Trong bài viết này tôi dùng hai khái niệm “QUÊ HƯƠNG và HỌ”.
Họ là những người ra Bắc còn quê hương là những người nắm bộ máy điều hành làng.
Bộ máy điều hành làng có hai thời kỳ: Từ ngày 01- 8-1954 đến 30-4-1975 do chính quyền VNCH và từ 01-5-1975 cho đến sau này do chính quyền VNDCCH, bây giờ là CHXHCNVN quản lý. Họ có thể là cá nhân tự do suy nghĩ và hành động còn bộ máy điều hành làng phải phụ thuộc chủ trương đường lối của chính quyền đương thời (cũng không bỏ qua trường hợp cá nhân chuyên quyền độc đoán)
Họ với quê hương
Xa quê ai cũng nhớ quê, dễ hiểu thôi, vì nơi đó là tổ tiên là nơi chôn nhau cắt rốn, biết bao kỷ niệm thời thơ ấu và cả thời gian sinh sống. Người có điều kiện thì nhớ rộng, còn chuyện nhớ nhà thì ai mà chẳng nhớ; có khi bắt phải nhớ (phải nhớ để trả lời người hỏi). Hình như không ai có Ông Nội còn sống. Hầu hết còn bố mẹ vợ con, chú bác. Rất nhiều người không biết bố mẹ mất năm nào thậm chí không có tên trong văn bia v.v…Bình quân mỗi người không được chịu tang từ 2 đến 5 người thân. Ang áng cho đến năm 1975 là thế.
Sau 1975 có người trở về làng như Nguyễn Đức Khanh về làm việc làng thời gian sau đó lại đi; Còn về làng mà làm nhà ở thì có vợ chồng Nguyễn Như Dương ; vợ chồng Nguyễn Đức Khôi. Tôi Nguyễn Thanh Xuân ở thời gian sau đó lại đi. Nguyễn Hữu Thảo về làng ở nhờ nhà cháu thời gian rồi mất. Ngoài ra còn dăm người về công tác trong tỉnh (Bình Trị Thiên).
Người có điều kiện thì mỗi năm về vài ba lần có khi cả con cháu, ít nữa dăm ba năm về một lần. vui sum họp rồi đi. Đó cũng là một niềm an ủi. Hiện nay ở Hà Nội cỏ ban đồng hương xã Hải Hòa có 16 gia đình trong đó Hưng Nhơn 14, Phú kinh 2; tổng số cả con cháu là 66 thành viên (số liệu ngày tết Nhâm Thìn - 2012); Trưởng ban liên lạc đồng hương là Nguyễn Đức Hy thường xuyên nắm bắt tình hình trong xã. Nếu không có gì đột xuất thì cứ đếnTết Nguyên Đán gặp nhau chúc mừng và nghe Trưởng ban đồng hương báo cáo những đổi thay cuả quê nhà.
Quê hương với họ
Quê hương thời 1954-1975: Thực tình tôi không đi sâu vì cho rằng việc đã rồi. Chỉ biết rằng thời tố cọng cũng gay gắt một thời gian, có người bị cưỡng ép nầy nọ nhưng rồi êm dần. Riêng tôi có con trai cũng được đi học như các bạn khác hết chương trình phổ thông. Xem ra không bị phân biệt đối xử.
Quê hương từ 1975 lại nay: Tôi Nguyễn Thanh Xuân, một trong số trên 30 người đi Bắc khẳng định: “quê hương quên họ”, bởi xem họ như bao người đi xa về chứ không xếp họ vào một tổ chức (lực lượng tập kết chẳng hạn). Như trên đã nói, trong văn kiện mừng xã được công nhận là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang năm 2002, không có dòng nào nói về lực lượng này.
Trường hợp ông Nguyễn Hữu Thảo, hơn 90 tuổi, một mình lụi cụi về quê ở nhờ nhà cháu hơn một năm trời, cho đến lúc về với cát bụi, không một tổ chức của xã, thôn (kể cả hội Người Cao Tuổi) có nén nhang đưa tiễn. Quên thật!
Phải chăng Trung ương bất cập trong việc này? Khi họ ra có Ban đón tiếp Trung ương do ông Trần Hữu Dực làm Trưởng ban, còn lúc về xem như tuỳ nghi di tản, cho nên cái lực lượng ấy lẻ tẻ trở về hay không về cũng không ai để ý. Tôi thấy “quê hương” rất dưng dưng đối với họ.
Giá sử Đảng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ: Gia đình nào muốn về quê thì Nhà nước cho xe chở và giúp họ ổn định cuộc sống. Tôi tin rằng việc làm ấy sẽ được toàn dân đồng tình.
Khi ra đi, ai cũng thuộc lòng: “Ta chỉ xa nhà hai năm”, thế nhưng kéo dài gấp hơn mươi lần, sự nhớ thương đạt đỉnh điểm, khi chiến thắng, đất nước thôi chia cắt, điều kiện cho phép được về lại không về được. Tại sao khi được về lại không về được, trách ai và ai trách! Bây giờ nói để làm gì? Theo tôi: nên nói để con cháu biết mà thông cảm với cha ông.
Tôi là người đã về làng làm nhà với tâm niệm ở cho đến khi về với tiên tổ. Không may cho tôi là vợ bị xuất huyết não, liệt nửa người nên phải trở lại Hà nội.
Ở làng được 3 năm, có mấy suy nghĩ:
Khi đi chỉ một người, nhà nước nuôi cả: khi về một bồ đoàn mà phải tự túc cả. Cái bồ đoàn ấy về quê lấy gì mà sống, tiền đâu để đi tàu xe bao nhiêu lượt, nói chi đến chuyện làm nhà cửa. Cái thủ tục hành chánh cũng không dễ dàng: nào hộ khẩu, nào lương hưu (nếu có), nào bảo hiểm y tế, nào và nào…Đặc biệt xin đất ở cho chừng ấy người không phải dễ dàng gì…Gia đình nào vào diện nói trên không về được cũng phải. Các đời sau không nên trách họ mà tội. Nhưng có trường hợp như Trần Văn Cường muốn về nhưng không có đất làm nhà nên không về được. Nói chung về phải có nhiều tiền. Bao nhiêu lượt xe cộ đi về còn chuyển cả hũ mắm, vại cà, v.v…Nói mà lo thế thôi chứ ông Nguyễn Hữu Số đi ở Mỹ (diện OH hay HO gì đó) về làng ở vẫn nhẹ nhàng, êm thấm và đàng hoàng.
Cũng xin nói qua một chút: thời gian thuận lợi và các điều kiện khác để về thật quan trọng. Tôi công tác ở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, về hưu năm 1990. Hoàn cảnh thật khó khăn. Trong nhật ký, bài Tự thuật có câu:
Sáu mươi hưu đã vừa thì
Mở ngay xưởng mộc cứu nguy nỗi nhà
Mặc cho bào đục trầy da
Tiếng cưa như tiếng reo ca tâm tình
………..
Đến năm 2000, nghĩa là sau mười năm làm thợ mộc (có chút vốn) và năm đó cô con gái út cũng lên xe hoa về nhà chồng, thế là rảnh rang, tôi quyết định về quê, không quên mang theo toàn bộ đồ nghề thợ mộc (có nhiều máy móc và khoảng 5 m3 gỗ xẻ). Cũng may là sức khỏe khá tốt.Tuổi 72 tôi vẫn làm mộc máy ngon lành.
Nghĩ rằng về là phải, sao tránh khỏi chút phân vân. Trong nhật ký thơ có bài nhan đề Về quê:
Về quê
Lần lữa mỗi ngày xa tiếp xa
Cái chi níu kéo cái thân già?
Thủ đô tráng lệ, mang tình nước
Xóm nhỏ chân quê, thực rốn nhà
Đâu đó tóc xanh anh tóc bạc (*)
Còn đây tình bạn sáng tình ta
Cháu con hiền thảo lòng êm nhẹ
Trên với hương hoa dưới với trà.
Tháng 12-2000
(*) Cũng ý thức được có một số nhóc con xem “cá mè một lứa”.
Kỳ sau: Tiếp chuyện dễ bỏ quên 4 và xin hết “Chuyện dễ bỏ quên”.
Nguyễn Thanh Xuân
Email : nhuxuan29@gmail.com
No comments:
Post a Comment