Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, December 31, 2013

ĐỜI NHƯ MỘT GIẤC MƠ - truyện ngắn Lê Hoàng



  Tôi đến nhà của bà Tuyết trong một buổi chiều cuối Đông năm … 20 …..

 Lúc này cả nhà chị đang quay quần trong phòng ăn. Các thức ăn chưa được đem lên đầy đủ, nên họ đang trao đổi với nhau về những công việc đang làm …

   Khi tôi bước tới nhấn chuông, một người đàn bà luống tuổi (chừng trên 40) ra mở cổng. Sau này, tôi mới biết đó là người đàn bà giúp việc cho bà Tuyết đã hơn năm năm qua.

- Kính chào mọi người. (Tôi chào cả nhà).

- Chào anh H. Lâu lắm tôi mới gặp lại anh (Tiếng bà Tuyết). Hôm nay chắc có điều gì mà anh đến nhà tôi? Chứ nhà báo thì ít có thời gian rảnh rổi để đi chơi, thăm viếng bạn bè?

- Vâng! Thưa chị, chắc cũng có vài lời đến phỏng vấn chị và luôn tiện thăm gia đình vào cuối năm.

(Mấy người con chị đều đứng dậy chào tôi và bắt tay. Những cái bắt tay thật chặt và đầy ưu aí…)

Tất cả năm người con cũa chị Tuyết đều lớn cả. Họ đã đều trưởng thành, đều có gia đình riêng, chỉ trừ cô em út đang độc thân, nhưng cũng đã trở thành một nữ giáo sư âm nhạc khá nhiều người biết ở Đại học Quốc gia âm nhạc.

Tôi gọi chị Tuyết bằng chị cho nó trẻ theo lối “ngoại giao” thường tình. Thực tế, chị Tuyết chỉ nhỏ thua mẹ tôi vài tuổi mà thôi.

 - Kính thưa chị, cùng toàn cả gia đình, hôm nay tôi đến đây, trước là thăm sức khoẻ chị cùng gia đình.Sau cũng xin phép chị cùng các thành viên trong gia đình cho tôi được làm một cuộc phỏng vấn “chớp nhoáng cuối năm để khán giả biết về một gia đình của một : nhà văn, một nhạc sĩ, thi sĩ và cũng là một họa sĩ, thiết kế thời trang nổi tiếng mà cả nước ai cũng đều biết tên và ngưỡng mộ. (Tôn nữ Aí Tuyết).

- Vâng! Gia đình chúng tôi rất hân hạnh được anh H. nghĩ tới, đến thăm viếng và làm cuộc phỏng vấn này. Có thể anh bắt đầu được rồi. Xin mời (Chị Tuyết nói xong, ngồi xuống).

Anh Hãi (Bác Sĩ) người con cả của chị rót một ly rượu đưa đến mời tôi, trước khi tôi bắt đầu phỏng vấn.

- Kính thưa cả nhà. Trong cuộc phỏng vấn này, tôi xin phép được chụp vài tấm hình lưu niệm cùng gia đình, cũng như để đính kèm cho cuộc phỏng vấn này thêm phần phong phú.

- Vâng! Anh cứ tự nhiên (BS Hãi trả lời).

- Trước tiên , tôi xin phỏng vấn chị Tuyết nhé.  Kính thưa chị, sau vài năm nghỉ hưu, chị có còn sáng tác thêm nhạc phẩm nào để chuẩn bị cho album mới của chị nữa hay không?

- Thưa anh! Tôi đã nghỉ sáng tác hai năm nay rồi. Việc đó có lẻ tôi chuyển lại cho con gái út tôi - Lê thị Kiều My - như anh biết lớp sóng sau sẽ đè lớp sóng trước mà. (Cười).
- Vậy thưa chị, về thơ, truyện và hội họa thì thế nào?

- Lảnh vực này cũng thế, tôi đều muốn chuyển hết cho các con chúng tôi. Có thể anh sẻ phỏng vấn từng đứa con tôi thì anh sẽ rõ hơn.Tuy nhiên, còn vấn đề thiết kế cho một vài công ty may mặc thời trang thì tôi thỉnh thoảng vẫn còn.

- Cám ơn chị. (Tôi trả lời). Sau đây, tôi bắt đầu phỏng vấn BS Hải.  Kính thưa BS Hải. Hiện nay BS đang công tác ở đâu và gia đình  như thế nào ?

- Tôi là: Trần Trung Hải.  Chức vụ: BS Trưởng khoa ngoại Bệnh viện S.  Gia đình tôi ở chung cư X , tôi có một vợ, một con gái. Bà xã tôi hiện công tác cùng chung một bệnh viện với tôi. Đó là BS  Thùy Ngân.

- Thưa BS Hãi. BS có thể cho biết chiều hôm nay là buổi cả gia đình tụ họp ở đây có mục đích gì ạ?

 - À! Thưa anh H. Gia đình anh em chúng tôi có lệ cứ cuối mỗi năm vào ngày này, anh em, vợ chồng, con cái đều trở về nhà mẹ tôi để chúc phúc và cầu an cho mẹ tôi. Vì thế hôm nay anh mới có dịp gặp gia đình chúng tôi hầu như đầy đủ không thiếu ai.

 - Ngoài nghề nghiệp chuyên môn là một BS ngoại chẩn … anh có sáng tác về văn học, hội họa hay môn gì anh ưa thích không?

 - Thưa! Hình như tôi không thích hợp trong các thứ anh vừa nói. Lúc còn sinh viên, tôi thích bóng đá, thích thể thao các môn, nhưng chỉ đẻ tập luyện cho thân thể mà thôi.

- Cám ơn anh. 

Tiếp đến tôi phỏng vấn cô Duơng Thu Minh (người con thứ hai của bà Tuyết).

- Thưa chị Minh , chị có thể cho biết một it thông tin về chị không ạ?

- Vâng, thưa anh. Tôi là Dương Thu Minh, con thứ hai trong gia đình, hiện tại tôi là giám đốc công ty thời trang Công Nghệ Thời Trang tại thành phố … Gia đình tôi có mặt hôm nay là chồng Vũ Đình An (doanh nhân) và con trai 8 tuổi.

- Thưa chị, ngoài lãnh vực kinh doanh của anh chị, chị có sáng tác hay viết văn, thơ … gì không ?

- Thưa anh, có.  Tôi thỉnh thoãng có làm một ít thơ đăng trên một vài tạp chí hay trang báo mạng điện tử. Nhưng không nhiều lắm. Làm để “enjoy” thôi anh ạ.

- Vì chị là một giám đốc của một công ty thời trang chắc chắn chị phải nhờ tới mẹ cố vấn trong vấn đề này ?

- Vâng thưa anh. Đúng thế, có những ambum thời trang của mẹ tôi đã giúp cho công ty chúng tôi phát triển và vươn lên.

- Cám ơn chị …
Sau đây, tôi xin phỏng vấn anh Hòa. Thưa anh Hòa, anh cũng có thể cho tôi biết một it về hoạt động  hiện tại của anh ?
- Thưa anh, có thể. Tôi là Hoàng Thanh Hòa, giáo sư thạc sĩ toán. Hiện tại tôi đang giảng dạy tại một đại học ở thành phố này .Tôi và vợ tôi Lê Thị Liên cùng cô con gái 4 tuổi đang sống ở căn biệt thự mini ở ngoại ô thành phố này.

- Ngoài những giờ lên bục giảng dạy, anh có sáng tác về văn học nghệ thuật không?

- Vâng. Thưa anh, có. Tôi cũng là nhà thơ Thùy Dương, đã xuất bản hai tập thơ “Ướt mi” và “ Góc tối”, nhà xuất bản Thanh Niên.

-Cám ơn anh.

- Tiếp theo, tôi xin phỏng vấn anh Phạm Triệu Dương. Kính thưa anh Dương, nhìn anh, tôi đoán anh là người từ xa về đây, chứ không phải đang sống ở thành phố này?

- Thưa! Anh đoán đúng. Tôi ở xa về… Cứ cuối mùa Đông, bắt đầu mùa Xuân thì tôi lại trở về Việt Nam để thăm mẹ tôi và anh chị, em của tôi. Hiện tôi đang cư trú tại Hoa Kỳ. Nghề nghiệp luật sư về ngành di trú và bảo lảnh.  Hiện tôi vẫn đang còn độc thân.

- Thưa anh, ngoài chuyên môn, anh có hoạt động về lãnh vực văn học nghệ thuật không?

- Vâng, tôi có ảnh hưởng tới mẹ tôi về môn hội họa. Hồi còn đi học bên Mỹ, tôi định theo ngành hội họa. Nhưng, một lý do khác đã đưa tôi qua học luật anh ạ.

- Vậy, anh có sáng tác nhiều về lãnh vực hội họa hay không?

- Thỉnh thoảng thôi anh. Vì công việc nghề nghiệp của tôi bên đó khá bận rộn.

- Cám ơn anh. Sau cùng, tôi xin hỏi cô Tôn Nữ Hoàng Yến. Xin cô cho biết một it thông tin về cô?

- Thưa anh H. Cám ơn anh đã hỏi về em. Em là Tôn Nữ Hoàng Yến, một cái tên mẹ cho tức lúc đang còn nằm nôi. (Khai sinh: Lê thị Kiều My). Hiện nay Yến đang giảng dạy về ngành  âm nhạc tại  Đại học âm nhạc thành phố X. Ngoài những bài giảng về lý thuyết căn bản về âm nhạc. Yến còn chuyên giảng và phát huy về đàn Piano … nên cũng khá bận rộn lắm anh ạ.

- Vậy, Yến có sáng tác thơ, nhạc hay hội họa gì nữa không?

- Sáng tác về nhạc thì có, như anh đã biết nhiều nhạc phẩm của Yến được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày. Thơ thì thỉnh thoảng thôi … hội họa cũng thế …. Em hơi “lai lai” mẹ em một chút. Nói xong Yến cười, một nụ cuời thật dể thương và đầy thiện cảm.

- Bao giờ thì Yến lên xe hoa?

- Ồ! Hình như số em cũng long đong như mẹ em. Người yêu thì cũng có, rồi cũng qua đi, chưa có anh nào muốn dừng lại với cuộc đời riêng của em anh ạ.

- Cám ơn Yến. Kính thưa  chị Tuyết và các anh chị em trong gia đình. Tôi rất cám ơn sự ưu ái, thịnh tình của cả gia đình đã dành một ít thời gian quý báu dành cho tôi cuộc phỏng vấn chiều hôm nay.  Trân trọng kính chúc toàn gia đình an vui và hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Sức khoẻ  sẽ đến với mọi người. Như ý trong mọi công việc.

- Này anh H. có một điều đáng ra anh đã hỏi tôi, tuy nhiên, vì tế nhị, tôi biết anh không hỏi phải không?

Tôi im lặng, không trả lời chị Tuyết. Cuối cùng chị nói với tôi : Tôi hiểu ý anh, bây giờ tôi mời anh qua phòng khách, chỉ riêng có anh và tôi thôi, tôi sẽ “giải tỏa” nỗi thắc mắc trong lòng anh, mà anh không dám nói ra vì lý do dễ hiểu . Đó là sự tế nhị của cuộc đời riêng con người.
    
Thế rồi, chị Tuyết đưa tôi qua phòng khách và chị kể :
        
- Tôi sinh ra ở Huế, ngày xưa tôi là nữ sinh Đồng Khánh, sau đó, tôi vào Sài gòn  theo học  Đại học Văn Khoa. Ở đây, tôi sinh hoạt với các hội đoàn về nhiều ngành: Hội họa, âm nhạc, văn học nghệ thuật v.v… từ đó, tôi mất phương hướng cuộc sống, không biết mình sẽ theo nghề nghiệp nào cả. Thế  rồi, có một dạo tôi đi hát ở một club của bạn bè tổ chức. Thế là, tôi trở thành ca sĩ bất đắc dỉ. Nhưng tôi không theo nghề ca sĩ. Tôi lại trở thành nhạc sĩ vì tôi đã  phổ  một bản nhạc tặng cho một người đàn ông tôi yêu. Thế rồi, tôi đi dạy giờ ở một trường trung học ở thàng phố và … mối tình đó đưa đến kết quả đưá con trai đầu lòng của  tôi ra đời. Nó là Bác sĩ Trần Trung Hải. Bố của Hải  hồi đó là một quân nhân rất lãng tử. Một hôm, tôi được tin báo anh đã tử trận. Thế là hết, tôi nghĩ rằng, tôi sẽ không còn ai để nhớ, để thương nữa.

Nhưng không, ba năm sau, trong lúc đi dự một đám cưới  của một người bạn, tôi gặp anh Dương Bá Luật. Đó là ba của Dương Thu Minh. Mối tình đến với tôi cũng rất bất ngờ và thật lãng mạn. Chúng tôi đi chơi  Đà Lạt và kết quả là Dương Thu Minh ra đời. Nhưng ông trời cũng quá bất công. Anh Dương Bá Luật đã bị thương trong một buổi tham gia đấu tranh, biểu tình nên anh  đã qua đời đột ngột khi bị “chấn thương sọ nảo”. Nỗi buồn lại đến với tôi. Người ta thường buồn, bi quan, ngược lại, tôi đem nỗi buồn vào sự sáng tác  âm nhạc, hội họa và viết văn.

Cũng sự run rủi thế nào đó, tôi lại gặp Hoàng Thái Sơn. Anh này dân vùng “giới tuyến” đẹp trai, tốt nghiệp Học viện “chiến tranh chính trị Đà Lạt”, ăn nói có duyên và đã chinh phục tôi ngay lúc mới gặp. Thế rồi Hoàng Văn Hòa ra đời. Lúc này, tôi nghĩ hạnh phúc sẽ đến với tôi. Nhưng không, thời thế biến chuyển, đất nước thống nhất Bắc Nam  thành một mối và Luật ra đi biền biệt không có tin tức.
   
Tôi  lại công tác ở  Đại học Văn Khoa nay đã đổi thành Đại học Tổng hợp thành phố X. Tôi lại gặp Phạm Ngọc Tân. Anh từ Hà Nội vào và làm viện trưởng. Thế rồi, mắt nhìn mắt, tay nắm tay. Tình yêu đến với tôi như chuyện thường tình. Một năm sau,  Phạm Triệu Dương ra đời. Lớn lên, Phạm Triệu Dương đã đi du học Hoa Kỳ; nó làm việc bên đó và như hiện nay anh biết.

 Sau khi công tác ở Đại học Tổng hợp X một thời gian,  anh Tân về Hà Nội, tôi không chịu theo anh về Hà Nội vì  tôi sống ở Sài Gòn quen và không muốn xa rời nó. Rồi, đúng tám tháng sau, tôi được tin anh Tân qua đời vì ung thư phổi (mà đúng  thôi, ở Sài Gòn, tôi khuyên anh nên bỏ thuốc lá, nhưng anh có chịu nghe đâu).
  
Từ đó tôi sống im lặng, viết nhạc, hội họa và bắt đầu làm ambum cho thời trang. Cuộc đời vẫn không tha thứ tôi, nhân chuyến về Huế, tôi gặp lại Điền. Nguyên Điền và tôi  cùng một lứa nhưng học khác trường. Điền học  Quốc Học, tôi Đồng Khánh. Sau khi học xong lớp đệ nhất thi Tú Tài 2, Điền vào Đại học Sư Phạm ban Pháp Văn. Tôi vào Sài Gòn 

Chúng tôi gặp lại nhau, mừng rỡ, kể lại chuyện ngày xưa. Đến bây giờ Điền vẫn còn độc thân? Thế rồi ý nghĩ cùng Điền lập thành một gia đình cuối đời. Vì thế, Tôn Nữ Hoàng Yến ra đời.

Cuộc đời không bằng phẳng như mình mong ước. Tôi và Điền đi Đà Lạt để vui trong cuộc vui sau cùng của cuộc tình mà mình tìm lại được với nhau.  Chúng tôi đang đi bộ trên con đường lên dốc, nhìn xuống là chợ Đà Lạt. Không ngờ, một chiếc xe hơi vô tình đã cướp mất mạng sống của Điền. Thế là hết. Tôi thề không “gặp” bất cứ một người đàn ông nào nữa. Tôi nguyện sống độc thân nuôi con lớn khôn, ăn học đến nơi, đến chốn.
  
Như bây giờ  anh đã chứng kiến. Số tôi sát phu mà? Thầy tướng nói như thế.  Dù sao, gia đình con cháu tôi hiện nay rất hạnh phúc.
  
Tôi nhìn đồng hồ đã quá 8 giờ tối, tôi thấy cô Yến qua phòng khách như muốn mời mẹ về phòng ăn. Tôi xin phép cáo từ ra về.

Qua vài tiếng đồng hồ để tiếp xúc, phỏng vấn một gia đình thấy cuộc sống hiện tại cũa con ngưòi cũng chỉ là một giấc mơ.  Cái gì đến, rồi đi chỉ trong chốc lát mà thôi. Sinh ra đời ai cũng muốn có một đời sống tử tế. Nhưng ông trời có cho ta tử tế hay không đây ? 
       
Nhớ nhé, chúng ta sẽ là người luôn luôn tử tế với bạn bè, anh em, tử tế với chính bản thân mình.                                                                                         

Lê Hoàng 

Lời tác giả: Câu chuyện chỉ là hư cấu hoàn toàn, nếu có sự trùng hợp nào chỉ là ngẩu nhiên ngoài ý của tác giả .

No comments: