Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 26, 2024

NHỮNG NGÔI VƯỜN - Khê Giang

 

 

Khê Giang

NHỮNG NGÔI VƯỜN


 

1. Như định mệnh run rủi, gần cả cuộc đời ba tôi luôn quanh quẩn, nặng nợ với những ngôi vườn. Từ tuổi ấu thơ, tôi đã được tắm mát, vui đùa dưới những tàn lá xanh um, được bẻ hái những chùm cây chín mọng. Như chú ong cần mẫn, ba tôi luôn sắp đặt, bồi đắp khu vườn bằng một niềm đam mê kỳ lạ, ngoài việc vun xới chăm sóc, ông còn thổi hồn vào từng  gốc cây từng lối đi với sự phối trí đơn giản nhưng hết sức ấn tượng. Vườn nhà tôi day mặt ra dòng Ô Khê hiền hòa rợp bóng, con sông hình như cũng nặng lòng với khung cảnh cảnh điền viên, nên ngày ngày vẫn vuốt ve, níu kéo khu vườn bằng những con gió lao xao, mát rượi. Từ sáng sớm, khi mặt trời chưa kịp ló đầu bên kia triền sông, ngôi vườn đã tràn ngập tiếng chim, lũ chim Sẻ chiếm hữu các cây Cau, một tán cây có khoảng mười gia đình trú ngụ, chúng tàm tổ trên các bẹ lá, có lẽ do nhà cửa gần kề, dễ bị nhòm ngó, nên chúng cải nhau suốt ngày. Trên ngọn khế Giành là nơi làm tổ thường xuyên của đôi chim Chào mào, tiếng hót của chúng nghe trong trẻo, yên bình, man mác vị thơm của mùa trái chín. Trong hốc cây Duối sau vườn là ngôi nhà của cặp chìa vôi (Chích chòe than) bản hòa ca của chúng mỗi buổi sáng nghe lảnh lót ngọt lịm như tiếng suối trong vắt giữa núi rừng. Ồn ào náo nhiệt nhất vẫn là lũ chim Rôộc ( Dồng dộc). Chúng làm tổ trên bụi tre cao nhất trong vườn. Ngoài việc lắm mồm, có lẽ loại chim này là loại giữ quán quân trong việc xây tổ. Gần cả trăm ngôi nhà treo, được chúng kỳ công xây dựng, lủng lẳng bám trên ngọn tre, sớm chiều đu đưa theo gió. Chót vót trên những đọt măng Vòi (tre non) là nơi độc tấu của mấy chú Chàng Làng, chúng bắt chước hầu như tất cả những giọng hót hay của các loài chim, thậm chí lúc cao hứng chúng giả luôn giọng của các loài gia súc hay tiếng khóc trẻ con... nghe là lạ.

Cạnh bờ ao sau lưng vườn, dưới những gốc tre già là nơi lũ Cuốc hay lần mò, trà trộn vào đàn gà nhà để kiếm ăn, chỉ nhác thấy bóng người là chúng lủi ngay vào bụi.. lũ Cuốc chẳng bao giờ cất nổi một tiếng hót, nhưng tiếng kêu của nó vào những đêm thanh vắng nghe thật não ruột.

       Rồi một mùa hè không giống như những mùa hè êm ả khác, tiếng súng, dồn dập vọng về. Khi hơi thở chiến tranh đã lượn lờ bên kia sông, lũ chúng tôi cùng gia đình gồng gánh hớt hải hòa vào đoàn người di tản, bỏ lại ngôi vườn với những hàng cây đứng run bần bật sau mỗi tiếng bom.

Sau hai năm tản cư trở về, chúng tôi bàng hoàng đứng trước ngôi vườn hoang phế, khu vườn thân thương nơi cất giữ những kỷ niệm êm đềm tuổi ấu thơ của chị em tôi đã biến thành bình địa. Những cây cau đổ gục úp mặt nằm sóng soài trên đất, những cây ổi bậc gốc, da thịt cháy xém, loang lỗ...những thân tre ngã rạp, cành víu vào nhau dùng dằng che khuất lối đi. Khu vườn im ắng, oi nồng, không một tiếng chim. Một hố bom sâu hoắm, nằm cạnh góc vườn đã xô chôn vùi toàn bộ ngôi nhà cổ, tổ ấm thân thương mấy đời của gia đình tôi.

            Ngậm ngùi đứng nhìn ngôi vườn hoang lạnh, đổ nát, mắt ba tôi đỏ hoe, ông như muốn khụy xuống trên khu vườn cổ nơi tuổi thơ ông đã chăm chút vun trồng. Rời khu vườn tang tóc, ông lên khu chợ cạnh Quốc lộ 1 dựng một căn nhà, mở quán cho mẹ tôi buôn bán. Trong hơi thở tất bật của phố xá, tôi nghĩ ba tôi cũng sẽ nguôi ngoai về khu vườn..

2.  Nhưng chưa đầy một năm, kể từ ngày rời khu vườn cổ, ông lại một mình mò mẩm trở về với nó, vậy là một mình một bóng, ông gầy dựng lại từ đầu. Ngày đi làm Hợp tác, chiều về ông tranh thủ dọn lại khu đất loang lổ, nhặt nhụm đôi chút thời gian rảnh rỗi, ông tìm đến những ngôi làng ít bị ảnh hưởng của chiến tranh để xin cây con về trồng. Thấy ba kham khổ, mẹ tôi điều chị Hai tôi về vườn để hỗ trợ cho ông công việc nội trợ, nhưng có lẽ không quen cảnh ruộng vườn, nên chị tôi đã im lặng rút lui. Mười hai tuổi có lẽ chưa hiểu gì nhiều về trách nhiệm, nhưng vì một phần thương ba, một phần đam mê ruộng vườn, cây cỏ… Tôi quyết định rời bỏ phố xá về ở với ba. Ngày qua tháng lại chẳng biết tự lúc nào tôi đã trở thành một nông dân thực thụ. Một buổi đi học, buổi còn lại tùy theo mùa vụ, tôi tháp tùng cùng ba làm vườn, ra đồng trồng khoai, cắt cỏ, bứt rạ, bẫy chim…rồi ra hói xuống sông cất vó, tát đìa… Tối đến lui cui xắt chuối, vằm rau nấu cám cho heo, khuya phải lật đật dậy sớm thổi lửa, nấu cơm để kịp bữa ăn sáng cho ba ra đồng.

            Việc chăm sóc ngôi vườn  thường diễn ra trong những chiều muộn hay giữa những đêm trăng sáng, hai cha con cặm cụi, tất bật, nhiều khi mê mải quên cả bữa ăn. Thế rồi, trời cũng không phụ người lam lũ, bằng sự sự nỗ lực của hai cha con, chỉ năm năm sau, khu vườn đã sum suê ngọt ngào cây trái. Những chùm cây trĩu quả,  ngọt lịm, những lối đi râm mát đã đẩy lùi hình ảnh hoang tàn, xơ xác mới hôm nào.

Ngôi vườn nhà tôi hiện ra như một ốc đảo xanh tươi, trù phú nằm thanh bình giữa thôn xóm vẫn còn loang lỗ những vết tích của chiến tranh. Hình như cảm nhận được cái không gian yên bình quen thuộc đang hồi sinh, nhiều loài chim đã mách bảo, rủ nhau về vườn trở lại. Niềm vui, sự đầm ấm trong gia đình cũng được nhân lên, các em tôi đã quyết định về ở hẳn với ba, thay vì chỉ về thăm vườn mỗi dịp hè như những năm trước. Ngôi nhà nhỏ lại đầy ắp tiếng cười và mỗi tối lại văng vẳng tiếng học bài ê a, của các em tôi.

            Nhưng niềm hạnh phúc trong ngôi vườn yên bình ấy cũng không được kéo dài. Số phận khu vườn đã được định đoạt sau số phận của chị tôi. Sống trong một vùng thuần nông, nhưng nhà tôi là một trong số ít ỏi những gia đình sống bằng nghề buôn bán, vì vậy từ nhỏ đến lớn chị tôi chưa tiếp xúc với việc đồng áng bao giờ, sau khi nghỉ học chị  đi học may và giúp mẹ tôi quán xuyến công việc kinh doanh. Mười tám tuổi chị đi lấy chồng, sau khi về làm dâu chừng được nửa năm, chị theo chồng vào Nam lập nghiệp.

        Từ miền Nam xa xôi những thông tin buồn bã tới tấp đổ về. Chị tôi vào miền Nam bao nhiêu ngày là bấy nhiêu thời gian mẹ tôi thao thức trăn trở, lúc thở ngắn thở dài, lúc đầm đìa nước mắt. Cuối cùng không thể chịu nổi những tháng ngày phập phồng lo âu cho cuộc sống của đứa con bé bỏng trên đất khách quê người, mẹ quyết định đưa cả gia đình rời quê hương vào Nam sinh sống. Một quyết định được nhiều người cho là liều lĩnh. Tuy nhiên ngay thời điểm ấy và mãi về sau này tôi luôn cảm nhận đó là một quyết định hợp lý và kịp thời, vậy là tất cả anh em chúng tôi buộc phải nghỉ học để lên đường vào Nam.

            Những ngày chuẩn bị xa quê, tôi thấy ba bần thần im lặng, trong tâm trạng rối bời ngổn ngang ấy, ông vẫn ra vườn chăm sóc, sờ sẩm từng loại cây, những động tác ông làm có vẻ tẩn mẩn, chậm chạp hơn, tôi nhận ra việc ông ra vườn không phải là chăm sóc mà là sự vuốt ve bịn rịn, khi biết mình vĩnh viễn không bao giờ trở lại trên mảnh vườn yêu thương, gắn bó này nữa. Bao nhiêu năm dày công tạo dựng, vun đắp ngôi vườn từ một hình hài tàn phế trở thành một mái ấm tươi xanh, nên cái cảm giác xa rời nó làm ông đau đớn gấp nhiều lần so với khu vườn cũ bị tan hoang trong bom đạn. Điều đau đớn đó cũng dễ dàng lý giải: khu vườn cũ do chiến tranh đã bỏ ông, còn bây giờ khu vườn mới, chính ông đã đành lòng bỏ nó, bỏ cái núm ruột quê hương, nơi đã gần sáu trăm năm tổ tiên khai phá giữ gìn.

            3. Vẫn cái điệp khúc da diết ấy, đôi khi như một lập trình có sẵn, vừa đặt chân vào vùng đất phương Nam, sau khi mua một ngôi nhà tại chợ cho mẹ tôi buôn bán, ông lại dồn công sức cho việc làm vườn, khác với quê nhà là vùng chiêm trũng, nơi định cư mới là mãnh đất Ba zan màu mỡ, vừa trồng hoa màu ba tôi vừa thả cây lâu năm. Thật không thể tin được, tại đất khách quê người thiếu thốn trăm bề, chỉ một mình Ba chăm chút gầy dựng (lúc này tôi đi học xa) vậy mà cũng chỉ có bốn năm, ngôi vườn đã thành hình. Những cây Điều, cây Mít trĩu quả, hàng trăm bụi Dứa cho trái ngọt thơm, những choái Tiêu cũng đến tuổi cho hạt. Với diện tích lên đến nửa ha, ông dùng cây Mì rào hết chu vi khu vườn để thả gà, ba làm chuồng nuôi thỏ.. Do là vùng đất  Bazan quanh năm đỏ quạch vì bụi đất nên khó có thể so sánh với khu vườn xanh mướt ngày nào. Nhưng tôi luôn mừng thầm vì cuộc sống của gia đình đã phần nào ổn định, chị tôi đã được bảo bọc, nâng đỡ và đặc biệt là ba tôi  có chổ để khuây khỏa lúc tuổi già.

Nhưng niềm vui của ba như ngọn lửa mới vừa nhen nhúm lại bị dập tắt, khoảng thời gian này không hiểu vì lý do gì mẹ tôi không muốn cho ba tiếp tục làm vườn, cho rằng việc làm vườn không mang lại hiệu quả kinh nên mẹ quyết định kêu người để bán.

        Là người hiền lành ít nói, ba thường nhịn mẹ trong những lúc có chuyện quan trọng hay bất hòa. Không còn ai để cầu cứu chia sẻ, ba vịn vào tôi như một tia hy vọng cuối cùng. Trở về thăm nhà, tôi đã cố gắng thuyết phục, giải thích cho mẹ việc ba làm vườn ngoài kinh tế còn là niềm vui. Nhưng rồi, tia hy vọng cuối cùng ấy cũng dần đà lịm tắt, tôi không đủ sức để làm sứ giả hòa bình. Không thể cải thiện được tình hình, tôi buồn bã vác ba lô lên vai đón xe trở lại trường, leo lên chiếc xe than đầy khói bụi, tôi đau đớn ngoái nhìn ngôi vườn như đang giãy nảy giữa trưa hè oi bức và hình ảnh ba tôi hiện lên với nét mặt thất thần, buồn bã.

            4. Phải đến hai năm sau kể từ ngày mẹ tôi bán đi khúc ruột thứ ba của ông, tôi  mới lóp ngóp ra trường.

Sau khi ổn định công tác,  tôi tranh thủ mở phòng khám tư ở nhà và lặng lẽ, gom góp nuôi nấng ước mơ của mình. Tôi còn nhớ như in cái ngày tôi báo với ba là tôi đã có đủ tiền để mua một mảnh đất cho ba làm vườn, ông vui mừng hớn hở như một thanh niên trai trẻ mới lần đầu lập nghiệp, đêm đó hình như ông thức trắng.

Vậy là tôi và ba tiếp tục gầy dựng lên ngôi vườn thứ tư. Để thỏa sức tung hoành, lần này khu đất mới mua có diện tích rộng gấp đôi khu vườn cũ, tôi hăm hở cùng ba đi mua cây giống về trồng. Tranh thủ những ngày nghỉ tôi lên vườn cùng đào lỗ, ươm cây cùng ba, tôi thấy ông như trẻ lại. Rút kinh nghiệm từ ngôi vườn trước, ba đầu tư những loại cây công nghiệp có giá trị thu nhập cao, còn cây ăn trái chỉ trồng xen canh vừa đủ ăn vặt. Chẳng bao lâu sau, khu vườn đã cho thành quả ngoài mong đợi. Từ tiền thu hoạch cây trái, ngoài việc trang trải cuộc sống, ông đã về quê xây lăng mộ cho ông bà, một ước nguyện đeo đẳng bao nhiêu năm kể từ ngày rời xa núm ruột quê hương. Từ một cái chòi tranh tạm bợ trong vườn, ba tôi đã xây được một ngôi nhà khang trang và đón mẹ tôi về ở, có lẽ đây là khoảnh khắc gần gũi đầm ấm nhất của đôi vợ chồng đã ngoài lục tuần.

Nhưng cái số phần nghiệt ngã lại bám riết lấy ông, đang vào thời điểm an nhàn và đầm ấm nhất thì mẹ tôi lâm bệnh, cơn tai biến đã cướp đi những bước chân từng một nắng hai sương của mẹ. Thế là ba tôi ngoài công việc vườn tược giờ phải kiêm thêm nhiệm vụ làm Ô sin. Mặc dù được chữa trị nhiều phương pháp Đông, Tây, nhưng đôi chân của mẹ tôi yếu dần theo năm tháng. Các em tôi cũng lần lượt lập gia đình, không còn ai ở lại vườn với ba mẹ nữa, vậy là chúng tôi quyết định đưa hai ông bà về thị trấn để dễ bề chăm sóc.

Về thị trấn chỉ mới vài tuần ông đã quay lại khu vườn, ông không chịu nổi sự tù túng của cuộc sống đô thị, biết khó lòng thay đổi quyết định của ba, chúng tôi đành lòng bố trí một đứa cháu về ở với ông, ngoài việc chăm sóc nội trợ còn phòng lúc trái gió trở trời...

 Rồi đứa cháu ngoại ngoan hiền ấy cũng đến tuổi lập gia đình, vậy là ba  lại sớm tối thui thủi một mình. Việc để ba phải đơn côi trong ngôi vườn vắng người qua lại là nỗi phập phồng của chị em tôi, khi mà sức khỏe của ba cũng lui dần theo năm tháng. Vậy là chúng tôi âm thầm lên kế hoạch xây cho ba thêm một ngôi nhà ở thị trấn, việc thi công được giữ bí mật tuyệt đối, đến ngày khánh thành công trình, chúng tôi mới đưa ông về. Biết sự sắp đặt có phần cương quyết của chúng tôi, ông đành phải buông xuôi.

Như một sự quan thúc cuối đời, trong chuỗi ngày còn lại, ba tôi đã phải quanh quẩn giữa bốn bức tường, với phố xá ồn ào náo nhiệt.

Sống trong căn nhà đầy đủ tiện nghi với sự chăm sóc ân cần và chu đáo của chị em tôi, nhưng sức khỏe của ông ngày một yếu dần. Tiểu đường, Tăng huyết áp, hai căn bệnh ấy cứ âm thầm bám riết ba. Mặc dù, ngày ngày vẫn mê say công tác xã hội, vẫn vui vẻ cười đùa với con cháu, nhưng trong sâu lắng tôi biết ba như con chim đang ở trong chiếc lồng chật chội ngột ngạt. Việc sơn phết, trang trí ngọc ngà cho chiếc lồng cùng với thức ăn bổ dưỡng cũng không thể giúp ông tăng thêm khí lực như khi tung cánh giữa đại ngàn.

            Và ba tôi đã ra đi chỉ vài năm sau đó, trong muôn vàn lý do mà người ta thường đổ cho bệnh tật, tuổi tác, số phận...Tôi rưng rưng nhận ra một nguyên nhân sâu thẳm, đó chính là nỗi buồn vì những tháng ngày bị quản thúc của chị em tôi.

            Khu vườn cuối cùng của cuộc đời ông, đến bây giờ chị em tôi vẫn giữ lại, tuy nhiên do thiếu bàn tay chăm sóc của ba, chúng không còn xanh tươi, mượt mà như trước nữa. Chỉ có điều, mỗi khi đặt chân lên con ngõ quanh co ấy, là tim tôi như bị nghẹn lại, trên từng lối đi, từng đám cỏ vẫn thấp thoáng tiếng bước chân của ba, vẫn còn nguyên vẹn gương mặt thất thần, buồn bã của ba trong những tháng ngày… ba đối diện với sự tuyệt vọng.

Trong sự yên ắng tĩnh mịch của ngôi vườn, trong cái cảm giác chênh vênh giữa cõi hư hao, tôi chỉ muốn thét lên: Ba ơi! Chúng con có lỗi với ba.

                                                         Khê Giang

No comments: