Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 30, 2012

Nguyễn Thanh Xuân - MẤY Ý KIẾN VỀ BÀI CA DAO 10 QUẢ TRỨNG...


Nguyễn Thanh Xuân
 MẤY Ý KIẾN 
VỀ BÀI CA DAO 10 QUẢ TRỨNG
VÀ NGUỒN GỐC CỦA NÓ
 
       Bài ca dao mà Bộ Giáo dục đưa vào chương trình dạy cho con em cả nước học ở cấp Phổ thông Trung học và ghi rỏ là của tỉnh Quảng Trị. Đây là một niềm vinh dự lớn của tỉnh nhà. Tôi thấy: cả tỉnh thì rộng lớn mà trong câu chữ, tiếng nói, đời sống sinh hoạt và nhất là địa danh ghi trong bài tôi hình dung như ở vùng quê tôi, bởi tôi thuộc lòng từ nhỏ. (Tôi sinh năm 1929, khi rời quê hương đi tập kết tôi đã 25 tuổi). Xin trình bày ý kiến dưới đây:

        Bài in trong sách giáo khoa năm 1992 và 2000 như sau:

      Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn/ Tháng khốn tháng nạn/ Đi vay, đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái về nuôi/ Hắn đẻ ra mười trứng:
       Một trứng ung
       Hai trứng ung
       Ba  trứng ung
       Bốn trứng ung
       Năm trứng ung
       Sáu trứng ung
       Bảy trứng ung
       Còn lại ba trứng
       Đẻ ra ba con
       Con diều tha
       Con quạ bắt
       Con mặt cắt xơi
       Đừng than phận khó ai ơi
       Còn da lông mọc, còn chồi cây lên .  
     
       Bài ca dao ở quê tôi như sau: (đã tham khảo và thống nhất với các cụ cao tuổi ở quê). 
      Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái về nuôi/ Hắn đẻ ra mười trứng:
   Một trứng ung
         Hai trứng ung
   Ba trứng ung
   Bốn trứng ung
   Năm trứng ung
   Sáu trứng ung
         Bảy trứng ung
   Còn lại ba trứng                              
   Nở được ba con                               
   Con diều tha                                   
         Con quạ gắp (quắp)                        
   Con mặt cắt lôi                               
   Lấy chi đâm dánh (nhánh) nảy chồi          
   Khổ như ri chừ đà quá khổ
         Lần hồi cũng qua. (1)
         (1) Những chữ gạch chân là dị biệt với bản trong sách giáo khoa. Đến năm 2000 sách giáo khoa có chữa câu "Đẻ ra ba con” thành “nở ra ba con”.

        Đi vào nội dung:

        A. Nguồn gốc:

1. Về địa lý và đời sống  

      Về mạn cực nam của huyện Hải lăng, tỉnh Quảng trị, men dòng Ô lâu có các làng: Mỹ chánh, Lương điền, Hà lộc, Hà lỗ, Câu nhi, Văn quĩ, Hưng nhơn, An thơ và Phú kinh nay thuộc các xã Hải chánh, Hải Sơn, Hải tân và Hải hòa. Vùng đất này đã đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài vừa văn vừa võ.

       Các làng trên đều có nhánh từ sông chính (Ô lâu) đổ ra đồng ruộng thông thẳng đến Diên sanh (Kẻ Diên), thủ phủ của huyện Hải lăng. Hồi đó việc đi lại chủ yếu là đường thủy. Các làng hạ lưu đi chợ Kẻ Diên bằng ghe thuyền, sáng chôống đi chợ, trưa về.

     Quê tôi là vùng trũng (-8 đến -10 độ so với mặt biển), độc canh lúa nước, hằng năm bị hai con nước đe dọa. Lũ Tiểu mãn tháng tư âm lịch và lũ thu đông kéo dài từ tháng tám đến hết tháng mười. Câu ca “Ông tha mà bà chẳng tha/ Làm cho con nước hai ba tháng mười” đã nói lên cơn lũ dai dẳng và khốc liệt ấy.

     Là vựa lúa của huyện Hải lăng nhưng trước đây chưa có hệ thống tưới tiêu nên có làm mà không có ăn. Đầu tháng tư lúa bắt đầu chín, lũ Tiểu mãn đe dọa. Lúa đang xanh cũng gặt, gặt không kịp nước cuốn trôi. Thế là đi đứt vụ mùa thu hoạch chinh. Quê tôi không có đất trồng hoa màu nên rau không có mà khoai sắn cũng không. Người dân thật vô cùng khốn khổ. Sau tháng ba, tháng tư quả là tháng khốn tháng nạn. Nhớ lại, năm 1999, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm xã Hải hòa trong trận lũ khủng khiếp đó, thì nhân dân cả nước và bạn bè Quốc tế đều biết đến mảnh đất vùng sâu này.

2. Địa danh

            Tôi chú ý bốn từ “RA CHỢ KẺ DIÊN” Thông thường, đến một nơi nào đó người ta dùng từ: đi, về. Đi đâu? về đâu? Quảng trị quê ta còn dùng nhiều từ khác: vô, ra, lên, xuống, qua, lại ví như vô Sài gòn, ra Hà nội, lên rừng, xuống biển, qua chợ (cách sông)…dĩ nhiên không nói ngược lại là ra Sài gòn, vô Hà nội.

           Ta xem chợ Kẻ Diên là điểm đến là trục tọa độ để xét. Nội hạt huyện Hải lăng: Hải thượng xuống chợ, Hải khê lên chợ, Hải quy vào chợ và các xã từ phía cực nam Hài lăng là ra chợ. Thế “ra chợ kẻ Diên” phải chăng các làng từ chợ vào các làng giáp Thừa Thiên Huế, là cội nguồn xuất xứ bài ca dao này.

            Những ý kiến trên đây, bước đầu tôi tự xác nhận là nơi xuất xứ và cho là đúng bởi trong tỉnh ta, cả trong nước không nơi nào có tên chợ Kẻ diên và đời sống tương tự.

            B. Những dị biệt và cảm nhận:

1. Phân tich từ dị biệt:

             Sách Văn học 10 xuất bản năm 1992 ghi là: “Còn lại ba trứng/ đẻ ra ba con/ con diều tha/ con quạ bắt/ con mặt cắt xơi/ Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi cây lên”

            Còn ba trứng đẻ ra ba con thì thật là sai vì gà đẻ trứng, ấp trứng, trứng nở ra gà con chứ gà mẹ không trực tiếp đẻ ra gà con. Còn khi chữa lại: còn ba trứng nở ra ba con nghe có điều chưa chuẩn, vì ba trứng chưa ung chắc gì đã nở được ba con. Đầu óc chị (nhân vật tiêu biểu tác phẩm - NTX) rối bời, chị nghĩ mông lung: 10 trứng ung 7 có lẽ giống gà đẻ kèm hay gà trống nhà bên còn quá non, trời nóng nực thế này liệu gà mẹ có chịu ấp cho không, lại những con “mát” tai ác bu đầy ổ, nó có đủ mạnh để đạp vỏ trứng ra không, cho nên những ngày ấp tiếp đó lòng chị như lửa đốt. Có được ba con là hy vọng cuối cùng của chị. Khi nở được ba con (mẹ tròn con vuông) chị mới thở phào nhẹ nhõm. Cái cảm giác hạnh phúc nhờ ở chữ ĐƯỢC. Câu nở ra ba con như là mặc nhiên là phải có ba con, nó không làm cho chị lo lắng hồi hộp, không đúng với tâm trạng khi vừa thực tế chứng kiến bảy trứng ung. Chữ ĐƯỢC thật hay tôi nghĩ không có từ nào thay nổi.

             Khi đã có ba con rồi lại bị tuột khỏi tay nốt. Ở đây tôi chưa phân tích nổi đau buồn của chị mà phân tích các chữ dị biệt trong các câu: Con diều tha (đúng rồi) con quạ gắp, con mặt cắt lôi chứ không phải như sách giáo khoa là con quạ bắt, con mặt cắt xơi. Vì rằng diều quạ mặt cắt là lũ ăn cướp ngày. Diều tha nó cũng tha đến một nơi an toàn nào đó nó mới dám ăn. Quạ từ trên cao rình mò sà xuống gắp (quắp) lấy gà con bay vút lên. Ta hình dung từ bắt là chủ động là ở mặt bằng như bắt gà trong chuồng, bắt tay nhau. Từ quắp mới đúng. Mặt cắt xơi thấy càng không ổn, kẻ cướp phải bay đi vội vã làm gì có thì giờ và tâm trạng thoải mái mà “xơi”. Rảnh rang nhàn rỗi mới ngồi chơi xơi nước hay đài các như các mệ trong hoàng gia triều Nguyễn “xôi không đậu cậu không xơi” Quê Quảng trị không dùng từ “xơi” trong trường hợp này.

            Đặc biệt hai câu cuối nội dung của quê tôi hoàn toàn khác với các bản lưu hành trong sách giáo khoa, những câu nghe thật thương thật thực tế .Khi đã mất cả rồi chị thốt lên câu: Lấy chi đâm nhánh nẩy chồi/ Khổ như ri chừ đà quá khổ…
          
2. Cảm nhận

       Theo tôi tác giả bài này là một nông dân trung niên, chị (đàn bà không phải đàn ông) năng động không bó tay chịu khổ mà quyết vươn lên trong cuộc sống. Đêm nằm chị vắt óc suy nghĩ: mùa màng thất bát rồi phải làm sao đây và chị đã tìm ra “phương án khả thi” là đi vay tiền mua gà nuôi đẻ. Thức ăn thì nó bươi móóc lúa rơi lúa lép trong rơm rạ, may ra được đàn gà, có rổ trứng: cái ăn cái bán cái trả nợ. Đến đây, kế hoạch nuôi gà không may bị thất bại. Chị (có lẽ một mình) cảm thấy quanh mình bao khó khăn: sưu cao thuế nặng lãi mẹ đẻ lãi con…ba con gà con bé bỏng cũng bị một lũ ác điểu hoành hành. Tại sao? Rỏ ràng trước mắt chị những ba con, cả bầy hung ác ấy. Chị ngồi thừ ra hồi lâu càng nghĩ càng bế tắc căng thẳng, chị bật lên lời kêu “Lấy chi đâm nhánh nẫy chồi”

            Lời kêu than thốt lên từ miệng người thiếu phụ thật đau xót buồn tủi não lòng. Trước mắt chị còn một thực tế nghiệt ngã là miếng ăn hằng ngày của cả gia đình , chị ngậm ngùi tự nhũ: vừa an ủi vừa động viên: “lần hồi cũng qua”. Lần hồi cũng qua như đã bao năm cái cực cái khổ cứ đeo đẳng cuộc đời chị, nên “lần hồi cũng qua” là một sự bằng lòng và xác đáng ở thời điểm đó. Trong cái lần hồi của chị tôi thấy có mầm mống vươn lên trong thời gian tới. Tôi tin thế !

             Lại nói về hai câu cuối trong sách giáo khoa “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi cây lên”. Rỏ ràng hai câu này là lời khuyên của người ngoài cuộc, mặc dầu có ý tốt là gặp thất bại cũng đừng chán nản, nhưng lời khuyên nghe chung chung, dễ dãi, trơn tuột, vay mượn, khuyên cho ai ơi…Lời khuyên không thấu cái nỗi mất mát đau buồn cụ thể của chị. Mặt khác từ đầu bài cho đến câu “mặt cắt lôi” là đoạn chị kể về cuộc sống, về kế hoạch làm ăn và những điều bất lợi xẩy ra. Nào ! ta đã thấy chị than thở gì đâu, mà ai đó vội khuyên: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi cây lên”. Theo tôi, đưa nhân vật thứ hai (người khuyên) vào là thừa và làm giảm đi cái chí khí của người nông dân tiêu biểu trong cuộc vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để giành sự sống… Chỉ một nhân vật là đủ. Chị ta tự nói lên “lần hồi cũng qua” đó mới chính là lạc quan yêu đời mà nhiều bài viết đã đồng tình. Xin nói thêm: người ngoài khuyên, là khuyên, mới là khả năng chưa biến thành hiện thực, cho nên tôi thấy người trong cuộc nói lên: thua keo nay bày keo khác, ấy mới chính là logich của tác phẩm.

            Tôi không dám khẳng định bài ca dao là của Vĩnh Hưng, Hưng Nhơn làng tôi, nhưng có góp phần thì cũng có lý, bởi địa lý, cuộc sống, nỗi lòng y hệt nhân vật trong tác phẩm “10 quả trứng”

Bài do anh Lê Đăng Mành giới thiệu,
                                            xin mời các bạn đọc và cùng trao đổi với
Nguyễn Thanh Xuân
Quê thôn Hưng Nhơn, Hải Hoà, Hải Lăng, Quảng Trị.
Thường trú 487/2 Đường Cổ Nhuế, Từ liêm, HN.
Đt : (04) 62650037- 0986 465 346


Ảnh của Nguyễn Như Khoa




***

No comments: