Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 19, 2012

“TỔ HỢP” THƠ TRONG “CƠN MÊ CỦA GIÓ” CỦA NGUYỄN NGUYÊN AN - Nguyễn Thị Tú Hằng


Nguyễn Nguyên An

Bảy mươi bài thơ, tập hợp trong một tập thơ nhỏ nhắn, xinh xắn với tên gọi rất gợi cảm của Nguyễn Nguyên An là một lời nhắn gửi tời bạn đọc rằng: không phải viết văn là không làm thơ được; không phải tuổi trẻ mới biết viết thơ tình yêu và thơ tự do hiện đại còn là cái duyên của những người muốn thể nghiệm mình để biết mình tuổi già nhưng trong lòng còn rất trẻ.

Không phải đến bây giờ nhà văn Nguyễn Nguyên An mới làm được thơ. Nhưng sau thành công của các tác phẩm văn xuôi: Người đi săn hoàng hôn, Nỗi buồn không giám gọi tên, Ngọn đèn vẫn tỏ, Trường đại học của tôi, Bầu trời cổ tích… thì có thể coi Cơn mê của gió là tập thơ đầu lòng của tác giả. (biết đâu, đứa con văn vần đâu tiên này lại bắt đầu cho một con đường mới trong chặng đường sáng tác của ông?)
Cơn mê của gió là một “tổ hợp” thơ bao gồm những tố chất đang trong quá trình “phản ứng”, “kết hợp”, “phân hóa”… để trở thành những “hỗn hợp chất mới” hấp dẫn và thú vị. Được “đeo bám” ngay từ đầu sự hình thành và phát triển của quá trình “thai nghén” này; người đọc không khỏi ngạc nhiên và tin tưởng những bài thơ đã kết tinh thành dấu ấn thơ Nguyễn Nguyên An. Bởi vậy Cơn mê của gió không phải là tập thơ đọc để rồi quên mà quả thực là vẫn còn lưu giữ lại rất nhiều điều lưu luyến mà tôi xin được tạm gọi là “Tổ hợp” thơ trong Cơn mê của gió.
Cơn mê của gió tập hợp một chùm thơ tặng rất ấn tượng: Tặng Hồng Nhung, tặng Quỳnh Như, tặng Kim Hạnh, tặng Song Cầm, thơ tặng TTH, tặng Hằng… và hàng loạt bài thơ khác không đề tặng nhưng xôn xao trong câu chữ, hình ảnh và cấu tứ là nỗi lòng lưu luyến vấn vương rất khó tả của tác giả.
Trong tặng Hông Nhung, nhân vật trữ tình xưng tôi khiêm nhường và bình dị có một cái gì bé nhỏ và nhân hậu bên cạnh Nhung “Uyên bác trí thức, đồ sộ tài năng”. Bởi vậy “lời xin lỗi” cứa vào lòng bạn đọc về một mối tình như “nốt nhạc quằn quại, vết roi đời và nụ buồn xa ngái phương Tây”. Cặp đối lập giữa Nhung và cái tôi trữ tình”
Nhung uyên bác trí thức
đồ sộ tài năng
anh lấm lem bùn đất
cánh đồng ngấu phù sa
cho em gieo khát vọng
tài hoa
đã trở thành kỉ niệm đọng lại để cuối cùng còn mình anh: đơn độc nhưng kiêu hãnh; nhân hậu và tự tin sống phần đời còn lại:
Anh đội bầu trời mỗi ngày
đi chân đất vào nỗi buồn
ướt rượi
khất thực vô ngôn
Bài thơ Tặng Quỳnh Như là nốt nhạc trầm buồn. Tác giả chỉ gieo vào lòng bạn đọc một vài ngôn từ trong vắt mà hàm nghĩa. Lúc mẹ trở dạ để Quỳnh Như có mặt trên đời, đó là một mùa trăng, để rồi rừ đấy:
Mắt ướt
Môi cong
Cười
Vỡ nắng
Thủy tinh
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh Quỳnh nở gợi lên một thế giới thơ thực-ảo không thể phân biệt và không cần phân biệt. Quỳnh nở trong đêm là quy luật của tự nhiên. Quỳnh Như cũng vậy:
Khẽ động
Vào đêm
Chút tình
Quỳnh nở
Bài thơ Chung Che không đề tặng ai nhưng tình người thật sâu đậm và chân thành. “Chiếc ái dài vương hạt mưa rơi” của người ấy làm “lòng ai vương vấn”, thành một vùng hoài niệm:
Hạt mưa ngày cũ về tìm
Người chung che ấy thành chim bay rồi
Không phải người đọc được chung cơn mưa ngấy ấy tìm lại chiếc áo dài vương hát mưa rơi, mà hạt mưa tìm về người cũ. Tứ thơ đột ngột lạ lùng. Hóa ra mưa của trời vẫn còn lưu luyến đến người chung che cơn mưa ngày ấy. Thế mà, người ấy đã thành cánh chim bay rồi. Bài thơ đọng lại một nỗi buồn thương, tiếc nuối và thách móc nhẹ nhàng tế nhị chiếc áo dài vô tư tới mức vô tâm.
Bài thơ Em đi, cùng nằm trong “cung nuối tiếc” cố nhân và đã hé lộ kỉ niệm sâu sắc, xót xa, buồn tủi. Chuyện tình ngày ấy – ngày xanh những đã “heo hanh của mùa”
Vì em đã đi xa. Cho dù vậy, người ở lại vẫn đăm đăm bến sông xưa như Nguyên Bính ngày nào vẫn đợi chờ trong vô vọng:
Buồn em tìm tời bến sông xưa như Nguyễn Bính ngày nào vẫn đợi chờ trong vô vọng:
Buồn em tím tới bên sông
Chiều loang loáng nắng trắng mênh mông ngày
Tay đan nỗi nhơ trong tay
Mình anh quẫy một gánh đầy đêm đông.
Người phụ nữ ấy đã theo chồng rời bến sông xưa. Nhưng lòng người yêu cũ vẫn không thôi thương nhớ:
Nhớ xưa khăn gói theo chồng
Áo cơm nặng gánh nợ chồng chất vai
Chong đêm thức trắng canh dài
Thời gian gõ nhịp mười hai bến sầu
Chút tình ngày xanh tưởng đã nhạt phai, nào ngờ:
Bây chừ gửi nhớ về đâu
Rút từng sợi để xe nhàu tương lai
Cho dù vậy, người trong cuộc vẫn giữ lòng son. Bài thơ là một nỗi lòng chứ không chỉ là một kỉ niệm buồn. Bởi trong nỗi nhớ em đi có chồng chất tình thương những ngày “chong đêm thức trắng; áo cơm nặng gánh”. Và như vậy: Tình vẫn đậm mà còn thêm cả lòng biết ơn không sao nói hết bằng lời chỉ để “Rút từng sợi xe nhàu tương lai”
Trong chùm thơ tặng, mà tôi tin tất cả là giới nữ, đẹp nhất là bài thơ Tặng Kim Hạnh. Một cô gái nửa tỉnh nửa quê và nhân vật trữ tình hẳn là còn mang chất “chân quê’ nhiều lắm. Những hình ảnh quê mùa dân dã và đám học trò “mắt thắm màu trời” đã làm nên một mối tình – không đơn thuần là tình yêu nam nữ mà còn lớn lao hơn là tình yêu cuộc sống thuần khiết, bình dị rất Việt Nam. Bức tranh mái trường hiện ra như một thước phim chân thực, đầy chất thơ:
Trường em nửa chợ nửa quê
Nửa mơ thị tứ nửa mê ruộng đồng
Trước trưởng những chuyến tàu không
Phía sau thôn đã tre đong đưa ngày
Mái trường quê tràn ngập yêu thương này có thể tìm thấy bất cứ đâu ở nông thôn Việt Nam. Và cái nghề được xem là cao quý nhất trong tất cả các nghề, một lần nữa đã được tác giả “neo” vào lòng bạn đọc bằng những vần thơ mộc mạc và xúc động:
Anh về hương lúa thơm lay
Lòng neo vến đõ chiều say mất rồi
Học trò mắt thắm màu trời
Em gieo chữ nghĩa vun đời thêm xanh
Cái tình anh đọng lạ ở trường em không phải chỉ về nửa tỉnh nủa quê mà cơ bản, quan trọng hơn là những đứa học trò. Hình ảnh “mắt thắm màu trời” không chỉ có màu xanh mà còn khát vọng vô cùng đáng yêu của tuổi mới lớn đang hướng về tương lai bao la xanh thẳm như bầu trời kia. Hình ảnh “mắt thắm màu trời”, “tre đong đưa ngày”… tôi cho là một phát hiện đặc sắc của tác giả. Nhà thơ đáng quý không phải là ở những bài thơ dài mà ở chi tiết nghệ thuật “xuất thần” như trên.
Bài thơ tặng Kim Hạnh cũng là kỉ niệm về một mốt tình nhưng không hề xót xa, nuối tiếc hay buồn khổ… tình yêu và hạnh phúc đã gắn kết với nhau. Trường em cũng chính là trường anh. Tình yêu gái trai cũng chính là tình yêu mái trường thân yêu.
Trường em nửa chợ nửa thành
Nửa quê nửa phố nửa dành cho anh
Nửa nào cũng đượm nắng xanh
Cũng thắc thỏm nhớ cũng tròng trành yêu
Câu kết bài thơ là niềm xúc động nghẹn ngào. Bởi vậy, không còn câu tám chữ mà chỉ có câu sáu chữ:
Yêu trường em biết bao nhiêu!
Bài thơ có thể trở thành “cột mc” của thơ viết về mái trường và đưa vào sách giáo khoa (dùng để tham khảo) bởi vậy nội dung và nghệ thuật, theo tôi đã gần đạt tới độ chuẩn mực.
Nguyễn Nguyên An sinh ra ở Nam Giao bên cạnh con đường Điện Biên Phủ, “thẳng mà không bằng phẳng”; và vào độ tuổi xấp xỉ lục tuần, ông vẫn hằng ngày có mặt trên từng con phố Huế thơ mộng. Hầu hết những bài thơ trong Cơn mê của gió đều được “thai nghén” trên mảnh đất cố đô thơ mộng này. Bởi vậy nếu không mang chất Huế mới là lạ.
Bài thơ Festival Huế gọn nhỏ, chỉ chín câu thơ mà hé mở được những nét Huế bình dị và đáng yêu. Đó là vỉa hè, phố xá, chiếc đò, chiều hoàng cung, đường khuya, đêm lễ hội… đặc biệt là các cô gái Huế. Có cái gì như thực như mơ làm nên nét riêng của thành phố Festival.
Chiếc đò vắt qua sông
Chở nhiều cô gái Huế
Nhuộm biếc chiều hoàng cung
Hình ảnh “con đò vắt qua sông” là điểm nhấn của hội họa với rất nhiều liên tưởng siêu thực. Còn sắc màu của cô gái Huế “nhuộm biếc chiều hoàng cung” thì chắc chắn đó là màu tím Huế. Lời thơ Cơn mê của gió gợi lên bóng hình đời Tôn nữ với bao nhiêu chua cay lận đận không biết ngỏ cùng ai.
Đời Tôn nữ
Góc tình lận đận
Vén ngày lên
Rạng rỡ thanh xuân
Mỗi khi nói đến Huế xưa, người ta không quên được hình ảnh “một hàng Tôn nữ cười trong nón” - nét duyên, thùy mị, nết na gia giáo này đã phôi pha qua những cuộc bể dâu nhưng không hề biến mất trong đời sống Huế. Bởi vậy, đọc lại những dòng thơ ngắn mà lắng đọng này lòng bạn đọc chợt thấy rưng rưng:
Em về Huế
mang nỗi sầu viễn xứ
Đính trên mùa
những hạt phù hư
Thời thơ ấu
lăn qua miền khát vọng
Bếp lủa hồng
không ấm bốn mùa đau
Có phải Tôn nữ ngày xưa dứt áo ra đi, bây giờ trở lại? Qua những “năm tháng lặng thầm”, “nỗi buồn nhen trong mắt” để cuối chặng đường vẫn còn một người buồn thật lòng, đó là anh – chủ thể trữ tình. Bài thơ không chỉ nói về thân phân một Tôn nữ mà còn mở ra tâm trạng của một người anh, qua bao năm tháng vẫn dõi theo từng khúc quảng của đời Tôn nữ, để rồi:
Buồn như thể
Không buồn không thật
Chính là em
Ray rứt nỗi niềm
Anh
Số lượng những bài thơ “chạm” vào của Thiền chiếm tỉ lệ đáng kể. Như một lẽ tự nhiện, Huế là trung tâm Phật giáo. Những bài thơ viết về Huế không thể không phảng phất của Thiền. Trong Cơn mê của gió có thể liệt kê, đó là những bài thơ: Nhân, Một, Xuống tóc, Không… chỉ riêng tên gọi hầu hết những vài thơ tôi vừa liệt kê đã thấy xúc cảm thơ nghiêng về việc luận bàn đạo lí trong cuộc đời. Nói về chữ nhân, nhà thơ ngẫm nghĩ:
Gieo xuống chữ nhân
Mai nở mầm xuân
Cây đời xanh biếc
Qủa ngọt lên mầm
Trong bài thơ Không nhà thơ muốn gửi một thông điệp về cách sống: cứng rắn, khoan hòa, tự tin, và cao thượng. Sống trong cuộc đời mà phấn đấu được một số “không” như trong bài thơ này đã là mãn nguyện.
Không làm khổ chính mình
Không làm khổ người khác
Không cúi trước kẻ mạnh
Không ngoảnh mặt nỗi đau
Không nói lời người khác
Không viết điều vô nghĩa
Bài thơ “Không” là một hướng rèn luyện tu tâm của con người. Với thơ, có thể là một định hướng. Với bạn đọc, có thể là một khát khao, mong ước.
Từ một hướng cảm xúc khác, những bài thơ bốn câu: Thiền, Yên, Về, Tát… giải bày một triết lí sống của nhà Phật và rất thiết thực với chúng ta.
Một ngày một niệm
Cố giữ tĩnh yên
Khởi công làm thiện
Rũ sạch ưu phiền
Trong lúc cuộc sống hiện tại đang đòi hỏi con người và từng quốc gia phải cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn và phát triển thì những lời thơ này đáng để chúng ta suy ngẫm:
Vén dọn mình cho tròn
Trước khi về với đất
Đặc biệt nhất trong chùm thơ này có lẽ là bài thơ Xuống tóc. Xuống tóc là một tục lệ của mà Phật đánh dấu bướt ngoặt quan trọng trên con đường tu hành. Bài thơ bày tỏ tâm trạng ngổn ngang của người cha yêu thương con vô hạn:
Nghe tin con xuống tóc
Ba vừa buồn vừa vui
Lã chã nước mắt tuôn
Thương con mười bảy tuổi
Nỗi lo của cha là con còn quá trẻ, “chưa nếm trải mùi đời”, mà con đường tu hành thì rất dài và gian nan. “Hai năm rưỡi giới hành, Thật muôn vàn hạnh khổ”. Bài thơ khép lại bằng lời cầu chúc và niềm tin tưởng của cha:
Mấy lời cha đưa tiễn
Con đi vào cõi yên
Nơi trầm luân gió bụi
Ba hằng chúc con nên
Chúng ta tưng nghe ngợi ca rất nhiều “lòng mẹ bao là như biển Thái Bình”, nhưng qua bài thơ này chúng ta đã thấy lòng cha là một biển Thái Bình bao la.
Cơn mê của gió chủ yếu được viết bằng thể loại thơ tụ do hiện đại. Tác giả không tự ép mình trong khuôn khổ của thơ lục bát truyền thống mà mặc cho câu thơ dài ngắn tùy cảm xúc trào dâng. Lại có những câu thơ nhảy hàng một cách cố ý để diễn tả chính xác những tình huống cảm xúc, hoặc buộc người đọc phải dừng lại để suy ngẫm. Đặc biệt, hầu hết các bài thơ đều không có dấu ngữ pháp. Dường như tôi không thấy một dấu chấm câu nào, kể cả dấu phẩy. Nhiều câu thơ xuống dòng không cần viết hoa như thơ truyền thống, nghệ thuật thơ đang đi theo hướng hiện đại hóa. Chính vì vậy tập thơ đã để lại cho người đọc những dấu ấn sâu đậm về thành công bước đầu, cùng niềm tin tưởng nhà thơ Nguyên Nguyên An sẽ cho ra đời những tập thơ đằm thắm với nhiều “Tổ hợp” thơ hơn.
Huế, 2011
NGUYỄN THỊ TÚ HẰNG  

Email: nguyenan009@gmail.com

 Tel: 01688971486

No comments: