Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 6, 2014

ĐỌC “CŨNG ĐÀNH…” THƠ VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

                                               

CŨNG ĐÀNH...

Buồn rớt lưng chừng
Biển khóc
Con sóng giật mình trở giấc
Chiêm bao
Dã Tràng ơi nếu đừng
Se cát
Thì sóng đâu đến nỗi
Bạc đầu 

Chỉ một câu thề chia hai
Một nửa
Người bỏ nơi này một nửa
Ra đi
Còn nửa của tôi thành dòng
Chảy ngược
Đêm tựa lưng trời chở áng
Mây trôi

Giọt nước mắt tôi chừng nào
Hoá đá
Khắc trọn tên em hai tiếng
Cũng đành
Cho đến ngày kia bình mình
Thức dậy
Không có tôi ai... đứng đợi
Dỗ dành
                            Vĩnh Thuyên


Lời bình:  Châu Thạch

Tác giả Châu Thạch
Chủ đề và đại ý bài thơ không liên quan gì đến biển nhưng vế một của bài thơ lại hoàn toàn đề cập đến biển. Biển trong “Cũng Đành…”  bao la nhưng yếu duối, mơ màng nhưng bi luỵ, vì nỗi khắc khoải  khiến cho con sóng của nó phải bạc đầu, bởi nó se lòng khi phải làm những việc ngoài ý muốn của mình, như việc phá nát bao lâu đài của Dã Tràng xe cát. Biển ở đây “buồn rớt lưng chừng” nghĩa là buồn chơi vơi. “Con sóng giật mình trở giấc.” không phải là con sóng đang say ngủ đâu mà ngược lại nó đang triền miên thao thức suy tư đến nổi phải bạc đầu. Rõ ràng Vĩnh Thuyên đang tả biển nhưng thật ra chủ đích Vĩnh Thuyên không tả biển. Vĩnh Thuyên lấy biển để nói về tâm hồn mình, một tâm hồn bao la và mênh mang như biển, có thể làm dậy lên muôn sóng thét gào, nhưng “cũng đành…” hứng chịu bao nghịch cảnh trên đời để phải buồn, để phải khóc, để phải than  cho bao điều nghịch lý  xảy ra. Những câu thơ vô cùng hay khi Vĩnh Thuyên nhân cách biển, khiến sóng như một thân vị có tóc trên đầu bạc đi vì tháng ngày trăn trở, ưu tư:
         
                   Dã Tràng ơi nếu đừng
                   Se cát
                   Thì sóng đâu đến nỗi
                   Bạc đầu

 Nhiều câu thơ đã nói đến sóng bạc đầu nhưng không có câu thơ nào nói sóng bạc đầu bởi vì con Dã Tràng xe cát. Quả Vĩnh Thuyên đã tìm được trong ngàn năm sóng vỗ tiếng lòng riêng tư của biển đồng điệu với tiếng lòng riêng tư của mình, khiến cho tiếng thầm thì trong lòng thi sĩ hoá thân trong tiếng thầm thì bao la của biển, và những cơn sóng ào ạt của trùng dương lại mang cả nỗi lòng cho con Dã Tràng nhỏ nhoi ngày ngày xe cát.

Qua vế thơ thứ hai tác giả quên ngay biển vì thật ra chủ đề bài thơ đâu phải là biển mà chủ đề là “Cũng Đành…” ôm một nửa đau thương để đi ngược cuộc đời:

                   Người bỏ nơi nầy một nửa
                   Ra đi
                   Còn nửa của tôi thành dòng
                   Chảy ngược

“Một nửa” đã là hiện thân của sự mất mát rồi, ở đây một nửa đã thành “dòng chảy ngược” thể hiện cho nỗi khó khăn nhọc nhằn trong tình yêu hay trong cuộc sống. Trong nỗi khó khăn đó “một nửa” ở lại chờ “một nửa” ra đi với tâm hồn như cả vùng trời đau đáu chờ đám mây trôi trở lại: “Đêm tựa lưng trời chờ áng mây trôi”. Câu thơ rất tuyệt, đã làm cho hình tượng người đợi chờ cao lên, lớn ra, bàng bạc lung linh giũa nền trời bao la rộng lớn, khiến cho mối tình người hòa điệu với thiên nhiên, ẩn chứa trong câu thơ ngắn gọn một không gian vô biên giới của tình.

Qua vế thơ thứ ba tác giả khóc thật. Một tâm hồn đem mình so với biển, một tâm hồn khoán đạt đến nỗi chờ em như “tựa lưng trời chờ áng mây trôi” bây giờ “Cũng đành…” nhỏ lệ. Tâm hồn đó nhỏ lệ đã là một sự rất bi thương, vậy mà chưa hết, còn muốn lệ mình biến ra thành đá để dùng đá ấy khắc trọn tên em. Vậy thì có lẽ đá ấy cũng khóc cho Vĩnh Thuyên, một người thơ yêu đến tột cũng và hoá thân lãng mạng mình vào trong sự bao la như biển, trong bát ngát như lưng trời và trong sự khô khan như của đá:

                 Giọt nước mắt tôi chừng nào
                 Hóa đá
                 Khắc trọn tên em hai tiếng
                 Cũng đành…

“Cũng đành” là sự cam chịu, nhịn nhục, bằng lòng trong gượng ép. Tác giả ao ước một điều không có thật, tưởng tượng một điều rất vu vơ, là điều mà một ngày giọt nước mắt của mình hoá đá để khắc tên em. Thật ra vì tấm lòng yêu tha thiết  mà tác giả tưởng tượng ra điều không tưởng ấy nhưng đó chính là hồn bướm mơ những giấc mơ ngược lại giấc mơ tiên, làm tâm hồn thăng hoa trong nỗi đau thương của sự rẽ chia phân cách. Vĩnh Thuyên đã tỏ ra cảm khoái trong đau thương: “Giọt nước mắt tôi chừng nào hoá đá” là đau thương, còn “Khắc trọn tên em hai tiếng cũng đành” là cảm khoái. Hai trạng thái đó thành bên đục bên trong của “dòng  chảy ngược” trôi trong tâm hồn thi sĩ khiến cho câu thơ trở nên buồn thê thiết, cuồn si đến dại khờ, đam mê đến cùng tận. Đó là linh hồn của những con thiêu thân đáng yêu lao mình vào ánh sáng, thà chết còn hơn bay lòng vòng trong bóng tối một đời.

                  Cho đến ngày kia bình minh
                  Thức dậy
                  Không có tôi ai…đứng đợi
                  Dỗ dành

Bài thơ thật dễ thương, thật nhu mì ở vế chót. Bình minh sẽ thức dậy trong đời hay không chưa biết nhưng sự chờ đợi của nhà thơ là một ý tưởng ngọt ngào, thân yêu và đằm thắm. Riêng tôi, tôi nguyện cầu cho bình minh đừng thức dậy, vì bình minh thức dậy thì Vinh Thuyên đâu còn nữa u uẩn để phát tiết thành thơ cho thế gian nầy thưởng thức.


                                                     Châu Thạch 

No comments: