Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 17, 2009

Cao dao Quảng Trị

Hoàng hôn ở Quảng Trị

Những khúc ca về tâm lực người

nông dân trong giêng hai nghiệt ngã

NGUYỄN HOÀN


Hồi thơ ấu, đứa con trai nào chẳng có lúc “nghịch tử” để đến nỗi bị cha mẹ mắng như tôi: “Con cái chi mà Ô châu ác địa”. Lúc những người nông dân giận nhau, tôi cũng nghe họ mắng nhau: “Đồ Ô châu ác địa”. Tôi nghe mà chẳng hiểu gì cả. Kỳ thực về sau lớn lên, tôi mới hiểu ra rằng “gửi gắm” vào lời mắng đó có cả lời chửi thề của người Quảng Trị quyết không cam chịu bị trói buộc bởi hoàn cảnh nghiệt ngã ở đất dữ châu Ô. Người Quảng Trị đã đột phá được những ba-ri-e thách đố của tạo vật bằng tâm và lực dồi dào của chính mình, để khai thông hành trình vươn tới tương lai ấm no, hạnh phúc, đồng thời trên hành trình ấy khai mở luôn dòng ca dao dân ca mang âm hưởng tươi tắn, lạc quan.

*Từ cái quán “bạn nghèo gặp nhau”

Ngày trước, giữa buổi giáp hạt giêng hai, lúc rơi đúng vào ranh giới mất, còn nghiệt ngã của sinh nhai, khó tránh xảy ra chuyện “bần cùng sinh đạo tặc”, thế nhưng tình nghĩa giữa những người nông dân qua nhiều phen thử thách càng trở nên đậm đà, sâu nặng bội phần. Tình nghĩa ấy được gửi gắm trọn vẹn qua bài ca dao sau đây của miền “kẻ chợ” Diên Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị:

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua một vác tre

Về che cái quán

Ai thù ai oán

Đốt quán tôi đi

Tôi thương cái cột

Tôi nhớ cái kèo

Tôi thương cái đòn tay

Tôi nhớ cái cửa

Bạn nghèo gặp nhau

Các thủ pháp nghệ thuật ở đây được sử dụng đa dạng, linh diệu như ngắt nhịp 2-2, vần lưng, vần chân...đã tạo nên giọng điệu vừa gắt, vừa khoẻ trong câu ca dao của mạch tự sự diễn tả nỗi bi phẫn của người làm quán trước kẻ càn bậy. Mạch trữ tình thay thế mạch tự sự ở năm câu thơ cuối khiến cho dòng cảm xúc bài ca dao vận động sang ngã rẽ hoài niệm, tiếc nuối. Có hai cái quán được nhắc đến ở đây. Cái quán thứ nhất là cái quán hiện hữu cụ thể mà ta nắm bắt được bằng trực quan những bộ phận hợp thành nó như: cột, kèo, đòn tay, cửa...Cái quán thứ hai là cái quán biểu tượng của tâm hồn, tình nghĩa người Quảng Trị. Không biết có ước hẹn gì không chứ có khi người nông dân lam lũ với người trí thức uyên bác cũng đã tri ngộ nhau qua việc lập quán. Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc cáo quan về làng, ra chơi bến Trung Tân, một thắng cảnh đẹp, bèn bàn với các kỳ lão về chuyện dựng ở đây một cái quán “để cho người đi đường nghỉ ngơi”. Dùng lời Chế Lan Viên luận về ý nghĩa việc lập quán Trung Tân của Nguyễn Bỉnh Khiêm ứng vào bài ca dao trên nhằm lý giải ý nghĩa biểu tượng cái quán của nông dân Quảng Trị sao mà ăn nhập đến thế: “Cái đẹp của cha ông là như vậy. Ở nơi thắng cảnh, đầu tiên không phải nghĩ đến Văn, mà phải nghĩ đến Người. Cái quán bé thôi mà lớn lao thay ý nghĩa. Cái quán chưa hẳn đẹp như một bài thơ, nhưng chúng ta có thể làm trăm bài thơ về cái quán này. Nó phục vụ sự sống-con người-người dân. Và vì thế, dẫu chưa là chữ nghĩa, nó đã là văn hoá”(1).

*Đến việc đánh thức tiềm lực: Còn da lông mọc còn chồi nảy cây

Có tâm hồn, tâm huyết rồi còn phải có lực nữa mới tạo nên thế tấn hai chân chững chạc. Không phải ngẫu nhiên mà cũng ở vùng Diên Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị có thêm bài ca dao thứ hai về tiềm lực người nông dân xuất hiện:

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái

Về nuôi ba tháng, hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng: Ung

Hai trứng: Ung

Ba trứng: Ung

Bốn trứng: Ung

Năm trứng: Ung

Sáu trứng: Ung

Bảy trứng: Cũng ung .

Còn ba trứng nở ra ba con

Con diều tha

Con quạ cắp

Con mặt cắt lôi

Đừng than phận khó ai ơi!

Còn da lông mọc còn chồi nảy cây!

Người làm quán bị đốt quán nhưng vẫn còn cái quán của ký ức rủ bóng xuống tâm tưởng. Người mua gà mái mới thực trắng tay, lại mắc nợ. Điệp khúc bi ca “trứng ung” bảy lần vang lên lạnh lùng và lê thê xoáy vào tim nhức nhối. Tưởng như đấy là đoạn “thắt nút” duy nhất của bi kịch mà tiếp nối sau đó ắt là đoạn “mở nút”: “Còn ba trứng nở ra ba con”. Nhưng không, đoạn thắt nút thứ hai, tức “thắt nút của thắt nút” xuất hiện, khi tia hy vọng mong manh loé lên từ ba quả trứng nở bị dập tắt. Phản ánh sự thực ở tận cùng giới hạn của nó như thế thường là khó có thể đưa ra cách kết thúc thoả đáng, thường là một thách thức không nhỏ cho việc “mở nút”, nói theo cách của nhà viết kịch. Bài ca dao này kết thúc có hậu mà tránh được giả tạo là vì tác giả dân gian không áp đặt ý định chủ quan cực đoan buộc hiện thực phải khuôn vào mà biết dự cảm sự vận động nội tại của hiện thực, ở đây là sự vận động của tiềm lực nội tại trong nhân tố con người xuất hiện rõ nét nhất ở hoàn cảnh nghiệt ngã: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Tư duy phương Đông, tư duy Kinh Dịch đã từng phát hiện ra quy luật vận động theo chiều hướng lạc quan của sự vật: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, trong suy có thịnh, lúc cùng kiệt của sự suy sẽ có mầm thịnh trỗi dậy. Người nông dân không phát hiện ra quy luật biện chứng đó nhưng bằng trải nghiệm thực tiễn, bằng trực cảm, họ đã nắm bắt được sự vận động có tính quy luật nêu trên. Vì thế mà họ không thở than lúc suy biến khi biết rằng trong suy biến, sẽ có một nguồn lực mới "hoài thai". Vì thế mà niềm tin của nông dân Quảng Trị: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”, niềm tin của nông dân Việt Nam: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” là một niềm tin hoàn toàn có căn cứ từ trong chính minh triết Việt Nam, minh triết phương Đông. Hai bài ca dao không chọn những khoảnh khắc êm ái của đời thường mà chọn những tình huống ranh giới giữa sinh-tử-mất-còn đầy nghiệt ngã mà người Quảng Trị lâm vào để diễn tả, nên đã nêu bật được những nét đặc trưng của tâm và lực người nông dân “phát sáng” trong gian khó.

N.H

-----------------------

(1) Chế Lan Viên, Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân, NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam, 1981, tr. 250.

No comments: