Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 31, 2011

HỒ SĨ BÌNH - GAM MÀU VÀNG ĐỎ CỦA BẰNG

Họa Sĩ Tôn Thất Bằng
Sinh 1964 tại Quảng Trị.

1986 – 1989: Học nhạc và nghệ thuật tại trường ĐH Mỹ Thuật Huế, Việt Nam.
Là thành viên của hội Mỹ Thuật Tp. HCM.




HỒ SĨ BÌNH - GAM MÀU VÀNG ĐỎ CỦA BẰNG


Mấy năm gần đây, Tôn Thất Bằng trở về với gia đình ở Đà Nẵng để sống và vẽ. Nhìn vào loạt tranh mới của anh, họa sĩ Phan Ngọc Minh nhận xét: “Bằng đã có một độ chín trong nghệ thuật, nhất là sở đắc gam màu vàng đỏ trên chất liệu sơn dầu khá ấn tượng...”.

Tốt nghiệp khoa âm nhạc Trường cao đẳng Nghệ thuật Huế năm 1990, Tôn Thất Bằng lặn lội vào Sài Gòn tìm việc. Giai đoạn khởi nghiệp khá lận đận. Sống xa nhà, nghề âm nhạc không đủ đắp đổi qua ngày, anh tranh thủ vẽ thêm tranh, gởi hờ ở những gallery quen biết để kiếm sống. Thời gian học ở Huế, do khoa âm nhạc gần với khoa mỹ thuật nên anh có dịp tiếp xúc, tìm hiểu và gần gũi với anh em họa sĩ. Cái vốn hiểu biết hội họa từ đấy, cộng với nỗi đam mê cái nghề tay trái đã giúp anh giải quyết được phần nào nỗi lo cơm áo trong những ngày đầu xa xứ.

Thế rồi có một lần Tôn Thất Bằng theo bậc đàn anh đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi được xem những bức tranh chụp lại của anh trong album, người nhạc sĩ tài hoa thi thoảng gật gù rồi nhỏ nhẹ: “Cái này được, cái kia lạ...”. Chỉ thế thôi, nhưng Trịnh Công Sơn chắc không bao giờ biết rằng, chỉ mấy cái gật đầu của anh đã có tác dụng quyết định số phận nghệ thuật của một họa sĩ trẻ mới tập tễnh vào nghề. Đó là tiếng gõ cửa của định mệnh và nghệ thuật để Tôn Thất Bằng tự tin hơn khi dấn thân vào hội họa.

Một vài năm sau lần gặp gỡ ấy, năm 1997 anh có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên ở TP.HCM. Trong lòng tác giả của phòng tranh khi ấy vẫn chất chứa bao phân vân lo lắng. May mắn là tranh của anh được đón nhận, thậm chí được một vài bậc đàn anh động viên, coi đó là sự xuất hiện của một họa sĩ trẻ đầy triển vọng.

Tranh của Tôn Thất Bằng thời ấy là một chuỗi ký ức tuổi thơ ở cái thị xã lặng lẽ bên sông Thạch Hãn. Tuổi thơ êm đềm không thể tìm lại và cả cái thị xã ấy gần như đã bị hủy diệt trong bom đạn chiến tranh. Có lẽ cái tâm trạng tiếc nuối quá khứ cùng những hoài niệm mênh mang đã tạo nên một không gian giàu biểu cảm trong tranh anh với những đề tài dung dị, gần gũi: những chiếc cặp học trò trên bãi cỏ, một vùng lá vàng mùa thu tuổi nhỏ, những trò chơi nhảy dây, cỡi ngựa mà bọn học trò chẳng ai không biết, chiếc áo trẻ con bỏ quên ngoài bờ dậu, buổi trưa hè rực nắng ở bến sông... và được thể hiện bằng màu sắc trong trẻo, óng mượt.

Bằng vẽ bằng ký ức, vẽ bằng sự cảm nhận của trái tim chứ không phải từ cái nhìn thấy. Bất chấp những quy chuẩn của bố cục, hình khối..., những hình và màu cứ trào ra thật tự nhiên. Nhưng đằng sau sự hồn nhiên, ngọt ngào vẫn phảng phất đâu đó trong tranh một thoáng thảng thốt và nỗi ám ảnh chiến tranh mất mát. Có lẽ sự kết hợp của hai tính chất ấy đã tạo nên một ngôn ngữ hội họa gây được cảm xúc nơi người xem.

Sau đó, từ 1997-2006, Bằng đã có những gặt hái đáng kể: hơn mười cuộc triển lãm nhóm và cá nhân tại nhiều gallery ở Singapore, Hong Kong, Brussels (Bỉ), Philadelphia, New York (Mỹ), Melbourne (Úc), Tokyo (Nhật)... Đến hôm nay, khi đã có thể sống đường hoàng bằng hội họa, khi nhìn lại chặng đường đã qua, anh vẫn chưa hết ngạc nhiên và không ngờ rằng sự tình cờ của số phận khiến anh cầm cọ thay vì chơi đàn lại đem đến nhiều niềm vui và hạnh phúc đến thế.


Loạt tranh mới chủ yếu khai thác cặp màu vàng và đỏ. Màu vàng được sử dụng trong một không gian rộng, màu đỏ nhằm tạo hình. Hai gam màu theo nhau biến tấu, trao đổi hợp lý, chứng tỏ tác giả đã tự tin hơn rất nhiều. Hình ảnh của đôi bé gái, bình hoa, bình rượu, đồng tiền xu, lá, ngựa gỗ... trong tranh của Tôn Thất Bằng dù được xử lý già dặn nhưng vẫn mang nét hồn nhiên, ngộ nghĩnh.


Những khuôn hình trong tư thế bay bổng, lãng đãng, la đà: mái tóc thiếu nữ hình bó lúa, những mái nhà nghiêng mềm rũ tóc, chiếc lá “rơi như là rơi nghiêng”, con ngựa gỗ với con mắt săm soi ngoái lại, cái bào thai bồng bềnh bắt nguồn cho sự sống... xuất hiện theo một môtip đã quen thuộc trong tranh anh nhưng không gây cảm giác đơn điệu, trùng lặp. Sự nổi trội của gam màu đỏ, vàng làm cho tranh sáng lên, vui nhộn, phản ánh tâm trạng của tác giả, không còn man mác tiếc nuối như trước đây mà đang rộn ràng niềm vui sống.

Tranh của Tôn Thất Bằng được các nhà sưu tập nước ngoài, Nhật, Hàn Quốc ưa chuộng, và có người từng đưa ra nhận xét khá lạ: ông chọn tranh của họa sĩ này vì đơn giản nó rất... khó chép, khó làm hàng “nhái”, một vấn nạn của hội họa Việt Nam hôm nay.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
READ MORE - HỒ SĨ BÌNH - GAM MÀU VÀNG ĐỎ CỦA BẰNG

Sunday, January 30, 2011

PHẠM HÒA VIỆT - XUÂN NỒNG


Thắp sáng màn đêm ấm lửa hồng

Giao thoa trời đất giữa thinh không

Chúa xuân nhẹ gót từ đâu đến

Mà đã bắc cầu tiển giá đông…


Ta đợi nàng xuân trên gác cao

Sương khuya ngây ngất nụ mai đào

Đâu đây vẳng tiếng người xưa lại

Trong khói trầm hương tỏa ánh sao…


Ta thấy thời gian chậm bước đi

Phương Nam kiều diễm nét xuân thì

Lắng nghe tiếng hát Hà Hồi vọng

Ngàn thớt voi thiêng bước diệu kỳ…


Ta uống cùng em chén rượu cay

Rét chung chăn mỏng với men say

Ta ôm trời đất cho nồng gối

Kim cổ tứ bàng vũ trụ quay…


Ta muốn bên em ngắm Xuân nồng

Trăm hoa đón nắng mới ngoài song

Cho em viết tiếp dòng tâm tưởng

Cho thỏa lòng son với má hồng…


Tặng TT

P.H.V

READ MORE - PHẠM HÒA VIỆT - XUÂN NỒNG

Saturday, January 29, 2011

LÊ NGỌC PHÁI - KÝ ỨC NGÀY XUÂN



Năm mới sắp đến rồi, con nhớ quá

Những ngày xuân yêu dấu ở quê nhà

Mẹ bận rộn suốt ngày theo chợ tết

Em phụ giúp mua sắm đủ hàng quà


Cha sửa soạn trên bàn thờ Tiên Tổ

Bình mai tươi hé nở những nụ vàng

Bộ lư đèn bóng loáng ngát trầm nhang

Mâm quả tết, cầu an khang năm mới


Đường vào sân, cỏ hoa như ngày hội

Cờ phướn bay phất phới đón xuân về

Bà nội ngồi kể chuyện tết say mê

Bên nồi bánh, tình quê in đậm nét


Chiều tất niên, con mừng năm cũ hết

Thương mẹ cha mà chẳng biết nói chi

Tự trách mình sao quá đỗi khù khì

Rồi thầm nhủ “ mẹ ơi thương mẹ lắm”


Đêm trừ tịch, bên ngoài trông im ắng

Cảnh trong nhà ấm cúng biết là bao

Anh em con chia sẻ chút tự hào

Sự đồng cảm tình yêu và hạnh phúc


Trời đã khuya, mẹ vẫn còn lục đục

Cha loay hoay cho tới lúc nửa đêm

Tiếng pháo nổ làm chúng con tỉnh giấc

Đón nàng xuân nhè nhẹ bước lên thềm


Cúng giao thừa, cha dâng lễ trang nghiêm

Mẹ kính cẩn cúi đầu lâm râm vái

Mong chúng con được mọi điều ưu ái

Thân quyến gia đình mãi mãi bình yên


Sáng mùng một, quây quần mừng tuổi mới

Mỗi thành viên chúc tết một đôi lời

Đến mùng hai, chúng con về thăm ngoại

Qua chiếc cầu tre con nhớ suốt đời


Cứ mỗi năm khi xuân sắp trở lại

Lòng bâng khuâng nhớ tới tết quê nhà

Lời mẹ dặn dò con tạc dạ:

Thế hệ tương lai rạng rỡ ông bà.


L.N.P

Trích từ tập thơ DÒNG SÔNG KÝ ỨC

NXB VĂN HÓA VĂN NGHỆ TP.HCM, 2010

READ MORE - LÊ NGỌC PHÁI - KÝ ỨC NGÀY XUÂN

Friday, January 28, 2011

LINH ĐÀN - ĐÃ ĐẾN LÚC NHÌN LẠI ÂM LỊCH




Lịch của Nhật không có ngày âm lịch

Âm Lịch đóng một vai trò cực kỳ rườm rà, rắc rối, câu nệ và dị đoan lâu dài trên đất nước Việt Nam. Nó đã tạo nên một sự nô lệ thần thánh, mà người Việt ta chịu sự áp đặt một cách phi lý. Vậy hôm nay chúng ta phải cần nhìn lại Âm Lịch, nó có thiết thực bổ ích cho con người không, hay nó là một rào cản làm trì trệ sự tiến hóa của mọi thời đại,



Âm Lịch là gì ; Nói một cách khái quát : Âm Lịch là lịch tính theo MẶT TRĂNG, người Trung Hoa cổ đại dựa theo hiện tượng đêm trăng để tạo nên âm lịch, thực ra âm lịch không phải là huyền bí như người xưa tưởng. Âm Lịch vẫn ứng dụng cho khoa thiên văn là một phần của khoa học, nhưng người xưa chưa chứng minh được mặt trời là định tinh, từ đâu có ánh sáng của mặt trăng và vòng quay của quả đất, chẳng qua họ tìm ra năm tháng ngày giờ cũng tương đối chính xác là nhờ nương theo sự hiển nhiên của mặt trăng, cộng thêm kinh nghiệm lâu đời mà có.

Cách tính tháng dựa theo hiện tượng đêm trăng tròn và đêm không trăng làm thành một tháng, tháng có 30 ngày gọi là tháng đủ, tháng có 29 ngày gọi là tháng thiếu, càng về sau người ta thấy thời tiết luân hoán nhau trong 12 tháng ấy có sự trùng họp trở lại, nên người xưa ghép lại thành một năm trong đó có 7 tháng đủ và 5 tháng thiếu; rồi cứ 5 năm lại có hai năm 13 tháng, gọi là năm nhuận, mà người xưa gọi tam niên nhất nhuận, nhị niên tái nhuận. và chia mỗi năm thành 24 tiết đế áp dụng cho nông nghiệp.



Lịch Thái Lan có ghi thêm Phật lịch

Về sau người ta thêm thiên can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) và địa chi (tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) thiên can và địa chi hòa lại (trong đó có lục giáp : giáp tý, giáp dần, giáp thìn, giáp ngọ, giáp thân, giáp tuất) và (lục ất : ất sửu, ất mẹo, ất tỵ, ất mùi, ất dậu, ất hợi ; tiếp đến lục bính, lục đinh, luc mậu, lục kỷ, lục canh, lục tân, lục nhâm, lục quý…cho đến quý hợi là 60 lần) để đặt tên cho ngày giờ, tháng năm . Nếu như âm lịch dừng lại ở đây không thêm phần bói toán, dị đoan vào thì cũng khá hoàn hảo về khoa học tự nhiên, ứng dụng cho đời sống con người vẫn tốt.

Lịch của Singapore


Bức rào cản sự tiến hóa

Càng về sau, người ta cứ thêm dần vào như ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), đem ứng dụng cho ngày giờ, năm tháng, và cứ 60 lần là có 30 ngũ hành, rồi đem áp dụng mệnh số cho con người là một việc không đơn giản một chút nào, nếu tính mạng gì, thì phải dựa vào lục giáp 2 năm một mạng ; khởi chuẩn tý ngọ, dần thân, thìn tuất. Rồi ngũ hành người ta phân ra năm loại cho một hành như dưới đây :

KIM: xoa xuyến kim, bạch lạp kim, kiếm phong kim, sa trung kim, hải trung kim, MỘC : tang đố mộc, thạch lựu mộc, dương liễu mộc, bình địa mộc, đại lâm mộc, THỦY: đại hải thủy, trường lưu thủy, giang hạ thủy, thiên thượng thủy,

HỎA: lư trung hỏa, tích lịch hỏa, thiên thượng hỏa, địa trung hỏa, sơn hạ hỏa

THỔ: lộ bàng thổ, thành đầu thổ, ốc thượng thổ, bích thượng thổ, sơn đầu thổ vv….

Do đó đã có ngũ hành là có tương sinh = Kim sinh thủy, Thủy sinh mộc, Mộc sinh hỏa, Hỏa sinh thổ, Thổ sinh kim ; đã có tương sinh là có tương khắc = Kim khắc mộc, Mộc khắc thổ, Thổ khắc thủy, Thủy khắc hỏa, Hỏa khắc kim (trong cái khắc có nhiều cái vô lý hết sức.)

Rồi người ta thêm vào 12 trực tốt xấu, ứng dụng cho mọi việc. Đó là : kiến, trừ, mãn, bình, định, chấp, phá, nguy, thành, thâu, khai, bế. ứng dụng vào tiết của mỗi tháng trong năm để tìm trục kiến… và 24 sao tốt xầu gọi là Nhị thập bát tú, đó là : giác, cang, đê, phòng, tâm, vĩ, cơ, đẩu, ngưu, nữ, hư, nguy, thất, bích, khuê, lâu, vị, mão, tất, trủy, sâm, tĩnh, quỷ, liễu, tinh, trương, dực, chẩn. Cách tính nhị thập bát tú tính theo tuần lễ dương lịch khởi Giác vào ngày thứ Năm của 4 tuần nhật để có 28 ngày , cũng không dễ dàng một chút nào .

Thật tệ hại hơn cả là tính theo 12 con giáp : Chuột : Một loài thú đáng ghét nhất, lại tôn lên đứng đầu sổ là nghĩa lý làm sao ? Rồi các loài thú 4 chân lại liên tục là : chó, heo, trâu, cọp, mèo, ngựa, dê, khỉ mà không có một loại chim quý nào đại diện cho loài cầm ở một địa chi, chỉ có gà có cánh nhưng không biết bay, rồi vẽ thêm rồng rắn vào cho có vị, 12 con giáp quả là điều phi lý hết sức khi đem áp dụng tuổi cho con người cao quý thế nầy, hỏi có uổng hay không ?

Các ngày hung thần

Ngày xấu mỗi tháng ấn định 6 ngày tam nương mọi việc đều xấu như sau : sơ tuần mồng 3 mồng 7, trung tuần 12 – 18, hạ tuần 22 – 27

Mỗi tháng có 2 ngày hoặc 3 ngày thọ tử.

Tùy theo địa chi của mỗi tháng để tính ngày sát chủ, rồi còn 4 mùa sát chủ nữa, ngày dương công sát, ngày thiên sư sát địa sư, ngày thiên cẩu hạ thực, ngày lục bất thành, ngày vãng vong, ngày phá bại, ngày cô thần quả tú, ngày hoang vu, ngày hoàng trì, ngày mộc mã sát, ngày diêm vương, ngày nguyệt kỵ, ngày ngũ hư, ngày tử thần, ngày trùng tang, ngày ngũ hổ, ngày đại hao, ngày chu tước hắc đạo, ngày châu cách, ngày nguyệt hỏa, ngày độc hỏa, ngày địa hỏa, ngày địa sát, ngày cẩu tích, ngày thiên địa chuyển sát ….còn rất nhiều và rất nhiều ngày xấu nữa vv…. Nói chung năm , tháng, ngày, giờ cái nào cũng rối rắm, tỷ như năm tuổi hoang ốc (nhà bỏ hoang), tháng cơ khát ( tháng đói khát) vv…….

Các ngày cát thần

Ngày cát thần là ngày tốt như ngày hoàng đạo, ngày bất tương, ngày vượng khí, ngày nguyệt đức, ngày thiên đức, thiên y, thiên thành, v.v.

Ngày cưới gã, và ngày làm nhà, là vô cùng vô tận khó tìm được ngày toàn nguyên, cộng với năm tuổi, ngày tuổi, tháng tuổi đều kiêng, v.v.

Xét thấy vô số vị hung thần, cát thần ấy, cơ chi có một học thuyết như tôn giáo chẳng hạn để tôn sùng, mà ở đây không một mảy may lý thuyết, thế nhưng người ta bảo phải tin tưởng rồi thành ra thói quen, nghĩ một cách chính đáng các vị thần ấy không hiện diện trên đất nước Việt Nam, nhưng trải qua 4000 năm các vị thần ấy dọa dân tộc Việt Nam, thì mình thử nghĩ thần thánh của ai, dửng dưng mà người mình phải chịu áp lực, phải cúi đầu lạy lục, thêm vào đó mấy thầy bói toán chỉ cần học thuộc mấy kiểu nói : dần thân tỵ hợi tứ hành xung, thìn tuất sửu mùi tứ hành hoại. cộng thêm thiên la địa vọng, chỉ cần quyển sách ngọc hạp, quyển vạn sự, với cái miệng múa may lưu loát : tý ngọ ngân đăng giá bích câu, dần thân hán địa siêu sài lãng, thìn tuất yên mãn tự chung lâu, hay kế hán mộc âm vv….là tha hồ đi dọa thiên hạ để kiếm tiền, đồng tiền bất chính mà quá sợ thần thánh nên tiền rất dễ vào túi thầy bói.




Người Do Thái dùng dương lịch có ghi thêm lịch Do Thái cổ


Xét về nông lịch

Dương lịch ứng dụng cho nông nghiệp thuận lợi hơn Âm lịch ; chúng ta thấy 24 tiết khí của Âm lịch, mà tính theo âm lịch thì đôi lúc xê dịch quá xa, hơn nữa nó không phù hợp cho năm nhuận, còn tính theo năm Dương Lịch thì ngược lại rất chuẩn

XEM BẢNG ĐỐI CHIẾU THỜI TIẾT ÂM LỊCH theo DƯƠNG LỊCH

Lập Xuân từ 03 – 04 tháng 2 Dương Lịch (DL) ….Vũ Thủy từ 18 – 19 tháng 2 DL

Kinh trập - 04 – 06 tháng 3 DL…..Xuân phân 19 – 21 tháng 3 DL

Thanh Minh: 04 – 06 tháng 4 DL…..Cốc Vũ : 18 – 20 tháng 4 DL

Lập Hạ : 04 – 06 tháng 5 DL…..Tiểu Mãn : 19 – 21 tháng 5 DL

Mang Chủng 04 – 06 tháng 6 DL…..Hạ Chí : 19 – 21 tháng 6 DL

Tiểu Thử hầu hết 07 tháng 7 DL…...Đại thử hầu hết 23 tháng 7 DL

Lập Thu : 07 – 08 tháng 8 DL….. Xử thử ấn định 23 tháng 8 DL

(Xử Thử theo Việt Hán Từ Điển của Đào Duy Anh)

Bạch Lộ : hầu hết 08 tháng 9 DL…Thu phân hầu hết 23 tháng 9 DL

Hàn Lộ : 08 – 09 tháng 10 DL.. Sương Giáng - - 24 tháng 10 DL

Lập Đông : 07 – 08 tháng 11 DL…Tiểu Tuyết : 22 – 23 tháng 11 DL

Đại Tuyết : 06 – 07 tháng 12 DL… Đông Chí : 21 – 22 tháng 12 DL

Tiểu Hàn : 05 – 06 tháng 1 DL… Đại Hàn : 19 – 21 tháng 1 DL

Sự sai biệt Lập Xuân của năm Âm Lịch :

Năm Canh Tý 1900 Lâp Xuân ngày 5 tháng Giêng Canh Tý (4-2-1900)

Năm Ất Sửu 1925 Lập Xuân ngày 12 tháng Giêng năm Ất Sửu (4-2-1925)

Năm Canh Dần 1950 Lập Xuân ngày 18 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (4-2-1950)

Năm Ất Sửu 1985 Lập Xuân ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Tý (4-2-1985)

Năm Canh Thìn 2000 Lập Xuân ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (4-2-2000)

Năm Quý Mùi 2003 Lập Xuân ngày 4 tháng Giêng năm Quý Mùi (4-2-2003)

Năm Canh Dần 2010 Lập Xuân ngày 21 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (4-2-2009)

Năm Ất Mùi 2015 Lập Xuân ngày 16 tháng Chạp Giáp Ngọ (4-2-2015)

Năm Canh Tý 2020 Lập Xuân ngày 11 tháng Giêng năm Canh Tý (4-2-2020)

Năm Ất Tỵ 2025 Lập Xuân ngày 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ (3-2-2025)

-Vậy ta thấy sự sai biệt của Âm Lịch quá xa, mà sai biệt của Dương Lịch chỉ một ngày không đáng kể

Sai biệt tiết của năm nhuận âm lịch 13 tháng :

Năm Kỷ Sửu (2009) nhuận hai tháng 5 =tính ngày Mang Chủng (lúa trổ đòng đòng) -Mang Chủng 13 - 5 ÂL (5-6-2009) ; Hạ Chí 29- 5-ÂL (21-6-2009),

-Tiểu Thử 15-5-ÂL (7-7-2009) ; Đại Thử 2-6-ÂL (23-7-2009)

Năm Nhâm Thìn (2012) nhuận hai tháng 4

-Mang Chủng 16-4-ÂL (5-6-2012); Hạ Chí 3-5-ÂL (21-6-2012)

-Tiểu Thử 19-5-ÂL (7-7-2012) ; Đại Thử 4-6-ÂL (22-7-2012)

Năm Giáp Ngọ (2014) nhuận hai tháng 9 =

-Mang Chủng 9-5-ÂL (6-6-2014) ; Hạ Chí 24-5-ÂL (21-6-2014)

-Tiểu Thử 11-6-ÂL (7-7-2014) ; Đại Thử 27-6-ÂL (23-7-2014)

*Vậy ta thấy sự chênh lệch của Dương Lịch không đáng kể

Nên nhớ rằng trong 24 tiết khí thời tiết trong năm, ở Việt Nam chỉ cần vài tiết lấy lệ như : Lập Xuân, Thanh Minh (tảo mộ), Sương Giáng, Lập Thu, Lập Đông chẳng hạn.

Còn Kinh Trập đã có thuốc trừ sâu rầy, Mang Chủng ngày nay người ta cấy lúa ngắn ngày, ít nhất có đến 3 lượt lúa trổ đòng trong năm, Đại Tuyết, Tiểu Tuyết thì ở nước ta không cần đến…

Thủy Triều

Nước lên nước xuống là do sức hút của mặt trăng, nhưng ít ảnh hưởng về nông nghiệp, chỉ ảnh hưởng một phần của nghề cá và thương thuyền ra vào những chỗ sông cạn, trong nghề nghiệp người ta đã quá kinh nghiệm nên không cần đến lịch.

Nhật thực, Nguyệt thực

Nhật thực nhất định xẩy ra vào ngày Mồng Một âm lịch = Mặt Trăng che Quả Đất

Nguyệt thực nhất định xẫy ra vào đêm Rằm = Quả Đất che Mặt Trăng, người xưa tin tưởng 2 hiện tượng trên là sự giao hợp của âm dương, nên mọi việc phải kỵ , và sợ đại dịch, mất mùa, lụt bảo hay sóng thần có thể xẩy ra trong năm đó, nhưng ngày nay thì khoa học đã nhận ra 3 điểm thẳng hàng ( Mặt Trời, Quả Đất, Mặt Trăng đi qua một đường thẳng) nên không ảnh hưởng thời tiết, hiện tượng nầy khoa khí tượng thủy văn ngày nay dự báo chính xác còn dễ hơn âm lịch nhiều lần, kể cả dự báo thời tiết. vì khoa học chứng minh hiện tượng, còn âm lịch chỉ kinh nghiệm hiện tượng mà thôi.



Lịch của Campuchia


Tóm lại Âm Lịch chỉ gây ra phiền toái đa đoan, từ tổ tiên ta cho đến ngày nay chúng ta phải gánh chịu cái cồng kềnh khó xử “bỏ thương, sương nặng”, “hay ít, dở nhiều”, cộng thêm cái dị đoan không đáng có trong thời đại văn minh, chúng ta hãy nhìn nước Nhật Bản, họ bỏ hẳn Âm Lịch đã ngoài 60 năm rồi, họ có nghèo đâu, mà họ càng ngày càng văn minh, nước họ trở thành cường quốc công nghiệp phát triển ngang hàng với Âu Mỹ, Nước ta cứ đeo đẵng cái âm lịch lạc hậu, nên nước ta nghèo mãi, vị thế Việt Nam là “cửa ngõ Đông Nam Á” mà cứ chịu nghèo hoài là điều phi lý. Mình thử nghĩ những nước quanh ta như Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, họ có dùng âm lịch đâu, chính ngày xưa họ là đàn em VN về mọi mặt, ngày nay mình trở lại làm em họ, thử hỏi như thế có đau không, Nước ta nghèo chính vì một phần bởi Âm Lịch mà ra. Đừng nghĩ tết Âm Lịch là tết cổ truyền, là thiêng liêng nữa, mà ta hãy đoạn tuyệt nó, cho tinh thần rảnh rang để làm ăn, để tiến hóa, không lo không sợ thần thánh quấy rầy, quở phạt ta sẽ bước xa hơn nữa.



Lịch Mả-lai


Khi đã bỏ âm lịch rồi, chúng ta sẽ chuyển các ngày lễ Hùng Vương (10-3-ÂL) và Lễ Hai Bà Trưng (6-2-ÂL), và các ngày giỗ của dòng tộc hay tư gia, qua Dương Lịch là điều không khó.

Linh Đàn

READ MORE - LINH ĐÀN - ĐÃ ĐẾN LÚC NHÌN LẠI ÂM LỊCH

Thursday, January 27, 2011

VÕ THỊ NHƯ MAI - ĐÓN TẾT


Bố và anh Hai lên đường về quê

đêm cuối năm Đà Lạt lạnh quá chừng quá đỗi

gió thốc mái tôn gió gào gió dỗi

luồn vào khớp Mẹ nghe nhức nhối trong con


mùa xuân này con đón Tết online

đón Tết qua phone nghe tiếng Mẹ ấm trong hơi thở

đọc thơ bạn đó đây yêu mùa xuân lách khách cười hớn hở

con trai con hồn nhiên chưa biết Tết quê mình


hoa Đà Lạt rực rỡ tỏa hương xa

rau củ tươi non mang về quê làm quà chúc Tết

Mẹ đùa rằng Bố khuân cả Đà Lạt ra quê trông cũng khoẻ ra phết

chị Dâu và anh Tư lo giúp mẹ thắp nhang cúng kiếng ở trong nhà


bao lâu rồi mọi người đón Tết ở phương xa

riết rồi cũng quen xem như nơi đâu cũng là quê là nhà Mẹ nhỉ

ba ngày Tết chỉ ước gì cả nhà mình cùng bên nhau hoan hỉ

các Cháu nhận lì xì, con trai con tha hồ cười tít mắt vì vui


Đà Lạt mùa này dập dìu du khách đến từ muôn nơi

xin Mẹ đừng buồn

đừng ngóng tìm tụi con trong đoàn người rảo chân trên phố

rồi tụi con sẽ về

dẫu mùa xuân đã qua

rồi mình cùng hội ngộ

rồi tụi con sẽ về ôm lấy mẹ của con


bao năm rồi con đón Tết online

may mà vẫn còn nghe nàng xuân khều lanh canh trong trí nhớ

may mà vẫn còn nghe hơi ấm của mẹ qua phone trong từng nhịp thở

bên khung cửa xứ người lặng lẽ một nụ mai

bên khung cửa xứ người nỗi nhớ xẻ làm hai


vtnm

28/11/2011

READ MORE - VÕ THỊ NHƯ MAI - ĐÓN TẾT

Saturday, January 22, 2011

LỮ THƯỢNG THỌ - CHÙM THƠ XUÂN



ĐÊM CUỐI NĂM


Gác lạnh chiếu chăn thừa thải nhớ

Thời gian trôi ta đốt thuốc tìm em

Hương phấn cũ ngày xưa em để lại

Biến thành thơ trong tuyệt lộ vô cùng.


12 / 1993



ĐÊM XUÂN


Ngập cả mùa xuân giữa biển hồng

Mây về cho tóc xoã bên sông

Chiều gom nét mực dìu hương ngát

Khuya rải câu thơ góp rượu nồng

Một khúc vấn vương nghìn nuối tiếc

Bao cung e ấp bấy chờ mong

Bước chân nhẹ quá đêm dài quá

Bút nhớ sầu ai lạnh tiếng lòng


15 / 02/ 1985



DU TỬ NGÀY XƯA


( Tặng Thanh Phong )


Xuân lại tới, ta duỗi người ngồi ngóng

Em ở đâu? Mây khó tựa trăng rằm

Vết rêu cũ trên nền xưa đã úa

Mà bóng người hun hút mãi xa xăm.

Ta trở lại ngồi bên bờ sông cũ

Em chợt về trong nỗi nhớ mông lung

Từng bóng nước, là ngàn trang kỷ niệm

Nét chữ xưa còn mãi giữa vô cùng.

Con thuyền nhỏ tuổi thơ còn dậy sóng

In bóng hình trên mặt nước lung linh

Ta lãng đãng làm thân người xa xứ

Đêm cô đơn, ôm nhớ một mối tình.

Ta rao giảng giữa phận đời nghiệt ngã

Em vô tư với giấc mộng ngoan hiền

Ta dốc ngược bầu khô ly rượu cạn

Cười nói riêng mình như một gã điên.

Và chiều nay mùa xuân lại tới

Bóng mây qua anh lại nhớ em nhiều

Anh lại nhớ thủơ em là thiếu nữ

Cuối đường về áo trắng nón che nghiêng.

Đã qua đi thời khăn mềm áo lụa

Giữa dòng đời ta ngơ ngác tìm nhau.


L.T.T

READ MORE - LỮ THƯỢNG THỌ - CHÙM THƠ XUÂN

LINH ĐÀN - TỔNG LƯỢC HỌ NGUYỄN NHẤT THÔN CẨM PHỔ - HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ


Mộ ông khai khẩn làng Cẩm Phô



I. KHÁI NIỆM LỊCH SỬ:

Đời nhà Trần phần đất Châu Ô, Châu Rí (Quảng Trị Thừa Thiên Huế ngày nay) của Chiêm Thành thuộc về Đại Việt 1307,. Sang đời nhà Hồ (Hồ Hán Thương 1402) đất nước ta được mở mang đến Chiêm Động và Cổ Lũy (Quảng Nam – Quảng Ngãi ngày nay) các triều đại người Nam đặt nền móng cai trị và Tổ Tiên ta lần lượt xuống khai khẩn miền đất mới nhưng vẫn còn thưa thớt. Mãi hơn hai trăm năm sau, Triều Lê suy vong. Tình hình chính trị thời bấy giờ, bên ngoài giặc ngoại xâm quấy nhiễu, bên trong nội bộ thanh toán lẫn nhau, Trịnh Kiểm càng ngày càng lộng hành. Và muốn tận diệt Nguyễn Hoàng, vì thế Nguyễn Hoàng nhờ người cậu ruột bí mật tìm đến nhà tiên tri Trình Quốc Công Nguyễn Bĩnh Khiêm (một danh sĩ thời Lê Mạt) bái yết để xin hiến kế, Ngài chỉ lối đến phương Nam lập nghiệp, cơ đồ sự nghiệp về sau sẽ được vững bền “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Nghĩa là một dải đất từ đèo Ngang vào, sẽ dung thân đến muôn đời sau).

Mua đông Mậu Ngọ (1558) Nguyễn Hoàng cùng các danh thần, nghĩa dõng thân tín và người đồng hương đặt chân lên Cửa Việt, rồi đóng dinh thự tại làng Ái Tử, mở đầu cho cuộc di dân có tính quy mô lớn.

Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân hậu biết trọng dụng hào kiệt, thu dụng người tài. Nên dân chúng ngưỡng mộ theo bước tiến của Nguyễn Hoàng, lần lượt xuống trấn đất Phương Nam phần đông là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh (thuộc Châu Diễn thời bấy giờ)

Đất Phương Nam đã được khai phá (?) Nguyễn Hoàng nghiễm nhiên trở thành chúa Nguyễn ở Đàng Trong, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới, Đàng ngoài thuộc về chúa Trịnh. Cả hai chúa đều dưới sự trị vì của Triều Lê, nhưng thật ra Nhà Lê chỉ còn là hư vị.







II. THÀNH LẬP LÀNG:



Đình Làng Cẩm Phô

Vào khoảng năm Canh Tý (1540) Tổ Tiên của chúng ta đã đến lập nghiệp ở phường Cẩm Phổ (Cẩm Sơn thuộc Hói Cụ ngày nay). Trước những khó khăn ban đầu, thủy thổ và khí hậu không thuận lợi cho việc sinh sống, cùng với cuộc Nam tiến của Nguyễn Hoàng, Tổ tiên ta rời Phường Cẩm Phổ về định cư trên đất Giang Phố. (Miền Hạ Bạn ngày nay).

Lúc ban đầu khai phá đất đai, Chúa Nguyễn lấy mười hai người lập thành một Bộ (?) chia ranh giới để canh tác, đứng đầu mỗi bộ là một vị khai khẩn, mười một người còn lại là khai canh, sau này căn cứ theo tục lệ đó trở thành làng xã, qua nhiều thời đại vẫn giữ được địa giới của mỗi làng. Suy tôn các bậc tiền nhân có công khai phá, Triều Đình ban chức tước và sắc phong, nên hàng năm có lệ tế cẩn quân, làng nào cũng thế, mỗi kỳ tế cờ lộng lỗ bộ rước sắc thật long trọng.

Thập Nhị Tiền Hiền hay Thập Nhị Tôn Phái là mười hai vị khai phá ban đầu, vì điều kiện thích nghi cho mỗi người, có người ở lại làm ăn, có người về lại quê cũ, có người đi nơi khác và cũng có người vô tự.

Thôn Cẩm Phổ chúng ta còn lại sáu Họ, nhưng bốn Họ phát đinh chịu gánh vác cho sự tồn tại mãi tới nay. Trong bốn Họ đó có hai Họ Nguyễn, hai Họ Lê, thông lệ theo thứ tự từ xưa tên gọi cho mỗi Họ là Họ Nhất, Họ Nhì, Họ Ba, Họ Bốn.

Thật là

“Dấu chân phá thạch chân Giao Chỉ,

Dòng máu Khai nguyên máu Lạc Hồng.”

( Thơ Thiếu Khanh)



III. THÀNH LẬP HỌ NGUYỄN NHẤT:

Nhà thờ họ Nguyễn Nhất xưa



Ngài Thỉ Tổ họ Nguyễn Nhất là Ngài khai khẩn làng Cẩm Phổ. Mặc dù trong gia phả không ghi rõ quê quán xứ sở của ngài Thỉ Tổ trước khi lập nghiệp tại Cẩm Phổ, nhưng căn cứ theo dòng lịch sử nêu trên thì chúng ta có thể̉ phán đoán Thỉ Tổ ta là một trong những danh thần, nghĩa dõng thân tín hoặc người đồng hương của chúa Nguyễn Hoàng từ Thanh Hóa vào mở mang bờ cõi.

Ngài Thỉ Tổ của Họ Nguyễn Nhất là Ngài Nguyễn Văn Cù Đại Lang.

Danh bà là Nguyễn.

* Ngài sinh hạ được ba phái:

1. Phái Nhất là Ngài Nguyễn Công Lượng.

Danh mụ Nhất tịnh bà, Sinh hạ một Chi.

2. Phái Nhì là Ngài Nguyễn Công Lập.

Bà là Tương Quý Nương.Sinh hạ hai Chi.

3. Phái Ba là Ngài Nguyễn Công Khán.

Bà tên là Lê Thị Cồn, Sinh hạ hai Chi.

-Bốn họ của làng Cẩm Phổ Họ Nhất phát đinh hơn cả.

-Ba Phái của Họ Nguyễn Nhất, Phái Ba phát đinh hơn cả.



Nhà thờ họ Nguyễn Nhất cũ


IV. CÔNG LAO CỦA TIỀN NHÂN:

Qua nhiều Triều Đại, Họ Nguyễn Nhất có những quan tước như sau:

-Một Ngài Quang Tiến Vĩnh Lộc Đại Phu Văn Thuộc Chí Đức Nam (1). Nguyễn Quý Công .

-Một Ngài Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Đô chỉ huy sứ, Ty đô chỉ huy sứ chánh Đề đốc, kiêm khám lý Liêm Hầu(2). Nguyễn Quý Công.

-Một Ngài Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Đô chỉ huy sứ, Ty Tráng tiết Trung Lương đội trưởng, Đằng Long Hầu(2). Nguyễn Quý Công.

-Một Ngài Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ, cai tri tham tướng Thuộc Đội Nghị Đức Tử(3). Nguyễn Quý Công.

-Một ngài Y Phu Đại Tướng Cẩm Y Vệ Lãnh Binh.

Họ Nguyễn Nhất của chúng ta cũng có công lao lớn đối với đất nước và dân tộc hồi bấy giờ.

Chú thích:(1) , (2) , (2) , (3) tước có 5 bậc: Công, Hầu, Bá,Tứ, Nam.


Nhà thờ họ Nguyễn Nhất mới


V. TỔ CHỨC HÀNH CHÁNH:

Tổ chức hành chánh qua nhiều triều đại:

-Thời nhà Trần đất Châu Ô, nửa phía trên được đổi tên là Thuận Châu (1307-1402).

-Thời nhà Hồ (Hồ Hán Thương) đất Giang Phố thuộc về Phú Xuân lãnh địa (1402-1558).

-Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đất Giang Phố thuộc về Cát Dinh trong đó có làng Bào Phố tức là thôn Cẩm Phổ ngày nay.

-Thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) đất Bào Phố thuộc Tổng An Mỹ huyện Minh Linh.

-Thời Tây Sơn (1788 - 1802) đất Giang Phố thuộc về trấn Hiền Lương.

-Triều Gia Long (Nhâm Tuất 1802) xã Cẩm Phổ thuộc về huyện Minh Chánh (?).

-Triều Tự Đức Mậu Thân 1848, xã Cẩm Phổ, huyện Minh Linh, phủ Thừa Thiên (?).

-Triều Tự Đức thứ 32 Kỹ Mão 1879, xã Cẩm Phổ, huyện Địa Linh, tỉnh Quảng Trị (?).

-Triều Thành Thái thứ 9 Đinh dậu 1897 đến Bảo Đại Ất Dậu 1945, xã Cẩm Phổ thuộc Tổng Xuân Hoà, phủ Vinh Linh, tỉnh Quảng Trị.

-Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945 đến năm Giáp Ngọ 1954. Trong thời Việt Minh được đổi tên thôn Cẩm Phổ xã Vĩnh Liêm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

-Năm 1954 đất nước bị chia đôi lấy vĩ tuyến 17 (sông Hiền Lương) làm mốc được đổi tên: ấp Cẩm Phổ, xã Trung Giang, quận Trung Lương, tỉnh Quảng Trị.

-30/4/1975 sau ngày Giải Phóng Miền Nam thuộc huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên, Đến nay thuộc phần đất huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị.


VI. NHỮNG CUỘC DI DÂN TIẾP THEO:

Trong thời kháng chiến Việt-Pháp 1945-1954 thôn Cẩm Phổ ở hoàn toàn trong vùng Việt Minh, nên đa số đi theo kháng chiến. Sau hiệp định đình chiến Genève 20/7/1954, người theo kháng chiến tập kết ra Bắc. Hai mươi năm chia cắt đất nước họ lập gia đình có vợ con từ Vĩnh Linh đi ra rãi rác ở các tỉnh phía Bắc. Những người ở lại quê hương, vì đất hẹp dân đông nên họ vào định cư ở Cẩm Đường, Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai bây giờ). Một số đi lập nghiệp ở Cẩm Sơn phường Cẩm Phổ thuộc Hói Cụ, phần đất Do Linh ngày nay.

Năm 1967 chiến tranh càng ngày càng khốc liệt (Việt-Mỹ), hàng rào điện tử Namara được hình thành với một phòng tuyến bạch hoá (san bằng) hai quận Trung Lương và Gio Linh hết sức tàn khốc, do đó dân chúng phần chạy ra Bắc, người chạy vào Nam định cư tại Tân Tường Cam Lộ.

Năm Nhâm Tý 1972 “Mùa Hè đỏ lửa” cuộc chiến Quảng Trị trở nên ác liệt hơn bao giờ hết, đa số dân chúng chết vì bom đạn. Do đó lại phải bỏ Tân Tường chạy tán loạn, người thì ra Hồ Xá phần đông chạy vào tạm cư ở Đà Nẵng, như Hoà Khánh, Hoà Cường, Phù Đổng, Hắc Kin, Non Nước, Chu Lai vv... Lấy sông Thạch Hãn làm ranh giới, vì thế dân chúng đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp, nên đa số tập trung tại khu Động Đền, Hàm Tân Bình Tuy cũ Bình Thuận ngày nay.

“Bởi nước bởi nhà xa Quảng Trị

Vì con vì cháu náu Bình Tuy.”

Năm Ất Mão 1975 thống nhất hai Miền Nam Bắc cũng có người định cư trên nước Mỹ, nước Pháp, số người ở Hàm Tân cũng lần lượt xuống ở các miền như ở Tà Lú Căn cứ Ba, Núi Le, Suối Cát, Vùng Ven, Sông Rây, Bàu Lâm, Hoà Bình, Hoà Hội, Xuyên Mộc, Cẩm Đường, Dầu Giây, Phú Cường, Suối Tre, Long Khánh, Bảo Chánh, Đà lạt, Đắc Lắc, Tây Nguyên, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, Sài Gòn, Phú Quốc. Cũng có người định cư riêng lẻ như Ninh Thuận, Sông Pha, Phan thiết.vv... Hiện nay có thể nói tỉnh nào cũng có tộc họ ta sinh sống, nhiều nơi chưa kiểm chứng hết.


VII. TỰ ĐƯỜNG, HƯƠNG HỎA VÀ NGHI LỄ:

1/ Tự đường:

Từ sơ khai rồi trải qua nhiều triều đại khác nhau vấn đề cúng bái rất được tôn trọng trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, mỗi làng đều có chùa, đình, miếu để thờ Phật, Thánh, Thần. Song song với việc xây dựng đình chùa, bốn ngôi Tự Đường của bốn Họ thuộc thôn Cẩm Phổ cũng được tôn tạo.

Ngôi Tự Đường họ Nguyễn Nhất chúng ta cũng là một công trình văn hoá khá tiêu biểu trong thời đại bấy giờ, cột kèo làm bằng gỗ mít, kèo công trính lận chạm trổ tinh xảo công phu, mái lợp ngói. Trên nóc có Lưỡng Long Triều Nguyệt, trước sân có bình phong tạc hình con hổ, hai trụ biểu có cặp Kỳ lân chầu, trên đôi trụ biểu có đôi dòng câu đối bằng chữ Hán:

Ngưỡng chi di cao môn địa trường lưu ba biểu ngật.

Xác hồ bất bạt giang sơn vĩnh đối thạch thành kiên.

Cặp đối này tác giã là cụ khoá Triền người trong Họ sáng tác.

Chính Điện là bàn thờ ngài Thỉ Tổ và Tam Phái, tả hữu thờ các bậc tiền liệt, sau bàn thờ Tổ là bàn thờ Tổ Tiên chung. Trên có hoành phi, hai bên có liễn đối sơn son mạ vàng trong thật trang nghiêm, nhưng trong thời chiến tranh đã bị phá huỷ hoàn toàn. Sau năm 1975 họ hàng trở về xây dựng lại, tuy không được như xưa nhưng cũng khá trang nghiêm.

Câu đối sau này do Ông Nguyễn Cảnh sáng tác:

Trong Điện gồm hai câu:

- Tiên Tổ lưu truyền, thiên niên hưng thịnh.

- Tử Tôn kế thế, vạn đại bình an.

Hai trụ hiên gồm hai câu:

- Thiết niệm tài bồi, tri ân Tổ Đức.

- Quang thuỳ tái tạo, trọng ngãi tôn công.

Đều viết bằng chữ Hán.

2/ Hương hỏa:

Ngày xưa mỗi Tự Đường đều có ruộng hương hỏa, để lo việc tế tự, con dân trong họ khỏi phải đóng góp. Về sau do hoàn cảnh di cư xa xứ không có tự đường cho nên việc thờ tộc họ của các tỉnh phía Nam đều thờ tại tư gia, đóng góp bằng tiền mỗi năm ba kỳ để thờ cúng.

3/ Nghi lễ:

Phong tục cổ truyền, mỗi họ có một bài văn tế, xuân kỵ thu thường và kỳ chạp mả, hằng năm được ấn định vào ngày 15 tháng chạp âm lịch (sau này đổi lại ngày 13, tránh ngày rằm trai chay không sát sanh, đổi trên 40 năm), đều có lễ, khi đại lễ có tam sanh, có nghi thức theo nghi thức Bộ Lễ, xướng tế có đại cổ tiểu cổ. Đại cổ gồm có kiểng chiêng và trống lớn; tiểu cổ gồm có trống con, kèn đàn nhị vv...Tiểu cổ thường hoà nhịp các bài Nam Bình Nam Ai, Tứ Đại cảnh để thổi vào các ngày lễ tế. Xướng tế thì có thầy văn áo rộng, đội mũ theo nghi văn Tô Đông Pha, chủ tế gồm có ông Trưởng Tộc. Vị tộc trưởng áo mũ theo nghi thức Bộ Lễ Nguyễn Triều, hai bên tả hữu gồm các vị tộc biểu hay trưởng phái khăn đen áo rộng chỉnh tề, mỗi lễ tế thường theo nghi tam hiến. (Dâng ba tuần). Sau ba hồi kiểng là ba hồi chiêng trống, kế tiếp trống con điểm ba hồi kèn nhạc được thổi lên hoà với tiếng trống tiếng chiêng nhịp nhàng, cùng tiếng xướng tế của thầy văn hoà quyện với khói hương trầm thơm ngát, cờ lộng nghi vệ hai bên liễn đối chói ngời như lạc vào giữa trung đình oai vệ, trên hai tiếng đồng hồ cho một lễ tế, thầy văn và các vị Tộc Trưởng tộc biểu không được rời vị trí của mình. Ngày xưa “trọng nam khinh nữ” nên đàn bà con gái không được dự lễ tế và không được vào họ, con trai đủ mười sáu tuổi mới được vào họ và mười tám tuổi mới được vào làng. Sau này các địa phương trong Nam, mỗi lần kỷ niệm cúng họ dâu rễ con gái cháu ngoại cũng được tham dự như nhau.


VIII. TRUYỀN THUYẾT, PHONG TỤC - TẬP QUÁN VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ:

1/ Truyền thuyết:

Làng nào xưa kia cũng muốn tạo cho địa phương mình có một truyền thuyết thật thần kỳ vì vậy có rất nhiều câu chuyện người xưa kể lại rằng:

a) Ông khổng lồ gánh đất bên Lào về lấp biển Đông để mở mang bờ cõi, một chân bước vào địa phận làng Lan Đình là giếng Phục Cá ngày nay Còn giống cái dấu chân), một chân bước xuống Bàu Ao tức là Bàu Hói (Cẩm Phổ) thì gẫy đòn gánh, do đó để lại hai cái núi đất, đó là núi Cồn Tiên và núi Cồn Cỏ ngày nay.

b) Tương truyền Cẩm Phổ có chín mươi chín cái cồn, ngày xưa bầy hạc của bà Nữ Oa có một trăm con hạc bay về đậu xuống chín mươi chín cái cồn, còn thiếu một cái cồn cho con hạc đầu đàn đậu, nên bầy hạc đó bay vào đất Thuận Hoá, sau này là kinh đô của Nhà Nguyễn. Nếu đủ một trăm cái cồn thì Cẩm Phổ là đất kinh đô rồi.

c) Tương truyền rằng: Nhà vua cử một phái đoàn gồm các quan đại thần và thầy địa lý đi tìm địa cuộc để lập kinh đô, khi đến địa phận làng Cẩm Phổ, xét thấy phong thổ có thể lập được nên sai lính đóng mộc bài, sau khi kiểm tra nguồn nước tại Xóm Nương có một cái giếng bị mặn gọi là giếng Cựa, nên phái đoàn bỏ đi nơi khác. Có người kể lại rằng: Có một vị bô lão sợ nhà vua lấy mất đất làm ăn, tối cho người đổ muối xuống giếng.

d) Miếu Ông nổi tiếng thiêng nhất trong vùng, ngôi miếu ấy gần đình, dân địa phương muốn cầu khẩn gì đến đó cầu cũng được, kể cả bệnh tật cũng lành. Sau khi Cẩm Phổ bị bạch hoá, tất cả đều đổ nát bởi bom đạn. Riêng Miếu Ông vẫ sừng sững với phong ba bão tố. Lính ở đồn pháo binh Dốc Miếu kể rằng: Nhắm tọa độ pháo là Miếu Ông, nhưng pháo cả trăm lần Miếu Ông vẫn không sập.

e) Tương truyền làng An Mỹ muốn lấn đất Cẩm Phổ, nên đem tre trồng vào xóm Kiệt Cảm, nhưng vào một đêm mưa to gió lớn cục đá Thiền Thần được cắm vào địa giới cũ nên làng An Mỹ không lấn được đất nữa. Cục đá ấy nay vẫn còn. -Truyền thuyết này có người kể cách khác: Có một bà tên Là Lê Thị Lụa bà lấy chồng An Mỹ. Nhân khi đi chợ Bạn thấy cả làng An Mỹ hỳ hục khiêng cục đá để cắm ở Kiệt Cảm. Bà ấy một tay nách rổ, một tay nắm trên đầu cục đá xách trở lại thì cục đá rơi vào chổ cũ. Nên làng An Mỹ không thể lấn địa phận được, cục đá ấy có năm dấu tay trước đây vẫn còn, nhưng nay năm dấu tay đã bị đập mất vì người ta tưởng rằng trong đó có châu báu. Nay cục đá ấy được dân địa phương tô chân cho đứng trở lại, ngày xưa có miếu thờ Bà Họ Lê. (Chùa Bà giáp giới An Mỹ).

2/ Tập quán và phong tục:

-Quăng hòn:

Hàng năm ba ngày tết đi lại thăm nhau, bảy ngày xuân thì mở “Hội quăng hòn” thông lệ hòn được tổ chức đôi vào chiều ngày mùng bảy tết hàng năm, hòn làm bằng gốc chuối sứ, nặng chừng bốn cân (kg) mỗi kỳ ba quả, gọt tròn như quả bóng. Người ta đan hai cái rọ, cột vào hai cây tre cắm ở hai đầu sân, người ta chia ra làm hai đội Nguyễn - Lê, Ao Vô - Ao Ra để cướp hòn. Hòn được tế sau ba hồi trống lệnh, ông Hội chủ mang hòn ra cho hai đội tranh tài, hễ đội nào đôi vào rọ đội kia là đội ấy thắng, người giữ rọ cầm cây tre rung cho hòn khó vào rọ, được tổ chức trên động cát, người đi xem thật đông, nào là thanh niên nam nữ, ông già bà già trẻ con các làng xa cũng về xem “hội đôi hòn” cảnh vật vui nhộn lạ thường, những cuộc tranh tài quyết liệt, đôi khi hòn chạm mạnh vào mặt người, có khi té chồng lên nhau, thế mà kỳ nào cũng bình yên vô sự “đôi hòn” hay “quăng hòn” là một môn chơi thể thao thật bổ ích, ngoài ra còn môn bịt mắt bắt heo hay đánh đu cũng không kém phần lý thú. Khác với các làng lân cận tổ chức đánh, “bài chòi”, “cờ chòi” có hại cho tinh thần và tiền bạc.

-Cướp ngọ:

Ngày xưa có một nhà phú hộ không có con, ông bà phú hộ xét thấy tiền của nhiều mà không có người nối dõi tông đường, nên hàng năm vào trưa ngày rằm tháng tám âm lịch mang tiền đồng lên động cát đôi cho mục đồng cướp, do đó để lại tục lệ đến mãi sau này, ai có tiền thì đôi tiền, nếu không có tiền thì lấy xôi đùm vào trong lá hoặc bánh trái gói vào lá chuối đem đôi ngọ, nếu ai không đôi thì trâu bò bị bệnh, tục lệ còn đến bây giờ.

3/ Cộng đồng dân cư: Sống trong làng nào đều có nét đặc biệt riêng của làng đó, làng Thuỷ Khê ở dưới liền với đất Cẩm Phổ nhưng tiếng nói và sinh hoạt cũng không giống nhau, làng An Mỹ cũng liền địa giới mà tập tục cũng khác nhau.

Người Cẩm Phổ vốn có tính thật thà, không khoác lác, chuộng sự thật và công bằng, tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau làm nhà ở thường người ta làm vàn cho nhau rất tận tụy mà không lấy tiền. Khi có đám ma họ cũng hết sức nhiệt tình trong tinh thần không cầu lợi, về cưới hỏi Cẩm Phổ cũng có những nét riêng, ít rườm rà hơn các làng khác, những cặp vợ chồng đời xưa sống rất hạnh phúc, cha mẹ định vợ gả chồng vấn đề hôn nhân gia đình tuy không có quy ước, nhưng phần đông tin vào tam hạp tuổi tác nên chẳng bao giờ trái mệnh cha mẹ, đa số người trong làng lấy vợ gả chồng đều trong bốn họ, ngoài ra cũng có người lấy chồng khác xứ và cũng có người lấy vợ khác làng .

Trai tráng Cẩm Phổ có thể lực rất tốt nên có câu ca: “Nhất lúa Đồng nai, nhì trai Cẩm Phổ”.

Sự học hành ngày xưa đa phần học chữ Hán, để viết được văn khế, chúc thư và đọc được sách. Song song với chữ Hán là chữ Nôm, trong làng cũng có người học thông họ làm thầy dạy học và thầy thuốc. Thời Pháp thuộc trong giai đoạn chuyển ngữ cũng có nhiều người học chữ Quốc Ngữ và có một số người thông thạo tiếng Pháp. Sau năm 1954 , cũng có người học cao và làm việc nhà nước. Đến nay sự học hành được phát triển rộng lêm và có rất nhiều Tú tài đại học xuất sắc và có nhiều người có địa vị quan trọng trong xã hội.


IX. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN GIA PHẢ:

Qua công trình nghiên cứu thật kỹ lưỡng nhưng phần gia phả Họ Nguyễn Nhất của chúng ta thật sự không dễ dàng một chút nào. Ngay từ ngài Thỉ Tổ sinh hạ ba Phái thì ai cũng biết và biết thế thôi, vì người xưa bởi một lẽ nào đó mà không ghi đời, không ghi Phái. Nhiều khi cháu mất trước ghi trước, ông mất sau ghi sau, nên phần gia phả chung cả họ phải giữ nguyên bản cũ. Riêng những ngài có quan tước cũng chỉ ghi chức tước mà không ghi tên, chỉ để Nguyễn Quý Công Đại Lang. Về phần gia phả, nếu tập trung hết tất cả các phái các chi các nhánh về ai rồi từ đó phân thứ tự từng đại mới hy vọng phần gia phả được hoàn hảo hơn.

Kết luận: Nói tóm lại: vài nét khái quát về Cẩm Phổ, chúng tôi tin chắc rằng còn rất nhiều thiếu sót vì không đủ tư liệu, nhất là về niên đại không được rõ ràng.

Về phương diện truyền thuyết chúng tôi dựa theo lời kể lại, chứ không hư cấu để phù hợp với ý nguyện chung.

Riêng về Họ Nguyễn Nhất các bậc cao niên cũng không còn nhớ hết. Ông Nguyễn Cảnh có ghi lại mấy câu đối và một bài văn cúng họ bằng chữ Hán, ông Nguyễn Thơ điều chỉnh về truyền thuyết và các vị có quan tước.

Chúng tôi tin tưởng có những đóng góp quý báu của các bậc thúc phụ cao minh để lần tái phụng tu được hoàn chỉnh hơn.

Tự tôn phụng tự ông Nguyễn Văn Vinh

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Trọng

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Cảnh

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Thú

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Oai

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Thơ

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Toản

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Ngoãn

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Tể

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Liệu

Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Nam

Tiết Thanh Minh Năm Kỹ Mão1999

Đồng Bổn Tộc Cẩn Chí (*)

Tác giả bài viết nhà thơ họa sĩ Nguyễn Hữu Kiểm

Bút hiệu Linh Đàn

(Là nghĩa tế phái 3)


BÀI VĂN TẾ XUÂN THU

Viết

Cung duy Tiên Tổ

Thiết niệm Tiên Linh

Nhân sanh hồ Tổ

Mộc bổn Thuỷ Nguyên

Tổ đức huy truyền. Tải vật chi công tối hậu

Hàm hoằng quảng đại, bách thế chi đức cư tiên

Khắc xương quyết hậu

Hữu khai tất tiên .

Ngưỡng bách niên tích khách chi cơ đức ân vĩ vĩ

Dũ thiên tải bồi nhân chi chỉ, qua điệt miên miên,

Miến kê cổ lễ vu quang thuỳ diễn,

Hựu tải tân văn phát diệm do uyên

Dịch xúc quần tâm vu hưng khởi

Nhân cơ ngãi hiếu hạnh gia truyền

Phú như thọ, thọ như tảng, vĩnh bão như sơn như hải

Tử dự tôn, tôn dự điêt, trường ca tư ức tư thiên

Tư nhân xuân tiết, thiết lễ kỳ an,

Nguyện kỳ giáng lâm, giám thủ vi kiền

Ngưỡng lại tổ đức phò trì chi đại huệ giã

Cẩn cáo


DIỄN ÂM BÀI VĂN TẾ HỌ NGUYỄN NHẤT

Công Tiên Tổ tô bồi thuở trước.

Tưởng Tiên linh nhờ phước người xưa

Công lao trải mấy nắng mưa

Lập nên sự nghiệp kế thừa đến nay

Ơn cao cả như cây Núi Thái

Nghĩa bao la như nước Biển Đông

Khó khăn nào có quản công

Cơ đồ hưng thịnh non sông vững bền

Con với cháu kế truyền mãi mãi

Hiếu với trung tiếp nối đời đời

Làm sao đúng mực con người

Nên trang lịch sự nên người nghĩa nhân

Trai xứng đáng học hành chăm chỉ

Gái giữ gìn tính nết đoan trang

Nhân ngày xuân kỵ thu thường

Cầu ơn Tiên Tổ mười phương chứng lời

Nguyện gia hộ cho đời hưng thịnh

Nguyện phước từ nối cảnh bình an

Ơn xưa Tổ Đức gia quang

Đến nay dòng dõi vẽ vang lưu truyền

Phò trì chi gia huệ giã

Cẩn Cáo


Phụng bút Linh Đàn


Hình trên bài này do anh Nguyễn Sanh (ngphi@vnn.vn) cung cấp.


READ MORE - LINH ĐÀN - TỔNG LƯỢC HỌ NGUYỄN NHẤT THÔN CẨM PHỔ - HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ