Một du khách người Pháp cao tuổi cầm bức ảnh cũ, một kỷ vật của người thân trong gia đình từng giữ chức vụ Chánh văn phòng rồi Khâm sứ tại Trung Kỳ, đặc biệt dưới bức ảnh có nét chữ bằng tiếng Pháp của người tặng và kèm theo chữ ký lộ nét chân phương: Phụng Hóa công.
Ông ta hỏi: Anh có biết Phụng Hóa công là ai không?Tôi vui vẻ trả lời: Công là “ông ấy”. Ông tưởng tôi trêu ông - do hiểu nhầm. Khách nói: Sao lại là tôi? Ngại khách phật lòng, tôi phải giải thích khá dài dòng nào công là “vị mà mình tôn kính”, công là “tước công” đứng đầu trong ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam. Còn Phụng Hóa là tên huyện Phụng Hóa của tỉnh Ninh Bình. Phụng Hóa công là tước hiệu vua Thành Thái phong cho hoàng tử Bửu Đảo - con vua Đồng Khánh vào năm 1906. Và vị khách yêu Huế này còn ước mong đi tìm nơi ở của Phụng Hóa công ngày xưa.
Người Pháp ở xa Huế đến hơn nửa vòng quay trái đất mà lại đi tìm chuyện “vang bóng một thời” theo kiểu cách vua Tự Đức “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” thì than ôi phải chào thua. Vâng,du khách đang đi tìm về phủ đệ đó, không khéo là mình phải “học” ông ta về di sản kiến trúc cung đình.
* Ngao du tìm về bóng dáng của phủ đệ ngày xưa
Già rồi, tôi ỷ vào thân tra, bỏ việc nhà cho người vợ đảm đang; hằng ngày lên ngựa sắt, đạp tòng teng khắp phố phường và vùng ven đô thị; có khi cao hứng về thấu huyện. Say máu là đi, bất kể trời đất mưa gió phảng phất. Đi một ngày đàng học thêm, biết thêm chút ít tạo niềm vui và khoái chí lúc ngồi uống trà mà “cại lại bạn bè “ để văng ra cái mới.
Tiềm để tức nơi chốn thái tử hoặc hoàng trưởng tử, hoàng tử trước ngày lên ngôi vua. Đó là phủ đệ đã thăng hoa làm bệ phóng cho chủ nhân ông trở thành ngôi vị thiên tử trị vì thiên hạ theo đúng với nguyên nghĩa. Theo thời gian, phủ đệ của Phụng Hóa công đã trở thành An Định Cung ngày nay soi bóng bên dòng sông Lợi Nông nắng đục mưa trong với nhiều phủ đệ khác như Tùng Thiện, Kiến Hòa, Kiên Thái, Mỹ Hóa…
Kể từ giữa thế kỷ 19, Tùng Thiện công lập Tiêu Viên rồi Ký Thưởng Viên để rước mẹ là bà Thục Tân khỏi Tử Cấm Thành vào năm 1849 thì có nhiều ông hoàng cũng nối gót về theo lập phủ biên sông Phủ Cam, một phần của sông Lợi Nông với những đình đài, chùa miếu, làm cho cảnh sông nước thêm phần nhộn nhịp.
Năm 1939, chấp bút viết tiểu sử Tuy Lý vương, nhà văn Trần Thanh Mại đã có nhận xét bóng dáng của Ký Thưởng Viên: “Không ngày nào số văn nhân hội họp không dưới nửa trăm người; Tùng Thiện vương cũng như một vị Mạnh Thường quân nho nhỏ” để tỏ lòng tôn kính hai bậc Thi ông, Thi bá của nhà Nguyễn mà tiếng thơm lan tỏa tới tận Trung Quốc: “Thi đáo Tùng - Tuy thất thịnh Đường”.
Sách Tùng Thiện Vương (1819 - 1870) do hậu duệ của Thi ông là Ưng Trình và Bửu Dưỡng ấn hành năm 1970 để kỷ niệm 100 ngày mất của ông nội, cố nội mình đã cho người đời có một ý niệm về hình ảnh của phủ đệ:
“Theo lệ, các hoàng tử lên 18 tuổi thì phải xuất phủ, nghĩa là phải ra ngoài Tử Cấm Thành, biệt lập gia đình như Võ Xuân Cẩn đã tâu, xin ơn cho các hoàng thân, hoàng tử. Tùng Thiện vương xuất phủ ở ngang với phủ Tuy Lý vương, tại phường Liêm Năng trong Kinh Thành, phía đông Lục Bộ…”
Phường Liêm Năng nay thuộc phường Thuận Thành trong Thành Nội. Địa điểm thiết lập phủ đệ hai anh em Tùng Thiện, Tuy Lý ở phía sau và đối diện với Tam Tòa. Trước năm 1815, chỗ Tam Tòa là phủ đệ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, con trai thứ 4 của vua Gia Long. Nơi đây thuộc phường Đoan Hòa, năm ấy hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm được tôn phong làm Thái tử vào ở cung Thanh Hòa trong Tử Cấm Thành, năm 1817 nhường lại cho em ruột cùng cha khác mẹ là hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn làm phủ đệ.
Tiếc thay người có tài và chí hiếu như hoàng tử Chẩn, con trai thứ 9 của vua Gia Long lại mất sớm lúc mới 22 tuổi. Sau vua Minh Mạng đã truy phong cho Thiệu Hóa công Nguyễn Phúc Chẩn là Thiệu Hóa quận vương.
Theo học giả Phan Văn Dật, năm 1839, Minh Mạng thứ 20 nhà vua “nhớ kiếp trước mình là thầy tu” cho nên sai dựng chùa Giác Hoàng. Vua cấp cho con trai của Thiệu Hóa quận vương là Thiệu Khuê ở chỗ khác.
* Như chính sử nhà Nguyễn đã ghi chép về phủ đệ
Phủ đệ là thuật ngữ được in bằng đề mục với co chữ lớn trong bản Mục lục cuối sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) đã được dịch ra Việt ngữ.
Bản soạn dưới triều vua Tự Đức, ấn hành trước năm 1875 phải mất gần 10 năm mới hoàn chỉnh. Viện Sử học đã dịch tại trang 52 và 53 cho biết phủ đệ gồm 5 cơ sở: nhà Đoan Bản, nhà Chí Thiện, nhà Phúc Thiện và phủ đệ các thân công, đệ trạch các công chúa.
Lối viết sử xưa thật là uẩn súc, lời ít mà nghĩa sâu rộng. Dịch từ “đường” là nhà thì hơi ép nếu không nói là gượng gạo. Đọc hai nửa trang sách số 52 và 53 thì dễ nhận ra hình ảnh, bóng dáng của phủ đệ và đệ trạch sai khác nhau như thế nào.
Phủ đệ là nơi ở của các thân vương, thân công, thái tử, hoàng tử đã được tôn phong sau khi đã trải qua một khóa thi gồm 3 kỳ. Đệ trạch là nơi ở của các công nữ, hoàng nữ đã được tôn phong là công chúa đã được gã chồng. Con rể của nhà vua là Phò mã, con dâu là Phủ thiếp.
Cũng ở trang mục lục, sách ĐNNTC, tập Kinh sư, có bài Tựa để rõ ngày 8 tháng 12 năm Duy Tân thứ 3 (1910) ở trang số 1; Còn phần viết về phủ đệ chỉ ghi 3 cơ sở: Đường Đoan Bản, Đường Chí Thiện và Đường Phước Thiện liên quan đến chốn Tiềm để của ba vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Tuyệt nhiên bản ĐNNTC thời Duy Tân không chép rõ ràng địa điểm, kiến trúc và biển ngạch đã quy định rõ ràng như bản thời Tự Đức
1. Phủ đệ các thân công: Ở phía tả trong Kinh Thành, nhà chính và nhà trước đều 3 gian 2 chái, biển ngạch cửa đề chữ: “Mỗ công phủ” (Phủ đệ thân công mỗ).
2. Đệ trạch các công chúa: Ở phía hữu trong Kinh Thành, thể chế cũng như phủ đệ các thân công, biển ngạch cửa đề chữ: “Mỗ công chúa đệ”.
“Mỗ” hàm ý sẽ ghi tước phong vào cho đầy đủ mới hợp cách xác định cơ sở có chủ nhân là ai. Thông lệ, lấy tên huyện của các tỉnh để chọn đặt tên cho từng phủ đệ hoặc đệ trạch của từng hoàng tử hoặc công chúa.
Sách Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTLCB) đã kê ra hàng loạt tên gọi phủ đệ của từng thân vương, hoàng tử:
- Tháng 8 năm Đinh Sửu (1817): phong Thúc Quận công Tôn Thất Thăng làm Phúc Long công; hoàng tử thứ 5 là Đài làm Kiến An công; hoàng tử thứ 6 là Bính làm Định Viễn công; hoàng tử thứ 7 là Tấn làm Diên Khánh công; hoàng tử thứ 8 là Phổ làm Điện Bàn công; hoàng tử thứ 9 làm Thiệu Hóa công; hoàng tử thứ 11 là Cự làmThường Tín công; cho sách bạc, ấn bạc và ấn quan phòng mỗi người một cái. Ra lệnh tờ biểu, tờ khải đều xưng tước và tên. (Biểu tâu thì Phúc Long công thần Mỗ; của hoàng tử,hoàng tôn tước công thì xưng Mỗ công thần mỗ. Khải thì xưng Mỗ công, điệt mỗ). Giấy tờ các nha đưa lên thì xưng là bẩm. NHÀ Ở THÌ GỌI LÀ PHỦ.
Như vậy, chính sử còn mở ra những góc nhìn về hình ảnh và thực trạng của phủ đệ. Tháng 2 năm Ất Hợi (1875) Vinh Lộc quận công Miên Tri (Chi) vay nợ ở nghĩa thương 1.000 quan tiền để sửa chữa phủ đệ (Nghị trước định: hoàng thân sửa chữa phủ đệ, cho vay 1.000 quan, hàng năm trả nợ 300 quan tiền). Mới 1 tháng đã huy hoắc hết cả, lại xin lỉnh lương trước 2-3 năm, quan Tôn Nhân Miên Định lấy lý răn bảo, sợ không phục tình, bèn đem việc ấy hặc tâu.
Phủ đệ là cơ nghiệp và tài sản của hoàng tử, là của tư khác nào trong dân gian cha mẹ cho con trai ra ở riêng để tự lo liệu lấy sự nghiệp cỏn con của mình làm đà tiến lên.
Tháng 7 năm Mậu Dần (1818), vua Gia Long định điều cấm về Kinh Thành gồm 26 điều răn dạy, trong đó điều 12 liên quan đến phủ đệ, cụ thể như sau: “Phủ đệ của hoàng tử, hoàng nữ, nhà ở của các quan văn võ nhất nhị tam tứ phẩm, đều chọn một người làm thư dịch xem xét đường quan về phần đất sở tại và ghi rõ điều cấm để bảo vệ người nhà”.
Từ chính sử cho đến các sách biên khảo ngày nay liên quan đến sinh hoạt cung đình, hoàng tộc Nguyễn Phúc đều khẳng định: nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử lúc sinh tiền gọi là phủ, công phủ, vương phủ; nơi ở của các công nữ, công chúa lúc đã gả chồng và được tôn phong gọi là đệ, đệ trạch và việc đi lập phủ gọi là “xuất các” hoặc “xuất phủ”. Nơi ở của các hoàng tử, công chúa trong đời người nhất thiết không phải một địa điểm nhất định mà có thể thay đổi. Thông thường nơi ở sau cùng mới ổn định để thành chốn phủ đệ, đệ trạch mà có khi tùy theo văn cảnh, cách nói người ta quen gọi chung là phủ đệ cho gẩy gọn. Các cụ xưa khuyên người đọc sách nên “tinh mắt” để mà nhận ra nghĩa lý.
Cụ ông và cụ bà Vĩnh Ngô đều thọ đến trên dưới 90 tuổi. Cụ ông là hậu duệ của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Thủ, con thứ 9 của vua Minh Mạng, có phủ ở ấp Xuân An, làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, và về sau dời về phường Phú Hội, đường Nguyễn Công Trứ, biển hiệu nơi thờ ngày nay là Hàm Thuận công từ. Cách một bức vườn của thường dân là nơi thờ An Thường công chúa (chị ruột của Hàm Thuận công):
Con đường trưa nắng gió hiu hiu
Ngây ngất người qua, tiếng sáo diều
Đây chốn An Thường công chúa nghỉ
Lưng chừng khóm trúc dáng liêu xiêu
(Đồng Di Đỗ Hà)
Vườn chị gần bên nhà em, phía trước là đường Chợ Cống, phía sau là sông Thọ Lộc rẽ lối ra sông Hương. Một bên là phủ, một bên là đệ.
Đệ không phải là em mà là chữ gọi tắt của đệ trạch. Cụ Vĩnh Ngô cho biết lúc nhỏ cụ đã từng sống ở đây trong tình nồng ấm “nội ngoại tương tề”. Mỗi lần phủ và đệ cúng Thổ thần, cụ ông nghe rõ, thấy rõ văn sớ viết tên gọi hai bên khác nhau: bên phủ Hàm Thuận là “Phủ đệ tôn thần”, bên An Thường công chúa từ là “Đệ trạch tôn thân”. Về mặt lý nghĩa chính thống là rạch ròi như thế. Còn về mặt dân gian, trong ngôn ngữ nói thì người ta quen gọi chung là “Phủ từ” vì chủ nhân ông, chủ nhân bà đã mất.
* Đền thờ bên ngoại nhà vua
Chữ “phủ” và chữ “từ” thật lắm nghĩa, rộng đường trong thuật ngữ cung đình lẫn ngôn từ dân gian. Đền thờ bên ngoại nhà vua được gọi là “từ”. Bên bờ sông Hương kể từ chùa Linh Mụ đi về phía cầu Bạch Hổ các đền thờ: Vĩnh Quốc công từ, Diễn Quốc công từ, Qui Quốc công từ, Thọ Quốc công từ, Phước Quốc công từ, Đức Quốc công từ… Chữ “từ” được dịch là “đền” và được quốc sử biên chép vào mục Quán từ xếp chung cùng với các đền Quan Công, Thiên Phi, Tiên Y, các đền thờ có liên quan đến sơn lăng, các phi tần… thậm chí đến Thiệu Hóa quận vương Nguyễn Phúc Chẩn như đã nói ở phần đầu bên trên bài viết này. Thật là “nhiêu khê” về nghĩa lý của các từ “phủ” và “từ” trong ngôn ngữ Việt.
Thế thì không thể ghép buộc 6 đền thờ này là phủ đệ như báo chí đã viết và lấy hình ảnh cả nhà vườn Lạc Tịnh Viên ở đường Phan Đình Phùng, nhà vườn An Hiên của bà Tuần Chi nhũ danh Đào Thị Xuân Yến… để minh họa cho bài viết khiến cho đọc giả trẻ tuổi, nhất là sinh viên học sinh ngày nay khó hiểu?
Phủ đệ đời nhà Nguyễn kế tục, tiếp nối và phát huy truyền thống giòng tộc của vương phủ, hoàng gia có kỷ cương, tôn thống từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, sửa sang đô ấp, tiền thân của Kinh Thành Huế. Ngày xưa dưới thời Nguyễn, Tôn Nhân phủ trực tiếp quản lý và điều hành các phủ đệ ở kinh đô và các huyện để kỷ cương phép nước được giữ vững cho nên tránh được nạn lộng hành do quyền thần kết hợp với thế lực hoàng gia bất chính, thậm chí cả thế lực bên ngoài nước lũng đoạn thừa lúc nước đục béo cò. Thời “tứ nguyệt tam vương” sau khi vua Tự Đức về chầu tiên đế đã khiến cho sơn hà xã tắc chao đảo, ngã nghiêng: không những hoàng gia chóng suy sụp mà bách tánh phải chịu cảnh quốc phá gia vong.
L.Q.T.
CHÚ THÍCH ẢNH
Ảnh 01: Phủ Tùng Thiện vương
Ảnh 02: Phủ Tuy Lý vương
Ảnh 03: Phủ Vĩnh Quốc công
Ảnh 04: Phủ Khải Uy Trung Hưng Hồng Cơ
Ảnh 05: Phủ Phong Quốc công
Bài và ảnh từ trang www.covathue.com
No comments:
Post a Comment