Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 5, 2008

Phan Quang

Tên thật: Phan Thanh Diêu

Năm sinh: 1928

Nơi sinh: Quảng Trị

Bút danh: Hoàng Tùng, Vị Hoàng, Yên Thanh, Hoàng Xá

Thể loại: Truyện, ký

Các tác phẩm:

Đất rừng (1955)

Hẹn cưới (1956)

Mùa xuân (1956)

Đất nước một dải (1975)

Một mình giữa đại dương (1984)

Chinh phục Hymalaya (1987)






Một Mình Giữa Ðại Dương



Tình cờ anh có dịp được làm người giạt tàu thật sự trước khi làm người đắm tàu tự nguyện. So với những gian khổ anh sẽ phải chịu đựng về sau, trong thời gian hơn hai tháng một mình phiêu giạt giữa Đại Tây Dương, chuyện không may này chỉ là trò đùa. Nhưng nó là một cơ hội tốt cho anh kiểm tra một chi tiết trong luận án của mình, nhỏ thôi nhưng cực kỳ quan trọng, vì nó nâng cao lòng tin của anh vào khả năng của con người sống còn trên biển. Một chiều
Chủ nhật vào tháng chín cùng năm ấy, một người bạn thể thao từng có dịp cùng anh tham gia một cuộc thi bơi qua eo biển Măng-sơ gọi dây nói mời anh cùng làm một chuyến dạo trên biển. Chả là anh bạn đang lái thử một loại xuồng cấp cứu mới chế tạo, có máy đẩy. Khoảng bốn giờ chiều, hai người rời bờ biển trên chiếc xuồng cao su. Biển lặng. Trời đẹp. Cảnh vật ấy làm anh bạn chợt nảy ý kiến :

“Này, hay là chúng mình đi quá sang Phon-xtăn chơi đi". Phon-xtăn là một thị trấn nhỏ trên bờ biển nước Anh, hai người vẫn thường qua lại như cơm bữa. A-lanh gật đầu. Thế là chiếc xuồng quay mũi hướng bắc tây bắc. Nhưng về chiều, sóng gió bỗng mạnh lên. Hai người vẫn cho chiếc xuồng con cập bến Phon-xtăn an toàn dưới ánh sáng các ngọn đèn biển. Thời tiết mỗi lúc một xấu hơn. Hoá ra có một cơn bão vừa hình thành ở biển Bắc mà hai anh không theo dõi. Sáng hôm sau, sóng to gió lớn. Mọi người đều thấy ra biển lúc này với chiếc xuồng con thì quả là chuyện điên rồ. Đành phải chờ thôi. Song chờ đến tối gió vẫn chưa dịu bớt. Mà anh thì phải có mặt để trực ở bệnh viện. Mặc cho bạn bè can ngăn, chín giờ sáng hôm sau, hai chàng trai cứ đẩy xuồng khỏi bến giữa lúc sóng lớn chưa ngừng. Kể cũng phiêu lưu thật đấy. Nhưng, xét về một mặt nào có liên quan đến cuộc thực nghiệm lớn mà anh đã bắt đầu ôm ấp trong đầu, thì chuyện phiêu lưu này cũng có mặt hấp dẫn của nó. Có người đắm tàu nào được phép chọn thời tiết đâu, anh nghĩ. Hơn nữa, chính vào những lúc mưa ngập sóng dồn thì mới nên đưa ra thử thách những loại phương tiện cấp cứu mỏng manh như chiếc xuồng cao su mà nhà chế tạo định cho sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường. Biển vắng teo, mặc dù Pa đơ Ca-le ngày thường là một tuyến giao thông đường thủy cực kỳ tấp nập. Nhiều lần hai chàng trai suýt bị sóng vùi, nhưng lần nào chiếc xuồng cũng bám biển. Đến sáu giờ chiều, nó mới cập được bờ. Cuộc đi thử thành công.

Trên bờ biển nước Pháp, một người đàn ông chờ sẵn. Đó chính là một nhà chuyên môn nổi tiếng về cấp cứu đường thủy. ông bạn mới này, một người quốc tịch Hà Lan, gợi ý sẽ cấp cho anh học bổng để làm nghiên cứu sinh ở một viện hải dương học, nhằm tạo điều kiện cho anh hoàn thiện lý thuyết về khả năng sống còn của những người gặp nạn đắm tàu. Anh sẽ tìm hiểu vấn đề ăn uống của người đi biển. Sau đó cả ba người: A-lanh, người bạn thể thao và nhà chuyên môn này, sẽ cùng ra biển, cùng sắm vai những người đắm tàu. Kết quả công trình tập thể của họ sẽ là một đóng góp giúp cho những ai sau này chẳng may đắm tàu tránh được tuyệt vọng. Mọi chi phí sẽ do ông bạn mới đài thọ. Ba người nhất trí chọn Viện hải dương học Mô-na-cô làm nơi anh sẽ đến xin nghiên cứu. Chuyến ra biển sẽ thực hiện vào khoảng cuối năm, sau khi anh hoàn thành phần công trình trong phòng thí nghiệm.

Trước khi đi Mô-na-cô, A-lanh và người bạn thể thao rủ nhau cùng sang Anh dự đám cưới một người bạn gái. Một ngày đầu tháng mười, vẫn trên chiếc xuồng cao su ấy, hai người bạn được giao dùng thử một loại máy đẩy mới ra xưởng. Vừa ra khỏi bờ chừng ba hải lý thì máy hỏng. Vì chỉ dự định làm một cuộc đi ngắn, chiếc xuồng không mang theo buồm sự phòng hoặc phương tiện chèo chống nào khác. Thế là đành để mặc cho gió giạt, tới đâu thì tới. Mùa ấy, gió bắc đông bắc thổi đều đều. Chiếc xuồng con lênh đênh suốt hai ngày ba đêm. Gió đẩy nó ra xa bờ đến mức không nhìn thấy đất liền. Nhưng hai người vẫn yên tâm vì biết rõ bờ biển nước Pháp khúc này lõm vào theo hình cánh cung, cứ để gió giạt theo hướng này thế nào rồi cũng sẽ gặp lại đất liền. Mãi đến chín giờ sáng ngày Thứ ba, kể từ hôm ra đi, hai anh mới được một chiếc tàu đánh cá cứu. Suốt hai ngày ba đêm, người bạn cùng đi không uống một giọt nước. A-lanh thì mỗi lần quá khát, lại nhấp một ngụm nước biển. Anh tin rằng uống nước biển với lượng ít như vậy chẳng có hại gì cho cơ thể. Về thức ăn, may mắn sao, trên xuồng tình cờ có nửa ki-lô-gam bơ. Hai người nhấp nháp tí chút, nhưng loại thức ăn này không thể thay thế nước giải khát. Leo lên tới chiếc tàu đánh cá, người bạn nốc một hơi liền cả một vò nước ngọt. Ngỡ mình đang thèm nước, anh cũng định làm như bạn. Nhưng, vừa uống được vài ngụm, tự nhiên anh dừng. Không phải anh khát thật, mà chỉ có cảm giác khát thôi. Quả vậy, nhờ có uống từng ít nước biển một, cơ thể anh không bị mất nước, do đó không cần nhiều. Thì ra yếu tố tâm lý tác động sâu sắc tới cơ thể, tạo ra những cảm giác và nhu cầu giả tạo. Sự việc không may ấy chẳng làm cho sức khoẻ hai chàng trai giảm sút. Họ vẫn còn đủ tươi tỉnh lao ra sân bay kịp sang Anh dự lễ cưới bạn. Hậu quả duy nhất của tai nạn ấy là anh bị các nhà chức trách duyên hải gọi đến chất vấn và dọa đưa ra tòa truy tố về tội dám ra khơi mà không xin giấy phép. Sự kiện nhỏ nhặt này về sau suýt nữa biến thành một trở lực thật sự có khả năng làm hỏng cuộc thực nghiệm của anh ngay trước khi nó được tiến hành.

PHAN QUANG


http://maxreading.com/?chapter=8072



BÀI VIẾT LIÊN QUAN ĐẾN PHAN QUANG

Đọc Bên mộ vua Tần của Phan Quang
06/08/2004



Phan Quang là tác giả (và dịch giả) của hơn 25 cuốn truyện, ký, tiểu luận, chân dung văn học và báo chí đã xuất bản 50 năm qua (từ 1954 - 2004).


Một số tái bản nhiều lần như: Một mình giữa đại dương, hoặc Đồng bằng sông Cửu Long. Bản dịch Nghìn lẻ một đêm của ông in đến lần thứ 18. Gần đây, qua tập Bên mộ vua Tần, NXB Thuận Hóa, quý II-2004, nhà báo kỳ cựu Phan Quang tập hợp 17 bài ký về đất nước Trung Hoa bao la qua các địa danh nổi tiếng: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thẩm Dương, Thiểm Tây, Tây An, Giang Tô, Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh...

Nơi đâu ông cũng tìm gặp "dấu tích một nền văn hóa". Nhất là khi dấu tích đó gợi lên mối liên hệ xa gần tới văn chương nước ta. Ông cảm nhận những giao lưu và tác động đậm đà giữa hai nguồn văn hóa trong dòng chảy ngọt ngào và sống động của lục bát Việt Nam: Triều đâu nổi tiếng đùng đùng. Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường. Hiện tượng triều dâng, xua nước sông chảy ngược và tạo nên sóng lớn dữ dội ở cửa sông Tiền Đường tỉnh Chiết Giang là "đặc biệt hùng tráng và ngoạn mục. Ngọn triều lớn nhất trong năm xảy ra vào dịp Trung thu nên người thành phố Hải Ninh (Chiết Giang) tổ chức "Ngày hội quan triều (xem triều" hằng năm, tới nay hội này thành điểm cao của mùa du lịch". Ông đến Hải Ninh dự ngày hội ấy, cùng mấy vạn người đổ về cửa sông Tiền Đường, để "đón triều lên" theo dự báo. Đúng là triều đến, với làn sóng trắng đục hiện lên rất xa, vắt từ bờ này sang bờ kia. "Quang cảnh hùng vĩ ấy diễn ra gọn trong mười một phút" (Triều sông Tiền Đường). Những cảm xúc khác được Phan Quang ghi lại qua: Tây Hồ mùa thu, Nhà cũ Lỗ Tấn, Đường vào đất Thục… Trong đó, Trầm ngâm bên mộ vua Tần, theo chúng tôi, là bài ký sâu lắng nhất toàn tập. Bài này nhắc đến Tần Thủy Hoàng khi sống cất quân thôn tính sáu nước, lập nên đế chế phong kiến đầu tiên ở Trung Hoa, khi già lại phải chịu thất bại trước luật sinh tử, dầu đã phái người "lên núi xuống biển tìm thuốc trường sinh, song cái chết vẫn là cái chết, nó không nể vì quyền uy". Đối mặt với thực tế đó, Phan Quang trở nên "trầm ngâm trước sự nhỏ bé về tầm vóc, về sự ngắn ngủi trong đời sống con người… so với chiều dài lâu của lịch sử và sự trường tồn của nhân dân".

Giao Hưởng

www4.thanhnien.com.vn/Vanhoa

No comments: