Sinh 1964 tại Quảng Trị.
1986 – 1989: Học nhạc và nghệ thuật tại trường ĐH Mỹ Thuật Huế, Việt Nam.
Là thành viên của hội Mỹ Thuật Tp. HCM.
Là thành viên của hội Mỹ Thuật Tp. HCM.
HỒ SĨ BÌNH - GAM MÀU VÀNG ĐỎ CỦA BẰNG
Mấy năm gần đây, Tôn Thất Bằng trở về với gia đình ở Đà Nẵng để sống và vẽ. Nhìn vào loạt tranh mới của anh, họa sĩ Phan Ngọc Minh nhận xét: “Bằng đã có một độ chín trong nghệ thuật, nhất là sở đắc gam màu vàng đỏ trên chất liệu sơn dầu khá ấn tượng...”.
Tốt nghiệp khoa âm nhạc Trường cao đẳng Nghệ thuật Huế năm 1990, Tôn Thất Bằng lặn lội vào Sài Gòn tìm việc. Giai đoạn khởi nghiệp khá lận đận. Sống xa nhà, nghề âm nhạc không đủ đắp đổi qua ngày, anh tranh thủ vẽ thêm tranh, gởi hờ ở những gallery quen biết để kiếm sống. Thời gian học ở Huế, do khoa âm nhạc gần với khoa mỹ thuật nên anh có dịp tiếp xúc, tìm hiểu và gần gũi với anh em họa sĩ. Cái vốn hiểu biết hội họa từ đấy, cộng với nỗi đam mê cái nghề tay trái đã giúp anh giải quyết được phần nào nỗi lo cơm áo trong những ngày đầu xa xứ.
Thế rồi có một lần Tôn Thất Bằng theo bậc đàn anh đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi được xem những bức tranh chụp lại của anh trong album, người nhạc sĩ tài hoa thi thoảng gật gù rồi nhỏ nhẹ: “Cái này được, cái kia lạ...”. Chỉ thế thôi, nhưng Trịnh Công Sơn chắc không bao giờ biết rằng, chỉ mấy cái gật đầu của anh đã có tác dụng quyết định số phận nghệ thuật của một họa sĩ trẻ mới tập tễnh vào nghề. Đó là tiếng gõ cửa của định mệnh và nghệ thuật để Tôn Thất Bằng tự tin hơn khi dấn thân vào hội họa.
Một vài năm sau lần gặp gỡ ấy, năm 1997 anh có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên ở TP.HCM. Trong lòng tác giả của phòng tranh khi ấy vẫn chất chứa bao phân vân lo lắng. May mắn là tranh của anh được đón nhận, thậm chí được một vài bậc đàn anh động viên, coi đó là sự xuất hiện của một họa sĩ trẻ đầy triển vọng.
Tranh của Tôn Thất Bằng thời ấy là một chuỗi ký ức tuổi thơ ở cái thị xã lặng lẽ bên sông Thạch Hãn. Tuổi thơ êm đềm không thể tìm lại và cả cái thị xã ấy gần như đã bị hủy diệt trong bom đạn chiến tranh. Có lẽ cái tâm trạng tiếc nuối quá khứ cùng những hoài niệm mênh mang đã tạo nên một không gian giàu biểu cảm trong tranh anh với những đề tài dung dị, gần gũi: những chiếc cặp học trò trên bãi cỏ, một vùng lá vàng mùa thu tuổi nhỏ, những trò chơi nhảy dây, cỡi ngựa mà bọn học trò chẳng ai không biết, chiếc áo trẻ con bỏ quên ngoài bờ dậu, buổi trưa hè rực nắng ở bến sông... và được thể hiện bằng màu sắc trong trẻo, óng mượt.
Bằng vẽ bằng ký ức, vẽ bằng sự cảm nhận của trái tim chứ không phải từ cái nhìn thấy. Bất chấp những quy chuẩn của bố cục, hình khối..., những hình và màu cứ trào ra thật tự nhiên. Nhưng đằng sau sự hồn nhiên, ngọt ngào vẫn phảng phất đâu đó trong tranh một thoáng thảng thốt và nỗi ám ảnh chiến tranh mất mát. Có lẽ sự kết hợp của hai tính chất ấy đã tạo nên một ngôn ngữ hội họa gây được cảm xúc nơi người xem.
Sau đó, từ 1997-2006, Bằng đã có những gặt hái đáng kể: hơn mười cuộc triển lãm nhóm và cá nhân tại nhiều gallery ở Singapore, Hong Kong, Brussels (Bỉ), Philadelphia, New York (Mỹ), Melbourne (Úc), Tokyo (Nhật)... Đến hôm nay, khi đã có thể sống đường hoàng bằng hội họa, khi nhìn lại chặng đường đã qua, anh vẫn chưa hết ngạc nhiên và không ngờ rằng sự tình cờ của số phận khiến anh cầm cọ thay vì chơi đàn lại đem đến nhiều niềm vui và hạnh phúc đến thế.
Loạt tranh mới chủ yếu khai thác cặp màu vàng và đỏ. Màu vàng được sử dụng trong một không gian rộng, màu đỏ nhằm tạo hình. Hai gam màu theo nhau biến tấu, trao đổi hợp lý, chứng tỏ tác giả đã tự tin hơn rất nhiều. Hình ảnh của đôi bé gái, bình hoa, bình rượu, đồng tiền xu, lá, ngựa gỗ... trong tranh của Tôn Thất Bằng dù được xử lý già dặn nhưng vẫn mang nét hồn nhiên, ngộ nghĩnh.
Những khuôn hình trong tư thế bay bổng, lãng đãng, la đà: mái tóc thiếu nữ hình bó lúa, những mái nhà nghiêng mềm rũ tóc, chiếc lá “rơi như là rơi nghiêng”, con ngựa gỗ với con mắt săm soi ngoái lại, cái bào thai bồng bềnh bắt nguồn cho sự sống... xuất hiện theo một môtip đã quen thuộc trong tranh anh nhưng không gây cảm giác đơn điệu, trùng lặp. Sự nổi trội của gam màu đỏ, vàng làm cho tranh sáng lên, vui nhộn, phản ánh tâm trạng của tác giả, không còn man mác tiếc nuối như trước đây mà đang rộn ràng niềm vui sống.
Tranh của Tôn Thất Bằng được các nhà sưu tập nước ngoài, Nhật, Hàn Quốc ưa chuộng, và có người từng đưa ra nhận xét khá lạ: ông chọn tranh của họa sĩ này vì đơn giản nó rất... khó chép, khó làm hàng “nhái”, một vấn nạn của hội họa Việt Nam hôm nay.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
No comments:
Post a Comment