Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 11, 2012

DỌC MIỀN THÙY DƯƠNG: TRỜI VẪN XANH MỘT MÀU XANH QUẢNG TRỊ - Ký của Đình Hy


Lần đầu tiên Đoàn văn nghệ sĩ Ninh Thuận tổ chức chuyến đi sáng tác xa: Hành trình ra Miền Trung và lên Trường Sơn. Đoàn 15 người đi, gồm 9 văn học, 2 sân khấu, 1 âm nhạc… Nói là có mục tiêu, kế hoạch song đó chỉ là những phác thảo chỉ như một phác thảo tác phẩm văn chương.

Xuất phát 7 giờ 30 sáng ngày 15 tháng 7 sau khi uống vội những ly cà phê hè phố Phan Rang, cả Đoàn hăm hở trên chuyến xe hành trình xuyên qua Miền Trung đang mùa nắng hạ. Thật thế, trải dọc địa phận các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, nhiệt độ bên ngoài cao đến nỗi trong xe máy lạnh 16 chỗ ngồi vẫn bị ảnh hưởng.

Đến thành phố Quảng Ngãi 17 giờ. Thật cảm động, các anh ở Hội VHNT Quảng Ngãi đã chờ Đoàn Ninh Thuận. Cần nói thêm khi Đoàn đi đến Phú Yên, Bình Định thì liên tục nhận điện thoại của anh Bùi Nam, Chánh Văn phòng Hội VHNT Quảng Ngãi hỏi thăm chừng Đoàn đã đến đâu. Dù chưa biết nhau, nhưng điều đó thể hiện tình văn nghệ sĩ quý nhau, ở đâu trên đất nước ta cũng đều như thế cả.

Bữa cơm chiều tại Quảng Ngãi thật đậm đà, tình nghĩa chan hòa, Chủ tịch Hội Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Bùi Nam, sau đó có thêm TS Nguyễn Đăng Vũ, một người bạn đang là Giám đốc Sở VH – TT và DL. Những câu chuyện xoay quanh quê hương, sáng tác VHNT, những thông tin về Dung Quất, về biển đảo…

Cũng cần biết, mới đây (2008 - 2009), Sở VH-TT và DL Quảng Ngãi, cá nhân Giám đốc Sở phát hiện được tại huyện đảo Lý Sơn (Cù lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi một tài liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của nước ta. Tài liệu ghi lại một thời bi hùng của Đội quân Hoàng Sa đã ra đi trấn ải trong tư thế “Hoàng Sa đi dễ khó về”. Đó là tài liệu do ông Đặng Lên ở huyện đảo Lý Sơn lưu giữ, cung cấp. Tộc họ Đặng (mà ông Đặng Lên là hậu duệ) đã gìn giữ 176 năm qua một sắc chỉ quý của triều đình Nhà Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa. Sắc chỉ ghi: ông Đặng Văn Siểm (là tổ tiên của ông Đặng Lên), một đà công, tức là người dẫn đường trong đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 thủy binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (năm Giáp Ngọ – 1834). Sắc chỉ này đã góp phần bổ sung tư liệu quý cùng kết nối nhiều di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa, quần thể mộ gió lính Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... là những minh chứng sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ nước ta tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong suốt nhiều thế kỷ. Tộc họ Đặng đã hiến tặng sắc chỉ này cho đất nước, góp phần tư liệu xác lập chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.

Được biết cả mấy ngày nay Hội VHNT Quảng Ngãi bận rộn chuẩn bị lễ giỗ năm đầu Tế Hanh (16-7), một nhà thơ nổi tiếng Quảng Ngãi, nhiều vị khách đã đến, em ruột nhà thơ là GS-TS, Nhạc sĩ Thế Bảo cũng đang ở quê Bình Sơn để lo cho lễ giỗ.

Đã 23 giờ vẫn còn ngồi cà phê tại quán sang trọng Green Ocean bên bờ Bắc sông Trà Khúc với TS Nguyễn Đăng Vũ, lại không quên hương vị của những món ăn Quảng Ngãi trong buổi chiều đầy tình nghĩa. Con sông đã sản sinh loại cá bống và trở thành đặc sản Quảng Ngãi.

Đêm, trời nóng, đoán định có thể cuộc hành trình còn gặp nắng nóng đặc trưng Miền Thùy dương. Và cảm động vô cùng, chưa đầy 7 giờ sáng 16 - 7, anh Bùi Nam chở đến tặng Đoàn nhiều sách quý của Quảng Ngãi xuất bản và 2 thùng nước. Anh nói: “Đường đi còn dài, thời tiết thì nóng… Chúc Đoàn Ninh Thuận bình an”. Giã từ vùng đất núi Ấn sông Trà giàu tình nghĩa, cả Đoàn lòng cứ lâng lâng nghĩa tình…

Dọc dài hành trình qua Quảng Nam, xuyên thành phố Đà Nẵng, trong Đoàn có người đã đôi lần đến, có người vài chục năm mới có dịp trở lại, nhận thấy vùng kinh tế mở Chu Lai, Tam Kỳ và nhất là Đà Nẵng đổi thay quá nhiều, đổi thay đến không ngờ… Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn nay đã là một thành phố hiện đại, quy hoạch và xây dựng có thể nói là không chê vào đâu; đường Bạch Đằng trước 1975 chỉ đến Thương cảng Đà Nẵng, nay mở rộng kéo dài ra giáp biển Thanh Bình, nối đường mới Nguyễn Tất Thành dọc biển chạy thẳng ra Nam Ô; cầu Xoay duyên dáng bắt qua sông ngay vị trí xưa là phà Sông Hàn, rồi cầu Thuận Phước vĩ đại giăng ngang cửa biển nối Thuận Phước với cảng Tiên Sa. Thật là non sông, đất nước ta đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đến đây rồi mới tiếc không đi ngang cầu Nhơn Hội, Quy Nhơn, và chỉ chừng ấy thôi cũng đủ bao tứ thơ, dòng nhạc, hoặc một bài ký về những chiếc cầu Miền Trung…

Thoát khí hậu nóng phía Nam, từ Đà Nẵng trở ra trời bắt đầu mưa. Đấy là thời điểm cơn bão số 1 mang tên Côn Sơn đang hoành hành Bắc biển Đông. Những đám mây đen vần vũ báo hiệu mưa sẽ lớn do rìa phía Nam cơn bão ảnh hưởng. Qua hầm Hải Vân, mưa nặng hạt. Đến Lăng Cô ngoảnh nhìn lại đường cũ lên đèo Hải Vân, bùi ngùi nhớ đường đèo bao kỷ niệm với cả triệu triệu người ra Bắc vào Nam khi chưa có đường hầm. Rồi thú vui đứng trên đỉnh Hải Vân “Đệ nhất hùng quan” ngắm cảnh, bồi hồi nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan qua Đèo Ngang năm nào: “Dừng chân đứng lại trời non nước, Một mảnh tình riêng ta với ta.”

Khi xe chở Đoàn buổi sáng qua Quảng Nam, Đà Nẵng, vào Thừa Thiên – Huế, cũng như Hội Quảng Ngãi hôm qua, hôm nay liên tục là điện thoại của Hội VHNT Quảng Trị hỏi: “Đoàn đã đến mô rồi?”. Giọng của Y Thi, Phó Tổng Biên tập tạp chí Cửa Việt, nhận ra giọng, Thi cũng là bạn như Vũ (Quảng Ngãi), nhưng còn có một giọng nữ rất lạ, nhiều lần điện hỏi: “Các anh ơi! Đoàn Ninh Thuận đến mô rồi? Mọi người đi đường mệt không?”. “Ai điện thoại vậy?”. “Em là Phương Thảo, Quảng Trị, đang chờ các anh, khi nào đến Đông Hà điện thoại em ra ngoài thành phố đón dẫn Đoàn vào!”. Nghĩa là mỗi chặng đường xe đi qua, Hội Quảng Trị đều hình dung. Thế mới biết tình cảm sâu đậm đến mức nào, chưa một lần quen, có lẽ nào… chưa lần gặp mặt… “Giọng nói của một o, giọng quá dễ thương, không biết khi gặp mặt thì sao đây?”. Tôi trả lời một thành viên trên xe hỏi…

Vào thành phố Đông Hà, đến 46, Hùng Vương, trụ sở của Hội, NSƯT Hoàng Sỹ Cừ, Chủ tịch Hội, Y Thi, Phó Tổng Biên tập tạp chí Cửa Việt, các anh chị Văn phòng Hội, Trị sự tạp chí Cửa Việt đã chờ Đoàn từ lâu. Phút đầu gặp nhau song ít bỡ ngỡ nhiều tự nhiên. O điện thoại mô? O Phương Thảo?

Lại chuyện bất ngờ: người cũ gặp nhau, NSƯT Hoàng Sỹ Cừ không ngờ trên xe có vợ chồng NSƯT Hữu Ích, Hải Liên. Thôi thì biết bao câu chuyện hàn huyên. Vốn là người nhà thời tập kết Miền Bắc, ở chung khu Văn công Mai Dịch, NSƯT Hoàng Sỹ Cừ, Đoàn Ca kịch Trị Thiên, vợ chồng Hữu Ích, Hải Liên, Đoàn Dân Ca kịch khu V. Trên mảnh đất Đông Hà này những người bạn cũ gặp nhau. Cả Văn phòng Hội Quảng Trị chờ. Tôi gặp Y Thi, bạn học, và chị Thúy Sâm, tạp chí Cửa Việt, và mô rồi o Phương Thảo điện thoại? O Phương Thảo trong tâm trí mọi người Đoàn Ninh Thuận sau nhiều lần điện thoại dọc đường, là một o mảnh mai, xinh xắn, không diễn tả được… Và quả đúng như thế. Ngay từ đầu các chị, các anh trong Đoàn đã chú ý o khi o nói: “Cháu sẽ hướng dẫn Đoàn đi trong những ngày ở Quảng Trị”.

Vào gặp nhau tại Hội trường, nhìn trụ sở Hội Quảng Trị khang trang mà chạnh lòng ở Hội nhà. Trong buổi sơ ngộ, trình bày lịch trình chuyến đi, NSƯT Hoàng Sỹ Cừ đề nghị Đoàn thêm điểm đi Vịnh Mốc, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương. Đúng như thế: ai cũng đồng tình, dù trước khi đi đã dự tính phương án 2. Và sợ nhất là ngày mai mưa, nhưng trừ lũ quét, ách tắc giao thông, còn Đoàn đã quyết tâm đi Nghĩa trang. Chiều. Bữa cơm thật ngon với những câu chuyện bất tận. NSƯT Hoàng Sỹ Cừ chợt hát dân ca khu IV, nghệ sĩ Hải Liên, NSƯT Hữu Ích hát dân ca khu V…

Ngoài trời mưa tầm tã. 3 giờ sáng 17 - 7, phòng anh Kim Hùng, Đình Sơn, Xuân Quang đèn bật sáng. Mưa, sợ rằng đi Trường Sơn, Lao Bảo sẽ bị ảnh hưởng, nhìn trời đen, tôi thầm cầu mong trời sẽ bớt mưa. 7 giờ bên ly cà phê ở Đông Hà, ngồi miên man nhìn mưa.

Chuyến khởi hành lên phía Trường Sơn do anh Y Thi và o Phương Thảo tận tình hướng dẫn và thuyết minh. Dọc đường 9 với bao sự kiện lịch sử, điểm đầu tiên chúng tôi viếng là Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, khói hương trong mưa lòng nghĩ về những người đã nằm xuống…

Đường 9, (nay là đường xuyên Á – hành lang kinh tế Đông Tây) những địa danh Đầu Mầu, Tân Sở là những địa danh gắn với vua Hàm Nghi, sau sự kiện thất thủ Kinh đô Huế 1885. Được biết trước mấy ngày, Quảng Trị tổ chức một Hội thảo Khoa học về Phong trào Cần Vương tại nơi viết Hịch Cần Vương này. Ở đây có một chi tiết liên quan đến Ninh Thuận, một tác giả đã viết truyện thơ dài mang tên: “Hạnh Thục ca” kể về chuyến đi của Đoàn tùy tùng triều đình đưa vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Đó là Bà Nguyễn Nhược Thị Bích, quê ở làng biển Đông Hải, Phan Rang. Lịch sử từ xưa đã “gặp gỡ” giữa hai vùng đất xa xôi Quảng Trị - Ninh Thuận.

Lộ trình đến Lao Bảo, mưa đã nhẹ hơn. Cả Đoàn thảo luận về Khe Sanh, làng Vây, Tà Cơn, chiến khu Ba Lòng. O Phương Thảo kể về những gia đình các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều định cư làm kinh tế giỏi… Xa xa bên mé núi là những ngôi nhà sàn xinh xinh trong mưa sương.

Khu kinh tế Lao Bảo, cửa khẩu không nhộn nhịp, xôn xao như Mộc Bài ở Tây Ninh, có thể chúng tôi đến vào những ngày mưa. Người ở đây vẫn rất đặc trưng của Miền Trung, Quảng Trị. Mọi hoạt động thương mại đều nằm trong các khu siêu thị, hàng hóa thì không thiếu thứ gì. Nhìn bên đất Lào, Hải quan hai nước đều lịch sự, làng ở Lào cũng hiền hòa như làng quê Việt. Đúng là: “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Lần đầu được ăn cơm biên giới, cơm ngon. Anh Y Thi gọi rượu “tắc kè”, hương vị của núi.

Đã hết mưa từ trưa. Xe quay về, rẽ trái vào quốc lộ 15, vượt sông Hiếu vào Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Không ai nói gì nhưng đều có chung một cảm xúc, một trạng thái kính cẩn, đượm màu linh thiêng. Nghĩa trang các Anh nằm là một vị trí đẹp, có ghi tên từng tỉnh từng lô xoay quanh tượng đài trung tâm. Có điều kỳ diệu là nhìn chính diện tượng đài, phía sau có cây cổ thụ mọc, như ôm ấp tượng đài. Tương truyền rằng cây này tự mọc hồi mới hình thành Nghĩa trang. Đã chiều nhưng người đi viếng, thắp hương vẫn đông… Trong khói hương nghi ngút buổi chiều tà, tôi bâng khuâng nghĩ về sự sống – cái chết, nghĩ về các bia mộ có tên, và kia hàng hàng bia mộ những liệt sĩ chưa biết tên. Kính viếng hơn 10.000 liệt sĩ trong gần 70.000 liệt sĩ cả nước đang yên nghỉ ở 72 Nghĩa trang trong toàn tỉnh Quảng Trị, và cũng ngần ấy hương hồn nữa đang ẩn hiện đâu đó. Mong các Anh siêu thoát cõi Vĩnh Hằng và đất nước này mãi mãi bình yên.

Anh Minh lái xe chầm chậm rời Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn để mỗi người trong Đoàn lặng lẽ, thẩm thấu hơn về những gì vừa tận mắt thấy ở mảnh đất thiêng này. Dường như ai cũng có tâm trạng, mọi suy nghĩ đang vào chiều nội tâm. Cũng như hồi sáng viếng Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9; Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của những người trong thời đạn bom đã đem tuổi thanh xuân của mình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Trở lại sông Hiếu, quê của o hướng dẫn viên Phương Thảo thật đẹp và yên bình, có vài chiếc nôốc lặng lẽ neo trong xế chiều. O nói: “Không bão, mưa là may mắn; nhưng nếu Đoàn đi ra sớm một ngày thì nắng nóng và giờ này mọi người không đủ sức tham quan, viếng thăm nổi đâu!”. Trời thương.

Đêm thứ hai ở Đông Hà. Thành phố này quá quen thuộc với tôi thời thơ ấu. Quê tôi ở Huế, nên nửa thế kỷ trước, hằng ngày nhìn những chuyến xe đò Renault tuyến Huế - Đồng Hà chở đầy ắp hành khách, hàng hóa, xe taxi màu đen, (bà con thường gọi là xe tắc-xông, Đông Hà gọi là Đồng Hà) chạy Đà Nẵng – Đồng Hà. Ký ức dồn nén, đêm thật sâu, có điều gì lạ lắm ở trong tôi. Thực sự Đông Hà được giải phóng năm 1972, nhưng là một thị xã hoang tàn vì bom đạn, sau 75, đến đây mới thấy vết tích chiến tranh còn hằn trên từng vách tường, mặt đất, và trên từng nếp nhăn khuôn mặt người dân…

Đông Hà, Đông Hà, Đông Hà. Bỗng thèm vô cùng một giọng nữ rặc bản địa hát: “Bao làng xóm mở tung. Ai quê Ba Lòng ta đó. Ai quê Đông Hà, Cửa Việt có về xem…”. Đây là lời ca khúc “Con về quê mẹ Quảng Trị anh hùng” của Thanh Phúc. Vùng Trị Thiên có lẽ là chiến trường ác liệt nhất trong chiến trường toàn Miền Nam…

Đông Hà nay đã khang trang, xứng tầm của một thành phố cửa ngõ lên nước Lào trên trục hành lang kinh tế Đông Tây.

Ngày 18 – 7: trời tốt, nắng nhẹ; xe ngược Bắc ra cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Ở đây, theo Hiệp định Genève, là vùng giới tuyến tạm thời, vùng phi quân sự, thế nhưng ở bờ Nam, Mỹ thiết lập đồn bót, hàng rào điện tử M.c Namara, một vùng đất được mệnh danh: No man’s land – vùng đất không người. Đoàn chụp hình, quay phim lưu niệm. Con số 21 năm chia cắt, (thực ra là 18 năm 1954 – 1972) ai cũng nhớ câu hát: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê…”, nhiều người chỉ biết sông Bến Hải qua bộ phim: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, còn những khốc liệt, khổ đau dài năm tháng chia cắt ở hai bờ thì không diễn tả nổi. Trong Đoàn có NSƯT Hữu Ích thời chiến tranh đã từng đến diễn văn công vùng tuyến lửa Vĩnh Linh, còn nhà nghiên cứu Hải Liên từng bơi qua Cửa Tùng. Bao là ký ức ùa về khi ta đứng trên cầu Hiền Lương giữa con sông này. Nhìn lên phía Tây, thì mới chiều qua, Đoàn đã dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn gần Bến Tắt, bên bờ thượng nguồn Bến Hải. Có thể nói nước mắt chờ đợi nhau ngần ấy năm chia cắt làm cho nước sông Bến Hải thêm trong màu huyền thoại, để hôm nay ta có Lễ hội Thống nhất non sông, và để mãi mãi trên đất nước này sẽ không có những dòng sông chia ly như thế nữa.

Vịnh Mốc là một địa danh của huyện Vĩnh Linh, nổi tiếng trong chiến tranh với kỳ tích “Làng địa đạo”. Khó có nơi nào, ý thức sinh tồn như ở đây, để chống chọi lại bom tấn, pháo bầy, người dân Vĩnh Linh phải nghĩ cách sống dưới lòng đất, có nơi sâu đến 23 mét để chống lại bom khoan của Mỹ. Bom khoan là loại bom thả xuống, khoan sâu vào lòng đất mới nổ. Diện tích huyện 820 km vuông, nhưng tổng chiều dài của hệ thống giao thông hào hơn 2.000 km, chiều dài của 114 địa đạo dưới lòng đất hơn 40 km. Anh bạn trẻ thuyết minh đầy đủ và đưa chúng tôi xuống địa đạo. Nào là đường hầm, nào là hầm cho hộ gia đình ở, hầm thông ra biển chi viện cho đảo Cồn Cỏ, hầm trạm xá, hầm hội họp, trường học, sinh hoạt văn hóa, chiếu phim, kho, bếp… Có thể hình dung mỗi địa đạo là một làng trong lòng đất. Ăn, ở, sinh hoạt, cứu thương, tiễn biệt người chết… đều trong lòng địa đạo. Và mầm sống cũng trong trạm xá trong lòng địa đạo, đã có hơn 60 trẻ em được sinh ra trong những địa đạo này. Sự vĩ đại của “Làng địa đạo” không phải chỉ ở độ dài, độ sâu của giao thông hào, hầm, mà ở ý chí, trí thông minh của con người Vĩnh Linh trước sự hủy diệt của kẻ thù. Trên bức tường chính diện phòng Trưng bày Địa đạo Vịnh Mốc có hàng chữ lớn: “Tobe or not tobe”, lấy một câu nói nổi tiếng nhiều thế kỷ của nhân vật Hamlet, hoàng tử Đan Mạch, trong vở bi kịch Hamlet của W. Shakerspeare. Đúng! Những người làm công tác Bảo tàng ở Quảng Trị có lý khi đưa câu này vào Vịnh Mốc. Con người ở đây đúng là chỉ có sự chọn lựa: “Tồn tại hay không tồn tại” và muốn tồn tại thì phải làm tất cả…

Đường về Đông Hà sau khi rời Vịnh Mốc cả Đoàn buồn buồn, o Phương Thảo cũng buồn. Nhìn ra khơi, đảo Cồn Cỏ như là một chiến hạm vững chắc đang ngày đêm bảo vệ vùng biển trời Tổ quốc. Xe ngang Cửa Việt, lại nhớ câu hát: “Ai quê Đông Hà, Cửa Việt có về xem…”.

Chia tay trưa, thời gian hai ngày mà tình cảm dài hơn thế kỷ. Chủ tịch Hội Hoàng Sỹ Cừ, các anh chị Hội Quảng Trị quyến luyến, Đoàn Ninh Thuận bịn rịn, trong bữa cơm, đã có vài giọt nước mắt… Và nước mắt đã vỡ òa khi xe rời Khách sạn Hoàng Lan, o Phương Thảo khóc đỏ hoe mắt, Y Thi không chịu nổi, đi vào trong Khách sạn trốn cảnh chia tay… Đoàn Ninh Thuận thì…

Hãy lặng yên để cho những gì thiêng liêng, chân thật chầm chậm đi qua đời nhau, đừng làm mất, dù một giọng nói to…

Rời Đông Hà, vào thị xã Quảng Trị, chính ngọ. Sau khi làm các thủ tục, Đoàn dâng hương tại Đài Tưởng niệm Thành cổ, nghe thuyết minh dưới chân Đài. Giọng cô thuyết minh tái hiện phần nhỏ của cuộc chiến 81 ngày đêm năm 1972, sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh vô bờ của bộ đội Giải phóng quân, trong Thành cổ, hai bên bờ sông Thạch Hãn. Đến lúc thuyết minh mỗi mét vuông đất còn đó hình hài các Anh… cả Đoàn không ai không khóc. Nước mắt đã tuôn trào trong ban trưa Thành cổ. “Ai nỡ ngăn giọt lệ…” Đây cũng là lời trong ca khúc: “Con về quê mẹ Quảng Trị anh hùng”.

Đây rồi con sông Thạch Hãn một thời xác người và nước ngang nhau. Mọi người thắp hương, tưởng nhớ liệt sĩ, nhân dân đã nằm dưới đáy sông sâu. Dòng sông Hoa, đó là cách người sống làm được dành cho những người đã nằm xuống ở sông này. Nhà nghiên cứu Hải Liên cũng qua sông này từ nhà tù Phú Quốc, trong đợt trao trả tù binh theo Hiệp định Paris năm 1973, anh lặng lẽ nhìn khúc sông này… “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ, Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”. Thơ của nhà báo Lê Bá Dương được khắc vào bia tưởng niệm bên sông này!. Tạm biệt Thành cổ Quảng Trị một thời đạn bom, nay đang dần dần thay đổi hình hài phố phường. Cuộc sống là thế. Mọi sự đều được tái lập để vì con người hiện tại và tương lai.

Xuôi Nam ngang huyện cát trắng Hải Lăng, bỗng nhớ bài ký: “Chế ngự cát” của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết những năm 70 thế kỷ trước. Đó là bài ký hay trong tập ký: “Rất nhiều ánh lửa” nói về sức người cải tạo cát để tồn tại. Anh cũng là vị Tổng Biên tập đầu tiên của tạp chí Cửa Việt. Lại nhớ chuyến đi VHNT Dân tộc thiểu số bằng đường bộ năm 2008, ngang qua Hải Lăng, tôi còn chứng kiến một số tổ chức Quốc tế đang khoanh vùng rà mìn hai bên đoạn “đại lộ kinh hoàng” này. Chiến tranh đã lùi 35 năm, nhưng đạn bom vẫn còn đâu đó trong lòng đất, và thỉnh thoảng đọc dòng tin buồn: cưa bom nổ, chết, giẫm đạp phải mìn nổ, chết…

Lộ trình vào man mác buồn. Đến Huế đã chiều. Đêm nằm Khách sạn bên sông gần ga, chuông chùa Từ Đàm thong thả đưa, nhớ Ông già Bến Ngự thế kỷ trước cả đời chạnh lòng nước non.

Ngày 19 – 7: Tham quan Đại Nội, lăng Tự Đức rồi trực chỉ vào Mộ Đức thăm Khu Lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đức Phổ dừng lại chút bên Bệnh xá mang tên Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Ngủ bên biển Sa Huỳnh. Vùng diêm dân chân chất, mặn mòi như những núi muối. Ở đây có một chi tiết văn hóa lưu ý là nơi hơn 100 năm trước phát hiện loạt mộ chum của người cổ đại. Sau này từ Quảng Bình đến Bình Thuận, phát hiện dạng mộ chum này đều lấy tên chung: mộ chum Sa Huỳnh và hình thành thuật ngữ hệ Văn hóa Sa Huỳnh.

Sáng 20 – 7: Vào Quy Nhơn để viếng mộ Hàn Mạc Tử. Lạ, đúng thời điểm toàn Đoàn đến nơi, người ta đốt cỏ khô khói bay trùm kín cả khu mộ, đúng như câu thơ: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.

Quảng Nam và Phú Yên là điểm dừng nhưng Đoàn đành lỗi hẹn. Điện xin lỗi anh Phan Chín, Quảng Nam. Điện các anh Huỳnh Thạch Thảo, Trần Quốc Cưỡng, hai vị Phó Chủ tịch Hội Phú Yên gặp mặt, xin lỗi rồi chia tay trong tiếc nuối. Một lần nữa lại lỗi hẹn với xứ Quảng và xứ Nẫu, nơi đã chuẩn bị đón tiếp Ninh Thuận.

*

Khó có thể đối chiếu với mục đích chuyến đi đã đạt được điều gì. Sự hiểu biết, tầm mắt đã khác. Mỗi người trong Đoàn đều có những thu hoạch khác nhau, nhưng đáng “ngàn vàng” về những nơi đã đến, dù đến lần đầu hay đến nhiều lần. Và khi ngồi gõ những dòng ký này, tôi vẫn bồi hồi nhớ tình cảm sâu đậm của Quảng Ngãi, Quảng Trị, nơi đã đến, giao lưu, tìm hiểu. Tôi cũng tin chắc rằng những người tham gia chuyến đi cũng như thế, có thể có những tác phẩm hay, xuất thần…

Phan Rang đang vào những ngày áp thấp. Nhớ lại ở Đông Hà, Đoàn tránh được cơn bão số 1 là một may mắn. Như có ai đó đang dõi theo và ủng hộ thành tâm của Đoàn trong chuyến hành hương vừa qua. Xin trân trọng tất cả. Cám ơn dằng dặc Miền Trung Thùy dương, Quảng Trị.

Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Mãi mãi là thế, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…

Phan Rang, tháng 7 năm 2010
ĐÌNH HY
dinhhy_nt@yahoo.com.vn

No comments: