Trong khoảng thời gian từ thập kỷ 90 của
thế kỷ trước cho đến những năm đầu của
thế kỷ này, truyện ngắn Quảng Trị cũng đã có những tác giả, tác phẩm được dư
luận chú ý.
Nếu với lĩnh vực thơ, số lượng người viết
thường đông hơn theo kiểu trăm hoa đua nở thì địa hạt truyện ngắn lại kén chọn
người viết hơn nên tác giả sáng tác không nhiều. Người đọc cách đây chừng 15-
20 năm còn nhớ đến một số tác giả truyện ngắn như Lê Xuân Lãm, Phạm Xuân Hùng,
Trần Thanh Hà, về sau có Hàn Nguyệt, Trần Thu Hoà, Phạm Giáp Phê, Thái Đào, Cao
Hạnh, Hoàng Tiến Sĩ, Phạm Văn Quốc... Sống và viết ở xa quê có Tạ Nghi Lễ, Phan
Thị Vàng Anh.Tuy chất lượng sáng tác và hiệu ứng văn chương có khác nhau nhưng
họ đã làm sinh động hơn bức tranh sáng tác văn học, trước hết là với quê nhà và
công chúng Quảng Trị. Hơn nữa, nhiều người về sau tuy không còn theo đuổi
truyện ngắn nữa nhưng "cái thưở ban đầu lưu luyến ấy" thì chắc cũng
khó quên. Tất nhiên, cùng với sự sàng lọc của thời gian và bạn đọc, nhiều
truyện ngắn viết một cách khá "thật thà", dễ dãi, kể chuyện nôm na sẽ
nhanh chóng bị lãng quên thì những ý tưởng và trang viết có tính văn chương vẫn
còn đọng lại. Đáng ghi nhận, bên cạnh lối viết truyền thống mà vẫn thành công
dù ở những mức độ khác nhau như Trần Thanh Hà, Hàn Nguyệt, Trần Thu Hòa thì
những tác giả tìm tòi, thử nghiệm một lối viết khác vẫn ghi được dấu ấn của
riêng mình. Đó là Thái Đào với những truyện ngắn mượn cốt truyện lịch sử, dã sử
như :"Tiếng trống trận", "Tiếng sáo bên sông Dịch thủy"... hay
Phạm Xuân Hùng ảnh hưởng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ La tinh với bộ ba
truyện ngắn: "Nước mắt khải huyền","Gánh xiếc rong" và "Ngày
mặt trời đi qua thiên đỉnh".
Nhà văn nữ Trần Thanh Hà thành công với thể
loại truyện ngắn gây được tiếng vang trên văn đàn cả nước. Chị đã giành được
các giải thưởng như: giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội
năm 1996, giải nhất cuộc vận động sáng tác "Văn học cho tuổi trẻ" Nhà
xuất bản Thanh niên 1994-1996...
Truyện ngắn "Sông ơi" khá tiêu
biểu cho bút pháp Trần Thanh Hà. Đó là lối kể chuyện truyền thống mang màu sắc
dân gian quen thuộc trong văn học Việt Nam hiện đại với nhiều chi tiết đan
cài. Tác giả lấy bối cảnh từ một vùng quê Vĩnh Linh-Quảng Trị, nơi nhà văn có
nhiều kỷ niệm và vốn sống. Nhân vật chính xưng "tôi" cũng là một cô
gái của dòng họ Trần ở một ngôi làng bảy nổi ba chìm với những biến thiên tao
loạn của lịch sử và sự long đong, khắc khoải của mỗi phận người. Từ bà nội đến
mẹ của nhân vật chính cũng như cuộc đời của cô gái này đều bất hạnh, cô đơn và
khao khát tình yêu. Cả đời họ sống và kiếm tìm một bến bờ yêu thương đích thực
nhưng rốt cuộc cũng chỉ đứng bên này của dòng sông - dòng đời, không qua được
bên kia-nơi bến bờ mơ ước. Cả những cày xới ham hố, chụp giật của cơ chế thị
trường cũng làm biến dạng gương mặt làng quê, để lại nhiều âu lo, day dứt. Đoạn
kết là khát vọng khắc khoải mang đầy nữ tính của nhân vật ở ngôi thứ nhất:
"Chèo đò bẻ bắp bên sông...
Giật mình. Chợt như bà ngồi hát đâu đây trong
nắng gió chiều nay. Vật đổi sao dời mà trước tầm mắt, cái bờ cây phía bên kia
sông vẫn một màu xanh thẳm. Hai chục năm ra đi, từng cười từng khóc vẫn chưa
bao giờ tôi bơi qua con sông ấu thơ để chạm môi lên phiến lá đầu tiên của bờ
cây xanh thẳm. Ôi bờ cây của tôi..."
Thái Đào viết truyện ngắn "Tiếng trống
trận" lại mượn một đoạn trong Truyện Kiều hư cấu nên tác phẩm. Anh hùng Từ
Hải sau khi chiến thắng quân Hồ Tôn Hiến đã cùng đội quân áo vải say sưa chiến
công, đắm chìm trong hoan lạc. Rượu ngon, gái đẹp, vàng bạc, lụa là ... đã nuốt
chửng đạo quân đã nguyện suốt đời chiến đấu vì chính nghĩa. Nguy cơ thất bại
đội quân này đã phơi bày trước mắt, nhưng hầu như ai cũng u mê. Chỉ có người
lính đánh trống còn tỉnh táo nhận ra bi kịch lớn và báo động nhưng chẳng có ai
nghe. Thảm kịch bại vong đã đến trong tuyệt vọng, đớn đau cùng cực của người
đánh trống trận. Kết thúc truyện ngắn như một lời cảnh tỉnh từ lời thét gào của
người lính đánh trống:
"-
Bớ Hồ Tôn Hiến! Khát vọng đổi đời của chúng tao, không bao giờ và mãi mãi không
bao giờ chúng bay tận diệt được đâu!
Tiếng gã đanh, sắc dội vào đêm tối, rền rỉ
giữa không gian... mắt gã sáng lên. Từ những nấm mồ vô danh trên khắp những
miền chinh chiến đi qua, gã thấy hàng hàng lớp lớp tử sĩ đội mồ đứng lên... xếp
thành đội ngũ xông vào kẻ thù. Tiếng trống càng dữ dội hơn, như sấm dậy, xé
vang cả đất trời."
Xin nói thêm rằng văn của Thái Đào khi viết
loại truyện này nhiều khi hơi cũ. Dù đã có những thành công nhưng nếu tác giả
không nỗ lực tìm tòi, bứt phá thì cũng dễ sa vào lối mòn trong sự lặp lại chính
mình.
Trong những người viết truyện ngắn xa quê thì
Tạ Nghi Lễ là một tác giả cũng đã có những thành công nhất định. Anh đã xuất
bản một số tập truyện ngắn cũng được dư luận ít nhiều chú ý. Truyện ngắn "Lời
nguyền khắc nghiệt" của anh cũng là một tác phẩm khá điển hình cho cách
viết Tạ Nghi Lễ vẫn thường khai thác đề tài quá khứ, những trải nghiệm cá nhân
và bi kịch gia đình trong những cơn lốc của lịch sử có tên gọi là chiến tranh.
Câu chuyện được mở đầu ở thì hiện tại khi kể về người cha: "Khi tôi viết
những dòng này thì cha tôi đã trở lại trại. Nhìn dáng ông đi trong chiều, tự
dưng tôi muốn khóc. Cả một quá khứ của
cha tôi bỗng hiện về trong trí óc tôi..." Người cha có gia tộc quyền thế ở nông thôn,
lớn lên giữa thời buổi nước non chia cắt rồi ông lao vào binh nghiệp. Cuộc sống
gia đình tan nát, rệu rã khi người chồng sau khi đi trận thì lao vào lạc thú,
có vợ bé còn người vợ thì chán chường tìm quên trong rượu, người con trai lại
theo bạn bè đàn đúm và nghiện ma túy. Chỉ còn người con gái-tức nhân vật chính
xưng tôi trong truyện là đủ tỉnh táo và thiện lương để níu kéo một gia đình bên
bờ vực thẳm. Kết thúc câu chuyện là khi nước nhà thống nhất, người cha ân hận
vì nhiều chuyện mình đã làm, lần đầu tiên trong đời ông bật khóc. Truyện ngắn
hé mở một lối ra khi mọi chuyện tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt trong bể dâu thế sự.
Sáng tác truyện ngắn là công việc không hề
đơn giản. Nó đòi hỏi sự đam mê, dấn thân và một nội lực văn chương không nhỏ.Vì
vậy, cần trân trọng những ai đã viết và neo đậu dài lâu ở lĩnh vực sáng tác này. Điều đó càng có ý nghĩa đối với hành
trình phát triển của văn chương Quảng Trị.
Phạm Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment