Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 17, 2009

Phan Quang

Sông Thạch Hãn vào lúc sáng sớm


Cội Nguồn là Quê Hương

PHAN QUANG

Quê hương chưa hẳn là nơi ta sinh sống dài lâu nhất. Đối với những nông dân sớm rời xa đồng ruộng mong tìm cuộc sống ấm êm hơn nơi đất khách quê người, hoặc những chàng trai ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc từ thuở vị thành niên, thời gian sống ở quê hương đối với họ đôi khi gói gọn trong những tháng ngày náo nức tuổi ấu thơ. Nhưng bất luận với ai, quê hương luôn luôn hiện hữu, và càng đau đáu hơn trong lòng người xa xứ.

Cũng tương tự mối tình đầu, nào ai đã ăn ở với ai, sớm cách ly biền biệt, vậy mà làn hương toả ra từ mái tóc người thương một thời xa vắng vẫn đeo đẳng người thương mãi tới lúc đầu bạc răng long.

Mỗi người giữ hình ảnh quê hương trong lòng theo mỗi cách. Đối với người nghệ sĩ, đó là chùm khế ngọt trong vườn, là vành nón nghiêng che của mẹ, đối với nhà thơ, là ấn tượng về "những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ những đồi sim không đủ quả nuôi người"... (Thơ Chế Lan Viên).

Đối với tôi, quê hương là tiếng hò, khi nồng thắm thiết tha, khi dập dồn tiết tấu cần lao. Làng tôi không có đầm rộng sông dài, vắng tiếng hò mượt mà sóng nước như ở phá Tam Giang, song vẫn có những câu hò đối đáp giữa những người đêm thanh dắt trâu đạp lúa ngày mùa. Không có nữ, toàn những lực điền làm việc tới khuya, mỗi người lụi cụi một sân lúa không ai nhìn thấy mặt ai ngoài con trâu làm bạn. Vậy mà khi ai đó cất lên câu hò ân tình, hơi xô tưởng biệt tăm trong cô đơn thanh vắng, vẫn có một bạn nào đó trên một sân lúa hoặc gần hoặc xa lắng tai. Và khi người xướng dứt lời, người kia sẽ cất lời đối lại. Nếu người khởi cất giọng hò theo ý của bên trai, thì người đáp sẽ đóng vai bên gái, và ngược lại. Cũng có thể, từ một sân đâu đó ở xóm xa, sẽ cất lên một lời phụ hoạ. Và con trâu, người bạn thuỷ chung trong khi vẫn kiên nhẫn đếm từng bước chậm rãi trên dàn gồm những bó lúa tươi tựa vào nhau như mâm xôi khổng lồ, hình như nó cũng đang vểnh đôi tai. Tiếng hò ân tình kéo dài từ đầu hôm cho đến lúc tàn canh, khi sân lúa đã "chín", lúc này người và trâu đều đã mệt nhoài. Hò từ đầu hôm, hò mãi đến khuya. Để chống chọi cái ngủ chực ập đến sau ngày dài làm việc dưới nắng chang chang. Để quên đi nhịp lao động đơn điệu, dễ nản lòng trên mảnh sân ngai ngái mùi rơm rạ tươi và mùi lúa vừa chín tới...

Đối với tôi, quê hương còn là tiếng hò đập bắp những đêm Hè. Làng tôi có bãi trồng ngô ở Ba Lòng, thượng lưu sông Thạch Hãn. Trong kháng chiến chống Pháp bãi bắp làng Thượng là một nguồn lương thực của chiến khu. Thuở thanh bình, hàng năm cứ đến mùa gió Lão nổi, dân làng đưa thuyền ngược sông bẻ bắp; những chiếc "nôốc" rõ to chở ngập mạn những bông bắp rực màu da cam thuận gió thuận nước xuôi về ngã ba Ngô Xá rồi từ đó theo dòng sông Vĩnh Định ngược lên bến xóm. Sân nhà nào nhà nấy đỏ rực bắp tươi. Bắp phơi qua mấy nắng, chờ đêm trăng người ta đổ lên một cái giàn có chân đỡ đặt chính giữa sân. Rồi bên nam bên nữ ngồi trên hai hàng ghế đối diện, mỗi người cầm một chiếc gậy ngắn cùng đập bắp theo nhịp rập ràng. Hò khoan dô khoan... nhịp hò cần lao ngắn gọn, dập dồn, những hạt ngô theo nhịp đập mà rụng xuống rào rào, và cùng tiếng hò lan theo ánh trăng. Trai gái các làng lân cận nghe câu hò mời gọi, tìm đến đập giúp, không ai đòi công xá, chỉ cốt chia vui. Chủ chào đón thân tình, khích lệ khách chớ có ngại ngùng mình là người nơi xa vừa đến:

Đến đây đầu lạ sau quen,

Bóng trăng lạ mặt, bóng đèn lạ duyên...

Mọi người dịch lại, nhường khách một chỗ ngồi, và ai đó trao cho khách chiếc gậy. Khách khẽ nhịp vào thành giàn bắp và cất giọng lịch sự đón rào:

... Chào bên nam mất lòng bên nữ,

Chào người quân tử, bẽ dạ thuyền quyên

Cho tôi được chào chung một tiếng kẻo chào riêng khó chào...

Quê hương thường xuyên níu kéo người tha hương. Dường như có ai đó từng ví tình cảm quê hương từa tựa sợi dây thun vô cùng bền vững. Khi bạn ở gần, sợi thun chùng lại, bạn không thường xuyên cảm thấy ràng buộc mà sợi dây vô hình vẫn giữ chặt bạn. Bạn càng đi xa, bạn mỗi năm thêm một tuổi, sợi dây vô hình thuận với không gian và thời gian, lại càng níu kéo. Bạn càng đi xa, càng lớn tuổi càng cảm thấy sức mạnh của sợi-dây-quê-nhà xiết chặt con tim.

Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi

Cội nguồn ơi chiếc lá lại rơi về.

(Thơ Nguyễn Đức Mậu)

Có thể chiếc lá rơi về cội. Cũng có thể nó cuốn theo chiều gió phương xa, để rồi sẽ nhẹ nhàng đáp xuống nơi chân trời xa xăm. Có thể rồi bạn sẽ yên nghỉ một góc nào đó trên đất nước hoặc trên hành tinh này. Nhưng chiếc lá vẫn về cội. Dù đi đâu về đâu, quê hương vẫn còn đó câu hò...

Phan Quang

http://diendan.bacgiangview.com/



ĐỌC THÊM
MỘT MÌNH GIỮA ĐẠI DƯƠNG, bút ký

No comments: