Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 4, 2012

MỘNG TÌNH - Truyện ngắn của Mai Thanh


Nhà thơ  Mai Thanh
Vài nét về nhà thơ Mai Thanh

Quê Thanh Hóa, hiện làm việc Hà Nội. 
Làm thơ, viết văn và viết phê bình văn học.
Nguyên Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao Động.
Hiện là chuyên gia về công tác xuất bản tại Cục xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đã xuất bản 4 tập thơ: "Ánh mắt ngày xưa", "Sắc lá", "Tiếng chim" và "Cõi người".
Sẽ xuất bản: Hai tập thơ "Trăng rơi" và "Mùa sang"; tiếp theo là tập truyện ngắn và tập phê bình-tiểu luận.


     Câu chuyện xảy ra cách nay hơn bốn mươi năm. Ở làng Phong Lý này có đôi trai gái xứng đôi nhất làng, anh tên Quyến chị tên Hiền, những cái tên thật giản dị nơi làng quê, nhưng khi ai đó nhắc đến tên đôi bạn trẻ này, thì người nghe dội lên trong lòng tình cảm thân thương, quý mến và đượm vẻ tự hào nữa.

Quyến có vóc người cá trắm, chân tay cuồn cuộn cơ bắp và cái miệng lúc nào cũng như cười. Hiền kém Quyến hai tuổi. Trên khôn mặt trái xoan của nàng, ánh lên đôi mắt thẫm đen như than và ửng lên đôi má màu quả doi mới chín. Nét đặc sắc của cô gái này có lẽ là bộ tóc đen dài đến mức sau khi gội, nàng phải đứng trên giường hoặc trên bậc hiên nhà để chải tóc. Thời ấy, chưa có "mốt" thi hoa hậu và cũng không có khái niệm hoa hậu, mà chỉ có khái niệm hoa khôi. Khi học cấp ba trường huyện, bọn bạn gọi nàng là hoa khôi của trường. Như vậy, cứ coi như Hiền là cô gái đẹp nhất huyện. Ở làng này, khi trai gái đến tuổi trưởng thành, không phải ngay từ đầu họ tìm đến với nhau, mà thường là do "dư luận gán ghép" cho họ, nghĩa là cô cậu nào "vừa đôi phải lứa" là họ được dân làng gán ghép họ bằng những lời trêu đùa khi xa xôi, tế nhị; lúc bộc trực, sổ sàng. Có lẽ, Quyến và Hiền cũng nằm trong khuôn khổ xe duyên kiểu ấy. Quyến hơn Hiền hai tuổi và học trên Hiền hai lớp. Khi anh tốt nghiệp trung học, thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa, thì Hiền cũng học xong năm đầu của chương trình trung học phổ thông. Tuy đỗ đại học, nhưng vì  bố mất sớm, mẹ già yếu, anh trai cả công tác xa nhà, Quyến đành bỏ học ở nhà nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ. Hoàn cảnh gia đình Hiên cũng khó khăn không kém; cũng mồ côi cha từ bé, chị gái theo chồng đi khai hoang tận Yên Bái, mẹ ốm yếu luôn, nên cô cũng đành phải thôi học. Trường huyện vắng bóng hoa khôi từ đó. Tuy người cùng làng, học cùng trường, nhưng Quyến và Hiền chỉ biết nhau, chứ không quen thân, vì anh học hơn chi hai lớp; hơn thế nữa, đứng trước hoa khôi của trường, các học sinh nam, kể cả Quyến, dù đẹp trai, học giỏi đến đâu cũng trở nên nhút nhát, chỉ đứng xa mà nhìn, dám chi gần gụi để tán tỉnh. Thời ấy là như vậy mà! Từ là học sinh cùng trường, nhưng khác lớp, lúc này họ thành xã viên trẻ cùng sinh hoạt trong chi đoàn thanh niên của hợp tác xã đang "ăn nên làm ra" với năng suất lúa trên sáu tấn một héc-ta. Dù vậy, cuộc sống làng quê vẫn vất vả, khó khăn, bởi hạt gạo làm ra phải được gửi vào tiền tuyến lớn Miền Nam - nơi mà đồng bào và chiến sĩ ta đang chiến đấu còn gian khổ đến ngàn lần. Niềm tin chiến thắng cùng với sức mạnh tiềm ẩn nơi cuộc sống  làng quê vẫn phơi phới như lúa đồng đón gió xuân. Họ hội họp, xem phim, xem kịch tự biên, tự diễn; hân hoan đưa tiễn từng đợt, từng đợt đoàn quân ra trận. Trong không khí ấy, Quyến và Hiền sống và làm việc như những thanh niên tích cực của phong trào "Ba sẵn sàng". Ấy thế mà mỗi khi hai người phải gần nhau vì công việc nào đó của hợp tác xã hay của đoàn thanh niên, thì họ đều bịn rịn, ngượng ngùng. Anh say chị chăm chỉ, dịu dàng với khuôn mặt trái xoan được điểm bằng đôi mắt thẫm đen cùng bộ tóc dài mượt mà. Chị mê anh cương nghị, vị tha cùng cái thân mình cá trắm và cái miệng lúc nào cũng như cười. Ấy vậy mà họ chưa nói được với nhau lời yêu, có lẽ vẫn phải chờ "người gán ghép" như cái tục lệ của làng vậy.
    
Thế rồi, vào một buổi chiều, thằng Nhuận vừa dắt trâu từ ngoài đồng về, nó chạy sang nhà thì thào với Quyến về điều gì quan trọng lắm:
     - Anh Quyến ơi, có chuyện này hay lắm cơ!
     - Chuyện gì đấy, nói cho anh biết với!
     - Đứa nào khắc tên anh và tên chị Hiền lên thân cây gạo ngoài bãi Ghềnh ấy!
Từ đáy lòng, dội lên niềm xúc động tràn đầy hạnh phúc, Quyến vờ sững sờ, ngạc niên:
    - Nó khắc thế nào?
    - Nó khắc tên hai người, lại còn hai dấu cộng (+) nữa: Quyến cộng Hiền!
     Cũng lúc này, đứng bên miệng giếng làng, cái Hoài mở tròn đôi mắt nhìn Hiên chằm chằm:
    - Tên chị với tên anh Quyến trên thân cây gạo ấy!
    - Cái gì em nói sao? Hiền vặn lại Hoài vì chưa hiểu rõ con bé nói gì.
    - Chúng nó khắc tên chị và tên anh Quyến, có cả dấu cộng nữa, trên thân cây gạo ngoài bãi ghềnh ấy!
      Chuyện đã rõ! Không biết giờ đây, niềm xúc động hạnh phúc ở cô gái này so với chàng trai kia, ai hơn, ai kém. Hiền vuốt má Hoài "nỡm ạ!". Má Hiền đỏ lừ, mắt long lanh sáng, miệng mỉm cười. Nắng chiều chiếu hắt trên khuôn mặt cô làm tăng thêm vẻ đẹp của "bông hoa khôi" vùng này.
                                                                                                                       

      Sau khi nhận được thông tin về tên mình do bọn trẻ khắc trên thân cây gạo ngoài bãi Ghềnh, Quyến và Hiền đều xúc động hạnh phúc và bồn chồn muốn gặp nhau. Thì may thay, ngay tối hôm ấy, có cuộc họp chi đoàn thanh niên. Cuộc họp tan, hai người cố ý chần chừ lùi lại để mọi người ra về trước. Quyến bước sóng đôi cùng Hiền, họ hò hẹn nhau trong hơi thở hổn hển: "Hiền ơi! Tối mai chúng mình gặp nhau, em nhé! Được không em?". "Ở đâu cơ anh?". "Ở gốc cây gạo ngoài bãi Ghềnh ấy!". "Vâng ạ!". Như vậy là lời yêu giữa họ đã được ngỏ; và như trốn vào bí mật, họ tách khỏi nhau, rảo bước đi khuất vào ngõ riêng của mỗi người...
      Đêm làng quê thật yên tĩnh. Nơi bãi vắng xa làng càng yên tĩnh đến kỳ lạ. Cây gạo già với cành lá sum suê như che chở, nuông chiều điều gì đang xảy ra dưới chân nó. Đêm cuối tháng âm lịch, nhưng nơi đồng không quạnh quẽ, vả lại trời đầy sao, nên không đến nỗi tối lắm. Đôi bạn trẻ bắt đầu cuộc "gặp gỡ" của họ bằng việc sờ tay xem tên mình trên thân cây gạo. Không nén được nỗi bẽn lẽn ban đầu, Hiền cười khanh khách: " Ôi! Dấu cộng to ơi là to!". Quyến cũng sờ tay vào chỗ thân cây có bàn tay Hiền. Bất chợt, anh nắm chặt bàn tay ấy, kéo nhẹ Hiền ngồi xuống gốc cây, cánh tay kia quàng vào cổ cô. Nàng ngả đầu vào vai anh...Im lặng. Họ chỉ còn nghe nhịp thở và tiếng tim đập của nhau... Thật ra, dường như họ đã có gì đó gắn kết nhau từ vài ba vụ lúa nay rồi, nhưng mãi đến đêm nay,  mối tình đượm vẻ truyền thống quê làng mới vỗ cánh bay lên.
     Thế rồi, ngày tháng trôi qua, họ đã có biết bao đêm gặp nhau dưới gốc cây gạo này - cái gốc cây được khắc tên hai người. Vết khắc dần dần rắn lại thành sẹo trên thân cây, như khẳng định sự bền vững tình yêu của đôi trai gái. Người làng Phong Lý nhìn tên hai người trên thân cây gạo cảm thấy vui và mừng cho tình yêu của họ. Tình yêu ấy ngày càng đằm thắm, như cây lúa bén chân, trải lá hẹ, rồi đứng cái, chuẩn bị làm đòng, hứa hẹn mùa vui. Sau hai mùa lúa, kể từ cái đêm đầu tiên gặp nhau ấy, họ đã nghĩ tới cuộc sống hôn nhân. Quyến nhìn người yêu, trìu mến: " Tới đây, nhân ngày lễ cơm mới, mẹ anh sang thưa với mẹ bên nhà về chuyện chúng mình, em nhé!". "Tùy mẹ và anh bên nhà!". Họ ngồi lặng im trong vòng tay ôm ấp đắm say, trong hơi thở hổn hển và nhịp tim rộn ràng. Bốn mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn xuyên qua vòm lá cây gạo, họ bắt gặp những ngôi sao cười nhấp nháy.
     Ngày lễ cơm mới chưa tới, thì một sự kiện đối với làng này không có gì mới cả, nhưng đối với đôi bạn trẻ Quyến-Hiền quả là một điều mới mẻ đến ngỡ ngàng có thêm phần bối rối. Đó là Quyến có tên trong danh sách nhập ngũ. Tiền tuyến lớn cần thêm sức người cho mùa khô tới, mà trong mỗi mùa khô đều làm khiếp đảm kẻ thù xâm lược. Làng Phong Lý cũng như mọi vùng quê khác trên đất nước này, lại tiếp tục đưa con em mình ra trận. Sau khi nghe con trai thưa lời xin mẹ đi làm nghĩa vụ, mẹ Quyến lặng người giây lát, rồi nước mắt quanh tròng: "Làm trai thời loạn phải vậy thôi, con ạ! Con không phải lo cho mẹ! Đã có bà con làng xóm là chỗ dựa của mẹ! Vả lại, anh cả con cũng có cách chăm sóc mẹ. Hơn nữa, cái Hiền cũng là cô bé biết đối xử, vì vậy, con cứ yên tâm lên đường cứu nước. Mẹ chỉ thương con bé mỏi mắt trông chờ con...".
     Đêm mùa thu, dưới gốc cây gạo bãi Ghềnh, Quyến và Hiền lại ngồi bên nhau, ấp ôm đằm thắm. Khác với các lần khác là họ dường như chỉ ngồi im để cho sóng tình yêu ở họ truyền sang nhau, lần này, họ nói với nhau nhiều hơn trong giọng nghẹn ngào pha lẫn bùi ngùi, thổn thức. Quyến: "Anh ra trận, em có buồn không?". Hiền: "Không buồn sao được, nhưng em không thể buộc chân anh; trai thời loạn, lẽ nào khoanh tay để giặc đốt nhà mình!". Quyến thầm nghĩ, "Sao mà Hiền nói giống hệt như mẹ đã nói" và tiếp: "Xa anh, em có nhớ anh không?". "Sao lại không, dù anh có đi xa ngàn dặm và dù thế nào chăng nữa, anh vẫn mãi mãi bên em". Bỗng dưng, Hiền cảm thấy người lâng lâng, lãng đãng như bay trên không trung, rồi như đang trong giấc mơ, cô ngả đầu vào ngực anh, mắt lim dim, môi mỉm cười, nâng tay kéo nhẹ đầu anh sát mặt mình và đặt một chiếc hôn nồng nàn lên môi người yêu. Quyến ghì chặt người yêu trong vòng tay phải, tay kia lần mở từng chiếc cúc áo người yêu...Khi cái bàn tay vụng về và rụt rè ấy di động đến gần phía dưới, thì với giọng nói nhẹ nhàng, nhưng cương quyết, Hiền đẩy tay người yêu ra ngoài: " Đừng anh ơi! Chúng mình phải giữ cho nhau, đợi bao giờ hết chiến tranh, khi anh trở về...Anh nhé!". Bị hẫng hụt, như người có lỗi, rút vội tay ra, Quyến: "Anh xin lỗi em...Ừ, chúng mình giữ cho nhau, em nhé!..."
     Quyền lên đường ra trận. Hiền sống trong mong đợi. Hơi khác với các chị, các cô có chồng, có người yêu ra trận, Hiền vẫn hồn nhiên tươi tắn như khi Quyến còn ở nhà. Đôi mắt thẫm đen, nước da ửng hồng, bộ tóc dài mượt mà làm cho không ít cô bạn ước ao đến ghen tỵ, nhiều chàng trai bị hút hồn. Một vài người thiếu thiện chí suy diễn :"Cái Hiền không tỏ ra nhớ nhung thằng Quyến, hay là có anh chàng nào 'đỡ tay' rồi!". Oan cho Hiền quá! Họ không biết rằng Hiền có một niềm tin mãnh liệt vào ngày Quyến trở về. Và chính niềm tin đó đã tạo cho cô những giấc mơ tuyệt vời bên Quyến. Đối với cô, Quyến vẫn luôn bên mình như ngày anh chưa nhập ngũ. Hằng tuần, họ lại gặp nhau trong giấc mơ của chị. Trong giấc mơ, họ sóng đôi dạo bước ra nơi cây gạo bãi Ghềnh, họ ôm hôn nhau, ghì chặt nhau trong im lặng. Từ ngày Quyến ra đi đến nay, Hiền đã được hưởng không biết bao nhiêu giấc mơ tuyệt vời như thế!
     Mùa hè năm ấy, mẹ Hiền qua đời sau một cơn đau tim đột ngột. Trước khi tắt thở, bà nhìn con gái bằng đôi mắt đầy xót xa và bất lực của người trước khi từ giã thế giới này và hình như bà cố gượng chút tàn lực lên nơi cửa miệng khô khao: "...Con ơi...Thằng Quyến...". Hiểu mẹ muốn nói gì, Hiền nhìn mẹ, gật đầu, nước mắt rơi lã chã. Thì ra, từ khi Quyến lên đường ra trận, bà thương con gái mình bao nhiêu, thì cũng thương Quyến, con rể tương lai của bà bấy nhiêu, để đến trước khi từ giã cuộc đời, còn kịp nhắc đến tên anh. Sau khi cùng bà con hàng xóm đưa mẹ ra đồng, Hiên trở về nhà nằm vật mình trên giường, rưng rưng nhớ lại nhớ lại những tiếng nói rời rạc cuối cùng của mẹ: "...Con ơi!... Thằng Quyến...". Cô ngủ thiếp đi vì quá căng thẳng và mệt mỏi.
     Khi Hiền tỉnh dậy, đúng lúc hai em Nhuận và Hoài đến thăm và chia buồn cùng chị. Hai em nói, các em được nghỉ hè, nghe tin bà mất, các em tới viếng bà và chia buồn cùng chị. Sau khi thắp nén hương trên bàn thờ người đã khuất, các em kể chuyện về sự học hành của họ. Nhuận đang học năm thứ nhất Khoa Ươm cây Trường Đại học Lâm nghiệp, còn Hoài đang học năm thứ nhất Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm. Hiền cảm ơn hai em đã đến viếng bà  và chia buồn cùng chị. Chị khen:"Hai em chóng lớn quá, nên chị chóng già là phải". Nhuận hóm hỉnh: "Chị còn trẻ chán; nếu có già đi chút ít, chị vẫn còn trẻ hơn rất nhiều so với cây gạo ngoài bãi Ghềnh, chị ơi!". Hoài hiểu Nhuận muốn nhắc tới chuyện tên anh chị được khắc trên thân cây gạo. Cô nghiêm mặt đưa mắt nhìn Nhuận, ra ý nhắc nhở cậu ta "đừng đưa chuyện ấy ra đùa trong lúc này". Chị Hiền nhếch mép cười gượng kín đáo, cố giấu niềm vui mà Nhuận vừa nhắc tới khi đang mang nặng nỗi buồn vừa mất mẹ. Chị khuyên các em: " Lớp tuổi các em may mắn hơn các anh, các chị. Các em cố học tốt để sau này làm được nhiều việc có ích cho nhà, cho nước. "Vâng ạ!". Hai bạn trẻ đồng thanh ngoan ngoãn như thuở bé đáp lời dặn dò của người lớn vậy!

     Mùa hè năm1972, chiến trường Thành cổ Quảng Trị vô cùng ác liệt, nơi giữa ta và địch giành nhau từng tấc đất. Hằng ngày, báo chí và đài phát thanh đưa tin, bình luận về tình hình chiến sự ác liệt đó. Trước đó một tuần, Hiền nhận được thư Quyến gửi qua một thương binh nặng được đưa ra Bắc cứu chữa. Thư có đoạn viết: "Em ơi! Ở Thành cổ này, giờ đây, cái chết liền kề, song dù thế nào đi nữa, anh vẫn mãi mãi bên em!". Cách đây hơn năm năm, vào đêm chia tay nhau, chính Hiền cũng đã hứa như vậy với Quyến. Đêm nay, đã vào khuya, chị nằm trên giường và lấy thư anh ra đọc lần nữa. Đọc đến dòng thư cuối cùng, Hiền thấy trong người nao nao, bồn chồn pha chút âu lo, rồi chị đi vào giấc mộng... Hình ảnh Quyến lom khom với khẩu B40 trong tư thế tiến công giữa khói bom mù mịt cứ chập chờn ẩn hiện giống như bức họa thủy mặc trên tấm hoành phi ngoài đình làng miêu tả ngài Thành hoàng thuở xa xưa đang vung mã tấu chém lia lịa vào đầu, vào cổ bọn giặc tàn ác... Rồi chị lịm vào giấc mơ... gặp Quyến. Trong quân phục chỉnh tề, ngôi sao long lanh trên mũ, anh bước vào nhà, khẽ khàng ngồi bên chị, miệng như cười, không nói lời nào, dịu dàng dắt tay chị đi ra bãi Ghềnh. Và thật sự, chị lại có một cơn mộng du đi cùng anh ra cánh bãi quen thuộc này. Khi đã ngồi yên vị, anh nói trong tiếng gió:
     -Hiền ơi! Anh không còn là con người bằng xương, bằng thịt để về với em được nữa! Thân xác anh đã hòa vào lòng đất Thành cổ rồi!
     -Sao? Anh nói sao?
     -......
     -Sao anh không trả lời em đi?
     Chị vòng hai tay ôm choàng cổ anh, ghì chặt anh vào ngực mình, rồi đưa tay mở những chiếc cúc áo:
     Em đền anh... tất cả đây, anh ơi!
     .............
     Rồi chị ôm anh thật chặt. Im lặng đến vô cùng. Ôi! phút thiêng liêng của lứa đôi mà người kia là của thế giới vĩnh hằng, còn người này là của cuộc đời thực tại.
     Đằng đông đã bắt đầu hửng sáng. Lưu luyến, dùng dằng, anh chị chia tay nhau. Đến lúc này, Quyến cất lời không chỉ riêng với Hiền mà với cả những ai còn sống:
     -"Hiền ơi! Anh đã làm xong công việc của mình và không gì ân hận khi phải lìa bỏ cuộc đời này, chỉ một niềm xa xót thương em! Điều mong mỏi của anh là: Những ai đang sống  hãy cố làm cho làng quê mìmh, đất nước mình đẹp hơn!"
     Một con chim đêm bay về đỗ trên ngọn cây gạo, đập cánh với tiếng "roạt", khiến Hiền bừng tỉnh. Chị thấy mình đang ngồi dưới gốc cây gạo, hồi tưởng lại những gì đã xảy ra trong giấc mộng du, vừa đau đớn não buồn, vừa bâng khuâng luyến nhớ, nặng nề, lê bước trở về nhà. Đó là cơn mộng du đầu tiên bắt đầu cho chuỗi mộng du tuyệt đẹp trong cuộc đời tiếp theo của Hiền sau này.

***
                                                                               
     Lâu nay, dân làng Phong Lý đồn đại câu chuyện về ma cây gạo. Cứ vào những đêm tối trời, một vài người thấy một bóng ma đàn bà vấn tóc trần ngồi dưới gốc cây gạo trên bãi Ghềnh. Người yếu bóng vía thì sợ hãi, đêm hôm ít ai đi lại ngoài đường, không ai dám bén mảng nơi cổng làng ra bãi Ghềnh, vì sợ gặp ma; người nửa tin, nửa ngờ thì nghe ngóng, thăm dò. Riêng nhóm thanh niên táo tợn, không tin ma quỷ, thì quyết khám phá ra sự thật này. Bọn họ phân công dò la, theo dõi nhiều lần, nhưng không kết quả. Lần này, bọn họ "giao nhiệm vụ" cho một gã táo tợn nhất tiếp cận bằng được con ma đàn bà này. Như là một "trò chơi" diễn ra có đến hàng tháng nay khá thường xuyên, nhưng chưa thành công, đêm nay gã táo tợn lại tiếp tục. Gã ta leo lên chạc cây gạo, ngồi yên vị tại đó từ lúc làng xóm lên đèn, chờ đợi... Đến gần khuya thì cái gì đến đã đến: Một người đàn bà vấn tóc trần, mặc bộ quần áo màu đen, từ trong làng đi ra, lần bước đến ngồi dưới gốc cây gạo. Trong ánh sáng sao trời, hiện lên rõ ràng một con ma đàn bà. Mà nhìn kìa! Bóng ma có những động tác rất kỳ lạ: Khi giơ tay, lúc ngã người, rồi lại nghiêng mình giống như diễn kịch câm trong động tác vuốt ve, mơn trớn với một nhân vật kịch câm khác. Kỳ lạ nữa là, từ miệng con ma phát ra âm thanh rì rầm như lời tâm tình trò chuyện với một người thứ hai. Gã táo tợn thấy rờn rợn, nhưng cố nén thần hồn để theo dõi xem sao. Gã ép sát người vào hõm chạc cây, mắt nhướng rộng, tiếp tục quan sát. Những động tác kịch câm mỗi lúc càng thuần thục, sinh động, mềm mại; tiếng rì rầm mỗi lúc càng ra vẻ ấm áp, đằm thắm, tuy gã không thể nghe rõ những câu nói đó. Hắn nằm im, nhìn ngó và lắng nghe đến mỏi cả người, nhưng không dám thay đổi tư thế. Cho đến lúc trời ngả về sáng, bóng ma đứng dậy một cách miễn cưỡng, dời chỗ ngồi một cách luyến tiếc, ra khỏi gốc cây gạo, từng bước chậm chạp  đi về phía cổng làng, thì gã táo tợn mới tụt dần từ trên chạc cây xuống đất, bám theo bóng ma đang lẫn vào lùm cây dâm bụt dầu làng. Bóng ma vào nhà bà Hiền, ngôi nhà đơn côi duy nhất có người chủ nhà là bà. Chuyện đã quá rõ ràng. Bóng ma đó đâu phải là ma, mà chính là bà Hiền!
     Cô hoa khôi Hiền, rồi chị Hiền, đến nay là bà Hiền gần sáu mươi tuổi rồi! Từ khi Quyến hy sinh, Hiền sống đơn côi trong ngôi nhà này. Chỉ trong những giấc mơ, những cơn mộng du, chị mới được gặp anh. Quyến hy sinh sau nhiều năm, không ít người rắp danh, nhờ mai mối mong cùng chị xây dựng cuộc sống gia đình, nhưng chị một mực chối từ. Chị thản nhiên nói: "Tôi đã có chồng, chúng tôi vẫn sống bên nhau như mọi cặp vợ chồng khác!". Người nghe cho rằng chị  không muốn lấy chồng, nên nói vậy để từ chối, hoặc chị bị bệnh tâm thần, nên nói năng ngớ ngẩn. Không! Đúng  như chị nói: Chị vẫn gặp anh khá thường xuyên trong các giấc mơ và trong các cơn mộng du tuyệt đẹp. Điều kín đáo này chỉ có Hoài, một trong hai người bạn dưới tuổi của chị biết và Hoài cũng tiết lộ bí mật này cho Nhuận qua một lá thư gửi bạn. Nhuận tốt nghiệp ra trường, đã tình nguyện lên công tác tại một tỉnh miền núi, chăm lo ươm cây trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc, nên anh ít có dịp về làng. Hoài học xong đại học, cô được phân công về dạy  môn văn tại trường trung học phổ thông huyện nhà, nên hai chị em gặp gỡ nhau thường xuyên. Mọi nỗi niềm, chị Hiền đều tâm sự với Hoài. Rất quan tâm tìm hiểu hiện tượng bất thường của chị, cô đã ra tận Hà Nội, tìm đến Viện "Nghiên cứu tiềm năng con người" để hỏi về hiện tượng bất thường của chị. Sau khi nghe Hoài trình bày rất cặn kẽ hiện tượng xảy ra đối với chị Hiền, giáo sư-tiến sĩ, viện trưởng giải thích: "Chị Hiền hoàn toàn không có bệnh tâm thần, mà đây là hiện tượng giao thoa giữa hai dòng từ trường sinh học của người sống và người chết". Ông giải thích thêm: "Đây là trường hợp rất hiếm gặp. Chị Hiền có hiện tượng ấy là bởi rất nhiều điều kiện tâm-sinh lý học trong mối quan hệ giữa chị và anh Quyến, từ đó nảy sinh tần số đồng hành...". Hoài cảm ơn giáo sư-viện trưởng, yên tâm ra về, hết nỗi lo về bệnh tâm thần của chị Hiền, người mà cô vô cùng yêu mến và quý trọng. Song, vì là một cô gái tinh tế, lại là một cô giáo hiểu biết khá sâu về tâm lý học, Hoài không tiết lộ chuyện cô ra Hà Nội cho chị Hiền biết. Là một giáo viên dạy giỏi, Hoài còn biết làm thơ và thơ cô khá hay.Thơ Hoài được đăng khá thường xuyên trên báo văn hóa-văn nghệ của tỉnh và các báo ở trung ương; đã có lần cô được mời dự buổi giao lưu thơ với các bạn trẻ trên Đài truyền hình VTV3 trung ương. Vốn là học sinh giỏi văn trước kia, chị Hiền cũng rất yêu thơ và thường được Hoài đưa cho đọc những bài thơ của cô đăng báo. Mới đây, Hoài đưa chị tờ tạp chí của một cơ quan văn nghệ trung ương, trong đó, có bài thơ với tựa đề "Mộng tình" kèm lời đề tặng: "Kính tặng chị Hiền: Ai vọng phu, riêng chị mộng tình". Bài thơ như sau:
                            Tôi kể lại chuyện xưa
                            (Bốn mươi năm có lẻ):
                            Anh căng đầy sức trẻ
                            Chị nồng thắm hương đồng

                            Bao đêm rồi bên sông
                            Họ say lời hò hẹn:
                            "Tới đây mùa thu đến
                            Mẹ anh sang dạm lời..."

                            Mùa gặt ấy chưa ngơi
                            Anh lên đường ra trận
                            Chị mắt trong lệ ngấn
                            Tiễn bước người ra đi

                            Chia ly...và chia ly
                            Cứ đong đầy năm tháng
                            Chiến trường cùng lửa đạn
                            Đợi mãi, anh không về

                            Mãi mãi, anh không về:
                            Hóa thân vào lòng đất
                            Anh ơi! Anh có biết:
                            Một đời em lặng thầm?

                            Cuộc chiến đã xa dần
                            Dòng sông còn nức nở
                            Người đàn bà ngồi đó:
                            Mộng tình bốn mươi năm...

                                                           THU HOÀI
          
     Đọc xong bài thơ, chị Hiền bật khóc.

     Bóng ma cây gạo chính là bà Hiền. Thông tin đó được gã táo tợn kia công bố, cả dân làng Phong Lý đều biết. Ông trưởng thôn tốt bụng và có trách nhiệm đến nhà gặp bà Hiền: "Chúng tôi dự định bố trí đưa bà đi bệnh viện thần kinh để khám và điều trị, bà chuẩn bị vào viện nhé!". Bà Hiền cười hồn nhiên, vẫn với nụ cười đẹp như cô gái hoa khôi thuở nào: "Rất cảm ơn các anh, tôi có bệnh tật gì đâu mà phải khám và điều trị?". Ông trưởng thôn cười cười, đưa bàn tay lên xoa má, ý chừng muốn nhắc đến hiện tượng ma cây gạo ngoài bãi Ghềnh, thì bà đỡ lời ngay: "Anh muốn nói đến hiện tượng ma cây gạo chứ gì? Đó là chuyện của riêng tôi, không có gì nghiêm trọng đâu anh à!
     Được chị Hiền kể lại cho nghe về ý định tốt đẹp của ông trưởng thôn, Hoài thầm nghĩ: "Không! Chị Hiền không có bệnh tật gì cần điều trị, mà làm sao có thể điều trị được tình yêu mãnh liệt cả đời người của chị đối với anh Quyến - một người trai thời loạn, dù đã chết, nhưng vẫn còn sống mãi!"

                                                             Tháng 6-2012

                                                                       Mai Thanh
maithanh40@gmail.com

No comments: