Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 7, 2014

GIAI ĐIỆU NGẮN - Tản văn của Giáng Ngọc





Mây có mây trắng, mây đen;
Núi có núi cao núi thấp;
Trăng có trăng tròn trăng khuyết;
Gió có gió nóng, gió lạnh;
Tình có tình già tình non;
Người có người tốt, ngưòi xấu;
Đời người, có người sống dài, có người sống ngắn ngủi.
Theo Phật thì ĐỜI là VÔ THƯỜNG;
Theo Chúa, ĐỜI là một sự ân điển của thượng đế ban.

Ngày xưa bên Trung Hoa có nhiều học giả có nhiều tư tưởng về đạo đức, mục đích để cải giáo cho đời càng ngày càng hoàn hảo hơn. Nhưng họ cũng chỉ là người phàm tục cho nên không có cái “triết thuyết” nào hoàn hảo cả. Như Khổng Tử, Trang Tử, v.v…,  trong các lý thuyết gia của Trung Hoa, hầu hết viết sách để phục vụ cho một thời đại của “quân chủ chuyên chế” nên nó tự giới hạn cái bản chất và ý nghĩa của triết lý ấy.

Qua các kỷ nguyên, có nhiều tôn giáo ra đời …, tất cả đều muốn cho ĐỜI bình yên, con người được hạnh phúc. Nhưng thực tế có mấy ai được hạnh phúc thực sự như trong tâm thức của tôn chỉ của đạo giáo.

Đời nay có nhiều người học Thiền, theo thiền, thực hành THIỀN nhưng mấy ai biết nhiều về thiền.

Thiền là không phải thiền vì khi thiền thì không biết gì cả. Thiền là KHÔNG. Khi thiền, con người không còn là người. Trời, đất không có trong thiền …,  và Thiền không phải dùng ảo giác để đi vào giấc mộng  “Nam Kha “ như gả học trò ban trưa  nấu nồi kê. Ngủ trưa mà có giấc mơ dài thấy đổ đạt, ra làm quan, lấy vợ sinh một bầy con, giàu sang… và thọ trăm tuổi. Đó không phải là thiền mà giấc mơ của đời người. Đời người cũng chỉ là giấc MƠ. Thế thôi. Cho nên nói về Thiền mà cho rằng được thế này, thế nọ, thì người đang Thiền đó chỉ là mơ. Đạo không chuyên tải gì cả mới gọi là Đạo. Đạo làm người khác với đạo tôn giáo và khó hơn đạo tôn giáo ở chỗ nó không có luật đạo để tuân chỉ. Đạo làm người là tự con người làm ĐẠO. Vì cuộc đời ngắn ngủi nên làm người cho PHẢI ĐẠO.
   
Tác giả Giáng Ngọc
Từ mấy ngàn năm về trước, trong văn hoá Trung Hoa có rất nhiều truyết thuyết ra đời để hướng dẫn cho người dân sống đúng với ĐỜI, mong cho đời được an vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, có ba triết gia đuợc chú trọng hơn cả, đó là:

Khổng Tử (Khổng Khâu) ngưòi nước Lỗ, sinh ra và lớn lên đưọc nhiều người mến chuộng. Ông đi du thuyết nhiều nước. Sau này, các đệ tử ông trước tác lại thành sách “Luận Ngữ” gồm có 20 chương. Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín là đạo lý làm người của Khổng Tử để dạy cho người biết đạo lý trong đời và muốn vươn lên phải biết “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được.

Lão Tử: “Phúc dựa vào họa, họa nằm trong phúc”. Lão Tử là một triết học gia tư tưởng biện chứng pháp sớm nhất của Trung Hoa.

Trang Tử: “Đạo vô vi vô hình, có thể truyền nhưng không thể nhận; có thể đạt được mà không thể nhìn thấy." Trang Tử sống khoảng năm 369 đến năm 286 trước công nguyên. Ông là một tư tưởng gia coi thuờng quyền quý, khinh bỉ lợi lộc chỉ muốn đi tìm tự do cho đời người.

Ngoài ra, Trung Hoa còn có sách Chu Dịch, là bộ sách bàn về học thuyết âm dương, bát quái. Bộ sách này cũng ảnh hưởng không ít trong dân chúng. Các triết gia, lý luận gia như: Quản Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử v.v… có các học thuyết khác và hơn 100 bộ sách của hàng chục vị đã theo thời gian trước tác thành những “kim chỉ nam” cho dân chúng theo học làm người.

Phật giáo ra đời cũng đã hơn hai ngàn năm trăm năm do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tức là thái tử Tất Đạt Đa xuất xa chứng đạo. Đức Phật, sau khi đắc đạo đã đi thuyết giảng và sau này các đệ tử đã trước tác thành hơn ba vạn bộ kinh sách chia làm nhiều loại. Tư tưởng vi diệu, sâu xa, hướng dẫn cho con người giải thoát nợ trần. Cho nên đạo Phật còn được gọi là ĐẠO giải thoát. Các tôn giáo cùng tương đồng gốc từ trong Phật giáo ở Việt Nam và nay lan ra nhiều trên thế giới. Đó là Cao Đài giáo (phát xuất từ Tây Ninh) và Hòa Hão giáo (phát xuất từ miền Tây nước Việt).

Thiên chúa giáo: Thiên chúa giáo thuộc thần giáo, có từ 2014 năm nay, kể từ khi Đức Chúa Giê-su ra đời. Tôn giáo này cho rằng: Trời, đất, vạn vật và con người đều do Chúa dựng nên, là con cái Chúa. Con người thờ phượng Chúa, để khi chết đi được lên thiên đàng. Các tôn giáo tương đồng như: Tin lành, Chính thống giáo, Hồi giáo v.v….

Trong Phật giáo Việt Nam có hai phái chính (ngoài Mật Tông và một it giáo tông khác đã mai một). Bắc Tông: là phái gần gũi với dân chúng, hòa đồng và dẫn dắt dân chúng tu pháp để mau được ngộ … giải thoát… Nam Tông: chủ trương ẩn cư tu theo phép vi diệu và trầm lặng, cho nên các chùa của Nam Tông thuờng nằm sâu trong rừng, núi cao. Họ lấy gốc Thiền làm trụ để ngộ đạo lý, chuyên tải ý niệm cho việc tu luyện.

Các lý thuyết về Khổng, Lão, Trang, gọi là ĐẠO nhưng thực không phải là ĐẠO. Đó chỉ là những lý thuyết căn bản để dạy cho người đời sống hòa thuận, an vui và mong cầu hạnh phúc. Ngày xưa mục đích để phục vụ cho ngôi vua hay giữ kỹ cương cho đất nước mà thôi.

Thiền chuyên chở Đạo, chứ Đạo không có trong Thiền. Ví dụ: Có anh đồ tể, hay những tay giang hồ tứ chiếng khi tỉnh mộng theo thầy vào chùa, nhờ thầy hướng dẫn kinh kệ. Ngồi Thiền và nhờ thiền chuyên chở ý đạo vào lòng mà NGỘ  ĐẠO. Thiền hay thuyền qua sông rồi, nên để thuyền lại trên bờ. Không thể vác chiếc thuyền trên vai để đi tiếp đoạn đường tìm ĐẠO. Thiền tức là thuyền vậy. Cũng như đức Phật từng nói “Nhìn theo tay ta, các đệ tử sẽ thấy trăng, chứ trăng không phải ở tay ta…” Phật là người đã thành chánh quả. Người sẽ thành, nếu tu đúng như Phật đã hành. Nên: Thiền chỉ là phương tiện. Thiền không phải là Đạo hay một triết lý. Học thiền là học cái phương tiện để tìm đạo. Cũng giống như ta đi xe hơi để đến nơi ta cần đến. Xe hơi cũng như Thiền chỉ là phương tiện ta chỉ cần có cho ta ngộ Đạo, chứ thiền không phải là đạo. Xe hơi không phải là cái ta đang tìm đến đích. Xe hơi cũng chỉ là phương tiện. Xe hơi lại càng không phải là đạo.

Vài lời cùng các bạn văn hữu. Có gì quý văn hữu nào muốn bổ túc hoặc phản biện, chúng tôi sẵn lòng học hỏi và lắng nghe.

Trân trọng kính chúc quý vị vạn an, tâm tịnh, trí trong để tiếp nhận mọi pháp thệ trong đời an vui hạnh phúc.
                                                             Kính,
                                                      Giáng Ngọc
                                                      CHLB Đức 
                                         giangngochn29@gmail.com



No comments: