Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 31, 2011

VÕ XUÂN TƯỜNG - TRẦN LẪM "LIỆT TRUYỆN"



VÕ XUÂN TƯỜNG
Quê quán : Gio Linh. Quảng trị
Lớn lên, sống và làm việc tại Hà Nội
Chuyên viên cao cấp 6/6
Nguyên Vụ trưởng Bộ Ngoại giao
Huân chương Lao động hạng nhất

CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Rừng Tắc Kè, tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn,
Hai Kẻ Đơn Côi, tập truyện ngắn, NXB HNV
Ảo Giác, tiểu thuyết, NXB HNV
Những Kẻ Lỡ Vận, tiểu thuyết, NXB HNV
Những Người Muôn Năm Cũ, tiểu thuyết, NXB HNV


TRẦN LẪM "LIỆT TRUYỆN"
Truyện ngắn


Trần Lẫm không làm quan to, chẳng là danh tướng, cũng không phải là những "thích khách", "du hiệp" trọng nghĩa khinh tài. Khi còn trẻ, Lẫm nuôi chí lớn, ôm mộng Quản Trọng, Trần Bình, bụng đầy kinh sử, đầu nhiều kế lạ mưu hay nhưng không được dùng. Về vườn, nhờ làm "mưu sĩ" cho vợ mà nổi danh, hiến nhiều kế lạ giúp vợ từ một người nuôi gà trở thành một trọng thần vinh hiển giàu sang, thân toàn, danh vẹn. Tôi đọc bảy mươi thiên liệt truyện của Tư Mã Tử Trường chép từ thời Hoàng Đế đến thời Vũ Đế không thấy có chuyện nào như vầy nên chép vào đây để biết rằng dẫu có khác nhau song "hào kiệt" đời nào cũng có.


Trần Lẫm sinh ở thời chúng ta, sống suốt cả thời bao cấp đến thời đổi mới. Hắn chỉ là một con người rất bình thường, dung mạo không có gì xuất chúng: chân ngắn, tay ngắn, lưng dài, đầu to, mặt dài, tóc rễ tre.... Trên khuôn mặt hắn cái gì cũng nhỏ, mắt nhỏ, miệng nhỏ, cái mũi nhỏ và dài chia đôi khuôn mặt thành hai phần như "giải phân cách cứng" trên các đường cao tốc. Lẫm già trước tuổi, khi nào cũng mặc chiếc áo "đại cán" màu ghi, hàng khuy có bốn chiếc thì ba màu khác nhau, trong túi hắn bao giờ cũng có một cuốn sổ tay bìa đen, không biết hắn ghi chép những gì và cứ dở ra xem trước mỗi lần họp. Nhiều người sợ hắn, mở miệng ra là hắn phê phán, hắn gán cho bạn bè những tội mà hồi ấy chúng tôi không biết nó nằm ở điều mấy, luật nào, mức độ nghiêm trọng đến đâu, ai đó trong lớp mắc khuyết điểm hắn đứng dậy chỉ mặt:"Đấy là bệnh ấu trĩ tả khuynh", đối với người khác hắn bảo:"Đấy là tính cuồng nhiệt tiểu tư sản"...Lúc đầu, nghe hắn phê, chúng tôi hoảng lắm nhưng về sau thấy không ai bị làm sao nên cũng không sợ nữa nhưng dù sao đối với hắn nhiều người cũng dè chừng. Tôi thấy hắn lạ nên phục và thích chơi với hắn. Hắn có nhiều cái hay, biết đối nhân xử thế, tuy học hành vào loại làng nhàng nhưng các mặt hoạt động khác hắn rất sôi nổi. Về mặt xã hội, hắn tiến trước tôi một bước dài. Hắn là ủy viên ban chấp hành chi đoàn, cảm tình đảng, còn tôi chỉ là "Bạch vệ" chưa đoàn, chưa đảng gì trọi! 


Ngoài cái tội tập làm người lớn, học cung cách nói năng của người lãnh đạo khiến nhiều người không ưa, hắn cũng là thằng chơi được. Học xong cấp ba, hắn bảo tôi:
- Tớ sẽ thi vào khoa Trung văn trường đại học sư phạm.
- Cậu định làm ông đồ, gõ đầu trẻ đấy à? Buồn chết, tôi bảo.
- Cậu nhìn thiển cận quá, con đường của tớ là tiến làm quan, thoái làm thầy, "Đường mây rộng thênh thênh cử bộ.."cứ thế mà đi chẳng băn khoăn gì cả, hắn bảo.
- Làm thầy thì chắc chắn rồi, còn cậu định "làm quan" bằng cách nào thì tớ chịu! Tôi nói.
Hắn cầm cái thước gõ mấy cái vào đầu tôi rồi bảo:
- Tớ tưởng cậu đọc nhiều, thông kim bác cổ, kể chuyện Trương Nghi, Tô Tần, Lý Tư, Ngô Khởi... vanh vách nào ngờ cậu nông cạn quá vì khi đọc cậu chỉ nghĩ đến họ là những con người sống ở thời Xuân Thu Chiến quốc, thời cách ta hai ba ngàn năm mà không nhìn thấy những con người như thế đang sống trước mắt chúng ta, nên không rút ra được bài học gì bổ ích cho cuộc sống của mình.
- Tôi bái phục ông, nhưng xin chịu, tôi nói, ông đem chuyện của thời nông nô, thời phong kiến lạc hậu tối tăm để ứng dụng vào thời đại văn minh tiên tiến ngày nay thì có trời mới hiểu được!
- Càng nói chuyện với cậu, càng thấy chán và khinh cậu quá, không ngờ một học sinh được xếp loại "xuất sắc toàn diện" như cậu mà chỉ biết nói theo lời của mấy cái loa phát thanh công cộng treo ngoài cột đèn! Lẫm bảo tôi rồi nói tiếp:
- Đúng là mấy ngàn năm qua khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật có những bước tiến kì diệu nhưng khoa học về xã hội nhân văn, về con người, về phép cai trị.. không khác gì nhau: Tào Tháo chém đầu Vương Hậu trước ba quân vì tội tham nhũng quân lương, nhưng lại cho đem thây về quê quán làm tang lễ rất trọng thị theo nghi thức quan đại thần, tuyên dương công trạng to lớn của Hậu, lại cho con trai của ông được tập tước cha. Làm vậy trước mặt ba quân Tháo được tiếng là người thanh liêm, chính trực, công minh. Ở hậu phương, nhân dân coi Tào Thừa tướng là người thủy chung, chính sách cán bộ chu đáo, còn cái việc Hậu cắt xén quân lương theo lệnh của Tháo thì chỉ có hai người biết thôi, giờ, một người đã bị giết coi như không ai biết điều này ngoài Tháo. Lại còn việc Lưu Bang phong tước "thập phương hầu" cho Ung Xỉ một kẻ thù không đội trời chung của mình để được tiếng là người đại lượng bao dung nhằm thu phục nhân tâm, củng cố chiếc ngai vàng đang mong manh của mình, trong khi đó lại đang tâm giết Hàn Tín một đại tướng, đệ nhất công thần đã từng cùng mình vào sinh ra tử cũng chỉ vì sợ uy thế của Hàn Tín lớn quá làm lu mờ ánh hào quang thiên tử. Những chuyện như thế nhiều vô kể, học cả đời không hết, học mấy đời không hết. Tớ quyết định đi học Trung văn để có thời gian nghiên cứu nhiều hơn về lĩnh vực này!
- Thế cậu định bắt đầu sự nghiệp bằng cách nào? Tôi hỏi.
Hắn cười:-Cậu chấp nhận "Tổng lộ tuyến" (Đường lối chung) của tớ rồi chứ?- Tớ sẽ bắt đầu sự nghiệp bằng cách đi làm "Xá nhân!"
- Cậu mộng du mất rồi! Tôi bảo, xá nhân là người theo hầu các quan to, cố thể hiện tài năng để được cất nhắc, tiến cử, đó là chuyện đời xưa còn bây giờ vào cơ quan nào đều có biên chế, ai vào đâu là do tổ chức sắp xếp, những cơ quan quan trọng phải xét lí lịch ba đời, làm sao cậu len vào được mà đòi làm xá nhân! Cậu định học theo Lý Tư, làm con chuột béo tốt trong kho thóc nhà vua xem ra khó đấy![1]
- Được! Hắn khẳng định. Học xong tớ xin đi làm phiên dịch, hầu hết các cán bộ lãnh đạo bây giờ, cho dù có tốt nghiệp đại học cũng không nói thạo một ngoại ngữ nào do vậy rất cần phiên dịch. Trung quốc là một nước lớn, quan hệ với Trung quốc có tầm quan trọng đặc biệt, mỗi lần có vấn đề là phải "xuất tướng", mình đi theo làm phiên dịch, làm người phục vụ thế là "cờ đến tay", thế nào tớ cũng phất được.Tớ có người anh con bác cũng "đi tắt" theo kiểu này bây giờ làm to lắm! Hắn nói tiếp:" Học xưa cũng phải biết cách học, chứ không phải như cậu học thuộc lòng bài sử để được điểm năm rồi chữ thầy trả thầy không dùng được việc gì."
- Xin xem hồi sau sẽ rõ! Tôi bảo Lẫm. 


Năm ấy Lẫm đỗ vào khoa Trung văn Đại học sư phạm. Y hớn hở ra Hà Nội, nung nấu chí lớn như Lý Tư trên đường về Hàm dương kinh đô nước Tần thưở trước.
Bốn năm học đại học, Lẫm học hành chăm chỉ, không chuyện gì không đọc từ bách gia chư tử đến Thuyết nan, Cô phẩn...Đông Chu liệt quốc, Tam quốc, Thủy Hử rồi Từ Hy Thái hậu,.. Vân vân thứ chuyện, đọc đâu nhớ đấy, ai nói chuyện thời sự chính trị gì hắn cũng có điển tích minh họa nhằm
"Ôn cố tri tân". Và, như người ta nói: "Họa tòng khẩu xuất" lắm phen hắn suýt chết vì cái miệng của mình. Bốn năm trôi qua, hắn vẫn chỉ là "cảm tình đảng", không được kết nạp. Một lần hắn gặp khốn khi dám so sánh những đường lối lúc bấy giờ với cách làm của Hán Vũ Đế trước công nguyên như độc tôn Nho giáo, tố cáo lẫn nhau, lấy của nhà giàu sung vào công khố, chia cho nhà nghèo cuối cùng cả nước ai cũng nghèo, làm được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không ai để giành, không ai tích trữ vì sợ bị tố cáo là giầu! 


Ra trường, với cuốn học bạ "Học lực trung bình, mơ hồ về giai cấp", hắn được phân về dạy Trung văn cho một trường cấp ba ở huyện, đấy là một môn phụ, học sinh chán học không phải một hai đứa mà cả lớp chán học, cho điểm kém thì không đạt chỉ tiêu thi đua của nhà trường, hắn sẽ bị phê bình kiểm điểm, cho điểm khá giỏi thì day dứt lương tâm. Ở cái thời "lương tâm chẳng trọng bằng lương thực" dần dà hắn nhắm mắt cho qua, môn Trung văn của hắn năm nào học sinh cũng đạt trên 90% loại giỏi còn lại là khá. Học sinh nhìn tờ báo Hoa văn đứa bảo đấy là chữ Ấn Độ, đứa bảo chữ Ai Cập... Hắn trở thành con người vô dụng. Vợ hắn tốt nghiệp khoa sinh vật, được phân công lên dạy ở miền núi với lời hứa:"Sau năm năm hoàn thành nhiệm vụ sẽ được về xuôi và được chọn nơi công tác", hắn khoát tay bảo vợ:
- Thôi đi, đừng nghe lời hứa hão, sau năm mươi năm không biết có được chọn chỗ chôn không chứ đừng nói sau năm năm được về và chọn nơi công tác! Đúng là khát ngó rừng mơ, đói ăn bánh vẽ! Lương giáo viên 55 đồng/tháng chỉ đủ để mua được mười một cân gạo theo giá thị trường tự do, chẳng lẽ ở nhà không kiếm nổi trăm bạc một tháng hay sao?
Vợ chồng bàn nhau nuôi gà úm, mua gà con mới nở đem về nuôi khoảng một tháng làm gà giống bán ra thị trường. Kinh doanh mặt hàng này cần ít vốn, quay vòng vốn nhanh, không cần chuồng trại tốn kém.Vợ Lẫm-cô Hiền có kiến thức về sinh vật học nên làm công việc này cũng thích hợp, Lẫm suốt ngày loay hoay với chuồng trại, nhìn đàn gà lớn lên mơm mởn quên hết những buồn phiền bực dọc ở trường. Có hôm mải cho gà ăn, nhìn đồng hồ sắp đến giờ dạy, Lẫm nhúng vội tay vào chậu nước, chùi vào quần rồi chạy thẳng đến trường lên lớp quên mất cả sách giáo khoa ở nhà. Anh tặc lưỡi:"Cầm quyển sách để làm dáng vậy thôi chứ mấy chữ "Ụa mấn"( Chúng tôi) thì cần gì đến sách!" Mấy lứa gà liên tiếp thành công, tiền lãi thu về kha khá, chuồng trại được kiên cố hóa, hợp khoa học, chăn nuôi được mở rộng, đời sống kinh tế gia đình Lẫm vững vàng. Hiền phục Lẫm về quyết định sáng suốt không để cho Hiền đi dạy xa nhà. Đôi lúc cơm no rượu say, Lẫm kêu lên:"Hai sào ruộng ở đất Lạc Dương này làm tê liệt ý chí của ta mất rồi![2]", Hiền cười:
- Không làm tướng sáu nước thì ở nhà làm quân sư cho "Nữ Vương" này cũng xứng đáng chứ sao! Lẫm bảo:
- Bây giờ kinh tế ta tàm tạm rồi, người đời vẫn nhìn ta với con mắt khinh thường, cảnh giác, coi chúng ta là những mầm móng của chủ nghĩa Tư bản, em nên xung phong làm một công tác gì đó cho xã, tất nhiên là "ăn cơm nhà vác ngà voi" thôi, việc gì có tý "mầu" thì không đến phần mình. Sắp tới học sinh nghỉ hè, ở xã đang thiếu cán bộ đoàn quản lí chúng, em lại có năng khiếu hát múa, có khả năng sư phạm, làm công việc này rất thích hợp, cốt để lấy tý vốn chính trị mà làm ăn thôi.
"Được lời như cởi tấm lòng", Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã rất vui mừng, hoan nghênh Hiền tham gia công tác địa phương trong dịp hè. Hiền hăng hái tham gia, việc chăn nuôi ở nhà Lẫm đảm nhiệm phần lớn. Cũng nhờ Hiền tham gia công tác Xã, việc mua thức ăn cho gà theo giá ưu đãi của hợp tác xã tiêu thụ được dễ dàng hơn. Thành phố ngày càng mở rộng, xã của Hiền nay thành phường trực thuộc quận nội thành, trên cho một biên chế chuyên trách công tác đoàn, Hiền được tuyển dụng, có lương hàng tháng, có bảo hiểm y tế , tất nhiên nguồn thu nhập từ trại gà ngày càng lớn hơn.Từ xã chuyển thành phường là một sự thay đổi về chất, từ trồng cây gì, nuôi con gì, chuồng trại nay chuyển sang quản lí về văn minh đô thị, trật tự an toàn đường phố..đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lí phải có trình độ, trong hàng ngũ cán bộ xã cũ, chỉ có Hiền tốt nghiệp Đại học, còn lại có vài người tốt nghiệp trung cấp về trồng trọt, chăn nuôi. Mấy năm làm công tác Đoàn, phong trào thanh niên của Phường tiến bộ rõ rệt, Hiền được cử giữ chức phó chủ tịch phường, nhiệm kì tiếp theo làm chủ tịch.
Trường Lẫm cũng có sự thay đổi, môn Trung văn được thay thế bằng Nga văn, Lẫm phải đi học bổ túc tiếng Nga để về dạy, chẳng được bao lâu, trên yêu cầu Lẫm đi học tiếng Anh! Ngán ngẫm, một người cả đời ôm mộng làm Tướng quốc, làm Quân sư lại phải đi học chương trình vỡ lòng cho đến bạc đầu! Anh xin "về vườn" không học hành gì nữa. Hiền đã được đề bạt làm chủ tịch quận, trại gà giải tán. Lẫm cả ngày ra vào ê a:" Khuông Hành kháng sớ công danh bạc, Lưu Hướng truyền kinh tâm sự vi.."[3] 


Đời sống của vợ chồng Lẫm bây giờ rất sung túc nhưng vì Hiền đang làm việc nên muốn ăn miếng ngon cũng phải giữ ý, muốn đi chơi, đi nghỉ đâu đó cũng ngại ngần, vẫn ở trong ngôi nhà gạch ba gian bán kiên cố xây theo kiểu nhà quê từ khi vợ chồng bán được mấy lứa gà đầu tiên! Lẫm bảo vợ:
- Anh định mở một công ty du lịch lữ hành.
Hiền trợn mắt tưởng chồng vẫn giữ thói mộng du:
- Anh đừng giận, làm ăn lĩnh vực nào cũng đòi hỏi có kiến thức, có kinh nghiệm, anh bao năm ra trường trong tay chỉ có cuốn sách Trung văn, vốn liếng từ vựng chắc không quá cuốn "Tam tự kinh", anh làm làm gì cho mệt xác, tiền bạc bây giờ thiếu gì, không mua ôtô, không xây nhà lầu hiện đại chẳng qua là còn giữ ý đấy thôi, khi em nghỉ hưu rồi vợ chồng tha hồ thoải mái! Lẫm cười, nhìn vợ:
- Em phải phấn đấu nhiều nữa may ra mới có thể trở thành Võ Tắc Thiên hay Từ Hy Thái hậu được, kế sách của anh sẽ giúp em vừa được sống thoải mái, ôtô, nhà lầu, đời sống tiện nghi mà vẫn được thăng tiến, kê khai tài sản không có gì hết ngoài tiền luơng, tất cả những thứ còn lại là do anh, một Tổng giám đốc công ty du lịch tư nhân làm ra, anh sẽ được nêu gương, lên truyền hình, sẽ thành "danh nhân đất Việt". Hàng ngày em "đi nhờ xe" BMW của anh đến cơ quan, ngày chủ nhật, ngày nghỉ, anh "bao" em đến những khách sạn năm sao, đến những khu Resort tiện nghi bậc nhất Đông Nam Á nghỉ ngơi. Anh nổi tiếng về tài kinh doanh, em nổi tiếng về sự thanh liêm, trong sạch, cả hai ta nổi tiếng, cả hai ta vinh hiển. Quản Trọng thời Xuân Thu giúp Hoàn Công làm nên nghiệp bá ở Trung Nguyên công đức cũng đến thế mà thôi!

VÕ XUÂN TƯỜNG


1. Lý Tư, Tể Tướng đời Tần khi còn là một học trò nghèo ở quê thấy con chuột chui rúc kiếm ăn trong nhà xí rất khổ sở, khi về kinh thấy những con chuột trong kho thóc nhà vua béo núc ních, bèn than rằng:"Than ôi! người ta hiền tài hay kém cỏi cũng như những con chuột kia, đều là nhờ ở hoàn cảnh đấy thôi!"

2. Tô Tần người ở đất Lạc Dương thời chiến quốc, đề xuất thuyết "Hợp tung" được phong làm tướng sáu nước, có người hỏi ông về nguyên nhân thành công, ông nói "Nếu ta có hai sào ruộng ở đất Lạc Dương thì chắc chắn không có chiếc ấn làm tướng sáu nước này."

3. "Thu hứng" của Đỗ Phủ, ý nói những người có tài như Khuông Hành, Lưu Hướng mà danh hèn, phận mỏng!

Tiểu sử trích từ truyện dài Những Người Muôn Năm Cũ
Truyện ngắn trên trích từ  xuantuong.vnweblogs.com 

Hình từ hoihanoi.vnweblogs.com 

No comments: