Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 25, 2015

Ký: VĨNH LINH TRONG TÔI - Phạm Xuân Dũng






VĨNH LINH TRONG TÔI


Nói ra có vẻ sách vở nhưng thoạt kỳ thủy chính văn học đã đưa tôi đến với Vĩnh Linh.

Nhiều nhà thơ, nhà văn đã viết về Vĩnh Linh như Tế Hanh, Nguyễn Khải, Xuân Đức, Cảnh Trà... nhưng chính nhà văn lớn Nguyễn Tuân mới là người gắn bó sâu sắc với Vĩnh Linh - Quảng Trị. Cùng với Hà Nội, Tây Bắc thì Quảng Trị là miền đất ông để nhiều tâm huyết như thể một  hành giả văn chương. Ông có đến cả chục bài ký viết về quê hương Quảng Trị, nhất là vào khoảng thời gian nước non chia cắt, không cho đôi chân của một nhà văn ưa xê dịch trên núi sông tươi đẹp của mình, để người nghệ sĩ thèm đi ấy quay quắt với những bài ký như rút ruột gan mình: “Cầu ma”, “Sông tuyến”...

Rồi khi lớn lên làm nghề báo lại được biết đến làng nghệ sĩ Tùng Luật nổi tiếng tài hoa, người Thủy Ba được vua gọi trẩy kinh bắt cọp vang danh thiên hạ, Vĩnh Hoàng cả làng nói trạng đến nỗi nhà thơ trác việt và hùng biện Chế Lan Viên đã  tự hào đem khoe tận Châu Âu trong thời khói lửa.

Rồi một ngày hè đầy nắng, tôi về với Thủy Ba. Gặp người dũng sĩ cuối cùng bắt cọp Nguyễn Đăng Hạp của một vùng quê thượng võ. Ông ngồi kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa có thật mà hương vị cứ như là cổ tích. Đúng là miền đất lạ lùng! Có vậy mới kết tinh nên một nghề độc nhất vô nhị trong thiên hạ, ấy là nghề bắt cọp. Sống với thiên nhiên khắc nghiệt, với ác thú dữ dằn thì người Vĩnh Linh mới có thể trui rèn đến vậy và khí chất mới luyện thành sắt thép. Ông hào hứng đọc vè Thủy Ba bắt cọp:

Mồng sáu sắc hạ vua ra
Chiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền
Đò vô tận ải Thừa Thiên
Dữ ma độc nước không yên chăng là...
Thủy Ba đứng dậy cho đều
Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy...

Nhìn cụ già đã bạc cả tóc râu, tôi hình dung ra thời tráng niên oanh liệt của những người làm nên huyền thoại chế ngự cả chúa sơn lâm. Chính phẩm chất kiên cường như vậy sau này mới làm nên thành đồng Tổ quốc, dựng nên lũy thép Vĩnh Linh giữa những ngày đất nước nguy nan nhất, khi sự sống và cái chết trong bom đạn chỉ mỏng manh chưa bằng sợi tóc.

Có những con người gắn bó với Vĩnh Linh còn để lại trong tôi nhiều dư vị khó quên. Ví  như đạo diễn, NSND Xuân Đàm. Nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng này tuy không phải quê ở Vĩnh Linh nhưng làm rể đất này và chính ông đã phát hiện và bồi dưỡng tài năng NSUT Kim Qúy. Xuân Đàm không chỉ là người chồng mà còn là đồng nghiệp, người thầy của nghệ sĩ Kim Qúy, đã có công lao đào tạo một diễn viên sân khấu quê Vĩnh Linh được cả nước biết tiếng. Ông là người có vẻ ngoài giản dị, dễ mến nhưng đó mới chính là một tài năng kịch nghệ  hiện đại tiêu biểu của Việt Nam. Tôi tâm đắc với một đánh giá của đồng nghiệp ông khi nhận xét sân khấu Xuân Đàm giàu chất thơ. Đó quả là một nhận xét tinh tường. Khi tôi hỏi về điều này, nghệ sĩ Xuân Đàm đã hào hứng chuyện trò về Aristote, về các trường phái kịch nói phương tây hiện đại và nhấn mạnh khởi thủy của nghệ thuật chính là thơ, mọi ngành nghệ thuật khác dù muốn hay không đều ít nhiều chịu ảnh hưởng nó. Và với chất thơ sân khấu sẽ được thăng hoa. Tất nhiên đó là sở trường và phong cách của ông-đạo diễn Xuân Đàm Ông là đạo diễn được đào tạo ở nước ngoài một cách hàn lâm với những bậc thầy nổi tiếng nhưng ông không để cho mình sa vào kinh viện. Trái lại ông luôn tìm sự phá cách, đổi mới và nhiều khi tinh giản đến kinh ngạc nhưng đó là sự tinh giản nhà nghề trong sáng tạo làm nên hiệu ứng bất ngờ.Sân khấu thể nghiệm hay còn được quen gọi là sân khấu nhỏ với những dây lòi tói cứ ám ảnh tôi về sự sáng tạo của nghệ sĩ Xuân Đàm. Chắc chắn khán giả và những nhà viết lịch sử sân khấu sẽ dành nhiều trang viết xứng đáng cho người nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Như một sự tình cờ đưa đẩy, một hôm nào đó giữa Huế cố đô, nơi còn dấu tích có một không hai là Hổ quyền oai phong thưở trước có công trạng của người Thủy Ba, tôi gặp được họa sĩ Võ Xuân Huy. Anh là người quê Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh ở ngay quê hương Thủy Ba bắt cọp. Lúc ấy Võ Xuân Huy là họa sĩ trẻ tuổi khá thành đạt được nhiều người biết đến với mảng tranh sơn mài, là giảng viên đại học mỹ thuật Huế, là cố vấn trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng chốn sông Hương núi Ngự. Tôi đã gặp một người con Vĩnh Linh ham hiểu biết và khát khao sáng tạo. Anh đã đến nhiều nơi, đã đi nhiều nước những vẫn canh cánh nỗi niềm về đổi mới nghệ thuật trong đạo lý về nguồn, mà bây giờ như người ta thường nói theo văn bản đó là nghệ thuật phải hiện đại nhưng lại giàu bản sắc dân tộc. Lại hẹn ra Vĩnh Linh, về tận nhà anh để biết thêm một gia đình giàu chất Vĩnh Linh đã nuôi dạy con cái thành người nay mong mỏi về góp một chút gì gọi là báo đáp quê hương.  ý là tôi nghĩ thế chứ còn Huy chẳng bao giờ to tiếng nậy hơi về những việc mình làm. Bản tính anh cũng quyết liệt nhưng nhẹ nhàng và làm nhiều hơn nói.

Hôm ấy tôi tận mắt chứng kiến người nghệ sĩ xắn quần lội ruộng gieo lúa trên cánh đồng Vĩnh Thủy. Anh không gieo lúa lấy gạo mà gieo trồng nghệ thuật, một nghệ thuật theo quan niệm và phong cách của anh, được gọi tên là “ba biến thể của Võ Xuân Huy” . Anh muốn nghệ thuật của anh trở về với nơi chốn ban đầu, gắn bó với bùn đất quê hương, với hạt lúa tượng trưng cho nền văn minh lúa nước, làm nên hạt ngọc nhà trời như dân gian vẫn nói bao đời nay nuôi sống con người. Tôi thấy nhiều người dân quê đến xem “chú Huy” làm nghệ thuật. Nhiều người tò mò, đương nhiên, nhưng quan trọng hơn là họ chia sẻ, họ  vui mừng khi một người có ăn học cao, sống ở chốn thị thành lại chịu khó làm người nông dân trên cánh đồng có tên là nghệ thuật. Họ có thể không hiểu hết nhưng ai nấy cũng đều ủng hộ người họa sĩ luôn khao khát về nguồn. Cả người thầy giáo thời phổ thông của anh, tôi đọc thấy niềm vui trong ánh mắt của thầy khi thấy học trò mình thành danh nhưng quan trọng hơn là đã thành người.

Có thể còn nhiều Vĩnh Linh nữa trong tôi, nhưng chỉ ngần ấy thôi cũng là điều đáng nhớ, và nỗi nhớ này chắc hẳn cũng bền lâu.

                                                   Phạm Xuân Dũng
   
  
  
  
  
  
  
    





         

No comments: