Mời về làng Điếu quê mình,
Dẻo thơm bánh lọc ... níu tình khó đi.
Làng Điếu Ngao, trước đây, thuộc Triệu Phong, nằm phía đông nam thị trấn Đông Hà, chỉ cách một cánh đồng nhỏ. Khi Đông Hà lên đơn vị quận, thị xã rồi bây giờ thành phố, làng Điếu Ngao thuộc về Đông Hà.
Phố thị Đông Hà tuổi đời chưa lâu. Mới hình thành trong thập kỷ 1930, khi đường sắt Bắc – Nam và đường quốc lộ 9 thông thương với Lào hoạt động chuyên chở hàng hóa và hành khách tương đối nhộn nhịp. Cùng với ga xe lửa và trục lộ giao thông, chợ Đông Hà được mở, người quanh vùng đặt cho cái tên là “chợ ga”; những nhà buôn từ các nơi và các chợ lân cận, đặc biệt từ chợ Sòng (làng Kim Đâu) chuyển cơ sở kinh doanh về đây.
Trong chiến tranh (1946 – 1972) dân tới định cư ở Đông Hà đông dần; họ là những điền chủ, những chức sắc ở nông thôn về đây tị nạn; họ là vợ con của những công chức, binh lính về đây để gần gũi cha, chồng và họ cũng là những kẻ thất cơ lỡ vận, không ruộng đất, không tài sản về đây buôn thúng bán mẹt sống qua ngày.
Sau thống nhất đất nước (1975), đặc biệt, từ khi được chọn làm tỉnh lỵ Quảng Trị (1989), Đông Hà phát triển mạnh; dân tứ xứ dồn về; phố xá mọc lên san sát, đường sá đầy xe cộ và người qua lại không ngớt.
Ba làng vây quanh Đông Hà, mỗi làng bày ra một đặc sản riêng để phục vụ khách qua đường: làng Tây Trì có bánh bèo, làng An Lạc có bánh ướt, làng Điếu Ngao có bánh bột lọc.
Bánh bèo Tây Trì không bán ở tiệm, ở quán mà bán trong thúng, trong gánh. Khác với cái bánh bèo dày dặn ở Huế dọn ra trong dĩa nhỏ, khách ăn nạy ra, lủm một miếng vào miệng, những chiếc bánh Tây Trì, mỏng dính, trắng phêu, xếp rải nhiều lớp hình vòng giữa một chiếc dĩa, bên trên rắc tôm chấy, ớt bột đỏ thẩm, khách ăn rưới vào một loại nước mắm pha chế đặc biệt, rồi gắp từng chiếc bánh đưa vào miệng, vừa thưởng thức vừa hà thít. Tiếc là bây giờ, thu nhập do nghề bánh bèo không khấm khá nổi, người ta bỏ nghề gần hết, cả làng chỉ còn khoảng vài ba nhà còn giữ nghề.
Bánh ướt An Lạc ngon lắm, đặc biệt nước lèo và rau sống; nước lèo không biết pha chế bằng những thứ gì mà sền sệt, đo đỏ, không thể dùng lời mà diễn tả cái vị của nó được; rau sống được trộn bằng nhiều loại rau non, gồm cây cải củ con, rau thơm, giá sống, hoa chuối non xắt nhỏ. Bánh ướt An Lạc dùng với thịt nướng ngon hơn dùng với thịt heo phay ba chỉ; ở An Lạc, thịt heo xắt miếng quá nhỏ và quá mỏng; đặt vào miệng không đủ để có độ ngấm. Cũng tiếc là nay ở An Lạc chỉ còn một hay 2 quán bánh ướt. Sau khi đường Hoàng Diệu mở dọc bờ sông, người dân năng động đã chuyển qua nghề quán nhậu, quán giải khát buổi chiều và buổi tối, thu hút khách hóng mát bên ly bia, dĩa mồi, kiếm thu nhập nhiều hơn.
Còn bánh bột lọc làng Điếu Ngao thì sao?
Tác giả HOÀNG ĐẰNG |
Bánh bột lọc đâu cũng có, công thức làm đơn sơ; nhưng bánh bột lọc làng Điếu Ngao vừa thơm, vừa béo, vừa giòn, vừa dẻo, cắn vào miệng, nghe tiếng “bụp”, vị tỏa ra trong miệng mằn mặn, cay cay, bùi bùi; đã ăn một cái thì thành nghiền, muốn ăn hoài, ăn mãi. Thế mới lạ!
Chỉ có bột sắn lọc, nhồi nhuyễn, bắt thành những chiếc bánh có hình thù mộc mạc: chiếc gối, vành tai, quả cau, quai vạc ..., bên trong, độn nhân tôm, thịt lợn, nấm, đậu xanh hay đậu phụng, vậy mà ai đã từng ăn thì đi mô dù cách xa “trăm núi ngàn sông” cũng thương, cũng nhớ phụ nữ làng Điếu, như thử, bánh bột lọc làng Điếu có bùa mê, thuốc giấu.
Bánh có khi để trần, trắng nỏn, nhấp nhô, phủ một lớp dầu hay mỡ, trơn trơn, ươn ướt, điểm lác đác mấy cọng ngò, lá ném xắt nhỏ, bắt mắt người ăn. Bánh có khi gói trong lá chuối, kín kín, hở hở, khiến khách ăn nổi tính tò mò ... mở ra sẽ có một lọn hay hai lọn đây.
Dù đơn sơ giản dị, bánh bột lọc làng Điếu vẫn có lịch sử phát triển từ khá lâu đời.
Xưa kia, ở địa phận làng Điếu Ngao, vùng đất trên đường xe lửa - nay nằm trong địa phận của phường 1, phường 5, thành phố Đông Hà - là đất trồng sắn. Hàng năm, cứ đến tháng 11, tháng chạp Âm lịch, dân làng Điếu thu hoạch sắn. Nhổ sắn lên, phụ nữ làng Điếu thấy củ nào vừa to vừa dài, mừng lắm! Mân mê, vuốt ve rồi ... nhìn nhau ... cười khúc khích.
Đêm đêm, dưới ánh trăng hay ánh ngọn đèn dầu lạc leo lét, nhà nhà ngồi xắt sắn lát, phơi khô, làm lương thực dự trữ.
Các mẹ, các chị tranh thủ lựa ra một ít củ sắn ưa ý nhất, cạo sạch lớp vỏ ngoài, ngồi chàng hảng, hai tay nắm chặt củ sắn, đẩy vô đẩy ra trên cái bàn mài làm bằng miếng sắt cứng có đục lỗ. Vữa sắn mài ra gói vào miếng vải sưa vắt lấy bột lọc. Với việc mài sắn thủ công, bột lọc lấy được không nhiều, vừa đủ dùng trong phạm vi gia đình, hay rộng ra một chút là mời được bà con, xóm giềng.
Sẵn tôm tép, cua đam bắt được trong ngày khi đi làm đồng, sẵn đậu mè để dành trong hũ, trong đôộc, các mẹ, các chị trổ tài làm bánh bột lọc bồi dưỡng bữa khuya, bữa lỡ, bữa chiều. Cũng có nhiều gia đình dùng bánh bột lọc để dọn khách trong ngày Tết, dâng cúng ông bà tổ tiên trong dịp kỵ giỗ.
Hiện nay, dân số Đông Hà xấp xỉ 100,000. Nhà hàng, tiệm ăn, người bán hàng rong phát triển đội ngũ để phục vụ khách dùng bữa, khách ăn vặt.
Trong chiều hướng đó, phụ nữ làng Điếu nghĩ ra việc làm bánh bột lọc bán cho khách ăn vặt, kiếm thêm thu nhập chi tiêu việc gia đình.
Bánh bột lọc làng Điếu bước ra xã hội, trở thành một món ăn được ưa chuộng, được tiêu thụ nhiều.
Làm bánh để bán, cần số lượng bột nhiều, thì phải lên chợ mua, số lượng bao nhiêu cũng có. Hiện tại, bột lọc hay còn gọi là tinh bột sắn được sản xuất ở nhà máy. Không biết số lượng nhà máy tinh bột sắn trên cả nước Việt Nam là bao nhiêu; riêng tỉnh Quảng Trị có đến 2: một ở Hải Lăng và một ở Hướng Hóa. Thỉnh thoảng, báo chí đưa tin môi trường ô nhiễm, sinh thái hủy diệt do chất thải của các nhà máy này. Hóa ra hiện đại cũng gây nguy hại!
Tổ tiên làng Điếu khéo chọn đất lập làng, tìm được vị trí thuận tiện, gần sông (sông Hiếu), gần chợ (chợ Đông Hà), gần các trục lộ giao thông (QL.1, QL.9), gần bến xe, ga tàu. Nhờ thế, phụ nữ làng Điếu có được nghề bán bánh bột lọc làm kế sinh nhai, khỏi phải học hành cho có bằng cấp rồi nộp hồ sơ xin việc chỗ này chỗ khác!
Hàng ngày, buổi sáng cũng như buổi chiều, hàng trăm phụ nữ làng Điếu, mặt mày son phấn như ai, tay nách thúng bánh, tay “đánh xa” nhịp nhàng rảo bước khắp bến xe, bến tàu, các khu vực ở chợ, các đường phố đông người, miệng lanh lảnh rao:“Lọc làng Điếu khôông”. Khách kêu đằng này, khách níu đằng kia. Phút chốc, thúng bánh trống trơn. Các chủ hàng ngồi chò hỏ xuống, kiểm tiền, tính chi, tính thu, người bán nào cũng lãi trên dưới trăm ngàn. Nhờ “đồng ra đồng vào” ấy, các chị ghé vào chợ, mua miếng tai heo, khúc chả giò, gói lòng bò ... về nhà “mụ đút ôông hà”, trông tình tứ lắm. Một số con em làng Điếu học hành thành tài cũng nhờ thúng bánh bột lọc của mẹ, của chị. Đám cưới, đám kỵ, giỗ chạp dọn được năm bảy mâm cũng nhờ thúng bánh bột lọc hàng ngày.
Bánh bột lọc thế mà lắm hiệu quả: không những xóa đói giảm nghèo mà còn tạo dựng hạnh phúc gia đình.
Thôi, “trăm lần nghe không bằng một lần thấy; trăm lần thấy không bằng một lần thử”. Mời mọi người khắp nơi có dịp về thăm quê, hãy ghé nếm bánh lọc làng Điếu, xem thế nào nhé! Giá rẻ mạt, mỗi người tốn khỏang 15,000 VND là ngất!
Công việc làm và bán bánh bột lọc khá dễ dàng, không cần lao tâm nhọc trí thăm dò, nắm bắt thị trường, quảng cáo, tiếp thị. Vốn ít mà lời nhiều, chỉ 300,000 đồng vốn là kiếm được 100,000 đồng lãi một lượt như chơi! Hàng bán không bao giờ phải đổ vứt, ôi thiu. Nếu ế ẩm, bán không hết thì đem về cho con ăn trừ bữa, khỏi tốn gạo nấu cơm. Với nghề bánh bột lọc bán dạo, bán rong, giàu thì không bao giờ, nhưng nghèo kiệt xác cũng không. Ở làng Điếu, không ai bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ làng, bỏ xóm, “tha phương cầu thực”, chống gậy ăn xin, ngủ bụi ngủ bờ, móng cầu bến xe.
Tuy nhiên, sự dễ dàng trong mưu sinh đôi khi cũng là một nhược điểm. Dân làng không bôn ba, không bon chen, không mưu mẹo. Trong cuộc sống, cứ “chín bỏ làm mười”, cứ “răng cũng được”, thiếu lăn lóc xoay xở, cạnh tranh sinh tồn; bây giờ, làng đi vào đô thị hóa, người nhập cư nhiều, kinh nghiệm sống của họ nhiều hơn, họ sành sõi và trở nên giàu có hơn; mức sinh hoạt trong khu dân cư đã có độ chênh lệch cao. Lầu đài cao to bên cạnh nhà xây thấp nhỏ, ai trông mà khỏi buồn, khỏi tủi!
Trở lại với cây sắn, ngọn nguồn của bánh bột lọc, nông dân làng Điếu không trồng sắn nữa đã lâu; vùng đất đồi chuyên trồng sắn ngày xưa ấy đã mọc lên lầu cao, lầu thấp, biệt thự, công viên.
Sắn thời này đã lên “tầm vĩ mô”; sắn đã chuyển lên vùng rừng núi, cao nguyên, bãi bồi, trồng với diện tích rộng. Trồng sắn đã đi vào chiều hướng kinh doanh (cash crop) chứ không còn để ăn trong gia đình (subsistence crop). Các giống sắn ăn củ ngon như mì nè mì nạng thơm dẻo, mì đỏ giòn tan ... tuyệt chủng; các giống sắn cao sản nhập từ nước ngoài về chiếm ưu thế.
Sắn không còn - hoặc còn cũng không đáng kể - dùng làm bánh bột lọc, bánh “bột ngang” hoặc độn vào cơm như một loại cây lương thưc mà đã là một loại cây công nghiệp dùng chế biến bột ngọt hay xăng sinh học.
Không chừng đến một lúc nào đó phụ nữ lang Điếu không còn mua được tinh bột sắn về làm bánh bột lọc nữa mà phải đổi nghề! Nghề chi đây hè!
31/7/2012
Hoàng Đằng
No comments:
Post a Comment