Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 11, 2012

Cáp Xuân Tú - CHẠP MÃ


Chạp mã là cách gọi dân dã của người làng tôi – Làng Trà Lộc. Theo tiếng phổ thông hay văn hoa một tý gọi là tảo mộ. Hàng năm vào rằm tháng Chạp, lúc đã xong việc cấy lúa vụ đông xuân, thời gian nông nhàn thì các họ tộc, chi phái trong làng tập trung con cháu đi chạp mã. 


Đây là nghĩa vụ thiêng liêng mà con dân trong làng phải thực hiện. Đây cũng là dịp để con cháu sau một năm làm lụng vất vả quay về tụ hội. Đây cũng là dịp anh em có thể gặp nhau đông nhất chứ đến ngày Tết ai cũng bận rộn những công việc riêng, mỗi người mỗi đường.


Những người đang ở trong làng đi làm ăn nơi khác, đến dịp này phải sắp xếp công việc dành ra vài ba ngày. Kẻ ở xa quê cũng lặn lội trở về; không những người ở các địa phương xung quanh tỉnh Quảng Trị luôn nhớ ngày chạp mã mà những người tha phương tận miền Nam như Xuyên Mộc, Long Khánh, Bắc Ruộng… cũng tìm về thăm quê trong dịp này. Vì vậy mà những ngày chạp mã cả làng vui hơn cả ngày Tết. Nhà nào cũng có bà con ở xa về, anh em trong gia đình hàn huyên tâm sự, bà con lâu ngày có dịp hỏi han chuyện nhà, những người đồng trang đồng lứa mở thêm mấy bữa nhậu rôm rang khắp làng.




CHẠP MÃ HỌ
 

Đối với họ Cáp của tôi, đi chạp mã họ bao giờ cũng vào sáng Mười bốn tháng Chạp. Họ có 3 ngôi mộ tổ nên cả họ làm chốc lát là xong. Hơn nữa mộ tổ được xây cất thành lăng rất lớn nên việc đắp đất, làm cỏ không còn vất vả như xưa.

Ngày xưa khi tôi còn niên thiếu, được về làng theo cha đi chạp mã họ là một điều vinh hạnh vì chạp mã tổ họ chỉ dành cho những người trung niên trở lên.

Tôi phải thức dậy từ sớm, đêm trước phải đạp xe đạp về ở lại. Trời mùa Đông, không quen dậy sớm nên thấy rét và cay xè con mắt nhưng vì thích thú nên tôi tỉnh táo ngay, lục đục ra bể nước đánh răng rửa mặt. Nhà bác chưa có điện chỉ có đèn dầu tù mù cùng với ánh lửa hắt ra từ bếp đun rơm mà bác gái đang ngồi nấu cơm. Bác gái dậy từ lâu rồi, bác nấu xong cám cho heo, làm mâm bánh đúc rồi quay sang nấu cơm để chúng tôi ăn sáng.


Tôi vác cái trang. Cha và bác vác cuốc. Bác trưởng họ mới được cầm rựa để phát cây và bác cầm thêm ba thẻ hương. Đạp xe từ làng đến mộ tổ họ gần 3 cây số. Mộ tổ nằm bên bờ trằm, trong rú Giàng. Sương sớm chưa tan. Gió bắc thổi nhẹ đem theo hơi nước lạnh buốt. Bầy le le vịt nước đang ăn sớm ngoài trằm tiếng kêu ríu rít. Tôi đến nơi đã thấy các chú, các bác có mặt khá đầy đủ. Bác trưởng họ vào thắp hương rồi ra lệnh cho mọi người cùng làm. Người thì lên nấm làm cỏ rồi vớt đất ở dưới chân đắp lên nấm. Người thì làm sạch cỏ xung quanh mộ và đường đi. Mộ tổ to đường kính 8 đến 9 mét, cao gần một mét nên việc đắp cát lên hơi khó. Nhưng mỗi người một tay, làm nhanh lắm. Vừa làm, các bác vừa nói chuyện râm ram. Chuyện nhiều nhất vẫn là những chuyện của quá khứ.


Công đoạn dùng trang là công đoạn sau cùng. Lúc đó tôi dùng trang để làm bằng mặt cát trên mộ, trên đường đi. Tôi là dân cầm bút, cày đường nhựa nên làm không thể nào phẳng đuợc. Bác để cho tôi trang qua rồi bác trang lại. Mặt cát phẳng lỳ như ủi.


Dạm trưa thì tất cả đinh họ quay về nhà thờ để cúng tế. Các bác lên hương đèn, khấn vái đúng theo nghi lễ. Tiếng trống tiếng chiên gióng lên vang động cả làng. 


Ba bàn hương án đặt ở ba gian nhà. Nhà thờ họ làm theo kiểu nhà bánh ít, 3 gian 2 chái. Cột lim láng bóng. Kèo cột được khắc chạm rồng phượng, hoa văn rất tinh vi.


Một không khí trang nghiêm khó tả. Khói hương trầm nghi ngút. Các bác lạy nhiều lắm, tôi không thể đếm hết.


Lễ cúng xong là con cháu hưởng lộc. Chiếu hoa trải thành ba hàng. Mọi người ngồi mâm theo thứ bậc. Chính giữa gian thờ là các bậc cao niên và cao chức. Có lần tôi cũng được ngồi với các bác ở đó. Mâm cỗ lúc nào cũng đơn giản là đồ xôi và thịt heo. Mấy o (cô) khéo xáo xôi thật. Xôi khô mà dẻo và thơm lại ăn kèm với thịt heo chắm nước mắm biển mặn mặm cay cay của ớt nữa, thật tuyệt vời. Cái cảm giác ấy làm tôi luôn nhớ mãi, mong được về vào ngày chạp mã họ để được thưởng thức món dân dã ấy. Thêm vài tép rượu gạo, câu chuyện các bác, các chú, các anh cứ xoay quanh. Từ chuyện làm ăn, học hành, đến chuyện góp tiền xây dựng nhà thờ hoặc xây lăng… 




CHẠP MÃ PHÁI


...Đó là chuyện chạp mã họ. Còn chạp mã phái có nhiều chuyện để nói nữa. 


Những năm trước đây, các gia đình trong làng chủ yếu làm nông, trồng lúa nên thanh niên trai tráng nhiều, đã định từ xưa chạp mã phái là ngày Mười Ba tháng Chạp – tức là trước chạp mã họ một ngày. Nhưng bây giờ, con cháu đi làm công chức, cán bộ Nhà nước, đi ra khỏi làng làm ăn khá nhiều nên các bác phải chọn ngày Chủ nhật gần ngày Rằm nhất để chạp mã. Như vậy mới có nhiều con cháu trở về.


Mồ mã trong phái thì nhiều lắm, nằm rải khắp rú làng. Nhưng tất cả cũng quy lại bám xung quanh bờ trằm, kéo từ bên phía Đông cho đến bên phía Tây. Ngày xưa, các cụ tổ lo giữ đất làng nên mộ của ông tổ phái hoặc cao tằng cố tổ đều nằm biên giới với các làng xã khác như chôn lên tận động Cát Tiên, sát xã Hải Vĩnh. Đi xe máy phải gửi lại ở xóm Phường – sát với truông cát, sau đó đi bộ vào tận sâu phía trong. Từ đó lên đến đám mộ xa nhất cũng gần 4 cây số, đi theo đường mòn chỉ có cát và cây bụi lúp xúp. Mùa này mà trời nắng thì còn dễ đi chứ trời mưa như mấy hôm nay thì khá vất vả. Đi chen qua bụi cây nước mưa đọng trên là rơi cả vào người ướt hết.


Những năm sau này kinh tế khá giả nên các nóc nhà con cháu về xây lăng hoặc cuốn nấm mộ nên công việc đở vất vả hơn. Mộ chôn truông cát, về mùa nắng gió Lào thổi cho cát bay cát chạy hết làm nấm mộ lệch về phía dưới gió. Nên trước khi đắp lại nấm mộ thì phải đo lại tâm. Theo thói quen, làng tôi ngoài việc chôn bia ở đầu, người ta còn trồng thêm một cây chổi hay cây gió ở phía dưới chân. Đây chính là 2 mốc chuẩn của nấm mộ.


Trời mưa không mang áo mưa thì ướt, mà mang vào thì lại nóng. Khi đi trời lạnh mang nhiều áo, cuốc vài nhát cả người nóng lên. Mồ hôi đổ ra không thoát được cứ thấm chặt vào trong các lớp áo quần. Rồi cát lại bán lên cuốc, lên quần, lên áo. Thực ra, không có ai phàn nàn điều này.


Các bác lớn tuổi cầm con rựa, cầm thêm mấy bó hương và con cúi rơm để giữ lửa thắp hương thắp thuốc lá. Lũ trẻ con mang vác trang. Còn lại mang cuốc. Rú truông dạo này kiểm lâm huyện không cho chặt tỉa nên càng năm càng um tùm. Một năm về được một lần nên không cẩn thận thì lạc ngay.


Xen kẻ giữa công việc là những câu chuyện, những lời thăm hỏi. Đặc biệt là những câu chuyện về người đã khuất. Chuyện tốt cũng có, chuyện xấu cũng có. Các bác luôn nhắc nhở cẩn thận từng ngôi mộ, mộ này của ai, con cháu họ thế nào… có lẽ như vậy con cháu mới nhớ hết từng ngôi mộ của dòng họ mình. Các bác luôn nhắc đến những ngôi mộ nằm tách biệt, riêng lẻ, bởi vì dễ quên và con cháu cũng ít về.


Số mộ nhiều nên thường phải làm hết một ngày. Xong phần làm mộ con cháu quay về nhà thờ phái để làm lễ và tất nhiên là ăn cổ. So với mâm cổ nhà thờ họ, thì mâm cổ phái sung túc hơn, rôm rả hơn. Kinh phí mỗi trai phái phải nộp. Anh em chúng tôi ở xa về bao giờ cũng có thêm tiền cúng phái ngoài khoản tiền nghĩa vụ phải nộp. Cũng vì thường là muốn cho câu chuyện rộn rả, lâu một chút thì phải có chất xúc tác. Ngày xưa kham khổ uống rượu gạo do bà con trong làng nấu, bây giờ thì dùng toàn bia Huda thôi. Mâm ngày xưa rau củ nhiều bây giờ thì thịt tràn mâm. Có một món truyền thống không hề vắng là cá lóc kho khô bắt cong. Cá lóc được kho với nước mắm biển và gia vị qua ít nhất 10 lần lửa, một ngày được đem ra kho một lần. Thịt cá khô xơ thành sợi ăn riêng với cơm trắng thì ngon tuyệt.


Anh em cùng phái mới xa mấy đời nên thân nhau lắm. Thấy cảnh con cháu sum vầy, vui vẻ các bác vui mừng ra mặt. Các bác luôn động viên con cháu học hành, làm ăn và không quên bày tỏ ước nguyện của mình muốn làm cái gì đó cho ông bà tiên tổ như xây lại nhà thờ, quy tập mộ… Tất nhiên kết thúc lúc nào cũng bằng một cuộc họp toàn trai phái để hoạch định cho các ông việc sắp tới.
Riêng tôi cứ mỗi mùa chạp mã tôi càng thấy yêu lắm quê mình dù nơi ấy tôi không sinh ra và không lớn lên, vì nơi ấy là quê cha đất tổ, nơi tổ ấm tràn đầy tình thương bà con cô bác họ hàng. Ôi quê tôi…


09.01.2012
Cáp Xuân Tú
capxuantu@gmail.com


2 comments:

Anonymous said...

tra loc phan nhieu ho LE^ , ho CAp nhu tac gia nghe la that
cam on bai viet cua tac gia nhieu
than ai
DHL

Cáp Xuân Tú said...

Trà Lộc có 5 họ khai canh. Họ Dương, Họ Cáp và 3 họ Lê khác nhau không phải anh em dòng họ. Nện trai Lê này có thể lấy gái Lê kia.