TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Sunday, December 19, 2010
LÊ BÁ LƯ - ĐẢO PHÚ QUÝ: TIỀM NĂNG ĐÃ ĐƯỢC ĐÁNH THỨC VÀ ĐANG CHỜ KHAI PHÁ
Rời cảng Phan Thiết lúc 7 giờ sáng, sau hơn 8 tiếng đồng hồ hành trình lênh đênh trên biển khơi, vật lộn với những con sóng mạnh hơn cấp 6, đến 15 giờ 30 chiều, tàu Phú Quý 07 đã đưa chúng tôi đến đảo Phú Quý- hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm cách bờ hơn 56 hải lý.
Dù đang mệt nhoài, ngất ngư trong cơn say sóng, nhưng khi nghe tiếng tàu hụ báo hiệu sắp cập bến, tôi cố gắng ngồi dậy bước lên bong tàu. Từ biển nhìn vào, quần đảo Phú Quý nổi lên với những hình dáng kỳ thú. Nhìn về phía bên phải, đảo có dáng con rồng uy nghi; phía bên trái giống như con cá voi khổng lồ đang vượt sóng. Cửa khẩu Cảng Phú Quý tập nập ghe thuyền neo đậu và nhộn nhịp người. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thuyên cho biết lúc này biển đang động nên ghe thuyền không ra khơi. Thoạt nhìn, đảo có vẻ sầm uất với những công trình nhà cửa kiên cố, mới mẻ và những rặng dừa, phi lao xanh ngan ngát nối dài.
Vừa lên bờ, tôi đã được anh em bộ đôi Biên phòng chờ đón và đưa về đơn vị. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý nằm giữa một khu đồi cao nhìn ra phía biển, với 3 dãy doanh trại kiên cố mái lợp màu xanh, bao quanh là những hàng na, hàng dừa trĩu quả. Khoảng đất rộng ở giữa là sân bóng chuyền và những bồn hoa, chậu cảnh xanh tươi, tạo cho đồn một cảnh quan trẻ trung, đầy sức sống.
Những người lính đảo rất hiếu khách và chân tình. Tôi đã được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng tiếp đãi ân cần và chia sẻ những thành tích lẫn khó khăn của đơn vị trong nhiệm vụ công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo, góp phần cùng chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Thượng tá Ngô Xuân Bờ, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý cho biết, toàn huyện hiện có 1.340 phương tiện đánh bắt, tổng công suất 76.000 CV, với gần 5.200 lao động. Trong đó số tàu thuyền công suất từ 90 CV trở lên có 146 chiếc. Đồn đã tham mưu với địa phương xây dựng các Tổ Đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Sau hơn 2 năm hoạt động, các Tổ này đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động khai thác trên biển, đồng thời sẵn sàng phối hợp cùng các lực lượng, đặc biệt là bộ đội biên phòng trong công tác bảo vệ quyền và chủ quyền biển đảo; nổi bật là giúp nhau trong công tác phòng chống lụt bão, cứu nạn cứu hộ; tiêu thụ sản phầm ngay trên biển…
Trung úy Nguyễn Minh Hải, Trưởng ban Vận động quần chúng của đồn đã đưa tôi đi thăm nhiều nơi trên đảo. Đảo không có suối, nhưng mạch nước ngầm dồi dào nên nguồn nước ngọt không khan hiếm. Những cư dân lao động biển ở đây đặc biệt có giọng nói với âm vực nặng, khó nghe, nhưng rất hiền lành, dễ thân thiện. Chúng tôi còn thấy nhiều dân Tây ba lô tắm biển, lướt ván và đạp xe lang thang các con đường quanh đảo...
Phần nhiều các cơ quan hành chính, nhà văn hóa, sân vận động, trường học, khu vui chơi giải trí, đường giao thông tráng nhựa… nơi đây đều còn mới và một số công trình đang thi công dở dang. Nhiều khu vực huyện đảo đã có khuôn mặt đô thị, nhưng tất cả vẫn còn là “nhà không số, phố không tên”, chưa có đường nào có tên, nhà nào có số.
Chỉ mất hơn 3 tiếng đồng hồ bằng xe honda, chúng tôi đã được một vòng quanh đảo và trở về điểm xuất phát. Địa hình đảo không bằng phẳng, nhiều đồi, gò, cồn cát kéo dài. Là một đảo nhỏ giữa biển khơi nhưng Phú Quý có đến 34 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng và rất nhiều danh lam thắng cảnh, với những kiến trúc độc đáo có từ lâu đời. Tôi đã đến thăm chùa Linh Quang, chùa Vạn An Thạnh ở xã Tam Thanh; Dinh mộ Thầy Nại, miếu bà chúa Bàng Tranh ở xã Long Hải; ngôi chùa cỗ Linh Sơn trên núi Cao Cát…
Dinh mộ Thầy Nại
Dinh mộ Thầy Nại, xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi được cư dân biển sùng bái, xem như là chỗ dựa tinh thần. Lễ cúng Thầy được tổ chức hàng năm vào ngày 4/4 âm lịch, đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo với những nghi thức cỗ truyền nguyện cầu trời yên biển lặng, đất thái dân an. Đây cũng là lễ hội lớn nhất hàng năm trên đảo, có rất nhiều người từ đất liền ra tham dự.
Miếu bà chúa Bàng Tranh
Miếu bà chúa Bàng Tranh, một di tích văn hóa cũng là nơi tín ngưỡng của ngư dân. Theo truyền thuyết, bà chúa Bàng Tranh tên là Bàng Thị Vương Tranh là một công chúa của vua Chiêm Thành, vì trái lệnh vua cha nên bị thả xuống thuyền lưu đày biệt xứ. Thuyền công chúa trôi dạt vào đảo và bà đã ở lại cùng cư dân khẩn hoang lập nghiệp. Bà là người tài đức, đạo hạnh được nhân dân tôn sùng.Sau khi mất, bà được dân lập miếu thờ, cúng giỗ hàng năm. Hiện nay, Miếu bà chúa Bà Tranh đang được Nhà nước trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Chùa Linh Sơn
Ngôi chùa cỗ Linh Sơn tọa lạc uy nghiêm, hùng vĩ trên núi Cao Cát, ở độ cao hơn 120 mét so với mực nước biển. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo. Đứng nơi đây, tâm hồn con người cảm thấy lâng lâng, hòa quyện với đất trời, chúng ta có thể nghe tiếng gió hú lồng lộng với những âm thanh kỳ bí như tiếng nói tâm linh, đồng thời có thể nhìn ngắm toàn cảnh bức tranh sống động của đảo Phú Quý: từng rặng cây, bãi biển, cồn cát, làng chài, khu dân cư, con đường vòng quanh đảo, những con thuyền nhập nhô lướt sóng và cầu cảng nhộn nhịp ghe thuyền….
Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Phú Quý cho biết, huyện có diện tích tự nhiên gần 18 km2, là một quần thể gồm 10 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó chỉ đảo lớn Phú Quý là có dân sinh sống. Huyện có 3 xã, 10 thôn, 5.466 hộ với số dân gần 27.000 người, đa số sống bằng nghề đánh bắt và các dịch vụ hậu cần nghề biển. Trước đây, Phú Quý là một hòn đảo hoang sơ với hơn 1.000 dân sống nghề chài lưới. Là một vùng đất đầy tiềm năng, giàu khoáng sản, ngư trường rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị cao; khí hậu quanh năm ôn hòa; cảnh quan nên thơ, hùng vĩ, hấp dẫn du khách, nhưng do điều kiện cách xa đất liền, đi lại khó khăn nên nhiều năm qua Phú Quý vẫn còn dáng vẻ hoang sơ. Tiềm lực đảo mới được đánh thức và bắt đầu phát triển khoảng hơn 5 năm trở lại đây, nhất là từ khi Chính phủ có Chương trình hành động về chiến lược phát triển biển đến năm 2020.
Chùa Thạnh Lâm
Lãnh đạo huyện cho biết, huyện đã và đang tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các công trình và cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị hóa. Riêng trong năm 2010, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, huyện đã triển khai nhiều chương trình, như: giảm nghèo; xây dựng cơ sở giáo dục – đào tạo, trung tâm dạy nghề huyện; chương trình nâng cấp mạng lưới thông tin- truyền thông, mạng lưới điện; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình biển Đông- hải đảo, nâng cấp hệ thống cầu cảng, đường giao thông; xây dựng đê, kè chống sạt lở, chống xâm thực bờ biển và một số chương trình mục tiêu khác, với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện được đẩy mạnh; ngân hàng đã kịp thời áp dụng các biện pháp linh hoạt, phù hợp trong huy động và cho vay vốn, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nguồn vốn đầu tư cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh…
Trong chiến lược phát triển lâu dài và bền vững, huyện rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ; đồng thời có chính sách ưu tiên, đãi ngộ, như cấp đất, hỗ trợ điều kiện xây dựng nhà cửa …nhằm thu hút lao động chất xám và chuyên môn kỹ thuật cao từ nơi khác đến đảo phục vụ lâu dài.
Đại hội Đảng bộ huyện vừa qua đã xác định cơ cấu kinh tế huyện được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Huyện tập trung thu hút mọi nguồn vốn đầu tư, đặc biệt, là đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, du lịch sinh thái, nhà hàng- khách sạn, tàu vận chuyển hàng hóa, tàu khách cao tốc, điện gió…Trong đó, dự án nhà máy Điện gió Phú Quý do Tổng Công ty Điện lực Dầu khi đầu tư, với công suất lắp đặt 6 MW, đã được khởi công xây dựng vào cuối tháng 11 vừa qua, với tổng vốn đầu tư 335 tỷ đồng. Dự kiến sẽ Nhà máy sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011, khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp sản lượng điện hàng năm 25,4 triệu kW/h và được đấu nối lên đường dây 220 kV, vận hành đồng bộ với Nhà máy điện Diesel hiện có, sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay và tạo thêm điều kiện cho các ngành kinh tế huyện phát triển.
Tiềm năng phong phú, đa dạng của huyện đảo Phú Quý đã được đánh thức. Tuy nhiên, để vươn lên mạnh mẽ và phát triển bền vững, ngoài nổ lực khắc phục những khó khăn chủ quan, huyện còn phải vượt qua những trở ngại và thách thức khách quan, trong đó đặc biệt là giải quyết được vấn đề khó khăn “ngăn sông cách biển”. Bởi, nếu hệ thống giao thông nối liền giữa đảo và đất liền chưa được cải thiện như hiện nay thì rất khó thu hút các nhà đầu tư. Đó là vấn đề mà lãnh đạo huyện đang ngày đêm suy nghĩ - vị đứng đầu lãnh đạo huyện bộc bạch.
Tôi nhận thấy, những trăn trở của lãnh đạo huyện Phú Quý cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong chiến lược khai phá tiềm năng và phát triển đảo Phú Quý thành một địa chỉ đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và khách du lịch./.
Lê Bá Lư (TTXVN)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment