nhiễm, thành tựu công đức tu hành trải qua ba đại kiếp mà được.  

3/ Hóa Thân Phật : Hay còn gọi là Ứng Hóa Thân, Biến Hóa Thân (Nirmanakana); phát sinh từ Đại bi tâm (Mahakarana ) của chư Phật và Bồ Tát. Bằng lý thể của Đại Từ Bi mà các ngài hướng tới chúng sinh, các ngài không bao giờ thọ dụng những kết quả các hành vi đạo đức của mình. Chí nguyện thiết tha của các ngài là chia sẻ những kết quả này cho tất cả chúng sanh. Nếu có thể thay thế kẻ phàm phu chịu khổ não, Bồ Tát thực hiện ngay. Nếu kẻ phàm phu có thể đuợc giác ngộ do Bồ Tát hồi hướng công đức của mình cho, ngài sẽ thi hành ngay.

Bồ tát hồi hướng và chịu khổ thay cho chúng sanh nhờ biến hóa thân  của ngài. Do đó trong tính cách không gian, Bồ Tát chia thân mình thành trăm nghìn ức vô số thân. Ngài có thể hóa thân làm nhiều vật khác nhau kể cả Thánh, Ma Vương, nếu ngài cảm thấy cơ duyên thích hợp để cứu vớt thế gian ra khỏi kềm tỏa của  vô minh.

Trong  Mật Tông có nhiều mật ấn, pháp ấn, chỉ ấn, phép Quán Đảnh. Có các ký hiệu tạo Pháp thuật, Pháp Ấn linh phù. Nói chung trong Mật Tông và Nam Tông truyền thừa đều có những mật chú, ấn chú. Chữ VẠN  đã có sẵn trong Mật giáo, nhưng chữ VẠN không thuộc loại đó mà chữ VẠN là TƯỚNG.

Chữ  VẠN, tiếng Phạn là Svastika, một biểu tượng chữ thập với bốn góc vuông về góc phải và hướng sang phải, có hướng các đầu mút xoay ngược chiều kim đồng hồ (đường đi rẽ phải). Tên gọi là: Svastika, gồm chữ SV và ASTI  ghép lại. Hiểu theo tiếng Phạn có nghĩa là: phúc lộc, an khang, thành công, thịnh vượng. Biểu tượng chữ VẠN của Ấn Độ giáo lại được trang trí thêm các chấm tròn ở các góc một phần tư (1/4). Đây là biểu tượng của sự may mắn, đã từng xuất hiện lần đầu khoảng 16.000 đến 14.000 trước Công nguyên. Biểu tượng này được lấy từ ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận.

· Chữ VẠN là một trong 32 tướng tốt của Phật, vị trí trên ngực. Biểu hiện cho công đức vô lượng của Phật. Trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, chữ VẠN được đồng hóa với thần Vishnu, liên kết với thần Shiva và thần rắn Nagar.

· Chữ VẠN là PHÙ HIỆU hay HUY HIỆU, không phải là một chữ viết. Chữ VẠN được viết xoay bên Phải hay bên Trái đều được. Tuy đã có một số nhà nghiên cứu về Phật giáo tranh luận kết quả vẫn chưa đưa đến thống nhất. Tuy nhiên chữ VẠN nó có một chiều sâu mà thực tế không thể theo một cách viết duy nhất hoặc  TRÁI hay PHẢI được.
                         
· Ở Ấn Độ, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo đều đã sử dụng chữ Vạn. Đầu tiên quan niệm ký hiệu này là do sợi lông ở ngực của Phạm Thiên Tỳ Thấp Nô (Visnu). Cát Lật Sát Noa (Krsna) coi đây là dấu hiệu tốt lành. Theo tiến sĩ Quang Đảo, đại học Quốc Sĩ Quán (Nhật Bản),  thì chữ VẠN vốn không phải chữ viết. Từ thế kỷ thứ tám trước công nguyên mới được dùng trong kinh Phật. Đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên đổi tên thành Swastiko. Vốn là tướng hình trôn ốc túm lông đầu con trâu, lại biến thành lông ngực của thần chủ Tỳ Thấp Noa. Sau đó trở thành một trong 16 tướng tốt, rồi lại là 32 tướng tốt. Theo kinh Trường A Hàm, chữ VẠN là tướng tốt thứ 16 trước ngực của Phật. Còn theo Đại Tất Già Ni Cán tử Sở thuyết thì hình chữ Vạn là một phần của Pháp Luân, ký hiệu của Pháp luân Đại Pháp, hình chữ vạn là tượng trưng cho Phật. Ở Trung Hoa hình chữ Vạn là tượng trưng cho hiện thân của khái niệm bất diệt, vô tận và vũ trụ. Từ Trung Hoa ký hiệu này được đọc là VẠN. Trong tiếng Phạn gọi là: Srivatsa.


Trong Pháp Luân Đại Pháp biểu tượng gồm có các ký hiệu: chữ Vạn + Âm Dương (Thái Cực). Ở đây hai khái niệm (Lão Tử), mà đại diện là Thái thượng Lão Quân, xem Âm dương là vũ trụ thu hẹp. Phật giáo xem chữ VẠN là đại diện cho vũ trụ.



Sở dĩ xưa nay có 2 chữ Vạn khác nhau ở chỗ xoay chiều trái và phải là do: Khi Ấn Độ Giáo dùng chữ Vạn (xoay chiều trái) để biểu thị cho Nam Tính thần. Chữ Vạn (có chiều xoay bên phải) để biểu thị cho Nữ Tính thần. Đối với Phật giáo có đôi tháp cổ hiện còn ở vườn Lộc Dã, chữ trên tháp hoàn toàn là chữ Vạn  có chiều xoay về trái. Ngôi tháp này là kiến trúc thời kỳ vua A Dục, được xây dựng để kỷ niệm nơi ngày xưa Đức Phật đã nhập định.

· Tại Tây Tạng tín đồ Lạt Ma Giáo cũng thường dùng chữ vạn có chiều xoay về trái. Tại Trung Hoa đã qua nhiều đời sử dụng cả hai cách. Riêng Huệ Lâm Âm Nghĩa và Cao Ly Đại Tạng Kinh chỉ sử dụng chữ vạn xoay về trái. Có nghĩa là tùy theo lập trường khác nhau. Do vậy, việc chữ Vạn xoay theo chiều nào tùy theo sự suy nghiệm từng nơi hoặc từng vùng. Vì vậy, vấn đề đầu mối tranh luận chưa ngã ngũ trong hàng học giả của Phật giáo.

· Cũng theo “Đại Tất Già Ni Kinh” thì chữ Vạn là tướng tốt thứ 80 của Phật Thích Ca, nằm trước ngực. Trong Thập Địa Kinh Luân quyển 12 có nói: “ Khi Bồ Tát Thích Ca chưa thành Phật, giữa ngực có tướng chữ Vạn Kim Cương, biểu thị cho công đức trang nghiêm. Nhưng theo kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm quyển 3 có nói đầu tóc của Phật cũng có 5 tướng chữ Vạn.Trong “ Hữu Cộ Tỳ Nai Da Tap Sự” quyển 29 nói lưng Phật cũng có tướng chữ Vạn.Trong kinh Đại Bát Nhã quyển 381 nói rằng: Chân, tay, ngực của Phật đều có cát tường để biểu thị công đức của Phật. Đó là chữ Vạn.

· Cưu Ma La và ngài huyền Trang dịch chữ Vạn là Đức. Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là “Vạn”, đều biểu thị ý nghĩa công đức tràn đầy. Âm của chữ Sriwatsaksawa ban đầu không được đưa vào kinh sách. Đến năm Võ Tắc Thiên mới  đặt chữ này và đọc là VẠN. Nghĩa là nơi kết hợp của muôn điều tốt lành.

· Tóm lại qua các tôn giáo, các kinh điển lưu truyền từ mấy ngàn năm của nhiều tôn giáo có nguồn gốc tương tự Phật giáo, thì chữ VẠN trong Phật giáo bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa và bí mật, chắc chắn chúng ta chưa đủ khả năng trình độ để lý giải trọn vẹn ý nghĩa đuợc.

· Một vài điều sơ kiến kính xin đóng góp với qúy vị vài nét đơn cử xuyên qua Phật Pháp căn bản hiện hành.

          Trân trọng,
          Lê Hoàng  
                    
· Sách tham khảo: Philosophies of History ( Grace E. Cairns).
The Gods of Northern Buddism (Alice Getty)
 Phật Giáo Việt Nam.

 Ghi chú: Hình chữ Vạn thứ nhất: Tem chữ Vạn Bắc Mỹ.
 Hình thứ 2: Chữ Vạn và âm dương.
 Hình thứ ba: Hình chữ Vạn Ấn Độ giáo.
 Hình thú tư: Chữ Vạn trong Hoa Sen.

No comments: