Từ trung tuần
tháng 3/2013, được Tổng Công ty Điện Lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực miền
Bắc thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạo điều kiện, chúng tôi đã có dịp đến
thăm một số tỉnh thuộc vùng Tây-Bắc của Tổ quốc.
Chúng tôi đã đến
các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang,
Tuyên Quang...; đã thăm hai nhà máy Thủy điện lớn nhất nước và khu vực Đông nam
Á là Hòa Bình và Sơn La; thăm các di tích lich sử tại Điện Biên Phủ, như đồi
A1, hầm tướng Pháp De Castries, nhà tù Sơn La, cột cờ Lủng Cú ở Đồng Văn (Hà
Giang), cây đa Tân Trào, Đình Bảng (Tuyên Quang)...; thăm Dinh "Vua Mèo"
ở Hà Giang; "mục sở thị" chợ tình SaPa (Lào Cai); tìm hiểu những
phong tục, tập quán và những nét văn hóa
đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc...
Điểm đến đầu tiên
là Hòa Bình. Tại đây chúng tôi đã đến
tham quan Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
(hay còn gọi Thủy điện Sông Đà), được xây dựng trên giòng sông Đà. Thủy điện
Hòa Bình được khởi công xây dựng từ ngày 6/11/1979 và sau 15 năm xây dựng, nhà
máy đã khánh thành đi vào hoạt động ngày
20/12/1994. Nhà máy do Liên Xô trước đây
giúp đỡ xây dựng, có công suất thiết kế 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy
phát điện. Sản lượng điện hàng năm là
8,16 tỷ kWh. Đặc biệt, các tổ máy phát điện của nhà máy đều được đặt trong
đường hầm đào sâu vào dưới chân núi.
Ngoài nhiệm vụ
phát điện, là nguồn cung cấp điện chủ lực cho toàn hệ thống điện Việt Nam, công
trình Thủy điện Hòa Bình còn có các nhiệm vụ chống lũ cho vùng đồng bằng châu
thổ sông Hồng; tưới tiêu, chống hạn cho
sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Đà và đồng bằng sông Hồng; điều tiết mực
nước sông, đồng thời đẩy nước mặn ra khỏi các cửa sông. Thủy điện Hòa Bình còn
giúp cải thiện việc đi lại bằng đường thủy
kể cả hạ lưu và thượng lưu sông Đà.
Thủy điện Hòa Bình
là một công trình vĩ đại của thế kỷ 20 của Việt Nam . Trước khi có Thủy điện Sơn La,
Hòa Bình là Thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Trong quá trình
xây dựng đã có 186 cán bộ, công nhân hy sinh, trong đó có 10 chuyên gia Liên
Xô. Tại Nhà truyền thống Thủy điện Hòa
Bình có lưu giữ một bức thư của "NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH
GỞI THẾ HỆ MAI SAU- THƯ ĐƯỢC MỞ VÀO NGÀY
01-01-2100". Bức thư được lưu giữ trong một khối đá hình thang cạnh đáy 2
mét, cạnh trên 0,8 mét, cao 1,8 mét và
nặng gần 10 tấn. Lá thư là một công trình tập thể được viết bằng mực tàu, gồm
hai bản tiếng Việt và tiếng Nga.
Từ Hòa Bình đi qua
Sơn La khoảng hơn 250km, xe chạy trên Quốc lộ 6, đường ngoằn nghoèo, khúc khuỷu, quanh co lên đèo
xuống dốc theo các sườn núi; nhiều đoạn
sương mù che phủ, tầm nhìn ô tô chỉ
khoảng 50 mét, ban ngày cũng phải pha đèn. Phong cảnh núi rừng thật hùng vĩ,
núi non trùng điệp. Lúc này mùa Xuân, thời tiết dễ chịu, nhiệt độ bên ngoài
khoảng 20 độ C, nhiều bông hoa đua nở, có những vạt rừng hoa ban nở trắng xóa;
những đồi chè, nương sắn, ô ruộng bậc thang lần lượt trôi qua trong tầm mắt. Phong
cảnh thật ngoạn mục, chúng tôi cứ mong cho đường dài thêm ... Sau gần 7 giờ hành trình, đến 13 giờ chúng
tôi đã đến thành phố Sơn La, ăn trưa vội vàng và chỉ nghỉ ngơi nửa tiếng, tiếp
tục đi lên Thủy điện Sơn La, nằm ở huyện Mường La, cách thành phố Sơn La khoảng
60km.
Thủy điện Sơn La
hiện nay là nhà máy thủy điện lớn nhất
Việt Nam và khu vực Đông-Nam Á, có công suất lắp đặt 2.400 MW, gồm 6 tổ máy
phát điện. Nhà máy được khởi công xây
dựng từ ngày 2/12/2005. Ngày 27/12/2010, tổ máy đầu tiên đã phát điện và đến
ngày 23/12/2012, nhà máy đã được khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động.
Sản lượng điện nhà máy cung cấp hàng năm hơn 10 tỷ KWh, gần bằng 1/10 sản lượng điện của cả nước năm
2012. Ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, sau hơn
2 năm đưa các tổ máy đi vào hoạt động, đến nay Thủy điện Sơn La đã cung cấp cho
quốc gia hơn 15 ty KWh điện.
Hiện nay, hai Công
trình Thủy điện Hòa Bình và Sơn La đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu
hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tạo nguồn thu đáng kể cho
hai tỉnh.
Một kỷ niệm khó
quên trong chuyến hành trình, khi đoàn chúng tôi từ nhà máy Thủy điện Sơn La về
thành phố Sơn La trên tỉnh lộ 106, đến đoạn cách thành phố hơn 20km thì gặp sự
cố, một cây cổ thụ khoảng hai người ôm, dài hơn 40 mét từ trên núi bất ngờ đổ
xuống chắn ngang đường. Chúng tôi hoảng hồn, ai nấy tự hỏi nếu xe đi nhanh hơn
khoảng 5 phút thì có khi gặp tai nạn thảm khốc. Vụ cây đổ đã gây ách tắc giao
thông hơn một tiếng đồng hồ.
Về đến thành phố Sơn
La trời đã gần tối, chúng tôi được mời đến giao lưu với đồng bào dân tộc Thái ở
bản Tông, được các cô gái Thái hồn nhiên, dịu dàng, xinh đẹp, đặc biệt là
rất mến khách, mời uống rượu và thưởng
thức các món ăn mới lạ của đồng bào Thái, như cá khe nướng, lợn cắp nách quay,
gà đồi luộc, canh lá vén váy...; xem các điệu múa xòe, múa quạt, múa nón, múa
thổ cẩm... cùng thưởng thức rượu cần và giao lưu các điệu múa Lâm thôn...
Gần 11 giờ đêm cuộc
vui mới tàn. Trưởng đoàn Phạm Đình Lâm hát khúc dân ca NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ
và mọi người cùng ngậm ngùi hát theo. Ai cũng bùi ngùi trước lúc chia tay và
trong tôi vẫn mãi còn ngây ngất men rượu
cần cùng các điệu múa hồn nhiên...
VÀI HÌNH ẢNH
KỶ NIỆM TẠI HÒA BÌNH VÀ SƠN LA:
------------------------------ ----
SƠN LA ĐÂY RỒI...
Mặt trước Thủy điện Hòa Bình
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
Cổng chính đi vào khu vực đặt các tổ máy phát điện
Đường hầm bộ dẫn vào khu vực đặt máy phát điện
Khu vực đặt các tổ máy phát điện
Mục sở thị
Từ đập thủy điện nhìn về hạ lưu sông Đà
Tên tuổi 186 người hy sinh
Thắp nén nhang tưởng niệm những người đã hy sinh tại Thủy điện Hòa Bình
Nhà máy Thủy điện Sơn La
Khách lãng du
Đập ngăn nước
Từ đập ngăn nước nhìn về hạ lưu
Đường quanh co sườn núi từ Hòa Bình qua Sơn La
Đồi chè bậc thang
Hoa ban nở trắng sườn non
Cảnh đẹp quá, phải dừng lại chụp hình thôi!
Sự cố bất ngờ
Chờ giải phóng đường thông xe
Vui sao điệu múa thổ cẩm
Nhớ sao điệu múa xòe
Tình lắm điệu múa ô
Nhẹ nhàng điệu múa Lâm thôn
Rượu cần chưa uống đã say...
Mời em ly rượu trước lúc chia tay
Bùi ngùi tạm biệt - NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ!
No comments:
Post a Comment