TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Thursday, October 31, 2013
ĐÀ LẠT THÁNG MƯỜI - thơ Trương Nguyễn
Một giọt nước
không làm nên biển
Một cụm rừng
không thành dãy trường sơn
Hạnh phúc một ngày nhìn được núi
sông
Để mãn nhãn cuộc đời phiêu bạt
Tình yêu đến từ mọi phía
Khuôn mặt ngây tròn
Giản dị đơn sơ
Bóng ai quạnh quẽ mong chờ
Phố mù sương trắng mờ nỗi nhớ
Chợt mở mắt chạm vào bỡ ngỡ
Môi run không rét bởi mùa đông
Đối mặt nhau thấy điều ngờ ngợ
Tiếng đàn ngân lỏng phím-tơ chùng
Phố xá làm tôi
Thành kẻ điên khùng
Lòng nhỏ máu dài theo đất nước
Chân đã mòn trên dòng xuôi ngược
Mỗi bước cong thành phố muôn màu
Hằng vạn nụ hoa khoe sắc vẫy chào
Mỗi nụ hoa đặc trưng tinh khiết
Em vẫn mang mối tình bất diệt
Sinh sôi từ xứ sở mộng mơ
Rồi mai kia phố núi đợi chờ
Cái chàng trai thơm mùi biển dã
Rám nắng sạm đen dòng thơ rất lạ
Đã qua đây hát khúc tháng mười.
Trương Nguyễn
SAU 75 UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH - thơ Huy Uyên
Những tưởng đời không còn độc ẩm
nên buồn chẳng dứt áo ra đi
chén rượu đầy vơi bao cay đắng
hạnh-phúc cho người chẳng còn chi.
Ai hát bên trời đêm xuân lạnh
ngờ đang tấu nhịp mộ-khúc-buồn
còn chăng nữa cuộc sầu dâu bể
mà dỡ dang người vội đem chôn.
Nửa ly này cay ly biệt
chưa chắc ai xưa đã từng say
câu hồ-trường-cổ ôi da diết
bỏ lại đời ta ở phương này.
Này mây, này chiếu, này men rượu
mây ở xa và người cũng xa
còn chăng chiếu rách đời tăm tối
mà tóc ta trắng tự bao giờ.
Ta ơi đừng đắm đời trong rượu
em xưa giờ có nhớ ta đâu
một con đò cũ ngày chung bước
chia mãi đời ai mấy nhịp cầu.
Đêm nay uống rượu ờ say khướt
trời đất quanh đây bổng bạc lòng
có đau hồn nước đang tuôn chảy
có trào búng máu nghẹn ngào không?
Chưa chắc đêm nay ta còn sống
rượu say ngày tháng cũng phai mòn
thương em bao lối đời xa rộng
gõ nhịp ly buồn nước mắt tuôn.
Cứ ngỡ em đi giữa khuya buồn.
Huy Uyên
Wednesday, October 30, 2013
ĐẠO PHẬT TRONG TÂY DU KÝ - Lê Hoàng
Tác giả LÊ HOÀNG |
Vào thời kỳ giữa năm 1989-1990, tôi còn nhớ bộ phim “Tây Du Ký - Đường Tam Tạng” được bắt đầu trình chiếu ở Việt
Bộ phim “Tây Du Ký” hồi đó làm nức lòng, giới thuởng thức bình dân. Vì qua một thời gian dài, thiên hạ toàn xem những bộ phim do Liên Xô và các nước XHCN anh em sản xuất nên cũng nhàm đi nhiều. Nay có một bộ phim hay như “Tây Du Ký” thử hỏi làm sao thiên hạ không tranh thủ để xem!
“Tây Du Ký” là câu chuyện trường thiên về hành trình qua phương Tây thỉnh kinh cũa năm thầy trò: Tam Tạng,Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng và con Ngựa Trắng (hoá thân của Tam Thái Tử).
Thông thường người ta chỉ chú ý tới bốn nhân vật mà quên đi nhân vật thứ năm là con Ngựa Trắng.Tam Thái Tử là một con rồng ngọc thái tử thứ ba con của Tây Hải Long Vương Ngao Nhuận.
“Tây Du Ký” là truyện xuất thế gian, do đó không có dấu ấn của Nho giáo. Vì Nho giáo là căn bản của đạo nhập thế, thuộc phạm vi hình nhi hạ học, mà ngày nay thường gọi là: “Ngoại giáo công truyền” .
Thực chất “Tây Du Ký” là một câu chuyện ngụ ngôn, đem chuyện thỉnh kinh để diển bày tư tưởng Thiền Học giải thoát trong đạo Lão, Đạo Phật thuộc phạm vi hình nhi thượng học mà ngày nay người ta thường gọi là: “Nội giáo tâm truyền”
Đọc “Tây Du Ký” cũa Ngô Thừa Ân, cần thiết phải hiểu “ý tại ngôn ngoại” như trong kinh ở Viên Giác. Phật bảo lấy ngón tay chỉ trăng, nếu đã thấy mặt trăng thì có thể biết rằng phương tiện để chỉ trăng rốt cuộc chẳng phải là trăng.Trang Tử khuyên “Có nơm vì cá, đặng cá hãy quên nơm, có bẩy vì thỏ, đặng thỏ hãy quên bẩy”. Có lời vì ý, đặng ý hãy quên lời.
Thế thì, vượt lên trên mọi hư cấu văn chương của TâyDu Ký với tài hý lộng chữ nghĩa của Ngô Thừa Ân, cuộc thỉnh kinh của Đường Tăng thực chất là gì ? Đường Tăng là ai ? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi Âm ở đâu ?
Nếu nói rằng Đường Tăng vẫn đang thỉnh kinh !? Mặc dầu cuộc thỉnh kinh đã xong từ lâu, từ xa xưa vào đời nhà Đưòng bên Trung Hoa. Nhưng chúng ta vẫn còn “thấy” như Đường Tam Tạng đang còn thỉnh kinh trong nhân gian. Cho nên, mỗi người trong chúng ta đều là Đường Tăng. Mỗi thời đại, quá khứ, hiện tại, vị lai … đều có Đường Tăng, đều đã, đang, sẽ, tiếp tục thỉnh kinh. Cuộc thỉnh kinh chính là hành trình đầy trắc trở cũa mỗi người trong chúng ta truy tầm chân lý, tìm cái mà Lão Tử gượng cho là ĐẠO, gọi tên là “Xích tử chi tâm” Phật mệnh danh là “Bổn lai diện mục” và còn gọi là “Nhân bản” hay trong Cao Đài giáo cho là “Thượng Đế tính” vốn dĩ đã sẳn tàng ẩn trong mỗi con người.
Truyện “Tây Du Ký” dựng nên một nhân vật nổi bật hơn cả đó là: Tề Thiên, gọi cho trọn là “Tề Thiên Đại Thánh”. Nhân vật này đã từng sinh ra do khí tụ trời đất từ trong đá nứt ra, đầu tiên là một con khỉ … Chi tiết như sau: Đầu tiên, có một tảng đá nứt đôi sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu ! ? gặp gió, biến thành một con khỉ, đủ mặt mũi, chân tay…. Lý lịch của Tề Thiên chỉ có bấy nhiêu … truyện không nói thêm vì lý do gì mà đá sinh ra khỉ ?...
Theo Phật và Lão thì khỉ là tương cận của vượn, tượng trưng cho con người vốn hay nhảy nhót lăng xăng, cái tâm con người vốn dĩ cũng lao xao, ưa tơ tưởng chuyện này, chuyện nọ, hay nhớ nhung mọi điều. Phật ví tâm người như loài khỉ, vượn … nên gọi là “Tâm Viên” (con vượn lòng). Bạn của Tâm Viên là Ý Mã. Tâm, Ý theo nhau, tâm chạy rong, ý cũng chạy rong. Giữ chặt cho Tâm, Ý ở yên, tập trung tư tưởng vào một chỗ là chuyện không dễ.
Cái Tâm cái Ý lúc con người thức hay chạy rong, lúc con người ngủ vẫn chạy rong. Những lúc ức chế, dồn nén ban ngày chưa biến hình thành hành động, thì đợi đến đêm về, thì sẻ biến thành giấc mơ, giấc mộng dẫn dắt người đi … hoang.
Các vị tập Thiền dù theo môn phái nào đi nữa thì điều tối kỵ là:
Tâm trí mê muội, ngủ quên. Chứng bệnh đó gọi là “Hôn trầm”. Ai mà lở ngủ quên, ngủ gà, ngủ gật, thì cố mà tỉnh để không phải rơi vào sự hôn mê bất tịnh đưa ta đi vào nơi tiềm thức mộng, mơ không thực cũa cỏi mộng ảo giác.
Trong truyện TDK có đoạn Hầu Vương (chỉ TNK) vào một ngày đẹp trời bỗng giác ngộ lẽ sinh từ cỏi đời là vô thường, lập tức hạ quyết tâm từ bỏ ngôi “Hầu Vương” (Vua) ở động Thủy Liêm lặn lội đi tìm sư học Đạo. Câu chuyện lúc này đúng là mang dấu ấn của Thái Tử Cồ Đàm, lìa bỏ hoàng cung để đơn độc dấn thân tìm giải thoát .
Chúng ta còn nhớ, khi Hầu Vương đi tìm đường học đạo, HV gặp người kiếm củi chỉ đường bảo “Hãy đến núi Linh Đài Phương Thốn, trong núi ấy có động “Tà Nguyệt Tam Tinh” đến đó hãy cầu học Đạo với Bồ Đề Tổ Sư. Chốn ấy là nơi nao ? !
“Phương Thốn”, theo đạo Lão, là hạ đơn điền, nằm cách dưới rún ba đốt ngón tay. Theo phép luyện khí công yoga, đấy là một trong những điểm quan trọng mà phép tu nội dược của đạo Lão …
Linh Đài, theo Đạo Lão, là TÂM. Con người phàm phu thì Tâm phàm phu, con người thánh thiện thì có thánh tâm.Tâm Phật không phải tự nhiên mà có. Tâm Phật cũng từ trong Tâm phàm mà ra, đã khơi trong, gạn đục để trở thành; như đoá sen tinh khiết ngát hương đã nẩy mầm vươn lên từ đáy đầy bùn.
Ngạn ngữ có câu “Không thầy đố mầy làm nên”; Tuy nhiên ở đây không phải như thế. Hầu Vương bái Bồ Đề Tổ Sư làm sư phụ. Sau khi thành tài, liền bị thầy đuổi đi, đã đuổi còn răn đe không được lui tới, không được tiết lộ tên thầy. Hầu Vương lấy lễ học trò để tạ ơn cũng bị thầy quyết liệt phũ nhận .
Đó là ẩn ngữ cũa Thiền Tông, khi đã giác ngộ đạt tới tri Bát Nhã thì con người đạt tới “Vô Sự Trí”. Không có ai làm thấy ta, ta cũng không làm thầy ai và cũng không được kinh khi rẻ rung một ai, như “Thường bất khinh Bồ Tát tâm kinh” Có nghĩa mọi người ai ai cũng có thể thành Phật vậy.
Cho nên: Khi Hầu Vương nắm tay người kiếm củi mà nói:
“Thưa lão huynh làm ơn đưa tôi đến. Nếu tốt lành, tôi không bao giờ quên ơn chỉ dẩn”.
Người kiếm củi trả lời:
“Bác là người hảo hán mà không biết thông biến. Tôi chẳng vừa nói với bác là gì! Bác không hiểu ư ?... Tôi còn bận kiếm củi đây …”
Nói rồi người tiều phu lặng lẽ bỏ đi.
Vậy, Đạo thần tiên phải tự thân mình thực hành, không nhờ ai giúp, có nghĩa là HV phải tự mình tìm đến “Tà Nguyệt Tam Tinh Động”. Con đường của hành giả là con đường cô đơn, lữ khách không thể trông cậy, lệ thuộc bất kỳ ai khác, cũng không còn bận bịu mưu sinh áo, cơm gạo tiền rào buộc (như người tiều phu kia đang đi kiếm củi vậy).
Di Đà và Thích Ca trong Tây Du Ký :
Phật (Buddha) là đấng gíác ngộ, không còn mê muội, sai lầm nữa, là đấng có thể cứu vớt người khác và đã tự cứu mình. Nên, khi cõi trời cần phải cứu, thì chỉ có Phật mới cứu được thôi.
Như Lai: Nghĩa là thường trụ, bất biến. Kinh Kim Cang có chép:
“Phật vốn không do đâu mà tới, tới cũng chẳng đi về đâu. Chính vì vậy người tu thành Phật mà thật ra thì không có chỗ thành Phật, vì Phật vốn ở sẵn nơi tự thân con người, không phải từ bên ngoài đi tới người. Như Lai là thật tướng, cái gì nói ra từ Như Lai.
Đó là CHÂN LÝ.
A DI ĐÀ: Là Phật quá khứ so với Thích Ca Mâu Ni Phật. Đã có Di Đà thuyết pháp trước khi Thích Ca thuyết Pháp. Vậy tại sao ở cửa miệng chân lý (Như Lai) lại nói điều tướng như là sai chân lý?
Đã là Di Đà là Di Đà chứ có lẻ đâu Di Đà lại vừa là Thích Ca?
Cho nên: Khi Tề Thiên tranh cãi với Phật Tổ, bị Phật mắng vì dám đòi làm Trời, tề Thiên trả lời tỉnh bơ: “Thượng Đế tuy tu luyện lâu năm, nhưng cũng không nên ngồi lâu trên ngôi cao chin tầng …”. Lời lẻ này nghe tuy vậy, nhưng thực sự không phạm thuợng tý nào cả. Ở đời, không có cái gì giữ cho mình vĩnh viễn. Ngay Thích Ca thành Phật đâu có muốn giữ độc quyền Phật của riêng Ngài. Mà, Thích Ca khuyến khích mọi người hãy thành Phật như Ngài …
“ Tu hành là học làm trời
“Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian”
( Cao Đài giáo ).
Nhân vật chính trong Tây Du Ký:
1/ Long Mã: Con ngựa mà vua Đường cấp cho Tam tạng “phải” chết đi để thay thế vào đó con Ngựa hoá thân của tam Thái tử con của vua Long Vương Ngao Nhuận. Con ngựa có tinh thần minh mẫn, trong xác thân tráng kiện.
2/Sa Tăng: Là một nhân vật được Ngô Thừa Ân kết cấu đặc biệt có lòng dạ trung thành, suốt cuộc hành trình lo quảy hành trang tiến bước. Sa Tăng là một hình ảnh tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối. Dù khó khăn đến đâu, không một lời biến đổi.
3/ Bát Giới: Tánh tham.Tham ăn, tham ngủ, tham của,tham sắc và tham nịnh bợ để có lợi cho mình.
4/ Tề Thiên: Nhân vật đặc biệt, xuất sắc. Tề Thiên là TRÍ trong bộ Tây Du Ký. Nữ Đạo diển Dương Khiết đã hiểu được rất rõ vai Tề Thiên trong cốt chuyện nên đã tạo ra một tề Thiên nổi bật qua phim gây sự chú ý cho khán giả. Tề Thiên trong phim khi nào cũng đi trước dẩn đầu cho đoàn lữ hành.
5/ Đường Tăng: Đường Tăng là một vị sư, vai chính trong cốt chuyện đi thỉnh kinh. Đường Tăng con người có lòng từ bi, nhân hậu, bao dung, có quyết tâm tu hành vượt qua muôn ngàn cám dổ.
Đặc biệt trong phim lúc gay cấn nhất là lúc Đường Tăng trở nên con người phàm trần xác thịt, trở nên ủy mị và có thể rơi vào dục lạc là lúc Đường Tăng ở Tây Lương nữ quốc. Nếu không có tề Thiên cứu kịp thì e rằng cuộc thỉnh kinh coi như lỡ cuộc!.
Ở đây, nữ Đạo diển Dương Khiết đã dàn dựng rất đạt, khi Đường Tăng bằng xương, bằng thịt không thể vượt qua giới hạn mà bản thân phải tự chủ, nếu không có Tề Thiên xuất hiện cứu kịp thời.
Ngoài ra , đôi lúc Đường Tăng còn có tánh u mê, phàm tục, nhu nhược, ba phải…” Lúc tề Thiên đã chỉ rõ đó là yêu ma, thế mà Đường Tăng không chịu nghe! Thật là nhu nhược và quá u mê.
Xem đến đoạn này nhiều người cũng rất bực mình đấy.
6/ Cà Sa và Tích Trượng: Đường Tăng rõ là lương tri,nhưng tiếng nói đôi lúc cũng quá yếu mềm trước những sức mạnh đối kháng .
Cà Sa là áo giáp chở che.Tích trượng để thêm sức mạnh cho đôi chân vững vàng trụ lập. Cà Sa và Tích Trượng chính là Đạo Đức chân chính của con ngưòi.Cho nên khi Phật Tổ sai A Nan và Ca Diếp mang áo Cà Sa và Tích Trượng chín vòng trao cho Quan Thế Âm Bồ Tát đã dặn dò rằng “Tấm áo cà sa và cây gậy đưa cho người lấy kinh dùng … người ấy mặc áo cà sa cũa ta, thì thoát khỏi Luân hồi, cầm gậy tích trượng cũa ta thì không bị hãm hại …”
Quan Thế Âm Bồ Tát cũng có bảo khi trao “Mặc tấm áo cà sa cũa ta thì không bị đắm chìm,không sa địa ngục,không gặp tai ương, ác độc,không bị hoạn nạn sói lang …”
Trong 25 tập phim này nữ Đạo diển Dương Khiết đã lột tả được rất nhiều ý nghĩa cũa “Tây Du Ký” cũa Ngô Thừa Ân với đạo Phật sự tương quan không thể không có được.
(Còn tiếp)
Tham khảo: Thầy Huệ Khải.
NGÀY XƯA - thơ Phan Minh Châu
Hạ
Ve ran
Phượng nở
Sân trường trắng
Màu của gió
Chim vỡ tổ
Lao xao….
Hoa gạo
Rụng trên đầu
Mùa thi
Mắt bồ câu
Biếc chiều
Thu thiết tha
Hoa sữa rụng
Con đường cong
Tuổi học trò
Bỏng cháy
Áo ngày xưa
Dấu sương mềm
Buốt bờ vai
Đôi bờ lạnh
Phố tan tầm
Lao xao
Bưởi ra hoa
Đông rụng
Nắng qua thung
Phố núi về
Gùi trên lưng
Mùa xuân chín
Trăng thập thò
Hẹn hò
Lời mật
Phút tự tình
Bỗng vỡ
Ngày xưa
PHAN MINH CHÂU
Đọc “SAY HƯƠNG TÓC” thơ Ca Dao - Châu Thạch
Say Hương Tóc
Ca Dao
Ơi trăng, ơi trăng, ơi trăng!
Ngọn tóc em buông lơi cung Hằng
Bờ vai đẫm mộng hương chùm kết
Đong đưa mùa thương đang xuân
Em đan sợi gió hong tiền kiếp
Xõa lọn tơ trăng xuống nguyệt hồ
Mặt nước chao nghiêng ta lãng đãng
Khói sương vào tận cõi huyền mơ
Đường trăng mây ướp dậy lòng ta
Em bềnh bồng gần, lãng đãng xa
Khỏa nước tìm trăng vuốt hương tóc
Lạnh buốt tay khua sóng nguyệt tà
Em ru ta tóc mượt thời gian
Em lao xao xô nghiêng mây ngàn
Hương tóc xõa say tình chếnh choáng
Bận lòng chi mộng thực phân vân
Ta uống trăng tan hương tóc nguyệt
Ta say túy lúy sóng cung Hằng
Nửa đêm thức giấc tràn cô tịch
Thầm gọi em trăng ơi trăng!
CD
Lời Bình: Châu Thạch
“Ơi trăng,
ơi trăng, ơi trăng!”
Câu thơ đầu là một chuỗi tán thán từ, là những tiếng kêu tán
dương trăng.
Ba câu thơ sau lần lượt mô tả từng đặc điểm của mái tóc em.
“Ngọn tóc em buông lơi cung Hằng” mô tả mái tóc mượt mà buông lơi như được thả
lỏng từ cung hằng xuống. “Bờ vai đẫm mộng hương chùm kết”: Tóc xõa trên bờ vai
đem hương bồ kết thấm đẫm khiến cho bờ vai trở thành không gian của mộng. "Đong
đưa mùa thương đang xuân” : Tóc buông lơi từ cung trăng chảy dài xuống bờ vai,
biến thời gian thành mùa đang xuân yêu thương. Như vậy qua bốn câu thơ tác giả
trình bày một vẻ đẹp tuyệt mỹ là trăng, trùm lên không gian là bờ vai đẫm mộng,
trùm lên thời gian là mùa thương đang xuân. Như thế mái tóc ở đây không phải là
mái tóc mượt mà của riêng em mà nó đã hòa nhập vào vẻ đẹp của thiên nhiên,
khiến cho thi nhân sửng sốt kêu lên: Ơi trăng, ơi trăng, ơi trăng! Qua tiếng
kêu đó, thi nhân đã đánh giá mái tóc chính nó là ánh trăng, ánh trăng buông
xuống từ cung hằng với hương thơm, với tươi thắm của mùa xuân. Hãy đọc lại bốn
câu thơ trên và tưởng tương đang ở giữa đêm xuân, giữa bầu trời cao rộng:
Ơi trăng, ơi trăng, ơi trăng!
Ngọn tóc em buông lơi cung Hằng
Bờ vai đẫm mộng hương chùm kết
Đong đưa mùa thương đang xuân
Vế thứ hai của bài thơ miêu tả kỹ hơn về mái tóc cũng như
tác động của tóc vào thời gian, không gian và tâm hồn con người:
Em đan sợi gió hong tiền kiếp
Xõa lọn tơ trăng xuống nguyệt hồ
Mặt nước chao nghiêng ta lãng đãng
Khói sương vào tận cõi huyền mơ
“Em đong sợi gió hong tiền kiếp”: Sợi tóc của em cũng là
sợi gió, hay nói đúng hơn sợi tóc của em là hiện thân của gió, là hóa hình của
gió và sợi gió đó đã được hong khô từ tiền kiếp. Qua câu “Xõa lọn tơ trăng
xuống nguyệt hồ” có nghĩa là, tác giả hình dung sợi tóc, sợi gió và sợi trăng
là một. Ba sợi nầy đồng thể và đã có từ tiền kiếp, hóa thân vào nhau để soi
xuống nguyệt hồ trong hiện tại. Đến hai câu “Mặt nước chao nghiêng ta lãng
đãng/ Khói sương vào tận cõi huyền mơ” ta thấy tóc, trăng và gió đã quyện vào
nhau thành khói sương và khói sương đó đã mở cõi huyền mơ để thi nhân bước vào
cảnh giới của tiên.
Vế thứ ba của bài thơ là cảnh giới của tiên:
Đường trăng mây ướp dậy lòng ta
Em bềnh bồng gần, lãng đãng xa
Khỏa nước tìm trăng vuốt hương tóc
Lạnh buốt tay khua sóng nguyệt tà
Khác với Từ Thức ngày xưa, Ca Dao bước vào động tiên mà
không có tiên. Tiên ở đây chỉ “ Em bồng bềnh gần, lãng đãng xa” vì tiên không
có thật, tiên chỉ nằm trong ảo giác, trong trí tưởng tượng của thi nhân. Giống
như Lý Bạch ngày xưa nhảy xuống nước tìm trăng để bỏ mình trong nước, Ca Dao
ngày nay nhúng tay vào nước tìm trăng để nghe lạnh buốt thịt da , để thấy bóng
nguyệt tà do xao động từ đôi tay khỏa nước. Vế thơ nầy cho ta thấy sự hụt hẫng,
sự xót xa vì thi nhân mộng tìm cái đẹp chân chính nhưng nó không có, không còn,
chỉ là mơ, chỉ là tưởng, chỉ là tiếng kêu khi lạnh buốt đôi tay. Tuy thế cái
hay của bài thơ chính là ở đây, chính là sự không trọn vẹn, sự tan vỡ, sự ước
mơ không thành cùng với sự chấp nhận mộng và thực không phân chia biên giới của
thi nhân ở vế thơ sau.
Vế tiếp theo của bài thơ
thể hiện tâm hồn tác giả. Tâm hồn Ca Dao cũng như tâm hồn mọi thi nhân,
cứ như con tằm giăng tơ “ Không bận lòng chi mộng thực phân vân”, không bận
lòng chi với sợi tơ vàng cứ quấn dần dần đời mình lọt vào trong cái kén để chết
vì tơ:
Em ru ta tóc mượt thời gian
Em lao xao xô nghiêng mây ngàn
Hương tóc xõa say tình chếnh choáng
Bận lòng chi mộng thực phân vân
Tác giả đã vỡ mộng một lần khi khỏa nước tìm trăng chỉ thấy
buốt đôi tay và bóng nguyệt tà. Ở vế chót của bài thơ tác giả còn cô tịch hơn
khi tỉnh giấc chỉ thấy mình hẩm hiu sau cơn mộng. Ồ ra đây tất cả là mơ, tất cả
là hư là vô trong thực tế cuộc đời:
Ta uống trăng tan hương tóc nguyệt
Ta say túy lúy sóng cung Hằng
Nửa đêm thức giấc tràn cô tịch
Thầm gọi em trăng ơi trăng!
Mộng là điều thường có
trong giấc ngủ, nhưng mộng thấy một mái tóc vừa là tóc vừa là trăng vừa là gió tồn tại trong quá
khứ, hiện tại và tương lai, để cuối cùng nó là hiện thân của em và em lại là
trăng để anh thầm gọi là một giấc mộng khác lạ mà cái điên, cái đau và cái
khoái cảm hòa lẫn trong nhau. Nói đến trăng thì ta nhớ đến Hàn mạc Tử. Hàn mạc
Tử thường phân mình thành hai người, một người thì chơi trăng còn một người thì
quằn quại trong cơn đau. Ca Dao có lẽ cũng có ảnh hưởng thơ Hàn mạc Tử. Tuy
thế, ca dao đứng ngoài trăng thưởng thức một phần nhỏ sự tuyệt mỹ của trăng
trên tóc, nhưng cái phần nhỏ đó cũng đủ làm “ mượt thời gian”, “ Nghiêng mây
ngàn”, “ Say tình chếnh choáng” và “ Túy lúy sóng cung Hằng”. Chỉ tả một mái
tóc thôi mà tác giả đã cho vào mái tóc ấy chứa đựng thời gian vô tận, mộng và
thực hòa chung, gần và xa bềnh bồng không phân định, tình yêu và thất vọng đều
cho ta cảm khoái vô biên. Điều đó phải có bút lực tài tình mới viết được. Cuối
cùng còn lại sự cô tịch và trăng:
Nửa đêm thức giấc tràn cô tịch
Thầm gọi em trăng ơi trăng!
Tại sao tác giả gọi em là
trăng? Người điên thường gọi lầm như thế. Ở đây tác giả không điên nên không gọi lầm,
nhưng Hàn mạc Tử bán trăng được, từ miệng nhả ra một nàng trăng được thì Ca Dao
cũng đồng thể ấy, đã đồng hóa em và trăng để bày tỏ thứ tình yêu tuyệt vời, thứ tình yêu chỉ để tôn vinh và ca tụng ./.
Châu Thạch
ĐỌC "HÀ NỘI CŨ" CỦA ĐINH TẤN PHƯỚC - Hoàng Dục
Mấy ngày này, tôi nhận
nhiều thư của một em học trò cũ đang ở Hà Nội. Em bảo thích Hà
Nội, có khi đang sống ở Hà Nội mà lại nhớ Hà Nội nữa. Tình cảm em
dành cho Hà Nội thật sâu sắc và mãnh liệt làm tôi nhớ bài thơ Hà
Nội cũ của Đinh Tấn Phước trong tập thơ “Gió mùa” mà bạn tặng đã
lâu.
có một Hà Nội rất cũ
như bờ đê
chiều Yên Phụ
lối mòn gót cỏ
gánh hàng hoa tan chợ đi
về
có một Hà Nội rất xưa
như là cổ tích
những mái đình cong võng
điệu thời gian
một Hà nội rêu phong
ven dòng sông Tô Lịch
ông đồ nho vẽ chữ
bán bên đường
có một Hà Nội mùa đông
những cây bàng đỏ bầm
chết rét
tiếng dương cầm lạnh ngắt
rơi từng giọt khói sương
có một Hà Nội rất thơ
như mùa thu và giọng nói
một Hà Nội cửa ô, một
Hà Nội ả đào
ba mươi sáu phố phường
bờ hồ liễu rủ…
anh vẫn yêu Hà Nội cũ
chưa cầu Thăng Long
không xe cộ ngợp trời
không nhà mái bằng
không chợ người khổ lụy…
khi Hà Nội còn trong anh…
rất trăng!
Tập thơ "Gió mùa" của Đinh
Tấn Phước do Nxb Hội nhà văn, Hà Nội xuất bản vào tháng 12 năm 2003.
Tập thơ có ba bài biểu lộ cảm xúc của tác giả về Hà Nội, đó là
“Hà Nội cũ”, “Thu Hà Nội” và “Hà Nội”, nhưng tôi thích nhất là “Hà
Nội cũ”, bởi tôi có cảm giác tác giả qua bài thơ này nói hộ lòng
tôi.
Ngay từ đầu, chỉ thoạt đọc tựa
đề “Hà Nội cũ”, tôi cũng cảm thức được cảm hứng sáng tạo của tác
giả. Xưa nay, nói đến cảm hứng sáng tác văn chương, người ta thường
khẳng định chắc nịch rằng, sáng tạo văn học là một cảm xúc hoài
niệm, hoài cổ. Có lẽ cũng không cần bàn cãi gì điều này vì cái
lí nó sờ sờ ra đấy. Ngoại trừ những tác phẩm khoa học giả tưởng,
còn tất cả mọi tác phẩm thuộc các thể tài văn học đều tái hiện –
tái tạo hiện thực cả. Cho nên, không phải ngẫu nhiên chút nào khi cụ
Nguyễn Du lại viết : “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Viết
là thể hiện tình cảm, bày tỏ thái độ của người tạo tác trước
hiện thực đang phơi mở trước mắt nhà thơ.
Nói cho cùng, sáng tác là nhớ lại những gì đã diễn ra trong
hiện thực qua cái nhìn của người cầm bút, rồi biểu hiện nó bằng
hình tượng với công cụ là ngôn từ nhằm gởi gắm một tình cảm thẩm
mĩ nào đó đến người đọc ở tương lai. Nhưng với Đinh Tấn Phước thì
có khác, đó là sự nhớ lại trong nhớ lại, đó là nỗi hoài nhớ được
bao bọc trong hồi ức tuổi xưa. Không thế, sao lại có tựa là Hà Nội
cũ!
Tôi nghĩ, tác giả cũng như tôi đã
có một Hà Nội cũ qua những tác phẩm của “Tự Lực văn đoàn”, qua thơ
ca lãng mạn, qua những bài hát mang màu sắc hoài niệm khắc khoải
của những người con Hà Nội đang sống ở miền Nam. Bởi chúng tôi cùng
thế hệ, được học dưới mái trường trung học những năm 60 của thế kỉ
XX và cùng đặt chân vào giảng đường đại học Huế năm 1971. Cho nên, khi
tác giả đến với Hà Nội của thời điểm hiện tại, tâm thức bỗng có
một Hà Nội xưa ùa về, chảy tràn thành thơ.
Bài thơ, với cảm xúc ấy nên mới có
cấu trúc đối lập một Hà Nội xưa và nay, một Hà Nội qua những trang
viết, qua những giai điệu lãng mạn với một Hà Nội hiện thực không
như là mơ. Và cũng vì thế mà cấu trúc đối lập ấy không cân đối
chút nào. Cảm xúc thơ nghiêng về Hà Nội xưa, Hà Nội của kí ức đẹp;
còn Hà Nội nay tác giả chỉ tái hiện qua một khổ thơ ngắn.
Qua những khổ thơ đầu, những vẻ đẹp
của Hà Nội xưa hiện hình cùng một kiểu lập ý : “có một Hà Nội
rất… như là…” và qua sự tăng tiến
của ngôn từ : “rất cũ”, “rất xưa” và “rất thơ”. Chính những phương
thức nghệ thuật này đã xếp bức màn thời gian lại cho ta chiêm ngưỡng
một Hà Nội đẹp như cổ tích, mang màu sắc cổ điển. Để rồi ta cảm
giác như lạc vào một mê cung Hà Nội thơ,
một Hà Nội của thi hứng, của cảm xúc trữ tình. Ta như bâng
khuâng giữa “chiều Yên Phụ”, bâng khuâng thả hồn theo : “lối mòn gót
cỏ – gánh hàng hoa tan chợ đì về”. Ta nghe hồn mình buông chùng mềm
mại theo “những mái đình cong võng điệu thời gian” soi bóng xuống dòng
Tô Lịch. Ta say mê ngắm nét bút “như phượng múa rồng bay” của ông đồ
nho đang “vẽ chữ bán bên đường”. Ta cũng thả hồn bay theo chiếc lá
vàng thu bên Hồ Tây liễu rủ và :
… giọng nói
một Hà Nội cửa ô, một
Hà Nội ả đào
ba mươi sáu phố phường
bờ hồ liễu rủ…
Hà Nội lung linh trong kí ức được
hình thành từ trang văn đã học đã đọc, từ ước mơ là thế.
Bên cạnh Hà Nội rất thơ lại chen
ngang một Hà Nội :
anh vẫn yêu Hà Nội cũ
chưa cầu Thăng Long
không xe cộ ngợp trời
không nhà mái bằng
không chợ người khổ lụy…
Khổ thơ khẳng định để phủ định.
“Anh vẫn yêu Hà Nội cũ” có nghĩa là anh không có một chút tình cảm
nào với Hà Nội thực tại, của thời hiện đại, của buổi kinh tế thị
trường. Nói như thế không có nghĩa là Hà Nội hiện đại không đẹp. Hà
Nội ngày nay vẫn có nét đẹp riêng, nhưng không thể thay thế được vẻ
đẹp đã làm tổ rất lâu trong kí ức
tác giả. Đọc khổ thơ này tôi càng thấy rõ cảm xúc của tôi qua tâm
tình của tác giả. Năm 1978, tôi lần đầu đến Hà Nội và sau đó trở
lại nhiều lần nữa, ngắn thì một tuần, dài thì một tháng. Tôi đã
ngỡ ngàng thấy một Hà Nội không trùng khít với Thăng Long trong những trang văn tôi đã
đọc, qua những giai điệu mượt mà tôi đã nghe. Những gì tôi chứng kiến
là một Hà Nội thời bao cấp, một Hà Nội thời kinh tế thị trường,
bùng nổ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà chóp, chợ người đường
Giảng Võ,… Cho nên, dù tôi biết Hà Nội nay vẫn đẹp nhưng tôi vẫn đồng
điệu với những chữ “không”, chữ “chưa” trong khổ thơ. Và tôi vẫn giữ
mãi một lòng yêu Hà Nội cũ như Đinh Tấn Phước, khi bạn khép lại bài
thơ, cũng là chốt lại một thái độ, một cái nhìn nghệ thuật về Hà
Nội trong thơ:
khi Hà Nội còn trong anh…
rất trăng!
Câu thơ là một khổ thơ, nhưng không
tạo cảm giác chông chênh, ngược lại vẫn cân bằng bởi có sự thống
nhất tư tưởng, tình cảm của tác giả. Cho dù, thời gian có chảy trôi,
không gian có đổi dời, trong tâm hồn của tác giả vẫn luôn hằng hữu
một Hà Nội “rất trăng”.
Và đó cũng là một Hà Nội trong
tôi.
HD, 4-12-2011
VỀ " n BÀI THƠ NGẮN " - GS. Trường Lưu *
... Qua "n Bài Thơ Ngắn" của Đinh Tấn Phước
(Nxb Văn Học, 2012), ta bắt gặp một kiểu cấu trúc tân kỳ mang tính thể nghiệm,
và tiếp xúc một tâm hồn thơ phóng khoáng : thoát ly mọi ràng buộc của cảm xúc
sáo mòn trong một khung cảnh chật hẹp. Tác giả vừa làm nghệ thuật ngôn từ trong
những bài thơ ngắn đến mức vượt giới hạn cô đúc, vừa phi lộ: "nội dung có
thể nằm hoặc không ở những câu chữ". Không hẳn tác giả đưa triết lý toán
vào thơ như có người đã cảm nhận, song nếu không có toán học trong con người
thi sĩ Đinh Tấn Phước thì vị tất đã xuất hiện "n Bài Thơ Ngắn"!
Thơ vốn không phải bao giờ
cũng biểu hiện cái cụ thể. Cái không cụ thể trong tình ý sâu xa ở đây, gắn với
ý niệm ngắn của bài thơ, câu thơ, lặn sâu vào những câu chữ tưởng chừng mông
lung và hư ảo, tạo nên hình tượng và dáng vẻ thơ độc đáo. Phong cách thơ Đinh
Tấn Phước bắt đầu từ đấy.
Những cái có vẻ mới và lạ
trong "n Bài Thơ Ngắn", tuy không ngoại lệ song cũng không là thông
lệ. Thơ là "lĩnh vực của vô cùng" cho mọi ý tưởng sáng tạo. Trong
thời đại văn minh trí tuệ như hiện nay, thơ càng tiến xa vào nhiều vùng tìm
tòi, khám phá. Đi trong thời đại ấy, Đinh Tấn Phước từ "Chạm Bóng"
(Nxb Văn học, 2009) đến "n Bài Thơ
Ngắn" đã góp tiếng nói có phong vị và hương sắc riêng vào nền thơ Việt Nam .
(*): Nguyên Viện trưởng Viện
Văn hoá
Tuesday, October 29, 2013
CHỜ XUÂN - thơ Bình Địa Mộc
kìa hoa, xinh thế là vừa
nếu thêm chút nữa e chưa sẵn lòng
còn bao nhiêu bướm với ong
nấp trong rừng cuốn cuồn mong xuân về
cỏ ơi, cứ thế nỉ nê
khép mình lại dẫu sương tê tái dầm
nắng lên mới được thì thầm
rằng xuân đang đến dâng mâm quả đầy
cánh chim én xỏa trời mây
cố lên, nhưng chớ tách bầy biếc xanh
bóng trưa đổ cạnh chùa lành
đợi xuân về hẳn hót lanh lảnh mùa
bến sông sóng sắp già nua
tiễn con đò lắc lư khua mỗi ngày
ô hay, mới bửa qua này
bỗng dưng trẻ lại nước xoay xuyến vòng
thì ra, tự phía mơn mong
ngự trong tim chúng con rồng cháu tiên
mỗi năm xuân một sắc riêng
về pha thắm lại những triền dâu bên
khoan khoan, đợi với triều lên
vỗ tôi năm tận tháng hềnh hệch đau
em như quang gánh nhẹ nhàu
quẳng lo toan nhặt tôi mau mắn về ...
Bình Địa Mộc
Sài Gòn, 2013
Subscribe to:
Posts (Atom)