Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 26, 2012

CẦN PHÁT TRIỂN THƠ ĐƯỜNG LUẬT - Phạm Hòa Việt

Tác giả Phạm Hòa Việt

 1Lịch sử hình thành và phát triển:

          Thơ Đường luật còn gọi là thơ cách luật là thể thơ hình thành và phát triển từ thời nhà Đường ở Trung Quốc, được áp dụng vào khoa cử để thăng tiến đường cộng danh. Tính theo số từ trong câu thì thơ Đường luật có ba loại là ngũ ngôn, lục ngôn và thất ngôn. Tính theo số câu trong bài thì thơ Đường luật có ba thể : thể tiểu luật gọi là tuyệt cú (hay tứ tuyệt), thể luật thi gọi là bát cú, thể bài gọi là hành - tức là một biệt loại của luật thi, có từ mười câu cho đến vài trăm câu (ta ít sử dụng hình thức này). Thơ Đường luật, nhìn chung, có vần điệu, niêm luật chặt chẽ, kết cấu câu từ cân xứng, ngắn gọn, súc tích.

          Ngoài thể thơ chính quy, người ta còn sáng tạo ra một lối thơ đặc biệt gồm : lối song điệp (ở mỗi câu đều có hai từ trùng lắp), lối vĩ thanh (ba từ cuối của mỗi câu có âm tương tự nhau), lối thủ vĩ ngâm (câu đầu và câu cuối giống nhau). Còn có các thể đặc biệt khác như : thể yết hậu, thể liên hoàn, thể xướng họa ...

         Tuy nhiên, hình thức thơ Đường được sử dụng nhiều nhất và có cấu trúc chặt chẽ nhất  là:

-  Tứ tuyệt: bài thơ có 4 câu, có thể là ngũ ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn tứ tuyệt: khai, thừa, chuyển, hợp.

-  Bát cú: bài thơ có 8 câu, có thể là ngũ ngôn bát cú hoặc thất ngôn bát cú: đề (mở đề, phá đề), thực, luận, kết.

         Nghệ thuật thơ Đường: có vần, vần chân và vần cách, vần trắc và vần bằng; có niêm và có đối

         Trong nền văn học cổ Trung Quốc, thơ Đường là đỉnh cao của thi ca, có thể nói đỉnh cao vĩ đại của nền văn học thế giới, với gần 5 vạn bài thơ và hơn 2.300 thi sĩ. Đến đời Đường, Nho giáo không còn là địa vị độc tôn, Phật giáo bắt đầu được hưng thịnh. Sau cuộc Tây du của nhà sư Huyền Trang, Phật giáo thiền tông phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát riển thơ ca nói chung và thơ Đường nói riêng...Chế độ thi cử “dĩ thi thủ sĩ”dùng thơ để chọn hiền tài là một trong những nguyên nhân làm thơ Đường luật phát triển.

Thơ Đường có thể chia làm 4 thời kỳ:

- Sơ Đường (616 – 713)

- Thịnh Đường (713-766)

- Trung Đường (766-835)

- Vãn Đường (835-907).

          Mỗi thời kỳ đều có nhưng thành tựu, nhưng thành công hơn cả là thời thịnh Đường và trung Đường với tên tuổi bất hủ là Lý Bạch, Đổ Phủ và Bạch Cư Dị. Đến bây giờ khi nói đến các nhà thơ đời Đường, người ta nghĩ ngay đến ba nhà thơ lớn nhất có ảnh hưởng sâu rộng trong các thế hệ của nền văn học cổ Trung Quốc và ảnh hưởng đến các nhà thơ Việt Nam trong một chặng đường dài, đó là Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị.

          Lý Bạch (701-762) là nhà thơ vĩ đại, có lòng yêu nước thương dân, để lại cho hậu thế hơn 900 bài thơ. Thơ Lý Bạch đậm màu sắc trữ tình, thủ pháp lãng mạn, nội dung và hình thức thơ có sự kết hợp hài hòa, tạo nét độc đáo và thẩm mỹ. Thơ ông có một ma lực cuốn hút người đọc “bút lạc kinh phong vũ, thi thành thê quỷ sầu” (hạ bút mưa gió dữ, thành thơ quỷ thần buồn). Bài Hành lộ nan, Mộng du Thiên Mụ ngân lưu biệt ... là hai trong nhiều bài thơ được người đời truyền tụng.

          Đỗ Phủ (712-770) là nhà thơ hiện thực vĩ đại trong lịch sử văn học Trung Quốc, để lại cho hậu thế trên 1000 bài thơ. Thơ ông bình dị, mộc mạc, dễ hiểu, nhưng lại có sức cuốn hút mãnh liệt, ý tứ thâm trầm. Binh xa hành, Lệ nhân hành là những tác phẩm nổi tiếng lưu truyền thiên cổ của ông.

           Bạch Cư Dị (772-864) cũng là nhà thơ hiện thực kiệt xuất sau Đỗ Phủ thời Đường. Thơ ông thường thiên về thơ phúng dụ với hình tượng nhân vật sinh động, ngôn ngữ trầm lắng mà thanh cao, thường kết hợp hài hòa giữa tả cảnh trữ tình với tự sự. Tỳ bà hành, Trường hận ca ... là những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Một số bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt:

Lý Bạch: Oán tình

Mỹ nhân quyển châu liêm
Thâm tọa tần nga my
Đãn kiến lệ ngân thấp
Bất tri tâm hận thùy

 Dịch: Hận tình

Cuốn rèm châu người đẹp
Ngồi yên lặng cau mày
Chỉ thấy dòng lệ ướt
Chẳng biết lòng hận ai

        Phong thái thơ Đường luật ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn học cổ Việt Nam từ cuối thế kỷ XI, khi nhà Lý lập Quốc Tử Giám cho con em quý tộc vào học. Từ đầu năm 1075, đời Lý mới có khoa thi đầu tiên chọn người vào Hàn lâm viện.

        Nếu Lý Thái Tổ chính thức mở ra trang đầu của văn học viết của nước Đại Việt (Chiếu dời đô) vào năm 1010 thì ta đừng quên rằng truớc tác phẩm này đã có những bài thơ Đường của của các thiền sư vào TK 13 như Ngô Chân Lưu làm để tiển sứ giả nhà Tống là Lý Giác (981). Trong triều đại nhà Lý có nhiều thiền sư để lại các tác phm có giá trị như sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Chiếu, Khuông Lộ, Quảng Nghiêm, Viễn Thông, Diệu Nhân... Những tên tuổi có những TP giá trị khác là nhà vua Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông và nhất là vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà nam đế cư.

        Trong đời Lý và đời Trần, ba hệ tư tưởng Nho, Phật, Lão đều được công nhận và phát triển. Trong các thể loại của khóa thi bao giờ cũng có một số bài thơ Đường và phú (gọi là thi phú) nhằm tìm kiếm tài năng của thí sinh.

        Đời Trần có nhiều nhà thơ Đường nổi tiếng và cũng là những vị tướng tài ba như Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải... Bài thơ chữ Hán của Trần Quang Khải “Tụng gió hoàn kinh sư” biểu hiện thái độ vững vàng, an nhiên...:

Đoạt sáo Chương dương độ
Cầm Hồ Hàm  tử quan
 ..........
 (Bến Chương dương cướp giáo giặc
Hàm tử quan bắt quân thù...)

        Đến thời Trần có hai trường tư là trường của Trần Ích Tắc ở thủ đô Thăng Long và trường của Chu Văn An ở Đại Từ, thuộc Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội). Hai trường này dạy và học rất quy củ, và từ đó, thơ Đường luật được đưa vào thi cử. Tuy nhiên, mãi đến năm 1232, Trần Thái Tông mới có khoa thi Thái học sinh đầu tiên; đến đời Trần Duệ Tông mới đổi Thái học sinh ra Tiến sĩ. Từ đó về sau, đời nào cũng có kỳ thi tuyển chọn hiền tài, tuy cách tổ chức mỗi đời mỗi khác. Đến đời Lê Thái Tông, phép thi Tiến sĩ mới được ổn định và làm chuẩn cho các đời sau.

         Nội dung của những bài thơ Đường luật bao gồm hai chủ đề chính:

- Cảm hứng trước cảnh sắc thiên nhiên trữ tình, hoành tráng, nói lên tình yêu thiên nhiên và tạo vật, tình quê hương đất nước ...

- Cảm hứng về con người, nhân loại, nhân văn thể hiện tính nhân đạo như cám cảnh nỗi khổ con người vì chiến tranh, vì nghèo khó, thể hiện ý chí đấu tranh chống ngoại xâm, khao khát hạnh phúc, hòa bình, ngợi ca tình yêu trai gái, vợ chồng, bằng hữu ...

        Ngoài ra còn ca ngợi thú vui tao nhã: cầm, kỳ, thi, họa, phong, hoa, tuyết, nguyệt ...
        Có lẽ tồn tại lớn nhất trong những bài thơ Đường luật chữ Hán là dùng nhiều điển cố, nhiều hình ảnh ước lệ và khách sáo ...

        Phải nói rằng đời Trần có nhiều văn tài.

        Những bài thơ Đường luật viết bằng chữ Hán tồn tại lâu dài, góp phần hình thành nền văn học chữ Hán mang tính dân tộc, thể hiện chủ nghĩa yêu nước thương dân ở những tác giả ưu tú nhất.

        Từ thế kỷ thứ XIV, sau khi Hàn Thuyên nghiên cứu một hình thức ngôn ngữ mới – chữ Nôm – và áp dụng thơ Đường luật vào tiếng Việt thì phong trào sáng tác thơ Đường Luật bằng chữ Nôm bắt đầu thịnh hành. sang thế kỷ thứ XV, thơ Đường luật viết bắng chữ Nôm đã hình thành một bộ phận quan trọng trong văn học viết. Tuy nhiên, trong giai đoạn này văn học chữ Nôm thường bị giai cấp thống trị coi nhẹ nên thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm chưa được đứng ngang hàng vời chữ Hán.

        Ngay cả thời Lê Thánh Tông, một ông vua ham thích sáng tác thơ, thành lập Hội Tao đàn “Nhị thập bát tú” cùng nhau xướng họa thơ nôm cũng chưa xem thơ chữ nôm ngang hàng thơ chữ Hán.

        Chẳng hạn bài thơ:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khó hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương..


        Mãi đến thế kỷ thứ XVII, thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm mới được phát triển mạnh. Từ thế kỷ thứ XVIII trở về sau này, thơ chữ Nôm đã tải những nội dung phong phú; ngoài sự miêu tả thiên nhiên, đất nước, con người với những nét tô vẽ mỹ miều, còn thể hiện chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo gắn với sự phê phán gay gắt chế độ phong kiến và hình thành phong trào bài phong, phản đế thể hiện trong nhiều bài thơ ...

        Giai đoạn 1958 – 1930 có nhiều nhà thơ Đường nổi tiếng như : Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương...

Nguyễn Khuyến:
Thu điếu, thu ẩm, thu vịnh;

+ Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngỏ tối đêm khuya đóm lập lòe...

+   Ao thu lạnh lẽo nước trong veo ,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...

Trần Tế Xương
Đêm dài:

 Sực tỉnh trông ra đã sáng loà
Đêm sao đêm mãi thế ru mà
Lạnh lùng bốn bể ba phân tuyết
Xao xác năm canh  một tiếng gà
Chim chóc hãy còn nương cửa tổ
Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa
Nào ai là kẻ tìm ta đó
Đốt đuốc mà soi kẻo lẩn nhà

        Từ khi chính phủ bảo hộ lần lượt bỏ chế độ khoa cử, thể thơ Đường luật dần mất địa vị độc tôn. Phong trào Âu hóa du nhập vào Việt Nam một cách ồ ạt, không những trong lối sống mà cả trong sáng tác văn học, đã làm cho nhiều nhà thơ, nhiều học giả muốn thay đổi hình thức biểu đạt tư tưởng tình cảm của mình một cách cởi mở hơn, họ bắt đầu bài xích thể thơ Đường luật. Năm 1917, Phạm Thượng Chi (Phạm Quỳnh) công kích thơ Đường luật trong bài “Bàn về tâm lý lối thơ ấy”, tiếp đến là Phan Khôi, năm 1928, công kích thơ Đường luật trên “Đông pháp thời báo” và năm 1929, trên báo “Phụ nữ tân văn” Trịnh Đình Ru lại công kích lần nữa về thơ Đường luật, đồng thời hô hào các nhà thơ lưu tâm đến lối thơ lục bát và song thất lục bát – là lối thơ đặc biệt của Việt Nam.

        Những năm 20 của thế kỷ XX, đại đa số các tác phẩm văn học không viết bằng chữ Hán, chữ Nôm mà viết bằng chữ quốc ngữ. Thơ Đường luật viết bằng chữ quốc ngữ vẫn tiếp tục ra đời; tuy bị bài xích và không sôi động bằng thế kỷ trước nhưng vẫn thể hiện được tính độc đáo của thể thơ có chặng đường sống lâu dài này.

        Giai đoạn 1930-1945, khi các trào lưu văn học phương Tây tràn vào thi đàn Việt Nam một cách ồ ạt với nhiều khuynh hướng: lãng mạn (romantisme), tượng trưng (symbolisme), siêu thực (surréalisme)... phong trào thơ mới ra đời và ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào sáng tác thi ca với các nhà thơ tiêu biểu là Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... Thơ mới đã lấn át thể thơ Đường luật; một thời gian dài thơ Đường luật dường như vắng bóng trên các tạp chí. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh nhận định : “Trong lối thơ ấy (thơ Đường luật – NV) cũng đã sản xuất ít bài thơ giá trị. Song số bài ấy thưa thớt quá, không che được cái tầm thường mênh mông, cái trống rỗng đồ sộ đương ngự trị trên thi đàn Việt Nam. Tinh thần lối thơ ấy đã chết ”.

        Tuy nhiên, thể thơ Đường luật không chết mà vẫn sống âm ỉ trong những sáng tác của nhiều nhà thơ yêu nước với những bài tiêu biểu. Trong lao tù Côn Đảo, nhà thơ Trần Cung đã viết bài “Nhớ nhà”, Tết Côn Đảo năm 1935, tố cáo chế dộ nhà tù độc ác của thực dân; tiếp đến, Hồ Tùng Mậu với những bài thơ “Viếng mồ liệt sĩ”, “Vận động phụ nữ”...; Hồ Văn Ninh với những bài thơ “Lá cờ Đảng”, “Ngồi cùm ngựa”, “Vào hội Tao Đàn”...; Tôn Quang Phiệt với những bài “Thơ về nhà tù”, “Ở xà lim đề lao Vinh”... và những bài tiêu biểu khác như : “ Bị trục xuất cảm tác” của Tống Văn Trân, “Ngày về” của Nguyễn Văn Năng, “Tết âm lịch năm 1940” của Trần Huy Liệu, “Giữ vững” của Nguyễn Văn Nguyễn, “Nhắn bạn” của Hoàng Văn Thụ, “Lại đến Sơn La” của Xuân Thủy, “Dời non lấp bể” của Phạm Thi Trinh... Đó là những bài thơ Đường luật tải nội dung yêu nước nồng nàn, biểu lộ khí phách của người chiến sĩ cách mạng, tố cáo chế độ nhà tù vô nhân đạo của thực dân Pháp, kêu gọi sự đấu tranh giành lại độc lập của toàn dân. Song đáng kể nhất là thơ Đường luật của Phan Bội Châu với trên 570 bài quốc ngữ và 15 bài chữ Hán sáng tác trong thời kỳ 1926-1940 và Hồ Chí Minh với 82 bài chữ Hán sáng tác trong thời kỳ 1942-1943.

        Nhìn chung, thơ Đường luật đã trải qua một chặng đường dài lịch sử, tuy có lúc thăng trầm, chông gai. Những người yêu thơ Đường luật cảm nhận được nét độc đáo và sức sống mãnh liệt của thể loại thơ này. Có thể nói rắng thơ Đường luật đã trở thành một thể thơ hoàn hảo về kết cầu câu từ, bao gồm những khía cạnh thẩm mỹ như nhạc họa, điêu khắc, ẩn chứa thời tính và sử tính – nhất là từ khi được Nôm hóa và quốc ngữ hóa. Hiện hữu trên bình diện ưu việt, ngôn ngữ thơ Đường luật ẩn tàng một chiều cao, sâu, rộng, tác động thăm thẳm vào hồn người những tình cảm dạt dào, dẫn dắt trí tưởng tượng ta bay cao và kích thích hành động vươn tới của con người ở mức độ tinh vi nào đó. Song do vần điệu, câu từ, niêm luật nghiêm túc, gò bó trong khuôn mẫu nên dần dần chỉ có ít người sáng tác theo thể thơ này.

        Tuy nhiên, trong nền văn học Việt nam , từ nền văn học cổ, cận đại hay hiện đại cũng không thể thiếu được thơ Đường luật, bởi vì chính thể thơ này đã làm phong phú nền thi ca Việt Nam nói riêng và thi ca phương Đông nói chung.

        Để góp phần làm cho thể thơ Đường luật tiếp tục phát triển, vào những năm 90 của thế kỷ XX, trên báo Đại đoàn kết (cơ quan Trung ương MTTQ Việt nam) đã hình thành trang thơ Đường luật và được duy trì, phát triển trong những thập niên tiếp theo. Chính tại đây đã bảo trợ cho sự ra đời Hội thơ Lan Đình – một hội thơ Đường luật tập trung nhiều thi hữu và đến nay đã tồn tại và phát triển được 20 năm. Từ đó, nhiều tỉnh cũng đã thành lập những hội thơ Đường luật.

2. Chặng đường tiếp theo :

        Thơ Đường luật Trấn Biên

        Trấn Biên Thi tuyển : Chủ đề của Trấn Biên thi tuyển cũng như chủ đề chung của thơ Đường luật là đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, con người và đạo lý, nhưng nội dung biểu cảm của mỗi bài thơ có những nét độc đáo khác nhau. Có bài miêu tả cảnh sắc nên thơ của quê hương xứ sở chen lẫn nét hoành tránh, kỳ vỹ của những địa danh lịch sử; có bài dẫn dắt ta vào những âm thanh như xa xăm, như gần gũi của ngày mới chen lẫn tình cảm vợ chồng sâu đậm và nuối tiếc kỷ niệm chung chăn gối mặn nồng nay đã cách trở; có bài vẽ lên bức tranh thanh nhàn với thú vui cầm, kỳ, thi, họa và cũng có bài, rất nhiều bài, đề cập đến đạo lý làm người, đạo học truyền thống...

        Nhiều bài thơ đã có ma lực cuốn hút người đọc bằng nghệ thuật miêu tả độc đáo hòa với nhịp điệu ¾, 4/3 trong mỗi câu như ngắt quãng tiếng vọng thời gian...

        Bài thơ “Văn Miếu Trấn Biên” của Xuân Bảo : (...)

Đức Khổng cương thường ngời thế thái
Bác Hồ tư tưởng sáng nhân tình
Hiền tài hun đúc từ nguyên khí
Bia khắc tên vàng thật xứng danh.

        Tuy cách miêu tả còn ước lệ, chưa có sáng tạo từ ngữ để thay thế cặp từ đối cũ thế thái/nhân tình, nhưng hình ảnh trong thơ đã có sức sống mnãnh liệt, đậm đà tính lịch sử, nhân văn và đạo học; đã khơi dậy nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ với chủ đề truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống yêu nước nhớ nguồn, ơn Bác mà những năm gần đây thỉnh thoảng xuất hiện trong một số bài thơ Đường luật. Chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 3 tháng đã có gần 40 bài thơ họa. Những bài thơ của Phạm Sinh Châu, Nguyễn Thanh Bá, Hồng Vân, Vĩnh Định... không những tô đậm thêm truyền thống dân tộc mà còn vẽ lên những nét đẹp quê hương thanh bình hoành tráng, với “Sông nước Đồng Nai bát ngát xanh/Đất trời muôn vẻ đẹp phồn vinh” (Hồng Vân) và “Quê hương Quảng Trị ngày tươi đẹp/Lừng lẫy khắp vùng những địa danh” (Nguyễn Thanh Bá). Những câu thơ chơn chất, mộc mạc, bình thường nhưng nhịp thơ mạnh mẽ làm nổi bật những địa danh đã một thời vọng vang sông núi hiển hinh. Có một vài bài họa không tránh khỏi sáo mòn trong lối sử dụng ngôn từ. Điều này dễ hiểu, bởi cùng cảnh sắc ấy, ý tứ ấy của người xướng, nếu không có vốn sống và sự rung cảm, bút pháp tinh tế, thì không thể lột tả được ý tình riêng...

        Đối với những bài không đi vào thể xướng họa hầu hết là những bài trữ tình, miêu tả phong cảnh thiên nhiên tươi thắm, rộn ràng và sinh động, phảng phất men tình lãng mạn, phiêu bồng :

Trăng mùa lũ thứ nghiêng chiều nhớ
Gió dặm quan hà quyện ước mơ

(Đây nhịp cầu thơ – Chinh Vũ)

        Trăng của Chinh vũ không phải là trăng sơ huyền hò hẹn mà là trăng của nhớ nhung, của e ấp, của giao cảm khách thơ “đôi vần giao cảm gieo tình bút”.

        “Đây nhịp cầu thơ” là một trong những bài thơ hay của tuyển tập. Không ai ngờ được nhà thơ Chinh Vũ tuổi ngoài tám mươi mà ý thơ rất trẻ, tình thơ lai láng “người chửa thân quen lòng đã gặp/Đường còn lạ lẫm mộng đang chờ ”.

        Vầng trăng của thiên nhiên muôn đời không thể làm phai mờ tình cảm của riêng tư con người, nó luôn khơi gợi sự nhung nhớ hình ảnh quê hương đẹp tuyệt vời như lời mẹ ru :

Ngọn gió dập dồn hòn Phụ tử
Vầng trăng lưu luyến bến Kiên Lương

(Hà Tiên biển nhớ – Mai Thanh Sơn)

Hoặc :

Trăng nước dập dìu lay động sóng
Ghe thuyền tấp nập trập trùng khơi

(Viếng cảnh Đồng Nai – Phạm Sinh Châu)

        Những câu thơ trên từng cặp đôi rất chỉnh, rất gợi tình, ta liên tưởng đến bài “Tình dạ tứ” của Lý Bạch :

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu quy cố hương

(Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương)

        Thoát ra khỏi sự ràng buộc ngôn từ miêu tả quen thuộc của thơ Đường luật “bình cũ, rượu cũ”, bài “Nhớ” của Tiêu Thanh Giang là một bài thơ tình lãng mạn mà sâu lắng tâm tư, khiến lệ buồn rưng rưng. Hình ảnh trong bài thơ rất cô đọng, đó là hình ảnh “Em”, hình ảnh của người thương đã ra đi biền biệt:

Không biết bây giờ em ở đâu
Lòng anh day dứt suốt canh thâu

(Nhớ – Tiêu Thanh Giang)

        Có những câu thơ đẹp và buồn, phảng phất ca dao “Lạnh lẽo thân cò nơi viễn xứ ”.

        Hình như tứ thơ Nguyễn Du “Tưởng đông ong bướm đi về mặc ai ” đan quyện trong bài “Vườn Xuân” của Võ Nguyện :

Tường cao rào kín một vườn xuân
Đông chị Tây em bước ngại ngần

        Nhiều hình ảnh trong thơ ẩn hiện tuyệt vời như mơ, như thực đưa ta về chốn đài trang:

Đi quanh lối mộng làn hương thoảng
Về chốn hiên mơ khúc nhạc ngân

        Tình ý e dè, lãng mạn, phảng phất mùi hương trong thơ Lý Bạch : “Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường” (Người đẹp còn đây hoa ngập hồng)...

        Ta còn bắt gặp trong tuyển tập cảnh thanh bình yên ả của đồi núi vùng cao, với những con người chân chất, với phong tục tập quán đẹp, đậm tình, trong bài thơ “Uống rượu bản Mường” của Ph. Vọng Mù : “Tinh mơ uống rượu bảng làng Mường”.

        Bữa tiệc rược bình thường “đối ẩm vong niên” vào một sáng tinh mơ, với “khoai nướng, sàn thưa nồng bếp lửa” trong căn nhà sàn, nhìn rộng ra khoảng trời bao la, nương rẫy tốt tươi, nghe tiếng khèn man điệu trong khung cảnh “Lất phất mưa phùn rét tận xương” mà cảm thấy lòng nhẹ nhành, thanh thản...

        Thú thanh nhàn “cầm kỳ” trong tuyển tập rải rác một đôi bài nhưng không vì thế mà mất đi vẻ duyên dáng, dí dỏm của thơ lộng trào:

Sĩ tượng hết đường đành chịu bí
Tốt kia xục xịch đại thành công

(Cờ tướng – Hồng Vân)

        Tôi không có ý đi vào phân tích những bài thơ trong tuyển tập, nhưng biết làm sao hơn, khi đọc xong tập bản thảo, những hình ảnh trong thơ với bút pháp sắc sảo của một số nhà thơ cứ chập chờn trong tôi nên đành lướt qua vài nét theo dòng cảm xúc... Tôi nghiệm ra rằng, sáng tác thơ Đường luật là một thú thanh cao, bồ ích; Câu lạc bộ thơ Đường luật phải là sân chơi trí tuệ theo đúng nghĩa. Cần phát huy hiệu quả của sân chơi này để có những đóng góp tích cực làm phong phú thêm nền văn học nước nhà nói chung. Nhưng để cho thơ Đường luật có sức sống mãnh liệt, cần chú ý đến sáng tạo nghệ thuật và ngôn ngữ, tạo nhiều đề tài phong phú, tránh sử dụng hình ảnh cổ lệ. Đưa nhiều bài thơ xướng họa vào tuyển tập (nhất là nhiều bài họa cho một bài xướng) sẽ hạn chế sức phát triển của thể thơ và làm giảm đi giá trị nghệ thuật của tuyển tập.

PHẠM HÒA VIỆT
hoavietqt@yahoo.com.vn

No comments: