Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 15, 2014

KÝ ỨC - Hoàng Kim Liên


                    



       Trong cuộc sống đời thường, bao nhiêu sự việc diễn ra trong quá khứ - nhất là thời thơ ấu – đều được ghi lại trong bộ nhớ của não một cách rỏ ràng. Nhưng  trong lúc bận rộn cho công việc mưu sinh, tất cả đều bị che lấp, nhường chỗ cho những tính toan để đối phó với những điều kiện, hoàn cảnh cay nghiệt vấp phải. Khi về già những tính toan đó không còn mà phải vui vẻ sống những ngày còn lại trong quỷ thời gian của mình thì những ký ức ngày xưa lại hiện về làm xao xuyến trong lòng, đôi lúc lại cười thầm trong bụng vì những cảnh tượng quá cách biệt giữa xưa và nay rồi thì mũi lòng, cảm động những gì mình trải qua trong quá khứ.
          Xin nhắc lại một vài chuyện mà tin chắc rằng ai đã từng sinh ra, lớn lên ở nông thôn thì thế nào cũng gặp thải.
      1.    Chuyện thắp thuốc cho ba hoặc ông bà: Ngày xưa, ít ai có được một hộp quẹt bỏ túi để thắp (đốt) thuốc như bây giờ. Người sang lắm mới có cái “máy đèn” mua ở chợ tỉnh hay của người thân quen tặng. Ngày xưa gọi là máy đèn. Một hộp chứ nhật nhỏ hai lớp làng bằng nhôm, dày khỏang 8 ly, rộng 3 phân, dài chừng 7 phân, kể cả nắp đậy. Bên trong là ruột đựng bông gòn có tấm dầu lửa, có một tim bằng sọi vải để dễ bắt lửa nhô ra ngoài, một trục bên trên gắn một bánh xe bằng thép, nhám thông vớ một ống nhỏ bên trong ống bỏ viên đá lửa nhỏ bằng que tăm, ngắn chừng 5 ly, được đẩy bằng một lò xo và con ốc vào cho viên đá luôn tiếp xúc với bánh xe, tay cầm máy đèn, ngó cái bật bánh xe toé ra lửa, tiếp xúc với tim sẽ thành ngọn lửa nhỏ để mồi thuốc. thấy cũng oai đấy chứ.
       Ba không có máy đèn.
      Giấy vấn thuốc không được cắt sẵn 4 phân x 7 phân mà cả tờ giấy quyến trắng to đùng, 1 mét x1,2 mét, mua về xếp lại, có người xếp thành tám xé vấn dần, có người thì gấp lại nhỏ đàng hoàng, lấy dao rọc ra từ lớn đến nhỏ, cất bỏ vào bao một ít dùng dần. Còn thuốc thì mùa xuân bắt đầu trồng quanh vườn, đến mùa nắng bẻ lá vào phơi khô, xếp cuốn ,bó bằng mo cau cột giữa bếp, khi hêt thuốc xắt thì lấy xuống, xé bỏ xương gân, xếp miếng to không rách ra ngoài, cuộn tròn lăn thật mạnh thành một cuộn dài chừng 30 phân, lớ gần băng ngón chân cái. Lấy một thanh tre khô bằng hai ngón tay, dài khoảng 45 phân, bào nhẳn. Cách một đầu chừng 10 phân, đục một cái lỗ tròn vừa đủ cuộn thuốc lọt qua, gọi là bàn cắt thuốc. Lấy cây rụa mài thật sắc bén. Tất cả sẵn sàng. Bàn  cắt thuốc đầu trên chống vào nách người cắt, đầu dưới chống vào giưa nền nhà. Tay trái cầm cuộn thươc đun dần dần vào, tay phải tựa theo bàn cắt nhấn mạnh xuống – đưa lên nhấn xuống liên hồi – thuốc sẽ đứt từng nhát mỏng. Thuốc xắt ra hứng trong miếng lá chuối sạch. Xắt xong, xé nhỏ thuốc bỏ vào bao hút dần. Bao đựng thuộc làm bằng bẹ chuối khô, may đẹp xấu, mỹ thuật hay không tuỳ theo. Bao có ba ngăn: ngăn đựng thuốc, ngăn đụng giấy, ngăn đựng máy đèn.
        Mỗi lần hút thuốc, khi vấn (cuộn thuốc vào trong giấy thành điếu), ba đưa điếu thuốc cho tôi biểu đi thắp. Khi thắp (đốt) thuốc thì phải hút thuốc mới cháy thành ra quen dần lớn lên nghiện thuốc. Trẻ con thôn quê hay hút thuốc là vậy.
2.   Cha mẹ đi ra đồng cày, cấy, bón phân hay làm cỏ nên phải tắt hết lửa củi trước khi đi làm bỡi vì đa số nhà thấp, lợp bằng  tranh dễ cháy, đun bếp ba mùa xuân, hạ, thu đều bằng rơm; củi hiếm để dành cho mùa đông rét mướt, có than để sưởi bỏ vào lồng ấp hơ ấp hai tay. Khi cha mẹ về nấu ăn sai con đi hàng xóm, có người ở nhà  xin lả (lửa) về nấu cơm, chạy ra sau cây rơm rút một nắm xoáy tròn bằng tổ chim rồi bóp dẹp lại, một đầu để cầm đầu kia banh ra bỏ cục than đang cháy vào, chạy nhanh về nhà cho mẹ. Đôi khi lửa bén nhanh quá chạy không kịp bị lửa cháy phỏng tay.
        Ông già bà lão, mùa lạnh ở quê Quảng Trị mình  không có bếp lửa là không ổn. Họ làm một dụng cụ gọi là lồng ấp, vót tre đan cái lồng trên có miệng, ở giữa eo vào để bỏ cái tréc (cái nồi cạn làm bằng đất nung) đựng tro và than, cái lồng để giữ cho áo quần khỏi dính vào lửa khi ôm lòng ấp.
        Mùa lạnh ra đông, người ta lấy rơm bện thành “con cúi”, hay “bông mai”, bỏ cục than đang cháy đỏ vào cho bắt lửa, rồi nó âm ỉ cháy ngún không bốc thành lửa ngọn, giữ lửa suốt ngày đêm tuỳ theo “con cúi” dài hay ngắn.
3.  Về mùa thu hoạch lúa, nông dân rất vất vả, ban ngày đi gặt lúa, đêm về phải đạp lúa. Thường người ta gặt lúa để ngay ngắn từng đống rồi lấy lạt (dây cột, cứng) bó thành từng bó dùng đòn xóc đâm vào hai bó lúa đưa lên vai gánh về chất thành đống cao nghệu, để vài ba ngày cho lúa chính bết mới đem đạp cho lúa hột rụng ra khỏi rơm. Người ít lúa, không có trâu bò, họ đạp chân – chân trần, không mang giày bảo hộ. Làm gì có. Cột một cái sào tre ngang trên bụng vào hai cột nhà để tì vịnh tay vào, mở bó lủa ra chia làm hai hay ba rồi đứng lên chà xát dẫm bàn chân lên ngọn lúa cho lủa lột rụng hết. thật là gian khổ.
        Đạp lúa trâu, bò thì khoẻ hơn, nhanh hơn đạp bằng sức người. Khoảng 5 giờ chiều, hai ba người đàn ông, quét “cươi” (sân) sạch sẽ, ôm lúa bó mở ra trải lên sân, ngay ngắn thứ lớp đàng hoàng, dày mỏng còn tuỳ ít hay nhiều lúa bó, thường dày khỏang 40 đến 50 phân, tròn, đường kín 6 đến 10 mét. Chuẩn bị bổ cào 6 răng, mõ xảy (xảy một, xảy đôi – dụng cụ rủ rom, phơi rơm), giỏ đựng phân trâu. Xong xuôi, sáu giờ, sau khi trâu bò đã ăn no, người cũng ăn xong, cho trâu bò lên giả lúa đi quanh , người điều khiển đàn trâu bò từ ba bốn con, con đi đầu phải có dây dò mũi. Đi quanh đạp chừng 10 phút nghe người điều khiển hô: Trâu ẻ… trâu ẻ (ỉa) là người phụ ở ngoài bưng giỏ có lót rơm chạy vào hứng sau đít trâu kẻo trâu ỉa ra lúa, lúc này cả bầy, hết con nầy đến con khác,  liên tục ỉa làm người phụ ngoài mệt đừ
        Độ một tiếng rưỡi đồng hồ, phía trên mặt đã rụng, người ta lấy bớt chung quang, rủ thật lộn búi rải đều lên trên một lớp cho đi tiếp, nửa giờ sau, lớp này không còn dính lúa hột nũa, lấy cào và xảy đưa rơm ra ngoài rủ sạch, bỏ thành đống ngày mai phơi. Tiếp tục một hai lần lấy bớt như vậy khi giả lúa thấp xuống, cho trâu bò nghỉ, ăn cỏ lót dạ, mọi ngươi xúm nhau rủ búi tất cả số còn lại, sửa sang lại, cũng ăn lót dạ chén cháo gà, chén chè hay đĩa xôi rồi đưa trâu, bò vào đạp tiếp, khi xem lúa không còn dính vào rơm nữa, cho trâu ra nghỉ, người rủ sạch hết số còn lại nầy, đưa rơm ra khỏi sân chất thành đống thì cũng đã 12 giờ đêm. Cứ vậy, ba bốn hôm lại đạp lúa trâu một bữa cho đến hết mùa.
       Với đàn ông thanh niên là vậy, còn với phụ nữ và trẻ 10 trở lên 18 thì có công việc thường lệ hơn cho mỗi buổi tối. Như có bảng phân công bất thành văn mà mỗi người phải ghi nhớ để thực hiện. Sau khi ăn cơm tối xong, mẹ tranh thủ rửa chén bát, dọn dẹp, các con lấy lúa đổ vào cối xay, mẹ làm xong việc dọn dẹp, dọn nẻn (cái nia), sàng ra, lấy lúa đã xay sàng vào trong nia, bỏ trấu (võ lúa) ra ngoài, lấy gạo lứt (gạo chưa bóc cám) bỏ vào cối đá hay cối gỗ giả cho phần cám (võ lụa bám mỏng ngoài hạt gạo) bung ra hết, phải xem cho kỹ, lúc nầy cám và gao đã giả trắng trộn lẫn nhau, mẹ lấy nia trải ra, lấy giần,  giần để loại cám xuống dưới còn gạo lẫn trấu heng (trấu nhỏ) còn lại trên giần. Bây giờ lấy cái trẹt to (nia nhỏ) sảy cho trấu nhỏ bay hết còn lại gạo sạch hoàn toàn, đổ vào dụng cụ chứa gạo để mấu cơm ngày mai.


    

                 
               

       Trừ cối giả gạo làm bằng đá hay gỗ, chày giả làm bằng gỗ ra, còn lại thúng, mủng (thúng nhỏ), trẹt to, trẹt nhỏ sàng giần, cối xay đều đan đát bằng tre. Giả gạo, sàng giần gao là cả một nghệ thuật, không hiểu, không quen chắc chắn sẽ không làm được.







       Có ba loại chày giả gạo:  Một là chày tay, một khúc gỗ dài chừng 1,4 mét, đường kính chừng tám phân đến một tấc, bào tròn, ở chunhs giũa đẽo chuốt nhỏ lại bằng cổ tay để dễ cầm, đứng giẩ. Hai là chày đạp, thường để một chỗ cố định. Cối được chôn thấp xuống, chày nặng hơn, giống chữ L, cán chày dài khoảng 2 mét, đầu chày nhỏ hơn , ngắn khoảng 4 tấc, đầu kia, cách đầu chừng 8 tấc, đục xuyên cán chày làm một trục ngang, trục ngang này tựa vào hai cột chôn vững xuống đất, cách nhau chừng 8 tấc. Chày nầy như là một đòn bẩy , người giả đứng phía sau đạp nhún để cho đầu kia cất lên rôi thả xuống, chày sẽ giả vào côi. Chày nầy có thể xử dụng hai người. Ba là chày vồ, chày có cán tre ở giữa như chữ T, chày giả được hai đầu, cán nhỏ dài chừng 7 tấc, nhỏ để dễ câm, ngồi trên ghế để giả

      Giả gạo một người, hai người còn dễ chứ ba, bốn người,  thì càng khó. Thứ tự theo vòng quay ngược kim đồng hồ, người này giả xuống cất chày lên tiếp người bên phải cứ như thế hết người thứ tư mới đến người đầu trở lại, rất nhanh không để người khác chờ, cũng không xuống trước sẽ gỏ chày trúng nhau. Khi đã quen, thuần tục thì giả đuổi nhau thi nhau nữa, ai mệt sẽ bỏ cuộc ngay. Đôi khi đánh trúng chày người khác làm chày họ giả vào tai cối làm bể hay sứt mẻ cối. 


               

       Thấy cảnh giả gạo chày tư rất thú vị. Còn sàng, giần, cằn, sảy làm sạch gạo là cả một nghệ thuật, học hỏi, kinh nghiệm lâu ngày chứ không đơn giản chút nào. Chỉ những bà mẹ quê từng trải mới làm tốt thôi. Không tin cứ về quê giả gạo làm gạo sẽ biết liền. Trong khoảng 3 ký gạo trộn chừng 15 hạt lúa, chắc chắn mình sẽ tìm cả giờ chưa hết chứ một bà mẹ quê sành sỏi họ lấy sàng ra bỏ lên sàng ba phút sau tất cả các hạt lúa đểu nhóm lại ở chính giữa sàng chỉ lây tay nhón một cái là xong ngay. Vậy đó
        Ai  đã từng có thời son trẻ sống ở vùng nông thôn nghèo mới biết và hiểu được cảnh cơ cực suốt một thời gian dài, vì chiến tranh, lạc hậu. Giờ tuổi trẻ, đầy đủ tất cả mọi tiện nghi, vật chất, khoa học kỹ thuật phát triển gấp cả trăm lần, khi ông cha nhắc  đến thời thời kỳ ấy với những từ ngữ địa phương nữa cắc chắn chúng sẽ ngơ ngác chẳng biết gi hay hình dung được như thế nào cả. Còn lớp già sống vào những thời đó thì nay cũng đã 60 tuổi trở lên, gặp nhau đâu đó. Bên tách cà phê tâm sự hay ly trà hàn huyên hay tranh nhau kể về quá khứ của mình, lòng vướng chút tự hào, chút hoài niện, chút ưu tư mà lòng se lại…

                                                                       Hoàng Kim Liên

No comments: