Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 7, 2012

Nguyễn Nguyên An - CHÙM TÁC PHẦM ĐOẠT GIẢI NHẤT TẠP CHÍ NỘI THẤT CUỘC THI “MÁI ẤM YÊU THƯƠNG”


HAI NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC


Nguyễn Nguyên An


Nhà tôi trong thung lũng gió, nhiều chùa bao bọc, sớm chiều chuông mõ ngân nga. Vợ tôi bỏ chồng bỏ con, tôi bồng, dắt bốn con về quê nương cha mẹ, lao động nuôi con. Bao năm, tôi dạy học ở vùng cồn xao xác nhớ nhà, ky cóp mấy chỉ vàng nhờ cha tôi dựng cho gia đình rách tươm của tôi mái nhà tranh. Ở nhà tre, tranh, nứa, lá, giữa bốn bề ruộng, vườn chùa, đêm đêm eo óc tiếng cóc, nhái, côn trùng nỉ non, và những hồi chuông ủ ê lòng tôi tê tái nỗi thương nhớ người phản bội và canh cánh lo toan cơm gạo ngày mai.

Tác giả trước tư gia 50 Trần Thái Tông
Chưa đủ ăn nhưng có chỗ cho cha con tôi chui ra chui vào khi nắng quái, mưa dầm, nghỉ ngơi, ăn uống, các con tôi có chỗ học hành, tôi có nơi suy ngẫm sau những cuốc xe mệt lử và vững gót, bản lĩnh trong việc làm trách nhiệm người cha đối với đàn con nheo nhóc thiếu ăn, khát mặc, thèm mẹ, tha thiết sự chăm sóc bàn tay phụ nữ - kể cả bản thân tôi.

Tôi, ngày cuối chợ, đầu ga cùng chiếc xe đạp cà tàng đạp thồ chở khách với lòng ao ước xây nhà cấp bốn, có phòng học cho các con, có phòng riêng cho con gái đang lớn dậy từng ngày thích những phút riêng tư. Ứớc mơ ấy đối với tôi như với tay chạm tới thiên đàng, nhưng tôi vẫn ôm hy vọng...

Trong những ngày khó khăn, khổ cực ấy, mấy anh em trai tôi tổ chức đi trầm. Một buổi sáng, các em chia nhau vào rừng “đạp cội” tìm trầm, tôi ở “nhà” làm bếp, ra suối dọn bến, xây nơi tắm giặt, phơi, móc áo, quần cho mấy em “đi làm” về sinh hoạt. Bất ngờ tôi nhặt được hai chỉ vàng hi hữu giữa rừng núi đại ngàn. Nhờ đó tôi giả từ “nghề”  tìm trầm, sắm chiếc máy ảnh chuyển sang nghề chụp ảnh mưu sinh, nuôi con.

Tôi đạp xe lang thang về làng quê, chợ Đông ba, An Cựu, Phú Thứ… chụp ảnh lấy tiền hoặc đổi khoai, gạo, cá, mắm… miễn có cái đem về cho những con tàu háu ăn, há miệng khát cơm. Tôi chụp một cô gái bán bành mì với thúng mì nóng giòn ở chợ Đông, các cô khác cũng thích có ảnh kỷ niệm, bắt chước nhau gọi chụp ảnh và cứ thế tôi bấm lách tách hết cuốn phim lúc nào không hay. Rồi hàng thịt, hàng tạp hóa… họ đua nhau chụp dây chuyền. Có tiền, tôi mua ít thức ăn móc ở ghi đông xe đạp vù về nhà. Chạng vạng, các con tôi chạy ra đón tôi đầu hẻm, nhảy cỡn lên: “Ba về”.  Gia đình tôi vỡ òa trong bữa ăn ngon. Rồi tôi đi chụp cho các em thiếu nhi các trường mầm non. Các em lúc nào cũng đẹp, dễ thương, tươi tắn, sự hồn nhiên mủm mỉm của các em giục tôi đến với nhiếp ảnh nghệ thuật, báo chí. Chụp ảnh đang báo, hưởng nhuận bút. Trong giai đoạn này, được sự trợ giúp của cha mẹ và mấy năm lao động khó nhọc của tôi, tôi xây một ngôi nhà cấp bốn.

Những buổi trưa hè, nằm ngửa trên nền xi măng mát rượi, nhìn lên lớp rui, mèn đen ngù và lớp lớp ngói, thứ tự, thẳng tắp lòng lâng lâng. Ngôi nhà như được hạo khí trời đất, cho tôi “an cư lạc nghiệp” nhiều nguồn vui ập đến gia đình tôi. Tôi được giải thưởng ảnh nghệ thuật do báo Tuổi Trẻ tổ chức, giải thưởng ảnh nghệ thuật toàn quốc đầu tiên của Huế, rồi huy tượng Q. (TPHCM)5, giải thưởng ảnh Việt Nhật… Chuyển qua viết, tôi lại được một số giải thưởng… Tôi có tiền bắt điện, điện thoại, internet… cho ngôi nhà, làm thêm phòng cho các con học hành, ngủ nghỉ và tôi có vợ, các con tôi có mẹ mới chăm lo, con gái đầu tôi đang khao khát bàn tay mẹ.

Vợ tôi bảo: “Thương anh vì anh nuôi bốn con. Em lên thăm anh, thấy anh có nhà cửa đàng hoàng em mới lấy anh”. Rõ ràng, ngôi nhà không chỉ nâng giấc các đời người mà còn giúp tôi có vợ, giúp tôi dần có tiếng tăm với xã hội. Ngôi nhà là nền tảng vững chắc, viên gạch nhỏ bé của Tổ quốc lộng lẫy và điểm son thành đạt mỗi người. Với tôi, còn là nơi tu dưỡng rèn luyện nhân cách mình.

Mấy năm trước, bên vợ tôi cho gia đình tôi một ngôi nhà thứ hai để dành con trai út tôi cách nhà cũ 1km5. Nhà nằm trên đồi, xa xa núi Kim Phụng án ngữ. Thích cô tịch, tối đến tôi lên ngủ trông coi. Mỗi tối, tôi được sống một mình, hít thở không khí trong lành cho đến hôm sau mới “hạ san”. Ở tuổi sáu mươi hoa giáp tâm hồn tôi thật thanh thản, bớt đau đầu, bớt sân si, ham muốn, bon chen.

Ngôi nhà dưới phố (ảnh) là nơi gia đình tôi sinh sống, làm ăn, quan hệ, học hành, chia sẻ buồn vui với xã hội. Ngôi nhà trên núi là nơi tu dưỡng, thờ cúng, mặc khải, cõi phúc lạc của tôi. Tôi đặt tên “thảo am” ấy HẠNH PHÚC AN.

Huế, 03-05-11
N.N.A



 
NGÔI NHÀ THƠ ẤU Ở XÓM HEO

Nguyễn Nguyên An


Từ Huế, tôi đạp xe ra Quảng Trị, tìm ngôi nhà thơ ấu của mình, dắt xe vào xóm trưa vắng vẻ. Cây vườn hồi sinh hơn hai chục năm trở lại đây chưa kịp tròn bóng mát. Tôi xa Quảng Trị năm mười một tuổi, về thăm khi tuổi đã  năm mươi. Thời gian chưa đủ bãi biển hoá nương dâu, nhưng sức tàn phá của chiến tranh đã biến cái xóm nhỏ của tôi thành xa lạ, ngôi nhà thơ ấu của tôi không còn dấu vết, đến đất đai cũng chẳng còn chút thân quen.

Mẹ tôi sinh tôi trong ngôi nhà của ngoại, ở xóm Heo Quảng Trị. Tất cảnhững gì có trong nhà ngoại như lò làm bún, bộ ngựa ở nhà trên, buồng ngủ, liếp cửa Bình Khoa và cả thị xã chung quanh cùng dòng sông Thạch Hãn cho đến mái trường Nam thân yêu thời tiểu học đều đóng sẹo trong trái tim tôi, thi htoảng hiện về chấp chới xa xôi một dòng hoài niệm ngoài tay với…

 Tôi lang thang tìm ngôi nhà của mình… Vẫn nhớ đầu gần xóm Heo, nơi tiếp giáp đường Quang Trung thuộc phường Đệ Nhị, có ông Tẩu. Ông già lụ khụ, làm cái nghề tôi luôn gợi tính hiếu kỳ lũ trẻ chúng tôi. Ông nuôi nhiều đĩa trâu trong ống tre, giam dói hàng tháng. Ai bị nhọt đều đến nhờ ông lấy máu độc ra. Ông chúc đầu ống tre xuống nơi nhọt sưng tấy, con đỉa đói hút căng phồng bụng máu, ông rứt đỉa ra, thả  nhúm muối lên các cái thân nhớt lầy đen láng ấy, con đỉa quằn quại phun máu ra, chờ đỉa xép ve, ông lại cho đỉa vào ống tre cất giữ, dùng lần sau. Ông Tẩu không còn nữa, nền móng ngôi nhà của tôi chẳng biết nơi đâu. Hầu hết người dân xóm Heo đã trôi dạt phương nào? 

Tôi tìm dòng sông Thạch Hãn – dòng sông mà mỗi khi tôi hụp lặn ở bất cứ dòng sông nào tôi cũng nhớ về. Một nỗi nhớ trào dâng ngậm ngùi… Tôi đứng bần thần trên bến sông xưa nay cũng mất sạch dấu vết, chỉ còn bến đò ngang, một chiếc đò rời rạc đưa khách sáng sông. Sát bến đò là khu chợ Quảng Trị; khu chợ sang trọng này xây dựng từ đổ nát điêu linh, nghiêng bóng lung linh bên dòng Thạch Hãn. Dắt xe xuống đò, tôi thả hồn theo từng mái chèo khoan nhặt của bác lái đò, đò chưa cặp bến Nhan Biều mà lòng tôi đã chạm vào kỷ niệm... Hồi đó tôi và em trai kế tôi tắm sông, em tôi bị chuột rút chìm nghỉm chỗ sâu, tôi la: "cứu...cứu em tôi với...". Một anh thanh niên đang tắm sông đã cứu em tôi, vác em tôi chúc ngược đầu xuống đất chạy quanh cho nước ộc ra và sau đó làm hô hấp nhân tạo. Em tôi thoát chết đuối. Tôi bị bầm mông vì trận đòn của ba tôi! Cho tới bây giờ tôi chưa gặp lại anh ấy. Tôi mang ơn cứu tử của một người con Quảng Trị.

Còn bác Mót cạnh nhà bác Sung dễ nực cười bởi tưóng người phốp pháp, da thịt mát mẻ, béo tròn hin một cục. Nhà bác làm nghề mổ lợn. tính vác xuề xoà, luôn vui tươi; trên khuôn mặt nần nẫn thịt của bác không hề bợn chút phiền toái. Bác Mót vô tư, tự nhiên như cây cỏ, buổi sáng bác chạy xuống hói (*) đi đồng, khi nào bác cũng đợi Tào Tháo đuổi mới chịu lạch bạch chạy...và thả lại trong tai bọn chúng tôi một tràng...chúng tôi đỏ mặt nhìn nhau cười rúc rích.

Tôi phải ra Đông Hà tìm bạn thơ ấu của mình. Thạch cẩn trọng đăm chiêu. Quang dạn dày bão tố, khuôn mặt sần sùi của Quang nói lên một quãng đời khổ ải. Ba đứa chúng tôi quây quần chuyện vãn suốt buổi. Nhắc cho nhau biết những nhau biết những đứa đang ở rải rác các tỉnh. Thành phố miền Trung như Nguyễn Thái Sơn bán cà phê ở Huế. Phạm Đình Quát nhà báo, bác sĩ Nguyễn Thái ở Viện dịch tễ Buôn Ma Thuột... Khi chưa gặp nhau, tôi tưởng chúng tôi sẽ ùa vào nhau nói năng bỗ bã cho thoả lòng bao năm xa cách. Nhưng khoảng cách năm mươi năm gặp lại kìm chúng tôi giữ gìn ý tứ với nhau. Ai cũng lớn cả rồi, đâu dám buông tuồng suồng sã như thuở thiếu thời. Thì ra, con người càng lớn càng dè dặt nhiều điều. Năm tháng chồng chất, dạy người ta thận trọng trong quan hệ, đối đãi với nhau chừng mực và lễ nghĩa hơn.

 Tạm biệt Quảng Trị, quê hương niên thiếu của tôi, nơi sinh ra tôi lớn dậy làm người. Tạm biệt bạn bè quấn quýt một thuở, giờ này vẫn còn lưu luyến nhau đến bạc đầu. Tôi đạp xe vào Huế lòng hân hoan... 

N.N.A


(*) Con sông nhỏ - từ địa phương Quảng Trị


Địa chỉ liên lạc: NGUYỄN VĂN VINH (NNA) - 50 Trần Thái Tông, Huế -Tel: 01688971486

No comments: