Tôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị. Mặc dầu thời thơ ấu
tôi theo gia đình đi nhiều nơi khác như Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng, nhưng nơi có nhiều kỷ niệm nhất vẫn là quê hương Quảng Trị.
Thị xã Quảng Trị trước năm 1975 gồm có 5 phường. Phường Đệ
Nhất, Đệ Nhị là trung tâm của thành phố nằm trên hai con đường chính Trần Hưng Đạo và Quang Trung. Phường Đệ Tam giới hạn từ con đường Phan Đình Phùng
chạy dọc băng qua Quang Trung bên hông trường Trung học Thánh Tâm trở lên đường
Hồ Đắc Hanh giáp với thôn Thạch Hãn. Phường Đệ Tứ kể từ chùa Tỉnh Hội (trên
đường Gia Long chạy dọc theo con đưòng đi về phía đông giáp với thôn Hạnh Hoa).
Bên dưới là thôn Trí Bưu xuyên qua cánh đồng là Quy Thiện thuộc xã Hải Quy. Thôn Thạch Hãn nằm về phía Tây Bắc
giáp với Quốc lộ 1A. Qua bên kia đường Quốc lộ là địa phận La Vang và đường
lên Tích Tường, Như Lệ.
Bên kia sông qua cầu Thạch Hãn, rẻ trái là đường lên An Đôn.
Xa hơn nữa đến Ba Lòng, rẻ phải là thôn Nhan Biều.Thôn Đệ Ngũ nằm trên con
đường Trần Hưng Đạo kể từ nhà máy nuớc đá của anh Nguyển Văn Hiếu trở lên Ga xe
lửa Quảng Trị (nằm phía bên kia quốc lộ 1A).
Thị xã Quảng trị rất nhỏ, có con sông Thạch Hãn chạy theo từ
nguồn núi (phía Tây) và ra biển đến huyện Triệu Phong rẻ ra hai nhánh, tạo ra một
ngã ba. Ở đây có rất nhiều con hến. Dân hai vùng bên kia Nhan Biều, bên này chợ
Sãi có hai vạn đò sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời chuyên khai thác hến.
Thành phố Quảng Trị gắn liền với cái tên Nguyễn Hoàng mà đến
nay mọi người dân Quảng Trị đều biết và không bao giờ quên.
1/ Kể từ năm 1558, tháng 10 âm lịch, Chúa Nguyễn Hoàng mà
người dân thường hay gọi là chúa Tiên, được cử vào trấn đất Thuận Hóa. Chúa bắt
đầu lập dinh tại làng Ái Tử (còn gọi là Kho Cây Khế), thuộc huyện Triệu Phong ngày nay.
2/ Trường Trung Học
NGUYỂN HOÀNG: Khi tôi lớn lên đi học tiểu học trường Nam Quảng Trị, thì
tôi đã thấy có trường Trung Học Nguyễn Hoàng. Lúc đó (1954-1956) Trường tọa lạc
ở Vưòn Hoa, mà dân thành phố thường gọi nôm na là Vườn Bông. Trường có hai dãy
nhà trệt đối diện nhau, mái lợp xen kẻ tranh ngói, vì mưa nắng nhiều mùa nên phải
chịu nhiều thay đổi. Trước nhà tôi là nhà anh Nguyễn Châu. Khi tôi đi học tiểu
học, tôi đã thấy anh Châu học ở đó và sau này anh vào học Quốc Học Huế. Rồi trở
thành giáo sư dạy triết. Hiện nay anh cư trú tại thành phố San Jose Bắc California
Hoa Kỳ.
Bên trái của trường hồi đó còn có Ty Hiến Binh mũ đỏ do Pháp
để lại. Gần đó có một cái bến mà chúng tôi vào mùa hè thường tắm, bơi qua sông đến
bãi Nhan Biều, ở đó có nhiều cây trái dưa, để bắt dế.
Sau này, trường Trung Học Nguyễn Hoàng được xây dựng trên
sân vận động Quảng Trị, và mãi lâu lắm trường TH Nguyễn Hoàng mới bắt đầu có
cấp ba tức là từ đệ tam đến đệ nhất. Trước đó chỉ có từ đệ thất đến đệ tứ. Mọi
thay đổi theo thời gian ....
Có một bài dân ca liên hệ mật thiết với dân Quảng Trị:
Mẹ bồng con ngồi cầu Ái Tử*
Thiếp trông chồng đứng núi Vọng Phu
Trông chồng bóng xế trăng lu
Xuất gia đầu Phật đi tu cho rồi
(*Có nơi ghi là “Mẹ bồng con ra cầu Ái Tử)
Bài này sáng tác theo
thể song thất lục bát vào thời kỳ Nam Tiến vượt Hoành Sơn, vượt sông Danh (Linh
Giang) còn gọi là sông Ranh (chia hai ranh giới) thời Trịnh- Nguyễn phân tranh.
[Có những hòn vọng phu dọc theo duyên hải Việt Nam dài hơn hai
ngàn cây số ..., ở đó, dân thường hay
trông thấy những ngọn núi có hình dáng mẹ bồng con cho nên gọi là "Hòn
Vọng Phu". Nhưng, chỉ có một ngọn được chính thức gọi là "Hòn Vọng
Phu " - La Mère et L’Enfant. Đó là ngọn núi tọa lạc ở phía Tây Bắc Ninh
Hòa, Khánh Hòa, giáp với tỉnh Phú Yên].
Chúng ta biết rằng vào năm 1570, Chúa Nguyễn Hoàng dời dinh
đến làng Trà Bát phía Nam Ái Tử, cũng thuộc huyện Triệu Phong. Đến năm 1660 thì
Chúa lại dời dinh về phía Đông làng Ái Tử, dinh ấy gọi là Cát Dinh. Vào lúc đó,
Chúa Nguyễn Hoàng còn vâng lệnh vua Lê Thế Tông và Chúa Trịnh Tùng ra Thanh Hóa
để bàn việc ... Chúa Nguyễn đến thăm quan Thái Phó Nguyễn Hữu Liên và được cho
xem bài văn ứng thi của thí sinh Đào Duy Từ tỏ bày thiên tài an bang tế thế. Trọng
người tài giỏi, Chúa Nguyễn đã thân hành đến nhà, giúp đỡ tiền bạc cho Đào Duy
Từ lo thang thuốc cho mẹ già, cùng an ủi việc Đào Duy Từ bị đánh rớt khoa thi
lý do con nhà "xướng ca vô loại". Sau đó, Đào Duy Từ chịu tang mẹ là
bà Vũ Kim Chi vừa mới tự sát vì sự tố cáo và áp bức của tên xã trưởng Lưu Minh
Phương (theo Thái Văn Kiểm).
Chúa Nguyễn dặn dò với Đào Duy Từ rằng "-Lão Phu về Nam trước, đắp
sẵn bái trướng chờ đợi tiên sinh. Nay, lão phu đã 70 tuổi rồi, nếu chẳng may
thất lộc thì cũng không quên dạy, truyền lại cho con cháu đón tiên sinh về Nam để nghe lời
chỉ dạy của tiên sinh mà lập nghiệp lâu dài.”
Từ đó, hai người có sự tương thân, tương kính. Nơi chỗ ở của
Đào có treo một tấm hình vẻ Lưu Huyền Đức, Quan Vân Trường và Trương Dực
Đức dầm mưa đội tuyết để thỉnh cầu Khổng Minh. Hai người cảm hứng bèn làm
nên một bài thơ như sau:
Chúa Nguyễn xướng:
Vó ngựa sườn non đá chập chùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công
Đào Duy Từ tiếp:
Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng
Chúa Nguyễn:
Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông
Đào Duy Từ:
Ví chăng không có lời Nguyên Trực
Thì biết đâu mà đón Ngọa Long.
Mấy năm sau Đào Duy Từ rời quê hương Thanh Hóa vào Nam tìm
Nguyễn Hoàng, nhưng chúa Nguyễn bận đi kinh lý, hai bên không gặp được nhau.
Đào Duy Từ bèn đi thẳng vào Bình Định làm gia nhân và chăn trâu cho nhà phú hộ
Chúc Trịnh Long ở làng Tùng Châu, rồi sau được quan Khâm Lý Trần Đức Hòa, vì
đọc bài "Ngọa Long Cương Vãn", biết rõ tài năng của họ Đào, nên tuyển dụng và
gả con gái cho Đào Duy Từ.
Hai bài ngâm với chúa Nguyễn và bài "Ngọa Long cương
vãn", Đào Duy Từ so sánh mình với
con rồng nằm trên đồi cao, đang chờ cát nhật để xuất hiện.
Chúa Nguyển Hoàng mất năm Qúy Sữu 1613, hưởng thọ 90 tuổi
(1525-1613), nhằm niên hiệu Hoàng Định thứ 14 đời vua Lê Kính Tông. Lúc lâm
chung đã dặn kỷ con là Phúc Nguyên rằng "-Ngày trước ta ra Thanh Hóa đã gặp
Đào Duy Từ. Là một bậc kỳ tài và có uớc hẹn với ta. Nếu ông ta có đến thì phải
trọng dụng ngay.”
Phúc Nguyên được dân ba vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa
Thiên thương mến và thường gọi là Chúa Sãi, vì Chúa vận y phục và ăn chay trường
như một nhà tu hành đạo Phật. Ở huyện Triệu Phong có một cái chợ gọi là chợ Sãi
do chúa lập thời kỳ đó rất phồn thịnh.
Chúa Sãi nối nghiệp lớn của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, là người
con chí hiếu nghe lời cha trối, bèn họp triều thần bàn họp việc nước. Sau đó,
Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ. Chúa đọc bài "Ngọa long cương vãn",
nhận thấy tài ba lỗi lạc của Đào Duy Từ nên trọng dụng ngay.
Sau này Đào Duy Từ đã xây hai chiến lũy mà nổi tiếng là lũy
Thầy đã ngăn cản quân của vua Lê-Chúa Trịnh.
Năm 1626, Chúa Sãi dời dinh vào làng Phúc An (thường gọi là
Phước Yên - vì húy) thuộc huyện Quảng Điền-Thừa Thiên. Thời đó trong dân gian
còn lưu truyền mấy câu:
Nhớ em, anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm
- Nội tán tức là ông Nguyễn Khoa Đăng đã dẹp yên bọn giặc
cướp vùng Hồ Xá -Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Bên ngoài Ái Tử là Đông Hà,
nơi đây có con sông sau này gọi là sông sông Hiền Lương (Bến Hải) do chữ Bến
Hói ngày xưa, nay đọc chại thành Bến Hải, nơi chia cắt (vỉ tuyến 17) đất nước
Việt Nam suốt 20 năm. Đến nay vẫn còn là dấu ấn của một thời chiến tranh.
Thành phố cũ Quảng Trị bị bom đạn chiến tranh cày nát. Nay
một thành phố mới được thành lập, dấu tích vẫn còn lại cái cổ thành Đinh
Công Tráng mà thôi.
Khu hành chính của tỉnh Quảng Trị nay được di dời ra Đông Hà.
Nơi đây bây giờ to lớn, nhà cửa mọc lên và trải rộng ra với diện tích gấp 3,4
lần ngày xưa.
Lịch sử đã sang trang, dấu tích vẫn còn đó, nhưng lớp người
lớn lên trước thì cứ dần dần vơi đi. Tre già, măng mọc, và cứ thế ..., người
dân Quảng Trị vì thời cuộc đã tứ tán đi khắp nơi lập nghiệp. Tuy nhiên, bất cứ
ở đâu, họ đều mong nhớ và hoài thương quê hương, nơi mang nhiều kỷ niệm của
thời thơ ấu.
Giáng Ngọc
giangngochn29@gmail.com
(CHLB Đức)
giangngochn29@gmail.com
(CHLB Đức)
*****
Phần sưu tầm của VNQT:
Ngọa Long cương vãn
Đào Duy Từ
Cửa xe chầu trực sớm trưa
Thấy thiên Võ cử đời xưa luận rằng
An, nguy, trị, loạn, đạo hằng
Biết thời sự ấy ở chưng sĩ hiền
Hán từ tộ rắn vận thuyền
Ba phân chân vạc, bốn bên tranh hùng
Nhân tài tuy khắp đời dùng
Đua chen trường lợi áng công vội giành
Nào ai lấy đạo giữ mình
Kẻ đua với Nguỵ, người dành về Ngô
Nam Dương có kẻ ẩn nho
Khổng Minh là chữ, trượng phu khác loài
Một mình vẹn đủ ba tài
Phúc ta gẫm ắt ý trời hậu vay
Điềm lành thuỵ lạ đã hay
Đời này sinh có tài này ắt nên
Bèn xem lằng lặng một hiên
Nhà tranh lều cỏ tính quen bơ sờ
Ba căn phong nguyệt hứng thừa
Bốn mùa đều có xuân ưa bốn mùa
Nước non khéo vẽ nên đồ
Thấp cao phượng diễu, quanh co rồng nằm
Vững bền chủ khách chiêu đăm
Minh đường rộng mở thiên tâm phẳng bằng
Tri âm những đấng khác hằng
Trúc tùng bầu bạn, mây giăng láng giềng
Đất lành cấu khí linh thiêng
Một bầu thế giới thiên nhiên hữu tình
Lâm tuyền trong có thị thành
Phàm trần tựa ít, cảnh thanh thêm nhiều
Thú vui bốn thú thêm yêu
Kìa ngư, nọ mục, ấy tiều, này canh
Hạc già chực cửa nghe kinh
Trái dâng màu thắm, thức xanh vượn quỳ
Gác tường bóng trúc thưa che
Ngõ đua hạnh tía, hiên khoe cúc vàng
Khúc cầm cổ cẩm cung xoang
Ca ngâm Lương phủ đạo càng hứng mau
Cửa kho vô tận xiết đâu
Thú vui ta thú, ai dầu mặc ai
Thanh nhàn dưỡng tính hôm mai
Ghềnh trong cuốc nguyệt, bãi ngoài cày mây
Lợi danh nào chút nhúng tay
Chẳng hiềm tạo vật, không say thế tình
Dựa song hé bức mành mành
Gẫm chưng trời đất công danh mấy người
Doãn chưa đặng lễ Thang mời
Cày kia chưa dễ buông nơi nội Sằn
Lã dù chưa gặp xe Văn
Câu kia chưa dễ gác cần Bàn Khê
Gẫm xem thánh nọ hiền kia
Tài này nào có khác gì tài xưa
Làu thông trận pháp binh cơ
Lược thao đã đọc thất thư lại bàn
Huyền vi làu biết thế gian
Máy linh trời đất tuần hoàn làu thông
Thảo lai trong có anh hùng
Miếu đường chống vững thấy còn tài cao
Có phen xem tượng thiên tào
Kìa ngôi khanh tướng nọ sao quân thần
Có phen binh pháp diễn trần
Điểu là xà trận, phong vân ấy đồ
Có phen thơ túi rượu hồ
Thanh y sớm chực, hề nô tối mời
Chốn trong danh giáo có vui
Bàng nhân chẳng biết rằng người ẩn tiên
Hùm ngâm gió thổi tự nhiên
Chúa tôi sao khéo hợp duyên thay là
Ngạc thư mở phút tâu qua
Xe loan tạm khuất hai ba phen vời
Dốc lòng phò chúa giúp đời
Xoay tay kinh tế, ra tài đống lương
Cá mừng gặp nước Nam Dương
Rồng may Thiên Hán vội vàng làm mưa
Chín lần lễ đãi quân sư
Phấn vua lây bén móc mưa gội nhuần
Hai vai gánh nặng quân thân
Chín phần ở thảo, mười phần trọn ngay
Bính quyền việc nẩy đương tay
Lâm cơ chế thắng, một này địch muôn
Trận bày Bác Vọng thiêu đồn
Bạch Hà dụng thuỷ Hầu Đôn chạy dài
Ra cờ mới biết sức trai
Có tài thiệt chiến có tài tâm công
Giá nghiêm thuyền dựa vịnh sông
Đón muôn tên Nguỵ nộp cùng Chu
lang
Hoả công dâng chước lạ nhường
Gió ngàn Xích Bích thổi tàn Nguỵ binh
Hoa Dung khiển tướng phân doanh
Gian hùng sớm đã nép mình phá gan
Thần cơ bí kế chước toan
Kinh Châu trước hẹn giục thuyền rước sau
Hoà thân đôi chước dấu nhau
Tiên sinh chước ấy Ngô hầu kế sa
Chước dùng bảy bắt bảy tha
Oai trời nhường ấy giặc đà chạy tênh
Có phen bắc phạt ra binh
Tiết bền vàng đá, nhật tinh ấy lòng
Éo le thiên thuỷ chước dùng
Khương Duy sớm đã kế cùng bó tay
Thần tiên mấy chước xa bày
Đào Châu lá rụng, lò bay phới ngàn
Trên thành làm chước gảy đàn
Sa cơ, Trọng Đạt nép gan kinh hồn
Nỏ trời phục cửa Kiếm Môn
Mã Lăng mất vía Bàng Quyên khác gì
Chước nào chước chẳng ngoan nguỳ
Chốn thì lưu mã, chốn thì mộc ngưu
Rất bền đánh dựng công nhiều
Hoa di tiếng dậy, dã triều danh hay
Khăng khăng một tiết thảo ngay
Tôn phù chính thống sáng tày nhật tinh
Sửa sang nghiêm cẩn phân doanh
Tôi loàn con giặc chạy tênh bời bời
Hán gia chín vạc phù trì
Suy thôi lại thịnh, nguy thì lại an
Công lênh kể ở nhà quan
Cây bằng thạch trụ Thái sơn kia là
Non xanh, nước biếc chẳng già
Trai mà nhường ấy đích là nên trai
So xem đời lẽ đâu hai
Tài này ấy chẳng là tài quân sư
Luận đời Tam Quốc hữu dư
Luận đời tam đại còn chờ nhẫn sau
Hai triều tù gót nhẫn đầu
Bái tướng phong hầu ai dễ dám ghen
Muôn đời nhân vật kính khen
Để công trúc bạch, chép tên cân, thường
Phúc trời còn tỏ lòng cương
Ắt là Hán thất khôn lường thịnh suy
Hưng vong bỉ thái có thì
Chớ đem thành bại mà suy anh hùng
Chốn này thiên hạ đời dùng
Ắt là cũng có Ngoạ Long ra đời
Chúa hay dùng đặng tôi tài
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên
Nguồn: http://www.viethoc.org/phorum/read.php?9,3854
No comments:
Post a Comment