Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 6, 2014

XÓA BỎ MẶC ĐỊNH - truyện ngắn Nguyễn Vinh Nguyên Hiển




I
Một phụ nữ tóc ngắn, ngoài bốn mươi tuổi, mặc áo chẻn, quần Jean bước vào ngõ lên cốc tôi. Tôi đã thức dậy thời công phu khuya, cửa chính mở đón nắng mới, chuẩn bị tập khí công. Huế gần Tết, trời có sương mù trưa nắng to. Nắng hiếm cuối Đông thường ấm và cần thiết cho bà con lo Tết… Chị đứng trước bàn thờ Phật, không chắp tay vái hoặc thắp hương dâng Phật. Cốc tôi, thi thoảng các cô, chú Phật tử, các chị đạo tràng thăm, họ đều đảnh lễ Phật. Tôi ngạc nhiên khi chị đứng ỳ ra thế? Bỗng tôi nhớ một e.mail gần đây: “Em không tìm hiểu về Phật giáo vì lúc sinh ra tôn giáo của em đã mặc định như vậy rồi. Nói như vậy không phải là em hối tiếc khi không có quyền lựa chọn. Cũng như anh, em xác tín về tín ngưỡng mình đang theo và cố gắng hoàn thiện mình. Bây giờ con người không dí súng vào đầu để buộc ai bỏ đạo cả anh ạ. Phật giáo lại càng không, ít ra là trên lãnh thổ của ta. Thời nay có nhiều cái tinh vi hơn để làm cho người ta chối bỏ đạo. Anh thừa biết như vậy chứ.”. À, chị tên Khanh, đạo Thiên Chúa. Tôi mời:
- Anh không ngờ Khanh ra Huế. Lên cốc thăm anh!
- Anh không nhớ em đã viết khi anh nhã ý tặng tập thơ cho em: “Có dịp nào ra Huế em sẽ đến chào anh và xin nhận lại, nhờ anh giữ hộ, có được không ạ? Cái thời mà các cô cứ ở một chỗ mong ngóng chàng lãng tử, với em thì ngược lại nhé.

Tôi đã quen chị trên Twoo. Chị giới thiệu tôn giáo Catholic. Đối với Thiên Chúa Giáo tôi rất kính trọng. Quen với chị tôi học hỏi thêm nhiều điều. Tôi kể chuyện: “Một hôm tôi đi thể dục, vào rừng thông chùa Từ Hiếu, tôi nghe một giọng hát ngân vang, một cô gái đứng trong rừng thông hát thánh ca với vẻ thánh thiện. Tôi đi nhẹ đến làm quen. Cô sợ, lên xe đạp bỏ đi. Tuy vậy, tôi kịp cho cô tên tôi và mời cô vào google đọc tác phẩm của tôi. Ngay hôm ấy, tôi nhận được mail của cô, biết cô là soeur. Tu ở một Nhà Dòng. Khanh trả lời: “Những lúc đi thể dục em cũng hay hát lắm nhưng đa phần chỉ hát thầm thôi anh ạ, chỉ những lúc vắng người thì em mới hát khe khẽ ra tiếng. Hôm nào tâm trạng không vui em thả hồn đi hoang bằng những bản tình ca. Có lúc trống vắng chơi vơi cần một điểm tựa vững chắc em hát Thánh ca. Nhưng phần nhiều là lần chuổi tràng hạt, đọc kinh. Tuy không đi tu nhưng em biết khá rõ về luật Nhà Dòng, vì 3 chị em từng ở đặc cách trong 2 Nhà Dòng.... Sau lại làm việc mấy năm với các soeur Dòng Vicent De Paul (tiếng Việt gọi là Dòng Vinh-Sơn hay Nữ Tử Bác Ái Vinh-Sơn). Và chị Cả của em là nữ tu. Kể với anh như vậy để cho anh biết là em không phải nói vu vơ. Luật tu sĩ của Nhà Dòng nam hay nữ đạo Công Giáo rất nghiêm. Muốn viết thư thăm hỏi gia đình cũng phải xin phép và được sự đồng ý của Bề Trên (Chủng viện thì có Cha Giám quản, Nhà Dòng Nữ thì có Soeur Bề Trên). Không có chuyện tự tiện dùng email đâu anh ạ. Và tập hát thì có người chuyên trách trong nhà dòng đảm nhiệm, có nơi có chốn có giờ. Em xin lỗi anh nhé, em nghe thấy đúng là như vậy nhưng vì có thể chị ấy không nói chi tiết với anh (Vì thấy không cần thiết chăng?). Nên nghe anh kể chuyện chị nào đó luyện giọng trong rừng thông em ngỡ như nghe một chuyện cổ tích đẹp vậy đó. Chuyện này anh bị ngộ nhận như chuyện của nhạc sĩ Vũ Thành An đây.”. “Để em nói rõ hơn nhé. Vì luật Nhà Dòng rất khó và vì những lý do khách quan khác (Thí dụ: không đủ sức khỏe ) nên trong quá trình tu tập cho đến lúc được khoác lên người chiếc áo dòng lần đầu (gọi là khấn lần một, lần thứ n... cho đến lúc đạt lần KHẤN TRỌN ĐỜI) sẽ vơi đi ít nhiều. Điều này trong đạo gọi là: Người được gọi thì nhiều mà kẻ được chọn thì ít. Thế nên cung không đủ cầu, số các nữ tu phân bổ về giúp việc cho các xứ đạo thiếu. Và có những việc tuy được học, hiểu rõ một số vấn đề thuộc lĩnh vực nhạy cảm trong xã hội, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận để giúp đối tượng, nhất là không tiện cho các soeur còn quá trẻ (cũng là để bảo vệ tu sĩ). Thế nên sau này có một đội ngũ được thành lập gọi là MẾN THÁNH GIÁ TẠI THẾ. Các bà, các mẹ, các chị trong giáo xứ đều có thể đăng ký gia nhập đội quân này. Nôm na như những tình nguyện viên vậy đó. Họ cũng giữ một số luật nhất định của nhà dòng, có khấn, có đồng phục nhưng dứt khoát không phải là áo dòng như anh từng thấy (đồng phục hiện nay là áo dài màu xanh dương đậm). Em cũng được các bà, các chị mời gia nhập nhưng vì thấy chưa toàn tâm toàn ý phục vụ tốt được nên khất.”.

Trước đây, tôi Chat với Khanh, tôi nghe nhạc sĩ Vũ Thành An đi tu. Tôi hỏi vì sao một nhạc sĩ viết những bài KHÔNG TÊN từng yêu thương, không nguyên vẹn sao được thụ phong Linh mục. Khanh Chat lại: “

NS VTA không phải là linh mục, chỉ là phó tế. Nhưng còn phải xem lại là chức phó tế này của Thiên Chúa Giáo hay là bên Tin Lành. Em nghĩ là mục sư của đạo Tin Lành. Vì mục sư được phép lập gia đình như người thường. Còn TCG thì rất khắc khe khi xét phong chức linh mục. Phải là người toàn tâm toàn ý hiến dâng phục vụ, nói như anh là còn nguyên (em thêm vào là:" còn nguyên đai nguyên kiện".Hi…hi…). Ngay cả gia đình người ấy khi cho con đi tu làm linh mục, thì cha mẹ cũng ý thức rõ điều đó. Nếu trong quá trình đi tu mà gặp trắc trở gì phải rời nhà dòng quay về (thí dụ như sức khỏe kém, đau ốm liên tục không thể tiếp tục đường tu được nữa, hoặc hạnh kiểm kém, học lực kém sau mỗi năm kiểm tra) thì cả gia tộc rất buồn phiền, thậm chí xấu hổ nếu dính đến hai yếu tố sau. Có người đã làm đến chức Thầy 6, hay còn gọi là Phó tế, tức là sắp thi xét tuyển lần cuối để thụ phong linh mục. Có khi còn bị trả về gia đình (tuy hiếm khi xảy ra,xác suất 1/300).

Tiểu sử của NS VTA: là người đã lập gia đình rồi nhé. Vậy thì chắc chắn không thể có chuyện được phong phó tế của Thiên Chúa Giáo đâu.

Em không có " Ơn kêu gọi đi tu" vì thứ nhất là em không hề có chút ý tưởng nào cho điều này, mặc dù gia đình cũng có ý đó khi cho cả 3 chị em em vào ở trong Nhà Dòng (sau này em mới biết). Thứ hai là em nghịch lắm, và cuối cùng là học không giỏi. Đi tu làm soeur cũng kén người có tiêu chuẩn không kém gì làm linh mục đâu nhé. Em.......ngã nón chào anh.”.

Ngày xưa lúc em 11-12 tuổi, cùng 2 em gái, cả 3 chị em là con nuôi của Đức Cha. Nhớ lại cảm giác thuở ấy, hàng tuần ba chị em được Đức Cha cho xe đón từ nhà dòng nữ về Tòa Giám Mục chơi. Cả ba chị em lang thang lủi thủi trong khuôn viên Tòa Giám Mục, như 3 con gà con lạc đàn dù được chăm sóc miếng ăn chốn ngủ chu đáo. Thôi em không nói nữa kẻo khóc đến nơi rồi. Em có đọc TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI được quay thành phim luôn và còn một tác phẩm nữa (em quên mất tên) cũng về đề tài này. Họ tưởng tượng thêu dệt sai sự thật quá đáng. Không phải em bênh vực vì mình là dân Catholic. Nhưng có phẩn nộ vì sự thêu dệt quá đáng ấy. Em cảm ơn anh đã nhắc nhở. Trong 3 điều anh nói nên tránh, thì em tránh được cái THAM, cái gì không phải là của em thì tuyệt đối chẳng tranh chấp làm gì. Em cũng biết "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc". Ở những nơi em đến cuộc sống con người đầy khốn khó, em nghiệm ra rằng thực ra nhu cầu của mình không nhiều như mình từng muốn, hay chỉ tự mình làm khổ mình vì những thứ phù phiếm ấy? Sân Si thì làm người sao tránh khỏi hả anh. Có chắc là các bậc tu hành đã dứt bỏ hết nó khi khoát lên người chiếc áo của nhà tu không? Thôi thì tự nhủ cố gắng từng giờ từng ngày để hoàn thiện bản thân thôi.”

II
Khanh ra Huế trong chuyến thăm trường cũ. Ghé thăm tôi. Chúng tôi chưa dịp loanh quanh Huế. Nhưng trong tôi, hình ảnh Khanh loanh quanh trái tim mình. Về nhà, Khanh mail:
Anh chừ ở nơi tịnh độ. Nơi anh thật yên bình. Xin anh một góc nhỏ trong tâm hồn anh. Không phải thứ tình cảm bồng bột hồi mới lớn, chỉ xin những vần thơ và tâm hồn vời vợi của anh. Đọc thơ, đọc văn anh viết, em biết rằng anh là của mọi người, anh yêu nhiều người, và trái tim giàng trải. Em thấy mình nông nổi khi nghĩ rằng sẽ sở hữu được một trái tim, và đã chùng lại khi hiểu sâu hơn về anh. Có cái gì đó như mơ hồ xa ngái. Chúc anh yên bình và hãy cầu nguyện cho em thôi nông nổi anh nhé. “Em đi về tâm hồn tơi tả quá. Ngâm cuộc đời nhớ tiếc mọc thành cây”
Em đã đọc chùm thơ anh gửi. Anh chỉ hơn em mấy tuổi mà như xa lắm lắm về cảm nhận cuộc sống. Em khi chưa cảm nhận hết cuộc sống, bởi bận rộn với công việc từ khi rời ghế đại học, rồi vào đời, làm nghề đưa đò cho nhiều thế hệ học sinh. Em nếm mùi cuộc sống từ khi anh ấy không còn che chở em. Anh ra đi! Rồi quen anh, anh đã sẻ chia và nói lời tri âm như lời hò hẹn làm em chợt tỉnh và tự nhủ, đâu cứ phải vùi vào những niềm đau! Bên mình còn ít nhất là một tấm lòng ở Huế. “Bên Khanh vẫn còn anh”. Ấm áp quá! Được anh cầu nguyện cho em, em thấy vui hơn. Đêm qua ngủ một giấc yên bình và mơ đẹp nữa. Cám ơn anh về tất cả. Không biết làm gì để đáp lại . Anh cho em mail cho anh hằng ngày để tạ ơn nhé. Anh không cần viết lại cũng được. Em đọc thơ, truyện anh viết và độc thoại cũng đã vui rồi. Anh yên bình và khỏe nghe. Em thương anh nhiều. Bye anh.”
Khanh gửi tôi một tấm hình. Tôi khen. Khanh vui: Được khen vui như thời con gái. Muốn đi quanh đâu đó để tận hưởng nỗi niềm. Em không nở bị đời lãng quên vì đã có anh đồng hành. Em trân trọng anh như một sứ giả đã kết nối em lại với cuộc đời. Không phải tự nhiên mà em quyết định gặp mặt anh như một sự tự nguyện”. Tôi gửi Khanh bài thơ:

TẬP CHẾT

Tôi tập chết
Mỗi ngày lẵng lặng chết
Chết chút si, ham muốn tục trần

Ai cứ nghĩ chết là rất dễ
Một cái buông rơi thẳng vô minh
Buông vì dục là buông u tối
Buông cho người tỏa sáng, tái sinh

Thuở ra đời mẹ cha tập sống
Lớn lên mình dạy chết cho mình
Chết rất khó cuối đoạn đời về đích
Tự thắng mình mới thắng tử sinh

Tôi tập chết không hề mong sống mãi
Chỉ cầu xin léo sáng một hành trình…
                          Nguyễn Vinh Nguyên Hiển

Và viết, em có khi nào thấy người đồ tễ, kẻ đại ác chết yên lành không? Không bao giờ! Khi chết, có điều gì không bằng lòng, quằn quại, đau đớn người chết thường tái sinh cõi thấp. Anh từng thấy, ngay đang sống có người đã hiện nhiều tướng xấu đến sợ, môi trên họ cong lên, lòi răng nanh... Ấy là, ác nghiệp như ăn óc khỉ đang sống, ăn cá đang nhảy, đầu bếp nấu chín phần đuôi, cá còn thở ngóp ngóp. Có khi nào đoạt sinh mạng của sinh linh để ăn ngon miệng mà mình cầu chết yên lành? Cho dù em không theo đạo Phật. Không tin có đời sau. Nhưng tất cả ai cũng mong được chết yên lành, ít đau đớn. Muốn chết yên lành phải buông bỏ tham, sân, si và tu sửa. Anh nói vậy, em có cho anh là người bất bình thường không? Nhưng từ lâu, anh đã tập sống không toan tính, cố lành lặn tâm hồn, chơi với ai anh cũng nhận phần thua thiệt, được thua người là tập chết tốt đó Khanh.
Khanh trả lời: “Tâm hồn anh có niềm tin mãnh liệt quá. Anh viết về cái chết. Em đọc, em thấy sợ sợ. Vẫn biết nhà văn là tài sản của chung cho đời, anh lại là người tu hành nữa, thế mà từ bài thơ đầu tiên em đọc được trên Twoo của anh đã làm em có suy nghĩ lệch lạc, em tự thấy xấu hổ với tư tưởng đời thường của mình khi thấy anh đúng vị chân tu! Văn anh viết thật hay. Anh tu chợ thanh tịnh. Anh cho em niềm vui được chia sẻ, chỗ bám víu cho tháng ngày tưởng như không còn chút kỳ vọng nào vào cuộc sống. Rồi em đã nói được nỗi lòng em, anh đã làm cho ngày còn lại của em không cô độc. Ơn anh anh nhé. Anh sống bình yên trong không gian tịnh độ. Em không giữ được mái gia đình trọn vẹn là một bất hạnh. Có khi em lang thang với nỗi buồn đầy ắp tâm hồn, tự thấy nổi bất hạnh gậm nhấm nát ruột gan. Nhưng rồi cũng phải trở về trong quay quắt. Khác với anh, anh tìm quên ở chốn bình yên vắng vẻ, trái tim được vỗ về với những thiện nguyện anh làm cho những mảnh đời khốn khó. Em thương anh. Bye anh”.
Anh tu để đạt an bình... Những điều ấy anh sẽ lây truyền đến em và nhiều người khác. Em biết không lòng từ bi, tình thương vẫn có thể lây truyền sang người mình thương mến. Người ấy sẽ bị lây bệnh TỪ BI như mình. Khi tư tưởng mình nghĩ đến ai đó, luồng tư tưởng sẽ phóng tới họ. Yêu, ghét họ, họ biết ngay. Hãy tập cầu nguyện cho kẻ mình không ưa của mình được vui khỏe. Em sẽ vui khỏe và thiết lập cảm thông với người mình khó ưa nhất đấy em ạ. Mọi cánh cửa đều mở ra cho người hiền lương. Những bà cùng học với em ở Đại học Sư phạm năm ấy (trong ảnh), em là người anh chú ý nhất, muốn lây truyền cho em tình thương và thi ca. Tuy rằng anh chỉ tập tễnh trên bước đường tìm cầu chân lý. Không chỉ các đại sư mới trao truyền được những gì họ đạt. Những người bạn của mình, họ cũng trao truyền bước khởi hành của họ bằng chính sự nỗ lực của họ và tình thân mến. Chúc lành!
Em đã đọc nhanh chùm thơ về mẹ. Bài nào cũng hay. Thơ anh nhẹ nhàng và gần gũi. Lớp em họp mặt năm ngoái. Em học ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm, ở trong cư xá Đội Cung, gần cầu Trường Tiền đó. Anh ơi! Em đã xem hình mới anh gửi. Thích nhất hình anh đứng chắp tay ở tịnh cốc và hình ở sân bay với các em nhỏ. Anh vui hẵn. Mong nụ cười nở mãi trên khuôn mặt đầy nhân hậu của anh”.
Tôi có dịp đi Hội An. Tôi nhắn tin cho Khanh rằng: Muốn gặp Khanh. Khanh nhắn: “Em đợi anh trên cầu Rồng lúc 9 giờ”. Từ lâu, tôi không vào Đà Nẵng nên tôi không biết cầu Rồng. Tôi tưởng cầu Rồng là cầu sông Hàn. Tôi OK. Tôi chạy xe qua cầu sông Hàn từ 9h. Chạy hai vòng và đứng chờ gần 30 phút. Không thấy Khanh tôi gọi điện, không người bắt máy. Tôi chạy thẳng vào phố Hội. Giữa đường Khanh điện theo. Tôi cắt máy hai lần. Đến Hội An, Khanh điện lần thứ ba. Tôi mới biết là Khanh đã đợi tôi ở cầu Rồng cùng với hai chai nước khoáng. Vì vội, Khanh không đem theo điện thoại. Nên không biết tôi chờ ở cầu sông Hàn. Ra Huế, trong ngày tôi lại nhận mail của Khanh:
Tâm hồn em đã thổn thức suốt đêm vào cái ngày lạc anh. Thương và buồn nữa. Phải chi mình đem theo máy thì đã nghe anh gọi. Làm anh giận em. Em không cầu ở anh bất cứ điều gì ngoài cần một người chia sẻ kể từ khi anh ấy ra đi. Chắc chắn đó không phải là thứ tình cần sở hữu. Em chưa tưởng tượng ngay cả đến một cái ôm, dẫu đôi vai em trống rỗng từ lâu. Em cô độc nhưng không phải vì thế mà kết nối với anh. Anh ơi, em cần ở anh cái không gian tịnh độ. Anh chia sẻ cho em nhé. Đừng lạnh lùng với em. Chúc bình yên cho anh.
Anh yêu Phật yêu thiền hơn bản thân mình, hơn gia đình mình. Cái thân anh xin cúng dường cho Phật. Em thâm nhập kinh tạng. Tu hành phát tâm Bồ đề sẽ nhận ra. Giàu có, làm to, quyền thề đều là không. Hãy bước ra ánh sáng với tất cả những lành lặn và khuyết điểm của mình. Những lành lặn sẽ tỏa sảng. Cũng có người nói anh cô độc. Anh thích sự cô độc đó. Được độc cư, đối diện với bóng đêm thường mình thấy rõ lỗi mình.
III
Thế rồi Tết không trông chờ vẫn đến. Khi những ngọn gió Đông thôi ràn rạt thổi, sương xuân bịn rịn không gian và nắng xuân hồng hào vạn vật. Cây nảy mầm, đơm hoa. Tôi ở tịnh cốc cũng vui lây nhờ đất trời mang xuân đến. Thường thường hằng năm tôi về nhà đón giao thừa, sáng sớm lên cốc dâng hương, tụng thời kinh đầu năm, rồi xế trưa đi chùa đầu năm đãnh lễ Phật. Ở tịnh cốc có thờ Phật, nhưng tôi vẫn tin Phật ở chùa thiêng hơn, người người đi chùa, chuông mõ trầm bổng và nhất là không khí thiêng liêng trong nghi ngút khói hương ngày đầu năm, tôi thích đến chùa lễ Phật hơn ở tịnh cốc tôi. Mặc dù lịch đón xuân của tôi đã gửi mail cho Khanh. Nhưng quả bất ngờ khi Khanh bước vào cốc tôi chúc Tết và rũ tôi đi chùa lễ Phật. Khanh đứng trước bàn thờ đãnh lễ Phật năm vóc sát đất, niệm:
Nam Mô A Di ĐÀ Phật
Huế, 201213
N.V.N.H
Địa chỉ liên lạc: NGUYỄN VĂN VINH - 50 Trần Thái Tông, Huế -Tel: 01688971486


No comments: