TẾT ẤY TÔI VỀ
Lưu Lãng Khách
Tôi trở về quê sau cuộc hành trình dài mười năm bôn ba nơi phồn hoa đô hội.
Bước xuống sân bay Chu Lai, lòng ngổn ngang bao nỗi niềm khó tả, như tủi như mừng, như uất nghẹn, như sung sướng hân hoan, trước giờ phút đặt chân lên mảnh đất quê hương xứ sở, bên hữu ngạn sông Trà thơ mộng. Xe trung chuyển vừa ngang qua cây da đại thụ ngày nao, không kịp nhìn khách sạn Mỹ Trà, cầu Trà Khúc 2 đã hiện ra hoành tráng uy nghi trước mắt. Nỗi niềm yêu thương quê hương khát khao cháy bỏng bao năm, trào dâng lên đan xen với những cảm giác là lạ, khiến tôi như ngạt thở. Môi tôi run run vén nụ cười, tim đập liên hồi như có gì hồi hộp, lâng lâng nhìn hai bờ đê bao Nam Bắc sông Trà, tiếp liền là công viên Ba Tơ đã hoàn mỹ, đang khoe dáng, trông trời đất quê hương thơ đẹp và lạ lẫm vô cùng. Sau này tôi mới biết, đường đê bao hai bên bờ Trà Giang, trải dài từ quốc lộ cho tới biển, với nhiều cảnh nên thơ, dễ động lòng thi sĩ, có tên gọi là Trường Sa và Hoàng Sa. Nhà xe mời bước xuống, tôi chẳng định vị được, mình đang ở điểm nào, giữa lòng thành phố yêu thương, đã mười năm cách biệt, với lắm đường mới cũ lạ quen lẫn lộn, với lắm người hương quán mà lạ xa. Quê hương giờ đổi mới, trông trẻ đẹp ra và khác quá đi thôi! Đồng lúa dọc theo đường cao tốc ngày xưa, chạy dài tới trong núi Bút bát ngát mênh mông, bấy giờ đã thành bến xe và cửa nhà san sát dọc hai bên, ép đồng lúa bao la, chỉ còn trong kỷ niệm, để lại bơ vơ mấy thửa ruộng con con, trông lạ mắt làm sao.
Xách vali lên, mới đi vài bước định đến cây tắc xi đợi sẵn, chợt nghe có tiếng gọi : “Anh Hoàn! Có phải anh Hoàn con bác Mười không? Anh về quê ăn Tết à? Lâu quá, trên 20 năm rồi không gặp! Em là thằng Đạt con của ba Phát đây anh nề!”
Ôi! Thằng Đạt đẹp trai hát hay ngày nào đó sao? Lẽ nào mưa nắng gió sương nơi quê nhà, khắc nghiệt đến độ, đã hằn lên da thịt những người dân lặn lội tảo tần, dãi nắng dầm sương, kiếm miếng cơm manh áo, lam lủ làm ăn bên sông Trà, những dấu ấn khủng khiếp đến vậy? Nó chẳng còn một chút gì dáng dấp điển trai xưa, khi mới ngoại ngũ tuần. Cái lưng dài khòm riết đến thương, làn da rám nắng quá độ, hàm râu hoắc hoe vàng lên thống khổ, chiếc cằm nhọn vểnh lên, như thách thức cuộc đời. Nó chưa nói, tôi đã đưa vali cho, bước lên ngồi sau xe, vẫy tay chào tạm biệt anh tắc xi, mong rằng anh thông cảm, bằng nụ cười ấm áp chân tình .
Ngang qua nhà, nó vội nói: “Ghé nhà một tí, em cho bò ăn cỏ, vợ em làm xa, sợ giờ này chưa về. Mấy năm nay, nhờ vay của nông hội và phụ nữ, em mới phát triển chăn nuôi heo bò. Cứ một con em nuôi khoảng tám đến mười tháng, kiếm được dăm bảy triệu, lại mua nuôi con khác. Còn đàn heo thì mỗi năm kiếm cũng được mười mấy triệu anh ạ! Nhưng chăm heo vất vả, bò thì khỏe hơn nhiều.”
Tôi mỉm cười chua chát: “Mười mấy triệu, nếu phải mua rau cám thì còn chi lời lãi! Em còn nguồn thu nhập nào khác không?”
Nó dừng xe lại trước sân, cười móm xọm: “Dạ vợ em làm sào ruộng, sào rau và sào bông lay ơn nữa anh ạ! Có năm trúng bông được vài ba chục triệu, có năm bị trổ sớm thì huề vốn là may. Ủa! Bả về rồi anh ơi!”
Tôi bước theo hỏi nhỏ: “Vậy mỗi năm dư được bao nhiêu em?”
Nó lắc đầu: “Chẳng được bao nhiêu đâu anh! Khoảng 30 triệu là cùng. Vì thu mùa trước phải bỏ xuống cho mùa sau, với lại con cái lớn lên học hành tốn kém. Ồ! Vợ em dưới chuồng heo đó anh!”
Tôi nhìn theo, và không thể nào tưởng tượng: “Có phải Mai hát hay nhất xóm, ngày xưa anh đàn em hát đó không em?”
Mai nhìn tôi, lau vội đôi tay, cười như mếu: “Dạ, em đây anh! Gần 30 năm rồi còn gì. Nghe nói anh bây giờ khá lắm phải không? Làm ăn chi mà đi biền biệt, bao năm chẳng về quê ăn Tết. Vào nhà đi anh!”
Tôi nhìn Mai : “Chẳng khá gì lắm đâu em! Vì công việc của anh, chủ yếu ba ngày Tết. Năm nay cố gắng lắm, anh mới về được một mình. Thật không ngờ, em lại là vợ của Đạt!”
Đạt cười toét miệng: “Còn nhiều cái không ngờ lắm anh ơi! Vào chơi chút đã!”
Tôi lắc đầu, và rút ra hai tờ bạc đưa cho Mai: “Em thay anh nói lời mừng tuổi với hai đứa nhỏ nha! Anh phải về kẻo ba mẹ trông! Hơn mười năm rồi còn gì!”
Mai cười méo xệch! Tôi phất tay bước ra ngoài, chợt thấy người phụ nữ vẻ khá giả: “Ai như Thúy phải không ta?”
Mai nhìn ra: “Chị Thúy đó anh! Cả nhà buôn rau xanh, mua tận gốc bán tận ngọn, mà không giàu sao được. Ông Đạt nhà em mà không nhậu, thì cũng đâu đến nỗi nào. Tết này vô sào bông, là em trả hết nợ nhà nước, làm mãi chẳng thấy dư”.
Tôi cười vẫy
tay: “Tạm biệt em!”
Chẳng biết có ai báo tin không, mà ba tôi ra ngõ đợi, má ngồi trước thềm ngó ra, trông thấy thương làm sao. Tôi ôm ba rồi ôm má, mà nghe nước mắt tủi mừng mặn điếng ở đầu môi. Ngồi bên bình trà, ba tôi bắt đầu kể ai còn ai mất, ai được ai thất, trong chục năm qua tôi chưa hề hay biết, tôi ngồi nghe thật là xúc động. Ôi! Đốt nén trầm hương trên bàn thờ ông bà tiên tổ, mà tôi nghe ba mình cũng khấn vái, mong ông bà phù hộ, cho đứa con xa đã biết tìm về. Không đợi đến đầu năm, hai cha con cùng lên nghĩa trang gia đình, viếng mộ từ ông cố trở xuống, còn ông cao trên gò ông Bường, đầu năm hãy viếng luôn.
Tin tôi về quê lan nhanh dễ sợ! Hai cha con vừa về nhà, thì nào chú Hai, chú Ba, bác Tư, chú Năm, chú Sáu, chú Bảy, chú Tám cùng bác Chín, toàn bà con hàng xóm, đứng chật sân mừng đón tôi trở về.
Thế rồi, những ngày cuối năm bộn bề, nhà ai nấy lo công việc ngày hết Tết tới. Tôi cùng em tôi tranh thủ quét màu, cho cửa nhà sáng sủa. Sáng ba mươi, tôi đem bộ lư ra, tự ngồi đánh bóng, mà nhớ những ngày này, của thuở ấy xa xưa. Chiều ba mươi Tết, cúng ông bà xong, mâm cơm gia đình đoàn tụ thật đông vui, với tất cả anh chị em, và con cháu lớn nhỏ, mấy mươi người cùng về dự, ăn uống rôm rả, cười nói tưng bừng. Thế là chiều cuối năm, đã thấy bóng dáng xuân về ngự trị, đã nghe lòng lòng khấp khởi, chào đón sớm, một mùa xuân vui tươi, trong non nước thanh bình, trong không khí đoàn viên, dưới mái nhà ấm áp đủ đầy con cháu, chừng đông vui nhất xóm của ba tôi.
Khi anh chị em đã ai về nhà nấy, anh em tôi cùng ba má, ngồi quây quần quanh bếp lửa. Bên nồi bánh tét bánh chưng sôi sùng sục, nghe mẹ tôi kể chuyện xưa, thời ông ngoại là chủ lái thuyền buôn chuyến. Ba tôi không chịu lép, cũng kể chuyện ông nội của người, từng là nhất đẳng ngự tiền thị vệ thời Tự Đức, từng được vua ban sắc viết, treo trang trọng giữa nhà, bị chiến tranh làm cháy mất.
Thấy tôi ngồi im lặng, ba đặt nhẹ tay lên vai tôi: “Hơn mười năm mới về quê ăn Tết, con có cảm nghĩ thế nào?”
Tôi ngồi thẳng
người: “Dạ thưa ba má! Lâu ngày, được về quê ăn Tết cùng gia đình, con rất vui,
và nghe lòng ngập tràn yêu thương, đến độ con quên biết bực bội là gì, nếu có
điều đáng bực. Con ước gì không khí gia đình mình, mãi mặn nồng ấm cúng, như
chiều nay đêm nay. Có điều con thấy lạ là, bà con bây giờ không chịu khó trồng
mai, hồng, vạn thọ, cúc, mồng gà, móng tay...như thời trước, để chưng ba ngày Tết.
Mà nhà nào cũng mua vài chậu thược dược, quất, mai bonsai, hoặc một nhành mai lớn,
nhành đào lớn. Nhà nào cũng có hoa layơn, hoa cúc cắm bình. Và những ngày giáp
Tết, con không còn được nghe, tiếng chìa vồ dệnh bánh nổ cây, đóng bánh nổ miếng,
âm vang khắp làng trên xóm dưới. Con không còn được ngửi mùi thơm đến rỏ dãi, của
bánh thuẩn, bánh mì xốp, bánh in đậu xanh, mức kẹo... thơm nức mũi khắp làng,
đang mang mùa xuân đến. Đêm con không được nghe, bản hợp xướng của loài lưỡng
cư, chủ yếu là ếch nhái, kêu dậy đồng dậy xóm, như điệp khúc tạm biệt mùa đông,
báo hiệu mùa xuân rất đồng quê, cùng những tiếng kêu não nuột, của loài ễnh
ương, mà ở phương xa, những đêm mưa nghe, con rất nhớ nhà. Cả tiếng côn trùng nỉ
non chốn làng quê, giờ cũng nghe thưa vắng quá, khiến con thường nằm buồn ôn
chuyện ngày xưa. Có điều con rất vui, là gia đình đoàn viên, quây quần bên nồi
bánh chưng bánh tét, cùng đón giao thừa chào năm mới, cảm giác thật ấm lòng.”
Sáng mùng một,
tôi cùng ba đi thắp hương, hết tất cả mộ phần trong Nguyễn gia. Xong hai cha
con mang ít bánh trái về nhà thờ, uống chén rượu đầu xuân cùng anh em trong tộc,
không quên đi mừng tuổi lì xì. Sáng mùng hai, anh em tôi thay ba mẹ, về thắp
hương cho ngoại, cụng ly năm mới tưng bừng, cùng anh em con cậu con dì. Mùng ba
tôi thủ trại! Biết tôi về quê ăn Tết, anh em bạn bè kéo đến, chật cứng không
còn chỗ ngồi. Tôi xin phép ba, được kê ba bàn nhập một. Thế là chúng tôi vui
say một bữa ra trò, để nhớ mãi không quên. Có mấy chiến hữu từ sáng đến chiều,
còn nán lại đến khuya, vui tiễn ba ngày Tết qua luôn.
Thế rồi ba tôi mất! Mùa xuân đầu tiên không cha, tôi ngơ ngác như đứa trẻ thơ mất mẹ. Mùa xuân thứ hai đồng hành cùng COVID, cả gia đình tôi đành bỏ vé không về. Và xuân này biết có về được không, khi đại dịch vẫn hoành hành khắp chốn. Ở phương xa, tôi vẫn dường nghe văng vẳng, lời của ba thuở ấy: “Đến đâu con cũng nhớ lì xì, cho mấy đứa nhỏ nó vui nghen!” Sao mà thương quá đi thôi!
Sài Gòn cuối đông 2021
Lưu Lãng Khách
Từ: Nguyễn Duy Toàn <luulangkhach@gmail.com>
Mời đọc:
No comments:
Post a Comment