Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 13, 2014

NGÀY TẾT ĐI CHỢ TỈNH - Nguyễn Ngọc Luật





Làng tôi là một miền quê hiền hòa nằm ven bờ sông Vĩnh, cái nghèo lưu cửu ngự trị nơi đây từ bao đời với những mái nhà tranh xơ xác ẩn mình sau những rặng tre xanh. Thế nhưng tuổi thơ tôi đã trãi qua những năm tháng thật êm đềm và mái tranh nghèo, mãnh vườn nhỏ nơi chôn nhau cắt rốn đã cho tôi những kỷ niệm thật đẹp không bao giờ phai mờ trong ký ức, mặc dù tôi chỉ được vui sống ở quê nhà mười mấy năm. Phần còn lại của đời người là những năm tháng lưu lạc nơi xứ người, mang kiếp tha hương nhưng lòng vẫn canh cánh một nỗi niềm hoài niệm về cố hương và những năm  tháng đẹp nhất của đời người. Thế cho nên mỗi lần nghe tiếng hát Thái Thanh cất lên cao vút “làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi…” là lòng tôi như chùng xuống và nỗi nhớ cứ tuôn trào…

 Trong cái se se lạnh của một sóm mai những ngày cuối đông nơi miền Nam nắng cháy này bổng nhiên có những cơn gió hiu hiu lành lạnh, có sương mù bảng lãng buông xuống làm cho cảnh vật như lung linh, mờ ảo khiến cho nỗi nhớ quê nhà như thôi thúc, réo gọi. Ký ức mù sương những tháng ngày thơ ấu xa xưa chợt hiện về như thực, như mơ…

… Những ngày giá rét cuối đông cũng đã bớt đi đôi chút khi có nắng ấm  và những cánh én báo tin xuân về chao lượn trước hiên nhà, những cánh mai vàng đang hé nụ chào đón gió xuân, mùa xuân đang đến thật gần nơi làng quê nghèo. Chị tôi ngoài những lúc phụ cha mẹ công việc đồng áng còn có thêm một nghề phụ nữa là “đổ giá”, tức là ngâm đậu xanh vào những cái thùng, cái đôộc bằng sành, hàng ngày cho nước vào và đổ nước ra khoảng năm bảy bữa chi đó thì đậu xanh trong thùng đã ra mộng và trở thành cây “giá”. Khi “giá” đã đúng ngày chị tôi đổ ra  thúng và gánh ra chợ tỉnh bán. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra cũng lắm công phu và phải chắc tay nghề mới làm được, trước hết đậu xanh mua về phải huy động cả nhà chia nhau đổ ra sàng lượm thật kỷ những hạt bị sâu, mọt, teo tóp hay bị bể v.v…nếu để sót những hạt đậu xấu nó sẽ làm hư cả thùng giá, nước đổ giá phải trong và sạch, nếu trời lạnh quá phải đun nước vừa đủ ấm, cho nước vào ra phải đúng thời gian và còn nhiều bí quyết nữa… Cây giá khi đổ ra bán phải dài chừng chỉ một lóng tay, mập mạp trắng ngần như bắp chân em bé, rể không có hoặc thật ngắn và lá mầm chưa lè ra khỏi hạt đậu, nếu không khéo hoặc tay nghề lơ mơ thì giá sẽ hư thối, to đầu hoặc ốm tong teo thì xem như hỏng bán chẳng ai mua thì sẽ lỗ vốn là cái chắc!. Sau này vào miền Nam mỗi lần ăn phở hoặc hủ tiếu nhà hàng mang ra dĩa giá dài ngoằng ốm tong teo và hai chiếc lá mầm xanh lè thò ra ngoài hạt đậu như lưỡi rắn tôi chợt nghĩ.

Miền Nam ăn sang hơn miền Trung nhiều thứ, nhưng về khoản giá sống thì dân Trung “hào hoa” hơn nhiều! 

(Về cái nhận xét này thì tôi đoan chắc hầu hết dân miền Trung đều đồng tình với tôi).

Những ngày giáp tết nhà trường đã cho học sinh nghỉ học, tôi lại có những ngày vui chơi thoái mái và vùi mình trong chăn ấm ngủ nướng mà không sợ bị dựng dậy chuẩn bị đi học, riêng chị tôi thì phải “tăng năng xuất” đổ thêm nhiều lứa giá để có đi bán hàng ngày và có tiền mua sắm tết cho gia đình. Vì quá ao ước được lên tỉnh nên tôi cứ đi theo xin chị cho đi chợ tỉnh, chị thì không muốn tôi đi theo  vì sợ làm vướng chân, nhưng trước sự năn nỉ của tôi cũng như mẹ cũng nói phụ thêm vào nên chị đành xiêu lòng chấp nhận với điều kiện là lên chợ tỉnh không được đi đâu (vì sợ lạc) và không được đòi hỏi mua bất kỳ thứ gì, dù không vui mấy nhưng dĩ nhiên là tôi chấp nhận.

  Thế là suốt hôm đó tôi cứ trằn trọc không ngủ được lòng cứ nôn nao trông chờ trời sáng, phần thì sợ ngủ quên chị tôi sẽ bỏ lại, cứ trăn qua trở về cho đến lúc mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không hay. Gà gáy sớm là nhà tôi đã thức dậy, tôi cũng được mẹ kêu dậy, mặc dầu còn ngái ngủ và sợ lạnh không dám tung mền nhưng khi nghe dọa cho ở nhà là tôi bật dậy như có lò xo, vội vàng đi rửa mặt và thay bộ quần áo đẹp vào. Nói cho tội chứ áo đẹp hồi đó là cái áo vải phin trắng có thêu con chim màu xanh nơi túi áo mới được mẹ mua, còn quần thì vẫn chiếc quần dài xanh may đã lâu nhưng khá mới vì chỉ được đem ra mặc vào những ngày “trọng đại”.  Cả nhà người nào việc nấy tất bật, mẹ thì thổi cơm, chị thì đổ giá ra thúng, người khác thì chuẩn bị quang gánh, còn tôi thì cứ ngồi co ro ngắm nhìn con chim xanh trên túi áo một cách thích thú. Chị và tôi ăn qua loa chén cơm nóng với cá kho, sau khi sắp xếp gọn gàng đâu vào đó chị xếp chiếc áo dài bằng phin trắng cho vào thúng rồi quảy gánh ra khỏi nhà, tôi cất bước theo sau.

 Trời vẫn còn tối lắm, trong màn trời đêm giá lạnh những vì sao nhấp nháy và ánh trăng hạ tuần bàng bạc soi đường cho hai chị em tôi.  Hai chị em mò mẩm đi trong đường làng quanh co nhỏ hẹp độ hai cây số thì đến chợ Ngô Xá và lên đường số 8 thì nghỉ lại để chờ những người trong xóm cùng đi. Đây là một giao ước đã có từ lâu, bất kỳ ai trong làng đi chợ tỉnh cũng nghỉ lại khi bắt đầu vào đường số 8 để chờ nhau cùng đi. Làng tôi cách thị xã Quảng Trị chỉ độ 7, 8 cây số là cùng nhưng thời đó sao mà thấy xa lắc, chị tôi cùng bạn bè trong làng quảy gánh đi thật mềm mại, tiếng đòn gánh kêu kẻo kẹt đều đều theo nhịp chân bước, còn tôi thì phải chạy lúp xúp mới theo kịp.

Ra tới cầu Ba Bến thì trời mờ sáng nhưng vẫn chưa rỏ mặt người, chị em dừng lại nghỉ ngơi trò chuyện rôm rả không ai thấy mệt nhọc gì cả, riêng tôi thì mồ hôi đã vã ra ướt lưng áo và bàn chân đã thấy đau ê buốt vì mang dép không quen, tuy thế khi nghe chị hỏi “ Em mệt không” thì tôi tươi cười đáp “Dạ không mệt” cho chị yên lòng.  
 Nghỉ ngơi chốc lát, chị tôi lấy chiếc áo dài trắng trong thúng ra mặc vào, mấy chị em khác cũng thế. Cái thời đó đàn bà, con gái đi ra đường là phải mặc áo dài, cho dù đi ăn giỗ, đi chợ hay đi buôn cũng thế, dù chỉ là chiếc áo dài cũ kỷ bằng vải phin hay popoplin nhưng không có là không được!

Trời sáng dần, trên đường đã có nhiều người đi bộ và xe cộ qua lại, tôi vẫn chạy lúp xúp sau lưng chị và được thấy cái dáng thật mềm mại, uyển chuyển của chị trong tà áo dài, những bước chân đều đặn với đôi quang gánh trên vai.

Vào tới Góc Bầu đặt chân lên đường nhựa là đã bước vào địa phận thị xã Quảng Trị. Hồi đó  thị xã Quảng Trị thật ra rất nhỏ bé nhưng dưới cặp mắt của đứa bé nhà quê mười tuổi như tôi lần đầu lên tỉnh thì thấy nó lạ lẫm và to lớn lắm, chân bước mà mắt cứ nhìn chớp ngớp bên nọ sang bên kia. Ở nhà ngày qua ngày chỉ thấy toàn nhà tranh núp dưới những lũy tre già và đường làng nhỏ hẹp quanh co với đồng lúa, nương khoai, bạn học thì áo quần tềng toàng, nhếch nhác, đi chân đất lấm lem bùn. Ra đây như lạc vào một thế giới khác trông cái gì cũng sang trọng, nhà cửa thì san sát bán hàng hóa đủ thứ và chất đầy nhà, phố xá thì  xe cộ tấp nập, người ngược kẻ xuôi áo quần đẹp đẽ. Đoạn đường từ Góc Bầu đến cửa chợ không biết bao xa nhưng tôi cứ vừa đi vừa ngó ngang ngó dọc nhiều lúc muốn đâm sầm vào người đi ngược chiều, chị tôi sợ bị  xe đụng cứ nhắc nhở tôi hoài.

 Hồi đó hàng giá của chị tôi bán ở cửa chợ đường Phan Bội Châu, khi chị tôi đến nơi ngồi bán hàng thì tôi chỉ được phép di chuyển trong bán kính mười mét, tức không được ra khỏi tầm mắt của chị vì chợ tết tấp nập kẻ bán người mua đông đúc nên tôi mà đi lớ ngớ lạc mất thì khốn! Vậy là trong lúc chị bận bán hàng thì tôi đứng bên cạnh ngắm nhìn các cửa hiệu chung quanh. Tôi còn nhớ hiệu ảnh LIDO phía bên tay phải có chưng thật nhiều ảnh lớn có nhỏ có mà cô cậu nào trông cũng thật đẹp, có một dãy nhà lầu đề tên là “Trung Hoa hội quán” với những cửa hiệu bán bia, nước ngọt và hàng tạp hóa. Phía sau lưng hàng giá là tiệm tranh kiếng Phúc Thịnh treo đầy những tranh vẻ vào gương thật đẹp và lạ mắt, tranh vẽ hai con chim có hình trái tim và dòng chử “sắt cầm hòa hiệp” hay “loan phụng hòa minh” người ta mua để đi tặng đám cưới, còn tranh vẽ những chú nai uống nước bên dòng suối dưới ánh trăng vàng đề chử “tân gia đại cát” người ta mua để đi tân gia…Phía trước mặt là hai tiệm vàng Kim Yến và Tân Mỹ nhìn vào thấy chóe mắt vì nào là nhẫn, giây chuyền, vòng vàng… sáng lóa trong tủ lại thêm các mặt kiếng tủ đều tráng thủy nên nhìn vào thấy trùng trùng, điệp điệp cơ man nào là vàng. Hồi đó trong trí óc non nớt của tôi chỉ nhìn ngắm mà trầm trồ thôi chứ chưa hề nảy sinh sự ao ước được sở hửu những nữ trang quý giá này.

Cứ thế, thời gian dài nên tôi tha hồ ngăm nhìn và để cho trí tưởng tượng bay bổng và thấy thật thích thú, có lúc trí tò mò thôi thúc không cưởng được tôi mon men đến trước mấy hàng vàng hoặc hiệu ảnh LIDO mà xem cho đã. Có lẽ thấy bộ dạng ngố ngáo của thằng bé nhà quê không có gì nguy hiểm nên những người đàn bà sang trọng môi son má phấn, tóc phi-dê quăn tít ngồi trong quầy không thèm đuổi đi chăng?!

 Khoảng mười giờ là chị tôi đã bán hết sạch mấy thúng giá và kéo tôi đi theo mua một ít hàng tết cho gia đình, sau cùng là đem tôi đến nơi bán xi-rô xanh xanh, đỏ đỏ ở góc chợ mua cho tôi một ly. Tôi uống ly xi-rô ngọt ngọt, chua chua với cái lạnh của nước đá làm buốt răng nhưng mà cũng thật thích thú “ngậm mà nghe” vì ở nhà cả năm cũng không biết mùi vị nước đá như thế nào! Tiếp theo là mua hai ổ mì xíu gói trong giấy đem về để hai chị em ăn dọc đường, ghé vào ông già bán  tò he mua cho tôi mấy con tò he nho nhỏ được nhuộm màu vàng xanh tím đỏ trông thật bắt mắt để tôi chơi trong mấy ngày tết và hãnh diện đem khoe với mấy đứa bạn nhà quê hàng mua tận chợ tỉnh!, cuối cùng là một cây cà-rem đá vừa đi vừa mút trên đường theo chị về nhà…

 Một buổi đi chợ tết thuở bé thơ của tôi chỉ có vậy mà sao mỗi lần được chị cho đi theo là tôi cứ nôn nao mong ngóng. Giờ đây đường đời đã ngã bóng về chiều, mấy mươi năm lưu lạc đất khách quê người mỗi lần nhớ lại chuyện đi chợ tỉnh ngày tết lòng tôi lại nôn nao một nỗi nhớ nhung khó tả…

                                                        Nguyễn Ngọc Luật
                                                     pt.tamle@yahoo.com.vn

No comments: