Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 14, 2015

CON VỊT QUA CA DAO - Nguyễn Khắc Phước


Mùa hè, bạn thường về miền quê để du ngoạn hay thăm bà con, làng xóm, quê cha đất tổ. Thật thoải mái biết bao khi đi ngang qua cánh đồng lúa xanh rì, gợn sóng bồng bềnh mát rượi nhờ ngọn gió nồm êm ái. Nhưng cảm giác thoái mái tràn trề hơn hơn khi thấy trên cánh đồng ấy có một hồ nước điểm những hoa sen trắng hồng, hoa súng tím vàng và một đàn vịt đang bơi hiền hoà trên mặt nước. 

Cảm giác thoải mái lên đến tột cùng khi bạn nghe văng vẳng đâu đây giọng hò của anh nông dân đang đạp guồng nước và chị thôn nữ đang nhổ cỏ lúa trên đồng. Câu hò như thế này:

- Con vịt nó kêu "cặp, cặp"
Nó kêu không hồi không chặp, kêu khắp dòng sông
Kêu "Đào hoa giang thượng tương chiếu hồng"
Kêu trai chưa vợ, gái chưa chồng thành đôi
Kêu rồi nước chảy hoa trôi
Tiếng thời kêu "cặp" nhưng mồ côi một mình 

- Con gà nó kêu "chiếc, chiếc"
Hắn kêu tha thiết, kêu cả năm canh
Kêu: "Cô sản lưu thủy bất vị thần"
Trời kia khéo để duyên lành nhở nhơ
May mô ngộ gặp tình cờ
Tuy rằng kêu "chiếc" nhưng bây giờ thành đôi.

Vịt lội trên đồng, vịt trong câu hò, câu hát. Con vịt gắn liền với đời sống đời sống kinh tế cũng như tình cảm của người nông dân. Nơi nào có đồng, có ruộng, có cái ao nho nhỏ là nơi ấy có vịt, thứ gia cầm dễ nuôi, ít bệnh tật hơn gà.


Không kể những người nuôi vịt chạy đồng để làm kinh tế, bất cứ hộ gia đình nào cũng nuôi dăm con vịt chủ yếu để lấy trứng hoặc giết thịt. Người nông dân hằng ngày qua bữa bằng dưa cà còn vịt thì dành cho những dịp quan trọng:


Ra công trồng một vườn cà

Cà đem muối mặn cả nhà ăn chung

Vịt gà nuôi béo nhốt lồng

Chờ khi giỗ chạp, vặt lông cúng thờ.


Đôi khi ông chồng muốn làm một con để ăn cho đỡ thèm thì bà vợ khoát tay:


Thôi thôi đừng vịt đừng gà

Cà non chắm mắm, cà già làm dưa


Hoá ra thịt vịt đối với người nông dân là một món ăn sang trọng, chỉ dành để cúng ông bà. Cụ Nguyễn Khuyến viết :"Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà", bỏ lơ chuyện đuổi vịt vì có lẽ cụ không nuôi vịt (nếu có vịt thì rất dễ đuổi bắt, dù vườn rộng rào thưa), còn những người nông dân mặc dù hiếm khi tự cho phép mình ăn thịt vịt nhà nhưng khá rộng rãi với khách khứa :


Ao ta ta thả cá chơi

Vườn rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà

Quanh năm khách khứa đến nhà

Ao vườn sẵn có lọ là tìm đâu.


Hay là : Khách đến nhà không gà thì vịt.


Vịt nuôi đại trà là vịt thương phẩm. Người thành phố không mấy ai nuôi vịt nhưng có thịt vịt để ăn quanh năm. Thịt vịt là món bình dân. Sáng ra mới mở mắt thì đã nghe rao:


Cháo gà cháo vịt cháo thịt cháo cua

Cháo rùa cháo ếch cháo lệt cháo lươn

Mới ra đường nóng hổi, vứa thổi vừa ăn

Cháo đây!


Ngoài thịt vịt, trứng vịt lộn cũng là món ăn khoái khẩu của người Việt ở thành phố. Nhà văn Lê Phi đã viết về nghề bán trứng vịt lộn ở Huế như sau : Thành phố Huế vào khuya, lẫn trong tiếng động cơ thưa thớt là những lời rao: “Ai lộn đây… lộn nào…” nhọc nhằn của những phụ nữ nghèo mưu sinh chốn thị thành nhờ thúng trứng vịt lộn . (Lê Phi, Dân Trí, 20-4-08).


Những cái tên của các bà, các chị đã đi vào ca dao :


Ở Phú bài có cô Chín, cô Hai

Ở An Cựu có bà Tú , bà Cai, bà Nghè

Trong thành nội có mấy o bán chè

Ngoài thành nội có mấy bà bán hột vịt lộn rao rè cả đêm.


(Bà Tú, bà Cai, bà Nghè mà phải đi bán trứng vịt lộn thì các bạn có thể đoán câu ca dao nầy xuất hiện vào thời điểm nào.)


Người sành ăn thịt vịt biết chọn vịt nào để làm thịt:


Vịt già, gà non.


Thịt vịt thì hiền nhưng trứng vịt thì người đang ốm phải coi chừng :


Gà độc thịt, vịt độc trứng.


Thịt vịt và trứng vịt là thực phẩm cho người, còn vịt con thì :


Bao phen quạ nói với diều

Ngả Kinh Ông Hóng có nhiều vịt con.


Con vịt không chỉ là thực phẩm hay thương phẩm mà hình ảnh hiền hoà dễ thương của nó xuất hiện trong nhiều tình huống, làm vật trung gian tạo điều kiện thuận lợi để con người giao tiếp với nhau.


Ao bèo, hồ sen với đàn vịt lội là nơi nhiều mối tình quê nẩy nở:


Chiều chiều vịt lội bàu sen

Để anh lên xuống làm quen với nàng




Chiều chiều vịt lội bờ làng

Thương người áo trắng vá quàng nửa vai


(Vịt lội bàu sen mà em cũng có thể đang lội bàu sen, đang chăn vịt hay hái bèo. Có em thì có vịt. Em và vịt, hai hình ảnh gắn liền nhau. Vịt dễ thương mà em cũng dễ thương.)


Và là nơi hẹn hò của bao cặp tình nhân:


Ngập ngừng vịt lội ao sen

Bữa nay gặp lại người quen tôi mừng.


(Vịt xuất hiện thì em cũng có mặt. Vịt là dấu hiệu của em. Vịt là cầu nối, là kẻ mối mai se kết cho tình duyên của anh và em. Thương em, thương cả... đàn vịt của em.)


Thế nên khi phải xa nhau thì hình ảnh con vịt  gợi nhớ đến người mình yêu.



Nếu là phụ nữ có chồng đi xa thì:


Vịt nằm bờ mía rỉa lông

Cám cảnh thương chồng nhạn lạc đằng xa.


Người đi xa lại cảm thấy lo lắng cho người yêu, người vợ đang ở quê nhà vào mùa nước nổi:


Chiều chiều vịt lội mênh mông

Cầu trôi ván nổi ai bồng em qua.


Khi nước lớn, con vịt lội tung tăng chẳng có gì nguy hiểm còn người con gái một thân một mình bên giòng nước xiết thì biết bao là hiểm nguy.


Khi đôi uyên ương quyết định thành vợ chồng thì con vịt cũng là món sính lễ :


Người ta giàu thì đầu heo nọng thịt

Tụi mình nghèo thì cặp vịt, đôi bông

Sao mai mọc buổi hừng đông

Ước sao nên vợ nên chồng thì thôi.


Hình ảnh con vịt còn đi vào ngôn ngữ dân gian.



Khi uống vào mấy xị thì ông nào cũng hăng tiết vịt, phê bình bạn mình là đá gà đá vịt, nghĩa là làm ăn qua loa. Hai bên cãi nhau, ông nói gà bà nói vịt, chẳng ai hiểu ai. Nói quá đến khi khan cổ thì nói khàn khàn như vịt đực.


Có cô gái Miên lai Tàu đi ngang qua, các ông chê là đầu gà đít vịtthấp lè tè như vịt.


Các thầy cô giáo thường khổ sở vì các học sinh lười biếng, nói không chịu nghe, khuyên bảo gì cũng như nước đổ đầu vịt. Nhiều học trò thời nay suốt đêm thức chơi game và tới lớp thì ngủ gà ngủ vịt. Nếu lỡ quát mắng hay đánh học trò thì không dưng phải vạ vịt. Trẻ con cùng lứa tuổi thì xấp xỉ ngang nhau, như trứng gà trứng vịt. Có đứa thông minh, nhưng trò ra trò, thầy ra thầy, trứng không thể nào khôn hơn vịt.


Tội nghiệp những đứa trẻ mất mẹ phải sống với mẹ kế, bởi vì: Mẹ gà con vịt chít chiu. Mấy đời dì ghẻ mà yêu con chồng.


Mẹ gà yêu con khác giống nhưng dì ghẻ lại ghét con của chồng - người mình yêu thương; như vậy con người tệ hơn con vật. 

(Ca dao thì vậy nhưng thực tế thì khác: Lúc nhỏ không nhận ra, nhưng sau một hai tuần trộng trộng, gà mẹ biết là không phải con mình, thường mổ cắn để đuổi đi.)


Trong bức tranh miền quê, hình ảnh con vịt trên hồ sen đem lại cảm giác an bình. Hình ảnh ấy gắn liền với miền quê, gắn liền với những tình cảm thật thà chơn chất, gắn liền với với những gì thân thương nhất như người yêu, người vợ, người chồng và đôi khi cả người mẹ nửa :


Lắng nghe chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.


Mặc dù đó là con vịt trời nhưng cũng là vịt đấy thôi.


Con vịt có nhiều ý nghĩa như thế, thịt vịt đối với người dân quê quý giá đến thế nên mẹ của bạn và cả gia đình bà con đang trông ngóng bạn về để thết bạn một bữa thịt vịt, thứ vịt đã được vổ béo bằng lúa chín rụng sau mùa gặt, bằng con tôm con tép dưới ao' bằng con giun, con dế trong vườn, là thứ thịt vịt ngon không thể nào tả được, và đặc biệt thơm tho tình cảm quê hương.


Mai bạn có về quê, cho tôi về cùng với nhé.


                                                  Nguyễn Khắc Phước

1 comment:

Anonymous said...

Bài viết rất hay...