Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, May 8, 2012

NGƯỜI MẸ ĐIÊN - Chuyện kể của Nguyễn Tường



Chuyện kể hai mươi ba năm trước,
có một cô gái trẻ lang thang.
Chẳng biết quê đâu ghé qua làng.
người dơ bẩn, đầu bù, tóc rối.
gặp ai cũng cười cười, nói nói.
Nhiều bà quê muốn đuổi cho xa,
“Cút lẹ đi!” mặc sức ai la,
cô điên vẫn vào ra thôn xóm.

Hồi đó, tuổi cha tôi đã lớn,
cụt một tay, nhà lại nghèo xơ,
làm thế nào cưới vợ bây giờ.
Bà nội thấy cô điên cũng được,
không quá xinh nhưng đầy sức vóc,
muốn mang về làm vợ, đẻ con.
Định khi sinh được "đứa nối dòng"
sẽ đuổi ra khỏi nhà tức khắc.
Cha tôi không nghĩ điều phụ bạc,
nhưng vì nghèo cũng phải chịu thôi.

Vậy là cha có vợ như người,
khỏi tốn tiền bỗng thành chú rể.
Khi mẹ sinh tôi, nhìn đứa bé,
bà nội cười lộ mấy chiếc răng,
ẵm cháu đi khoe với xóm làng:
“Con mẹ điên sinh trai rồi đấy,
ngày tôi chết có thằng chống gậy.”
Rồi bà không cho mẹ đến gần.
Mẹ muốn ôm tôi đã lắm lần,
đến trước bà gào lên thật lớn:
“Đưa, đưa tôi ...” gào hoài chỉ uổng,
nội đã không, mặc kệ ai gào.
Bởi thân tôi rủi có bề nào,
chuyện người điên mấy ai đoán trước.
Cứ mỗi khi, trăm lần như một,
mẹ xin ôm, nội lại trợn trừng:
“Mày ôm nó cần phải coi chừng,
hễ tao thấy là tao đánh chết.”
Mẹ nghe vậy vô cùng kinh khiếp,
muốn nhìn con chỉ đứng xa xa.
Bầu sữa mẹ chẳng khác người ta,
căng đầy cứng nhưng tôi không bú.
Bởi nội nói trong bầu sữa đó,
“bệnh thần kinh” có sẵn không nên.

Bà đút nuôi tôi sống lớn lên.
Hồi đó nhà đang nghèo thậm tệ,
đặc biệt kể từ khi có mẹ,
đã nhiều hôm nhà phải treo niêu.
Một lần kia nội thật đáng yêu,
bà nấu sẵn nồi cơm thơm ngát,
rồi tự tay xúc đầy một bát,
đưa mẹ tôi xong nội nói rằng:
“Này con dâu, cầm lấy mà ăn,
nhà chúng ta hiện đang nghèo lắm,
mẹ có lỗi với cô chẳng đặng.
Cô ăn xong hết bát cơm này,
rồi tìm đâu khấm khá đi ngay,
và từ rày đừng quay lại nữa.”
Mẹ vừa nhai chén cơm dang dở,
đã nghe bà nội “lệnh lên đường”.
Mẹ ngạc nhiên vội nhả ngụm cơm,
rồi nhìn tôi “Đừng...đừng..” lắp bắp.
Nội khi ấy nghiêm trang nét mặt,
lấy quyền uy gia trưởng, quát to:
“Con dâu này bướng bỉnh ra trò.
Bướng như mày chẳng bao giờ khá.
mày vốn lang thang khắp thiên hạ,
tao bao dung nuôi đã hai năm.
Bây giờ mày đòi hỏi nữa chăng?
Ăn lẹ rồi đi, nghe chưa hở?”
Phán lệnh xong, nội ra sau cửa,
cầm xẻng lên đập mạnh xuống “Rầm!”
Mẹ điếng hồn cúi xuống chén cơm,
dòng nước mắt trào tuôn lả tả.
Bỗng mẹ làm một điều kỳ lạ,
chia bát cơm phân nửa hai bên,
rồi từ từ ngước mắt nhìn lên.
Bà nội hiểu điều gì muốn nói;
mẹ thà đói nhưng rất sợ đuổi;
nội quay đi ruột rối như tơ.
Là bàn bà, nội cũng đắn đo,
nhưng vội nuốt chôn dòng nước mắt,
rồi quay lại nội nghiêm nét mặt:
“Ăn mau lên, xong phải còn đi.
Ở lại đây cô chẳng khá gì.”
Mẹ lúc ấy gần như tuyệt vọng,
bỏ nửa bát cơm buồn đắng họng,
đứng chần chừ trước cửa rất lâu.
Nội dằn lòng quyết đuổi đi mau:
“Đi đi, đừng quay đầu lại nữa.
Tìm mấy người giàu nhờ giúp đỡ!”
Mẹ đưa một tay hướng phía bà,
chắc muốn ôm tôi, nội hiểu ra,
bà lưỡng lự rồi đưa cho mẹ,
nhưng hai tay chực chờ hứng nhẹ,
bởi ngại rằng mẹ nổi cơn điên,
lỡ quăng tôi, nội kịp chụp liền.
Lần đầu tiên trong đời được ẵm,
môi mẹ nở nụ cười tươi thắm.
Ba phút rồi, nội chẳng chờ thêm,
giằng lấy tôi, xong vội cài then.

Khi bắt đầu lờ mờ hiểu biết,
nội dối rằng mẹ tôi đã chết.
Bạn bè quanh chỉ ngoại trừ tôi,
đứa nào cũng có mẹ trong đời.
Chúng nói rằng mẹ tôi còn đó,
bởi bà điên, nội không cho ở.
Tôi thật ra chưa hiểu nghĩa “điên”
lòng ước mơ được thấy mẹ hiền,
tôi gặp nội và cha vòi vĩnh.
Lúc uất quá còn đâm liều lĩnh,
chửi nội: “Đồ lang sói, bất nhân!”
thậm chí còn hất cả đồ ăn.

Bỗng bất ngờ năm tôi lên sáu,
một hôm, bạn bè vào cấp báo:
“Thụ ơi, mẹ điên đã trở về.”
Tôi vội ra cho biết chuyện gì;
nội và ba cùng đi xem nữa.
Lần đầu tiên từ khi biết nhớ,
gặp mẹ mình, tôi ngỡ đang mơ.
Trên tóc bà dính những cỏ khô,
áo quần rách, tóc tai rũ rượi,
chỉ có trời may ra biết nổi,
đêm hôm qua bà ngủ chỗ nào.
Nhìn cổng thôn, mẹ chẳng dám vào,
mắt hướng về nhà tôi cuối xóm.
Bà ngồi đó trên bờ đám ruộng,
tay đang cầm quả bóng rất dơ.
Khi đám đông vây kín nhìn vô,
mẹ đưa mắt tìm con trai nhỏ.
Cuối cùng đã thấy tôi ở đó,
mẹ nhìn theo chằm chặp không rời,
xong nhếch mép giơ bóng lên trời:
“Thụ...bóng...bóng...” đưa tôi cầm lấy.
Tôi hoảng sợ quay đầu định chạy.
Mẹ của tôi như vậy hay sao?!
Vậy mà tôi mong nhớ từ lâu.
Một thằng nhỏ ghẹo tôi: “Này Thụ,
giờ mày biết “mẹ điên” rồi chứ?
Mẹ mày như vậy đó, thấy chưa?”
Giận run lên, tôi đáp không vừa:
“Bà ta là mẹ mầy thì có.
Đầu bà điên dính đầy những cỏ,
mẹ của tao không phải thế này.”
Nói xong, tôi chạy trốn như bay,
bà điên này tôi không thèm nữa.

Nội, ba đưa mẹ về trước cửa,
từ hôm mẹ bị đuổi khỏi nhà,
nội lương tâm áy náy, hiểu ra,
trái tim bà không còn cứng nữa,
nên chủ động đưa dâu về ở.
Riêng tôi bực bội cứ không thôi,
bởi bà làm mất thể diện tôi.
Tôi không thèm mỉm cười với mẹ,
cũng không hề mở lời nhỏ nhẹ.
Tiếng gọi “Mẹ!” tôi để quên lâu.
Khi có điều cần nói đôi câu,
tôi chỉ việc gào lên thật lớn,
dù cãi nửa lời bà chẳng muốn.

Nhà không nên để tốn cơm hoài,
nội tìm cách chỉ việc cầm tay,
dạy mẹ làm điều này, thứ nọ.
Một hôm nội giao đi cắt cỏ,
mẹ ra đi thoáng chốc trở về,
hai bao đầy xanh mướt tràn trề.
Nội vừa thấy mặt mày tái mét:
“Cỏ và lúa mày không phân biệt ...”
Nội gào chưa xong đã thấy người
đến trách móc chửi bới tơi bời,
rằng nội dạy dâu đi trộm lúa.
Nội giận lắm mặt bừng như lửa.
sẵn cây roi cứ quất vào lưng,
mẹ biết đau lắp bắp: “Đừng...đừng...!”
Người chủ ruộng xem chừng quá đủ,
bèn lên tiếng sau cơn giận dữ:
“Thôi chúng tôi không bắt đền đâu,
nhưng từ nay giữ nó về sau.”
Khi vừa qua đi cơn sóng gió,
mẹ oằn người khóc rên nho nhỏ.
Tôi bảo: “Lúa và cỏ khác nhau,
bà chẳng còn phân biệt được sao?
Người như vậy đúng là con lợn.”
Lời vừa dứt, nội lên cơn giận,
tát mặt tôi một trận ra trò:
“Thằng ngu kia, mày nói gì cơ?
Mẹ mày đấy, sao giờ nói thế?”
Tôi bĩu môi vùng vằng chống chế:
“Tôi không cần có mẹ điên này”
“A, xem bà có dám đánh mày.
Mày càng lớn càng thêm khó dạy.”
Nội giơ tay, mẹ liền bật dậy
đứng chắn che giữa nội và tôi,
chỉ vào đầu, mẹ nói một hơi:
“Đánh tôi, đánh tôi!” đầy thảng thốt.
Nội buông tay, lầm bầm một lúc:
“Mẹ điên này cũng biết thương con!”

Rồi thời gian tới tuổi lớn khôn,
năm tôi là học sinh lớp một,
cha được người bà con rất tốt
mời đi canh hồ cá làng bên,
lương đủ dùng nhờ bố rất siêng.
Mẹ nay đã biết cắt cỏ lợn,
không còn xảy chuyện gì to lớn,
nhờ nội luôn chỉ bảo gần kề.

Nhớ một ngày mưa rét năm kia,
tôi học tới lớp ba đã lớn,
nội sai mẹ mang ô đi đón.
Chắc trên đường sụp té sình bùn,
trông thân mình nhầy nhụa, thảm thương.
Mẹ lấp ló đứng ngoài cửa sổ,
cười ngớ ngẩn, gọi to: “Ô...Thụ...”
Lũ bạn tôi được cớ đùa trêu,
tôi giận sao mẹ chẳng biết điều,
càng xấu hổ bạn càng trêu chọc.
Thằng Hỷ vốn thích trò cay độc,
nó đứng lên bắt chước mẹ điên.
Tôi sẵn tay cây thước đánh liền,
nhưng thằng Hỷ vốn rất khỏe mạnh,
nó xông tới đè tôi xuống đánh.
Lúc này tôi nghe có tiếng “ào”.
Mẹ như tay đại hiệp “bay” vào,
chụp thằng Hỷ gọn trong tay mẹ.
Người ta nói người điên rất khỏe,
mẹ nhấc cao thằng Hỷ trên không,
mặc nó kêu, la hét, vẫy vùng,
mẹ thong thả đi ra ao nước,
vứt nó xuống rồi bà quay bước,
mặt thản nhiên như chẳng có gì.
Cũng vì tôi nên xảy chuyện kia,
trước mặt tôi mẹ như khiếp nhược,
bà nhìn tôi lấy lòng cho được.
Tôi hiểu ra mẹ rất thương con,
dù đầu óc mẹ có bất thường,
trong tình yêu, mẹ luôn tỉnh táo,
khi thấy con gặp điều hung bạo.
Lần đầu tôi chợt khẽ kêu lên
tiếng “Mẹ!” ôi  sao quá dịu êm!
Bà sững sờ nhìn tôi vui sướng,
mặt mẹ hồng lên, cười ngớ ngẩn.
Lần đầu tiên hôm đó chúng tôi,
đi bên nhau trong tiếng mưa rơi.
Tôi tới nhà kể ngay cho nội,
vừa nghe xong bà liền chạy vội
kiếm cha về để kịp cứu nguy.
Cha ngoài sân chưa rõ điều chi,
một đám người đàn ông tráng kiện,
mặt hằm hằm ào ào xông đến,
đập nát tan mọi thứ trong nhà,
từ chum sành, chén sứ chẳng tha.
Nhà rung chuyển như cơn địa chấn.
Bố thằng Hỷ trông thật hung tợn,
chỉ mặt cha rồi hét rất to:
"Thằng con tao sợ quá hóa rồ,
hiện đang nằm nhà thương cứu chữa.
Nếu nhà mày không mang tiền trả,
tao sẽ cho đốt cả thành tro.”
Ba nghe xong vừa giận vừa lo,
cơn đại nạn nguyên do ở mẹ.
Ông tháo dây thắt lưng thật lẹ,
đánh tới tấp trên mặt, trên đầu.
Mẹ rú lên sau mỗi đòn đau,
người co rúm như là con trút
bị dồn tới đường cùng ngỏ cụt,
bà nhảy lên vừa chạy vừa la.
Cả đời tôi chắc mãi tới già
sẽ không quên tiếng bà hôm đó.
Chính quyền đến vừa khi biết rõ,
ngăn cấm cha không được hành hung,
rồi giải hòa kết quả sau cùng:
Cả hai bên bị nhiều tổn thất,
coi như không còn gì khuất tất.
Ai gây thêm sẽ bắt đi tù.
Khi đám người giải tán hồi lâu,
cha nhìn lại cảnh nhà tan nát
đây mảnh nồi niêu, kia chén bát.
Rồi nhìn thân mẹ lắm vết roi,
cha bất ngờ nước mắt tuôn rơi:
“Mẹ điên ơi, tôi không muốn đánh,
nhưng nếu không họa tai khó tránh.
Việc này e dàn xếp khó xong,
nhà lấy đâu tiền để bồi thường,
cũng vì nghèo nên luôn khổ mãi!”
Cha quay sang nhìn tôi ái ngại:
“Con rán vô đại học sau này,
không vậy nhà mình cứ khổ hoài,
bị người khác suốt đời bắt nạt!”
Hiểu ý cha, đầu tôi khẻ gật.

Tôi đỗ trung học năm Hai Ngàn (2000)
nội qua đời, gia cảnh khó khăn.
Học nội trú rất nhiều bài vở,
tôi ít về nhà dù rất nhớ.
Cha vẫn còn công việc làm thuê,
mẹ phải lo tiếp tế đi về,
sau mỗi lần thím tôi nấu sẵn.
Chặng đường đi gần mười lăm dặm,
dẫu xa xuôi mẹ chẳng ngại chi.
Nghĩ mãi không ra chuyện diệu kỳ,
mẹ vì tôi không điên những lúc.
Câu trả lời phải chờ y học,
còn gì ngoài tình mẫu tử ra?
Ngày Hăm Bảy, Tháng Bốn, Lẻ Ba (27/4/2003)
hôm đó tôi nhớ là Chúa Nhật,
ngoài đồ ăn mẹ mang quà vặt.
chục quả đào hoang chẳng biết đâu.
Tôi ăn xong hỏi thử một câu:
“Đào ngon lắm, chỗ nào ra vậy?”
Mẹ ấp úng rằng: “Tôi...tôi hái...”
Tôi không ngờ, khen mẹ chân thành:
“Mẹ càng ngày càng giỏi, đáng khen!”
Mẹ nghe xong cười hì, không nói.
Trước khi mẹ về, tôi quen thói,
dặn bà nên cẩn thận an toàn.
Mẹ ờ ờ chân bước vội vàng.
Tiễn mẹ xong, tôi lao vào học;
thi cuối kỳ phổ thông nặng nhọc.

Ngay hôm sau, đang lúc ở trường,
có tiếng loa thông báo oang oang:
“Học sinh Thụ ra phòng tiếp khách
có thân nhân đang chờ gặp gấp!”
Ờ hóa ra bà thím đến thăm.
Sau vài câu chào đón, hỏi han,
bà hỏi tôi tin tức về mẹ
rằng: “Hôm qua bà đi tiếp tế
mãi tới nay chưa thấy quay về!”
Tôi thót người sau phút gẫm suy;
mẹ không thể lạc đường chắc chắn,
đã ba năm chưa lần nhầm lẫn.
Thím hỏi quanh những chuyện xảy ra:
“Mẹ mày nói gì suốt hôm qua?”
Tôi đáp: “Mẹ không nói gì cả
chỉ cho tôi đào hoang mấy quả.”
Thím nghe xong bỗng đập hai tay:
“Thôi chết tôi, chính quả dại này!”
Thím bảo tôi vào xin nghỉ học,
rồi cả hai chúng tôi tức tốc,
men theo đường vách núi dò tìm.
Rất nhiều cây đào dại hai bên,
kìa có một nhành nghiêng gãy sẵn
nằm chênh vênh bên bờ vực thẳm.
Thím bảo tôi cùng xuống thử tìm.
Tôi bảo: “Đừng dọa cháu yếu tim!”
Thím im lặng kéo tôi xuống núi.
Mẹ nằm đó bên bờ con suối,
những trái đào vung vãi quanh đây,
một chùm còn nắm chặt trong tay,
máu trên người đã đen khô cứng.
Tôi ôm mẹ vô cùng đau đớn:
“Mẹ ơi, Mẹ điên của con ơi!”
Con hối hận vì đã mở lời
khen đào ngọt để giờ mẹ chết.
Suốt đời mẹ sướng sung chưa biết,
vì thương con gánh hết thương đau!”
Bên xác mẹ tôi nấc nghẹn ngào,
hình như gió trên cao cũng khóc.
và cỏ cây trong rừng, cuối dốc.
suối kề bên trỗi khúc bi ca.

Ngày mồng Bảy, tháng Tám, Lẻ Ba (7/8/2003)
một trăm ngày sau khi chôn cất,
giấy trúng tuyển vào trường Đại học,
chữ trên thư dát những nét vàng,
theo con đường mẹ đã đi ngang,
bay thẳng tới nhà tôi vừa lúc.
Trên mộ phần cây đào dại mọc,
tôi cúi đầu trình mẹ tờ thư:
“Này Mẹ xem, đã thỏa ước mơ,
nơi chín suối ngậm cười nhé Mẹ!”


Nguyễn Tường

New York,  July 07, 2011 
tuong_lan88@yahoo.com

No comments: