Mộ ông khai khẩn làng Cẩm Phô
I. KHÁI NIỆM LỊCH SỬ:
Đời nhà Trần phần đất Châu Ô, Châu Rí (Quảng Trị Thừa Thiên Huế ngày nay) của Chiêm Thành thuộc về Đại Việt 1307,. Sang đời nhà Hồ (Hồ Hán Thương 1402) đất nước ta được mở mang đến Chiêm Động và Cổ Lũy (Quảng Nam – Quảng Ngãi ngày nay) các triều đại người Nam đặt nền móng cai trị và Tổ Tiên ta lần lượt xuống khai khẩn miền đất mới nhưng vẫn còn thưa thớt. Mãi hơn hai trăm năm sau, Triều Lê suy vong. Tình hình chính trị thời bấy giờ, bên ngoài giặc ngoại xâm quấy nhiễu, bên trong nội bộ thanh toán lẫn nhau, Trịnh Kiểm càng ngày càng lộng hành. Và muốn tận diệt Nguyễn Hoàng, vì thế Nguyễn Hoàng nhờ người cậu ruột bí mật tìm đến nhà tiên tri Trình Quốc Công Nguyễn Bĩnh Khiêm (một danh sĩ thời Lê Mạt) bái yết để xin hiến kế, Ngài chỉ lối đến phương Nam lập nghiệp, cơ đồ sự nghiệp về sau sẽ được vững bền “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Nghĩa là một dải đất từ đèo Ngang vào, sẽ dung thân đến muôn đời sau).
Mua đông Mậu Ngọ (1558) Nguyễn Hoàng cùng các danh thần, nghĩa dõng thân tín và người đồng hương đặt chân lên Cửa Việt, rồi đóng dinh thự tại làng Ái Tử, mở đầu cho cuộc di dân có tính quy mô lớn.
Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân hậu biết trọng dụng hào kiệt, thu dụng người tài. Nên dân chúng ngưỡng mộ theo bước tiến của Nguyễn Hoàng, lần lượt xuống trấn đất Phương Nam phần đông là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh (thuộc Châu Diễn thời bấy giờ)
Đất Phương Nam đã được khai phá (?) Nguyễn Hoàng nghiễm nhiên trở thành chúa Nguyễn ở Đàng Trong, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới, Đàng ngoài thuộc về chúa Trịnh. Cả hai chúa đều dưới sự trị vì của Triều Lê, nhưng thật ra Nhà Lê chỉ còn là hư vị.
II. THÀNH LẬP LÀNG:
Đình Làng Cẩm Phô
Vào khoảng năm Canh Tý (1540) Tổ Tiên của chúng ta đã đến lập nghiệp ở phường Cẩm Phổ (Cẩm Sơn thuộc Hói Cụ ngày nay). Trước những khó khăn ban đầu, thủy thổ và khí hậu không thuận lợi cho việc sinh sống, cùng với cuộc Nam tiến của Nguyễn Hoàng, Tổ tiên ta rời Phường Cẩm Phổ về định cư trên đất Giang Phố. (Miền Hạ Bạn ngày nay).
Lúc ban đầu khai phá đất đai, Chúa Nguyễn lấy mười hai người lập thành một Bộ (?) chia ranh giới để canh tác, đứng đầu mỗi bộ là một vị khai khẩn, mười một người còn lại là khai canh, sau này căn cứ theo tục lệ đó trở thành làng xã, qua nhiều thời đại vẫn giữ được địa giới của mỗi làng. Suy tôn các bậc tiền nhân có công khai phá, Triều Đình ban chức tước và sắc phong, nên hàng năm có lệ tế cẩn quân, làng nào cũng thế, mỗi kỳ tế cờ lộng lỗ bộ rước sắc thật long trọng.
Thập Nhị Tiền Hiền hay Thập Nhị Tôn Phái là mười hai vị khai phá ban đầu, vì điều kiện thích nghi cho mỗi người, có người ở lại làm ăn, có người về lại quê cũ, có người đi nơi khác và cũng có người vô tự.
Thôn Cẩm Phổ chúng ta còn lại sáu Họ, nhưng bốn Họ phát đinh chịu gánh vác cho sự tồn tại mãi tới nay. Trong bốn Họ đó có hai Họ Nguyễn, hai Họ Lê, thông lệ theo thứ tự từ xưa tên gọi cho mỗi Họ là Họ Nhất, Họ Nhì, Họ Ba, Họ Bốn.
Thật là
“Dấu chân phá thạch chân Giao Chỉ,
Dòng máu Khai nguyên máu Lạc Hồng.”( Thơ Thiếu Khanh)
III. THÀNH LẬP HỌ NGUYỄN NHẤT:
Ngài Thỉ Tổ họ Nguyễn Nhất là Ngài khai khẩn làng Cẩm Phổ. Mặc dù trong gia phả không ghi rõ quê quán xứ sở của ngài Thỉ Tổ trước khi lập nghiệp tại Cẩm Phổ, nhưng căn cứ theo dòng lịch sử nêu trên thì chúng ta có thể̉ phán đoán Thỉ Tổ ta là một trong những danh thần, nghĩa dõng thân tín hoặc người đồng hương của chúa Nguyễn Hoàng từ Thanh Hóa vào mở mang bờ cõi.
Ngài Thỉ Tổ của Họ Nguyễn Nhất là Ngài Nguyễn Văn Cù Đại Lang.
Danh bà là Nguyễn.
* Ngài sinh hạ được ba phái:
1. Phái Nhất là Ngài Nguyễn Công Lượng.
Danh mụ Nhất tịnh bà, Sinh hạ một Chi.
2. Phái Nhì là Ngài Nguyễn Công Lập.
Bà là Tương Quý Nương.Sinh hạ hai Chi.
3. Phái Ba là Ngài Nguyễn Công Khán.
Bà tên là Lê Thị Cồn, Sinh hạ hai Chi.
-Bốn họ của làng Cẩm Phổ Họ Nhất phát đinh hơn cả.
-Ba Phái của Họ Nguyễn Nhất, Phái Ba phát đinh hơn cả.
Nhà thờ họ Nguyễn Nhất cũ
IV. CÔNG LAO CỦA TIỀN NHÂN:
Qua nhiều Triều Đại, Họ Nguyễn Nhất có những quan tước như sau:
-Một Ngài Quang Tiến Vĩnh Lộc Đại Phu Văn Thuộc Chí Đức Nam (1). Nguyễn Quý Công .
-Một Ngài Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Đô chỉ huy sứ, Ty đô chỉ huy sứ chánh Đề đốc, kiêm khám lý Liêm Hầu(2). Nguyễn Quý Công.
-Một Ngài Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Đô chỉ huy sứ, Ty Tráng tiết Trung Lương đội trưởng, Đằng Long Hầu(2). Nguyễn Quý Công.
-Một Ngài Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ, cai tri tham tướng Thuộc Đội Nghị Đức Tử(3). Nguyễn Quý Công.
-Một ngài Y Phu Đại Tướng Cẩm Y Vệ Lãnh Binh.
Họ Nguyễn Nhất của chúng ta cũng có công lao lớn đối với đất nước và dân tộc hồi bấy giờ.
Chú thích:(1) , (2) , (2) , (3) tước có 5 bậc: Công, Hầu, Bá,Tứ, Nam.
Nhà thờ họ Nguyễn Nhất mới
V. TỔ CHỨC HÀNH CHÁNH:
Tổ chức hành chánh qua nhiều triều đại:
-Thời nhà Trần đất Châu Ô, nửa phía trên được đổi tên là Thuận Châu (1307-1402).
-Thời nhà Hồ (Hồ Hán Thương) đất Giang Phố thuộc về Phú Xuân lãnh địa (1402-1558).
-Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đất Giang Phố thuộc về Cát Dinh trong đó có làng Bào Phố tức là thôn Cẩm Phổ ngày nay.
-Thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) đất Bào Phố thuộc Tổng An Mỹ huyện Minh Linh.
-Thời Tây Sơn (1788 - 1802) đất Giang Phố thuộc về trấn Hiền Lương.
-Triều Gia Long (Nhâm Tuất 1802) xã Cẩm Phổ thuộc về huyện Minh Chánh (?).
-Triều Tự Đức Mậu Thân 1848, xã Cẩm Phổ, huyện Minh Linh, phủ Thừa Thiên (?).
-Triều Tự Đức thứ 32 Kỹ Mão 1879, xã Cẩm Phổ, huyện Địa Linh, tỉnh Quảng Trị (?).
-Triều Thành Thái thứ 9 Đinh dậu 1897 đến Bảo Đại Ất Dậu 1945, xã Cẩm Phổ thuộc Tổng Xuân Hoà, phủ Vinh Linh, tỉnh Quảng Trị.
-Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945 đến năm Giáp Ngọ 1954. Trong thời Việt Minh được đổi tên thôn Cẩm Phổ xã Vĩnh Liêm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
-Năm 1954 đất nước bị chia đôi lấy vĩ tuyến 17 (sông Hiền Lương) làm mốc được đổi tên: ấp Cẩm Phổ, xã Trung Giang, quận Trung Lương, tỉnh Quảng Trị.
-30/4/1975 sau ngày Giải Phóng Miền Nam thuộc huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên, Đến nay thuộc phần đất huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị.
VI. NHỮNG CUỘC DI DÂN TIẾP THEO:
Trong thời kháng chiến Việt-Pháp 1945-1954 thôn Cẩm Phổ ở hoàn toàn trong vùng Việt Minh, nên đa số đi theo kháng chiến. Sau hiệp định đình chiến Genève 20/7/1954, người theo kháng chiến tập kết ra Bắc. Hai mươi năm chia cắt đất nước họ lập gia đình có vợ con từ Vĩnh Linh đi ra rãi rác ở các tỉnh phía Bắc. Những người ở lại quê hương, vì đất hẹp dân đông nên họ vào định cư ở Cẩm Đường, Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai bây giờ). Một số đi lập nghiệp ở Cẩm Sơn phường Cẩm Phổ thuộc Hói Cụ, phần đất Do Linh ngày nay.
Năm 1967 chiến tranh càng ngày càng khốc liệt (Việt-Mỹ), hàng rào điện tử Namara được hình thành với một phòng tuyến bạch hoá (san bằng) hai quận Trung Lương và Gio Linh hết sức tàn khốc, do đó dân chúng phần chạy ra Bắc, người chạy vào Nam định cư tại Tân Tường Cam Lộ.
Năm Nhâm Tý 1972 “Mùa Hè đỏ lửa” cuộc chiến Quảng Trị trở nên ác liệt hơn bao giờ hết, đa số dân chúng chết vì bom đạn. Do đó lại phải bỏ Tân Tường chạy tán loạn, người thì ra Hồ Xá phần đông chạy vào tạm cư ở Đà Nẵng, như Hoà Khánh, Hoà Cường, Phù Đổng, Hắc Kin, Non Nước, Chu Lai vv... Lấy sông Thạch Hãn làm ranh giới, vì thế dân chúng đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp, nên đa số tập trung tại khu Động Đền, Hàm Tân Bình Tuy cũ Bình Thuận ngày nay.
“Bởi nước bởi nhà xa Quảng Trị
Vì con vì cháu náu Bình Tuy.”
Năm Ất Mão 1975 thống nhất hai Miền Nam Bắc cũng có người định cư trên nước Mỹ, nước Pháp, số người ở Hàm Tân cũng lần lượt xuống ở các miền như ở Tà Lú Căn cứ Ba, Núi Le, Suối Cát, Vùng Ven, Sông Rây, Bàu Lâm, Hoà Bình, Hoà Hội, Xuyên Mộc, Cẩm Đường, Dầu Giây, Phú Cường, Suối Tre, Long Khánh, Bảo Chánh, Đà lạt, Đắc Lắc, Tây Nguyên, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, Sài Gòn, Phú Quốc. Cũng có người định cư riêng lẻ như Ninh Thuận, Sông Pha, Phan thiết.vv... Hiện nay có thể nói tỉnh nào cũng có tộc họ ta sinh sống, nhiều nơi chưa kiểm chứng hết.
VII. TỰ ĐƯỜNG, HƯƠNG HỎA VÀ NGHI LỄ:
1/ Tự đường:
Từ sơ khai rồi trải qua nhiều triều đại khác nhau vấn đề cúng bái rất được tôn trọng trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, mỗi làng đều có chùa, đình, miếu để thờ Phật, Thánh, Thần. Song song với việc xây dựng đình chùa, bốn ngôi Tự Đường của bốn Họ thuộc thôn Cẩm Phổ cũng được tôn tạo.
Ngôi Tự Đường họ Nguyễn Nhất chúng ta cũng là một công trình văn hoá khá tiêu biểu trong thời đại bấy giờ, cột kèo làm bằng gỗ mít, kèo công trính lận chạm trổ tinh xảo công phu, mái lợp ngói. Trên nóc có Lưỡng Long Triều Nguyệt, trước sân có bình phong tạc hình con hổ, hai trụ biểu có cặp Kỳ lân chầu, trên đôi trụ biểu có đôi dòng câu đối bằng chữ Hán:
Ngưỡng chi di cao môn địa trường lưu ba biểu ngật.
Xác hồ bất bạt giang sơn vĩnh đối thạch thành kiên.
Cặp đối này tác giã là cụ khoá Triền người trong Họ sáng tác.
Chính Điện là bàn thờ ngài Thỉ Tổ và Tam Phái, tả hữu thờ các bậc tiền liệt, sau bàn thờ Tổ là bàn thờ Tổ Tiên chung. Trên có hoành phi, hai bên có liễn đối sơn son mạ vàng trong thật trang nghiêm, nhưng trong thời chiến tranh đã bị phá huỷ hoàn toàn. Sau năm 1975 họ hàng trở về xây dựng lại, tuy không được như xưa nhưng cũng khá trang nghiêm.
Câu đối sau này do Ông Nguyễn Cảnh sáng tác:
Trong Điện gồm hai câu:
- Tiên Tổ lưu truyền, thiên niên hưng thịnh.
- Tử Tôn kế thế, vạn đại bình an.
Hai trụ hiên gồm hai câu:
- Thiết niệm tài bồi, tri ân Tổ Đức.
- Quang thuỳ tái tạo, trọng ngãi tôn công.
Đều viết bằng chữ Hán.
2/ Hương hỏa:
Ngày xưa mỗi Tự Đường đều có ruộng hương hỏa, để lo việc tế tự, con dân trong họ khỏi phải đóng góp. Về sau do hoàn cảnh di cư xa xứ không có tự đường cho nên việc thờ tộc họ của các tỉnh phía Nam đều thờ tại tư gia, đóng góp bằng tiền mỗi năm ba kỳ để thờ cúng.
3/ Nghi lễ:
Phong tục cổ truyền, mỗi họ có một bài văn tế, xuân kỵ thu thường và kỳ chạp mả, hằng năm được ấn định vào ngày 15 tháng chạp âm lịch (sau này đổi lại ngày 13, tránh ngày rằm trai chay không sát sanh, đổi trên 40 năm), đều có lễ, khi đại lễ có tam sanh, có nghi thức theo nghi thức Bộ Lễ, xướng tế có đại cổ tiểu cổ. Đại cổ gồm có kiểng chiêng và trống lớn; tiểu cổ gồm có trống con, kèn đàn nhị vv...Tiểu cổ thường hoà nhịp các bài Nam Bình Nam Ai, Tứ Đại cảnh để thổi vào các ngày lễ tế. Xướng tế thì có thầy văn áo rộng, đội mũ theo nghi văn Tô Đông Pha, chủ tế gồm có ông Trưởng Tộc. Vị tộc trưởng áo mũ theo nghi thức Bộ Lễ Nguyễn Triều, hai bên tả hữu gồm các vị tộc biểu hay trưởng phái khăn đen áo rộng chỉnh tề, mỗi lễ tế thường theo nghi tam hiến. (Dâng ba tuần). Sau ba hồi kiểng là ba hồi chiêng trống, kế tiếp trống con điểm ba hồi kèn nhạc được thổi lên hoà với tiếng trống tiếng chiêng nhịp nhàng, cùng tiếng xướng tế của thầy văn hoà quyện với khói hương trầm thơm ngát, cờ lộng nghi vệ hai bên liễn đối chói ngời như lạc vào giữa trung đình oai vệ, trên hai tiếng đồng hồ cho một lễ tế, thầy văn và các vị Tộc Trưởng tộc biểu không được rời vị trí của mình. Ngày xưa “trọng nam khinh nữ” nên đàn bà con gái không được dự lễ tế và không được vào họ, con trai đủ mười sáu tuổi mới được vào họ và mười tám tuổi mới được vào làng. Sau này các địa phương trong Nam, mỗi lần kỷ niệm cúng họ dâu rễ con gái cháu ngoại cũng được tham dự như nhau.
VIII. TRUYỀN THUYẾT, PHONG TỤC - TẬP QUÁN VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ:
1/ Truyền thuyết:
Làng nào xưa kia cũng muốn tạo cho địa phương mình có một truyền thuyết thật thần kỳ vì vậy có rất nhiều câu chuyện người xưa kể lại rằng:
a) Ông khổng lồ gánh đất bên Lào về lấp biển Đông để mở mang bờ cõi, một chân bước vào địa phận làng Lan Đình là giếng Phục Cá ngày nay Còn giống cái dấu chân), một chân bước xuống Bàu Ao tức là Bàu Hói (Cẩm Phổ) thì gẫy đòn gánh, do đó để lại hai cái núi đất, đó là núi Cồn Tiên và núi Cồn Cỏ ngày nay.
b) Tương truyền Cẩm Phổ có chín mươi chín cái cồn, ngày xưa bầy hạc của bà Nữ Oa có một trăm con hạc bay về đậu xuống chín mươi chín cái cồn, còn thiếu một cái cồn cho con hạc đầu đàn đậu, nên bầy hạc đó bay vào đất Thuận Hoá, sau này là kinh đô của Nhà Nguyễn. Nếu đủ một trăm cái cồn thì Cẩm Phổ là đất kinh đô rồi.
c) Tương truyền rằng: Nhà vua cử một phái đoàn gồm các quan đại thần và thầy địa lý đi tìm địa cuộc để lập kinh đô, khi đến địa phận làng Cẩm Phổ, xét thấy phong thổ có thể lập được nên sai lính đóng mộc bài, sau khi kiểm tra nguồn nước tại Xóm Nương có một cái giếng bị mặn gọi là giếng Cựa, nên phái đoàn bỏ đi nơi khác. Có người kể lại rằng: Có một vị bô lão sợ nhà vua lấy mất đất làm ăn, tối cho người đổ muối xuống giếng.
d) Miếu Ông nổi tiếng thiêng nhất trong vùng, ngôi miếu ấy gần đình, dân địa phương muốn cầu khẩn gì đến đó cầu cũng được, kể cả bệnh tật cũng lành. Sau khi Cẩm Phổ bị bạch hoá, tất cả đều đổ nát bởi bom đạn. Riêng Miếu Ông vẫ sừng sững với phong ba bão tố. Lính ở đồn pháo binh Dốc Miếu kể rằng: Nhắm tọa độ pháo là Miếu Ông, nhưng pháo cả trăm lần Miếu Ông vẫn không sập.
e) Tương truyền làng An Mỹ muốn lấn đất Cẩm Phổ, nên đem tre trồng vào xóm Kiệt Cảm, nhưng vào một đêm mưa to gió lớn cục đá Thiền Thần được cắm vào địa giới cũ nên làng An Mỹ không lấn được đất nữa. Cục đá ấy nay vẫn còn. -Truyền thuyết này có người kể cách khác: Có một bà tên Là Lê Thị Lụa bà lấy chồng An Mỹ. Nhân khi đi chợ Bạn thấy cả làng An Mỹ hỳ hục khiêng cục đá để cắm ở Kiệt Cảm. Bà ấy một tay nách rổ, một tay nắm trên đầu cục đá xách trở lại thì cục đá rơi vào chổ cũ. Nên làng An Mỹ không thể lấn địa phận được, cục đá ấy có năm dấu tay trước đây vẫn còn, nhưng nay năm dấu tay đã bị đập mất vì người ta tưởng rằng trong đó có châu báu. Nay cục đá ấy được dân địa phương tô chân cho đứng trở lại, ngày xưa có miếu thờ Bà Họ Lê. (Chùa Bà giáp giới An Mỹ).
2/ Tập quán và phong tục:
-Quăng hòn:
Hàng năm ba ngày tết đi lại thăm nhau, bảy ngày xuân thì mở “Hội quăng hòn” thông lệ hòn được tổ chức đôi vào chiều ngày mùng bảy tết hàng năm, hòn làm bằng gốc chuối sứ, nặng chừng bốn cân (kg) mỗi kỳ ba quả, gọt tròn như quả bóng. Người ta đan hai cái rọ, cột vào hai cây tre cắm ở hai đầu sân, người ta chia ra làm hai đội Nguyễn - Lê, Ao Vô - Ao Ra để cướp hòn. Hòn được tế sau ba hồi trống lệnh, ông Hội chủ mang hòn ra cho hai đội tranh tài, hễ đội nào đôi vào rọ đội kia là đội ấy thắng, người giữ rọ cầm cây tre rung cho hòn khó vào rọ, được tổ chức trên động cát, người đi xem thật đông, nào là thanh niên nam nữ, ông già bà già trẻ con các làng xa cũng về xem “hội đôi hòn” cảnh vật vui nhộn lạ thường, những cuộc tranh tài quyết liệt, đôi khi hòn chạm mạnh vào mặt người, có khi té chồng lên nhau, thế mà kỳ nào cũng bình yên vô sự “đôi hòn” hay “quăng hòn” là một môn chơi thể thao thật bổ ích, ngoài ra còn môn bịt mắt bắt heo hay đánh đu cũng không kém phần lý thú. Khác với các làng lân cận tổ chức đánh, “bài chòi”, “cờ chòi” có hại cho tinh thần và tiền bạc.
-Cướp ngọ:
Ngày xưa có một nhà phú hộ không có con, ông bà phú hộ xét thấy tiền của nhiều mà không có người nối dõi tông đường, nên hàng năm vào trưa ngày rằm tháng tám âm lịch mang tiền đồng lên động cát đôi cho mục đồng cướp, do đó để lại tục lệ đến mãi sau này, ai có tiền thì đôi tiền, nếu không có tiền thì lấy xôi đùm vào trong lá hoặc bánh trái gói vào lá chuối đem đôi ngọ, nếu ai không đôi thì trâu bò bị bệnh, tục lệ còn đến bây giờ.
3/ Cộng đồng dân cư: Sống trong làng nào đều có nét đặc biệt riêng của làng đó, làng Thuỷ Khê ở dưới liền với đất Cẩm Phổ nhưng tiếng nói và sinh hoạt cũng không giống nhau, làng An Mỹ cũng liền địa giới mà tập tục cũng khác nhau.
Người Cẩm Phổ vốn có tính thật thà, không khoác lác, chuộng sự thật và công bằng, tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau làm nhà ở thường người ta làm vàn cho nhau rất tận tụy mà không lấy tiền. Khi có đám ma họ cũng hết sức nhiệt tình trong tinh thần không cầu lợi, về cưới hỏi Cẩm Phổ cũng có những nét riêng, ít rườm rà hơn các làng khác, những cặp vợ chồng đời xưa sống rất hạnh phúc, cha mẹ định vợ gả chồng vấn đề hôn nhân gia đình tuy không có quy ước, nhưng phần đông tin vào tam hạp tuổi tác nên chẳng bao giờ trái mệnh cha mẹ, đa số người trong làng lấy vợ gả chồng đều trong bốn họ, ngoài ra cũng có người lấy chồng khác xứ và cũng có người lấy vợ khác làng .
Trai tráng Cẩm Phổ có thể lực rất tốt nên có câu ca: “Nhất lúa Đồng nai, nhì trai Cẩm Phổ”.
Sự học hành ngày xưa đa phần học chữ Hán, để viết được văn khế, chúc thư và đọc được sách. Song song với chữ Hán là chữ Nôm, trong làng cũng có người học thông họ làm thầy dạy học và thầy thuốc. Thời Pháp thuộc trong giai đoạn chuyển ngữ cũng có nhiều người học chữ Quốc Ngữ và có một số người thông thạo tiếng Pháp. Sau năm 1954 , cũng có người học cao và làm việc nhà nước. Đến nay sự học hành được phát triển rộng lêm và có rất nhiều Tú tài đại học xuất sắc và có nhiều người có địa vị quan trọng trong xã hội.
IX. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN GIA PHẢ:
Qua công trình nghiên cứu thật kỹ lưỡng nhưng phần gia phả Họ Nguyễn Nhất của chúng ta thật sự không dễ dàng một chút nào. Ngay từ ngài Thỉ Tổ sinh hạ ba Phái thì ai cũng biết và biết thế thôi, vì người xưa bởi một lẽ nào đó mà không ghi đời, không ghi Phái. Nhiều khi cháu mất trước ghi trước, ông mất sau ghi sau, nên phần gia phả chung cả họ phải giữ nguyên bản cũ. Riêng những ngài có quan tước cũng chỉ ghi chức tước mà không ghi tên, chỉ để Nguyễn Quý Công Đại Lang. Về phần gia phả, nếu tập trung hết tất cả các phái các chi các nhánh về ai rồi từ đó phân thứ tự từng đại mới hy vọng phần gia phả được hoàn hảo hơn.
Kết luận: Nói tóm lại: vài nét khái quát về Cẩm Phổ, chúng tôi tin chắc rằng còn rất nhiều thiếu sót vì không đủ tư liệu, nhất là về niên đại không được rõ ràng.
Về phương diện truyền thuyết chúng tôi dựa theo lời kể lại, chứ không hư cấu để phù hợp với ý nguyện chung.
Riêng về Họ Nguyễn Nhất các bậc cao niên cũng không còn nhớ hết. Ông Nguyễn Cảnh có ghi lại mấy câu đối và một bài văn cúng họ bằng chữ Hán, ông Nguyễn Thơ điều chỉnh về truyền thuyết và các vị có quan tước.
Chúng tôi tin tưởng có những đóng góp quý báu của các bậc thúc phụ cao minh để lần tái phụng tu được hoàn chỉnh hơn.
Tự tôn phụng tự ông Nguyễn Văn Vinh
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Trọng
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Cảnh
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Thú
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Oai
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Thơ
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Toản
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Ngoãn
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Tể
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Liệu
Tự tôn Tộc Biểu ông Nguyễn Nam
Tiết Thanh Minh Năm Kỹ Mão1999
Đồng Bổn Tộc Cẩn Chí (*)
Tác giả bài viết nhà thơ họa sĩ Nguyễn Hữu Kiểm
Bút hiệu Linh Đàn
(Là nghĩa tế phái 3)
BÀI VĂN TẾ XUÂN THU
Viết
Cung duy Tiên Tổ
Thiết niệm Tiên Linh
Nhân sanh hồ Tổ
Mộc bổn Thuỷ Nguyên
Tổ đức huy truyền. Tải vật chi công tối hậu
Hàm hoằng quảng đại, bách thế chi đức cư tiên
Khắc xương quyết hậu
Hữu khai tất tiên .
Ngưỡng bách niên tích khách chi cơ đức ân vĩ vĩ
Dũ thiên tải bồi nhân chi chỉ, qua điệt miên miên,
Miến kê cổ lễ vu quang thuỳ diễn,
Hựu tải tân văn phát diệm do uyên
Dịch xúc quần tâm vu hưng khởi
Nhân cơ ngãi hiếu hạnh gia truyền
Phú như thọ, thọ như tảng, vĩnh bão như sơn như hải
Tử dự tôn, tôn dự điêt, trường ca tư ức tư thiên
Tư nhân xuân tiết, thiết lễ kỳ an,
Nguyện kỳ giáng lâm, giám thủ vi kiền
Ngưỡng lại tổ đức phò trì chi đại huệ giã
Cẩn cáo
DIỄN ÂM BÀI VĂN TẾ HỌ NGUYỄN NHẤT
Công Tiên Tổ tô bồi thuở trước.
Tưởng Tiên linh nhờ phước người xưa
Công lao trải mấy nắng mưa
Lập nên sự nghiệp kế thừa đến nay
Ơn cao cả như cây Núi Thái
Nghĩa bao la như nước Biển Đông
Khó khăn nào có quản công
Cơ đồ hưng thịnh non sông vững bền
Con với cháu kế truyền mãi mãi
Hiếu với trung tiếp nối đời đời
Làm sao đúng mực con người
Nên trang lịch sự nên người nghĩa nhân
Trai xứng đáng học hành chăm chỉ
Gái giữ gìn tính nết đoan trang
Nhân ngày xuân kỵ thu thường
Cầu ơn Tiên Tổ mười phương chứng lời
Nguyện gia hộ cho đời hưng thịnh
Nguyện phước từ nối cảnh bình an
Ơn xưa Tổ Đức gia quang
Đến nay dòng dõi vẽ vang lưu truyền
Phò trì chi gia huệ giã
Cẩn Cáo
Phụng bút Linh Đàn
Hình trên bài này do anh Nguyễn Sanh (ngphi@vnn.vn) cung cấp.
No comments:
Post a Comment