Như một lời cám ơn gởi về miền thiên thu vĩnh hằng – nơi yên nghỉ của nhà thơ Trần Thương Bá, người đã để lại cho cuộc đời những tập thơ có sức ngân vọng, gõ cửa trái tim những người đồng điệu tri âm. Ba tập thơ của anh hãy còn đây trên “Hành Trình Thơ Trần Thương Bá”, nén tâm hương tưởng nhớ Anh muộn màng, sau 20 năm anh xa lìa trần gian.
Nhà giáo - nhà thơ Trần Thương Bá
(1940- 2002)
Từ tập Tình Huế đến tập Thơ Ngây Ngô, hai chặng trên con đường thơ Trần Thương Bá trải qua 2 thi pháp: thi pháp của chủ nghĩa Lãng mạn đến thi pháp của chủ nghĩa Tượng trưng đều mang sắc thái phương Tây.
Giờ đây tập thơ Vô Ngôn Kinh (VNK) đang mở ra trước chúng ta một chặng mới, từ hình thức đến nội dung.
Góc nhìn về thể loại và nhịp thơ Vô Ngôn Kinh
Sau khi dùng nhiều thể loại thơ, đến Vô Ngôn Kinh anh hướng về thơ Lục bát (sáu-tám), một thể thơ bắt đầu từ Ca dao, Truyện Kiều, Nguyễn Bính …
Thi tập Vô Ngôn Kinh gồm 55 đoản khúc tứ tuyệt bằng thể Lục bát. Đi tìm nguồn gốc của loại tứ tuyệt, chúng ta thường gặp các hình thức: thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ, 4 câu), lục ngôn, ngũ ngôn (6 chữ, 4 câu; 5 chữ, 4 câu). Riêng loại Lục bát tứ tuyệt đã được dung từ Nguyễn Du, Trần Tế Xương, Trần Tuấn Khải... Chế Lan Viên cho đến các nhà thơ hiện đại. Tuy nhiên hình thành một tập thơ hoàn chỉnh bằng loại Lục bát tứ tuyệt, thì chúng tôi nhận thấy có Động Hoa Vàng của thi sĩ Phạm Thiên Thư gồm 100 đoản khúc, được ấn hành năm 1971 tại Sài Gòn. Giờ đây tập Vô Ngôn Kinh nối tiếp thể loại trên ra mắt năm 1996 cũng tại Sài Gòn.
Một điều dễ nhận ra từ tập thơ Vô Ngôn Kinh là cách ngắt nhịp, xuống dòng (hay vắt dòng) của Trần Thương Bá thật uyển chuyển, đa dạng tạo những ấn tượng mỹ cảm mới lạ. Có thể ví anh như một nhà họa sĩ của trường phái Sắp đặt, một nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc, một nhà thư pháp tài hoa, sáng tạo.
Nếu nhịp thơ của Lục bát truyền thống đa số chọn nhịp dài, nhịp chẵn như trong câu Kiều sau:
“Cỏ non xanh dợn chân trời,Cành hoa lê trắng điểm một vài bông hoa”(Nhịp 6/8).
Trái lại câu thơ Vô Ngôn Kinh thiên về nhịp ngắn, nhịp lẻ.
Câu lục (6 chữ) có nhịp lẻ, với nhiều chuyển biến phong phú, có đến 6 cách nắt nhịp khác nhau:
+ Nhịp 1 - 3 - 2: Trưa / ra đón bạn/ đầu làng.+ Nhịp 1 - 5: Gởi / người ngàn dặm sơn khê.+ Nhịp 3 - 3: Môi em thắm / tưởng em cười.
Kết hợp nhịp chẵn – lẻ như trong câu: nhịp 2-1-3:
Anh đi / còn / vết thương lòng
Cũng trong câu lục nhịp chẵn đặc biệt có 2 cách: 2-4 và 4-2:
Nhịp 2-4:Sông sâu / bờ thẳm im lìm.Nhịp 4-2:Lần này thôi nhé/ về thôi.
Xuống câu bát (8 chữ), ngoài nhịp chẵn, Trần Thương Bá cũng tạo them nhiều câu thơ vắt dòng nhịp lẻ, có 13 cách.
Sau đây xin dẫn ra vài cách đặc biệt:
- Nhịp 1-3-1-3:Em / qua suối nhỏ / hoa / tràn gót chân.- Nhịp 3-1-4:Con chim lạ / đến / ngủ trong tóc này.
Cũng có lúc nhịp chẵn kết hợp nhịp lẻ nhằm tạo nên sự đột ngột trong cảm xúc
- Nhịp 2-1-3-2:Mơ hồ / rớt / tiếng vạc bay / ngoài thành.- Nhịp 4-1-2:Một câu lục bát / đủ / nàng ngẩn ngơ.
Việc đổi mới nhịp điệu câu thơ không phải là trò chơi hình thức, mà thuộc về ý thức cách tân câu thơ để tạo thêm những hiệu ứng thẩm mỹ, những xúc động, hay mở rộng liên tưởng cho người đọc, sau này trường phái Tân hình thức đã phát triển như trong bài Rượu cúc võ thìn của nhà thơ Phạm Nguyên Tường:
“rượu lúc cúc vàng hơi võthìn một thành cổ kiêu bạcvần vũ tóc không dài hếttiếng cười khan rũ một chiều.”
Nhà thơ Maiakovsky, nhà lý luân văn học Hartman đã từng khẳng định nhịp điệu là sức mạnh, là năng lượng cơ bản của thơ. Ở Việt Nam, thơ vắt dòng được dùng từ Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán cho đến các nhà thơ đương đại, cho nên Trần Thương Bá cũng thể nghiệm và tạo nên ấn tượng lạ. Chúng ta sẽ thưởng thức nhịp thơ Vô Ngôn Kinh hòa cùng hình tượng nghệ thuật để gởi đến độc giả thưởng ngoạn những hứng thú và nghĩ suy qua 55 đoản khúc Tứ tuyệt Lục bát.
Đi vào cảm nhận thơ Vô Ngôn Kinh.
Mỗi đoản khúc như một ký họa, trong đó có thiên nhiên hoa lá cỏ cây, có các mùa xuân, hạ, thu đông, sông nước mây trời, chim chóc. Nhân vật trữ tình hòa vào cảnh vật, với nỗi hoài hương không nguôi. Hình ảnh người nữ xuất hiện nhiều lần, mang đến hạnh phúc, lẫn xót xa. Và giữa cuộc đời đa đoan, nhiều mặt đó nhà thơ tìm cho mình một con đường.
+ Trước tiên, chúng ta bước vào thế giới của thiên nhiên và Em trong tập Vô Ngôn Kinh.
Trong Vô Ngôn Kinh, cứ mỗi bức tranh thiên nhiên từng mùa đều có hình ảnh của người nữ - Em ẩn hiện. Như thể thiên nhiên và Em là hình bóng của nhau, nằm trong nhau, cùng mang một bản thể. Hay cỏ cây, chim hoa là cái nôi ru em êm đềm. Cũng có thể là bối cảnh của tình yêu, là nhân chứng của cuộc tình khi gắn bó, lúc phôi pha…
Hãy cùng thưởng thúc từng bức tranh với hai nhân vật ấy:
“Tóc em phơi gióbồng bềnhnắng xuân lại đậutrên từng sợi tơ”(Đoản khúc 9)
- Em nghiêng tóc rốitrong câychim tha làm tổrắn vâykhoanh tròn.Mùa đông ngủmột giấc ngontỉnh rachợt ngứa chồi nonquanh mình”(Đoản khúc 6)
Những bức chân dung Em giữa thiên nhiên trong trong trẻo, mang nét phiêu bồng, liêu trai khiến chúng ta liên tưởng đến tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường một thời ở Huế
“Em ngồi bên suốicó hayđã bao nhiêu lárụng baytheo dòng”(Đoản khúc 34)“Lưng trờimột chút sương rơicho em ướt áođem phơi gió vàng”(Đoản khúc 24)
Hình bóng quê nhà trong tập thơ Vô Ngôn Kinh.
Phần viết về quê hương không nhiều nhưng cũng tạo nên những xúc động, ám gợi nơi tâm hồn chúng ta, thức tỉnh tìm về nguồn cội. Hình ảnh một chốn để trở về dường như xa xôi mờ ảo, chỉ thoáng qua giấc mơ của người con xa xứ vì miếng cơm manh áo:
- “tha hươngchẳng kịp thấy buồnđảo điên cơm áocúi luồn mềm lưng”(Đoản khúc 3)
Hay xa tít cuối chân trời, chỉ còn mượng tượng, từ đó trong tâm hồn xót xa, khắc khoải, như phạm tội lớn lao, như đã vong thân:
“Hay là ta đã quên tađể quê hươngmãi mù xachân trời.”(Đoản khúc 41)
Nhà thơ xứ Lebanon Kahlil Gibran (1883- 1931) đã viết trong tập PROSE POEMS: “Trên trần gian này tôi là người ly hương. Người ly hương là tôi...”. Ông giải thích ông là người cô đơn vì xa cách người thân, đồng bào. Ông cảm thấy ly hương với cả chính ông, thân xác ông. Ông là người ly hương vì không ai hiểu ngôn ngữ của tâm hồn ông. Qua so sánh, chúng ta cảm nhận rằng Trần Thương Bá đã gặp gỡ người xưa ở một chừng mực nào đó. Vì anh tin rằng đọc thơ anh chắc cũng có người đồng cảm.
Khuôn mặt tình yêu trong tác phẩm Vô Ngôn Kinh.
Qua hình ảnh Em trong phần trên ta đã chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của người tình- nàng thơ từng ám ảnh Trần Thương Bá. Đó là men của cuộc sống, là hương của tình yêu nhưng không phải bao giờ cũng mang đến hạnh phúc. Có khi trong thơ anh chúng ta bắt gặp “Ái ân tùng giọt / êm đềm” nhưng rồi “tủi hờn cơ cực / từng đêm ngậm ngùi” (Đoản khúc 28) hay “Ru em / ta chẳng một lời/ tay ta/ em gối / rã rời giấc trưa” (ĐK Đoản khúc 28). Có lúc quyến luyến “quen hơi / thuộc nết / tình chưa nỡ rời” (Đoản khúc 30). Lúc khác thì chấp nhận nghịch lý “Lời thề nào / chẳng phôi pha nhớ / chẳng thưa thớt lòng” (Đoản khúc 21) và kết thúc cuộc tình trong thế “Tiễn em / héo hắt nụ cười. Em đi ta cám ơn đời từ đây” (Đoản khúc 30). Nhưng đâu đó trong tâm khảm vẫn hoài niệm cuộc tình mãi mãi không thôi:
“Ta thèm thởchút hương xưatrong tà áo cũngẩn ngơ mỗi chiều”(Đoản khúc 37).
Bàn về thơ Tình yêu, chúng ta không thể nào quên được thi hào R. Tagore (1861-1941) - Ấn Độ, bài thơ thứ 28 trong tập Người giữ vườn đã minh định rằng: “Tôi đã phơi bày cuộc đời mình, không che đậy, không dấu diếm. Đó là lý do tại sao em chưa hiểu ý nghĩa những lời tôi nói” Ông cho rằng tình yêu là sự đồng điệu, dâng hiến tâm hồn. Nhưng trái tim của con người lại mãi là một cõi bí mật lớn lao. Điều này cho thấy nhà thơ Trần Thương Bá không quá bi quan trong tình yêu, vì nói như HEIDEGGER “Con người là một hữu thể cô đơn”
Nẻo về của Tâm trong Vô Ngôn Kinh.
Trong thơ VNK, có nhiều bài nhắc đến nhà chùa, kinh kệ, ni cô, Quán thế âm, Ca Diếp... điều đó cho thấy đạo Phật đã ảnh hưởng đến tâm hồn nhà thơ Trần Thương Bá.Bởi thế chúng ta men theo dấu chân của thơ anh để hiểu được con đường trở về Tâm như thế nào ?
Chúng ta mang thân tứ đại, sống trong vô minh với nhiều tham sân si nên thường suy nghĩ, nói, hành động tạo nghiệp, ngụp lặn trong hạnh phúc lẫn khổ đau:
“Tâm này một niệm từ biThân nàymột cõi sân sichưa rời”(Đoản khúc 46).
Rồi có những ngày “về chùa quét lá nghe kinh” một hôm chiêm bao nhớ lại tiền kiếp trong cảnh giới Tây phương Tịnh Độ, còn gọi là cõi của đức Phật A Di Đà:
“Tượng vàng khói tỏatrên caobỗng dưng lại nhớkiếp nàoTây phương”(Đoản khúc 52).
Nhà thơ của Vô Ngôn Kinh đã hiểu về luân hồi, vô thường nên trong thơ anh diễn đạt lời dạy của đức Phật một cách giản dị:
“Đi tìmlửa ấm cho đờigặp hoa chợt thấy lẽ đờitrong hoa”(Đoản khúc Nhập).
Anh đã kể chuyện ngày xưa đức Phật thuyết pháp trên núi Linh Thứu bằng thơ, thật cô đọng mà chứa đựng nội dung sâu sắc vô cùng:
“Nói điều chẳng thể nói ranửa là tâm đạonửa là tâm kinhVô ngônngậm miệnglàm thinhquỳbên Ca Diếpmột mình cười khan”(Đoản khúc 2)
Câu thơ giản dị, lối xuống dòng, ngắt nhịp, theo kiểu dàn trải trong câu lục để rồi đột ngột chuyển sang nhịp ngắn trong các câu sau nhằm thể hiện sự bất chợt trong tâm thức khi nhớ lại phút giây “tâm truyền, kiến tánh” giữa Đức Phật và Bồ Tát Ca Diếp, sơ đồ nhịp thơ: 6/4/4 và 2/2/2/1/3/4
Đó là pháp thiền, gợi lại chuyện xưa khi Đức Thế Tôn giảng đạo trên núi, ngài cầm một hoa sen đưa lên trước tăng chúng. Mọi người đều im lặng không hiểu ý nghĩa, chỉ có đệ tử Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật liền trao tâm ấn. Trong sách Vô Môn Quan (cửa không cửa) của thiền sư Huệ Khai ghi lại bài kệ:
“Một cành hoa đưa lênVà bí mật đã mởCa Diếp mỉm cườiToàn bộ tín đồ đều hoang mang”(Nguồn Thiền).
Trong lời tựa cho tập Vô Ngôn Kinh, GS Bửu Cầm (Viện ĐH SG) đã viết:
“Chuyện có thế. Nhưng nhắc đến câu chuyện với cả tấm lòng chân thành ngưỡng mộ, muốn lấy đó làm gương cho việc tu dưỡng bản thân, Trần Thương Bá thật sự đã tiến vào Cõi Thiền là thế giới không thể dùng ngôn từ để diễn tả. Đó là lý do tác giả đã chọn ba chữ VÔ NGÔN KINH làm nhan đề tập thơ này”
VÔ NGÔN trong đạo học Đông phương là một đặc điểm tư tưởng đã chi phối hình thức lẫn nội dung văn học Đông Á, trong đó Nhật Bản với thơ Haiku, Trung Hoa có Thơ Đường, Việt Nam có thơ Thiền Lý - Trần. Đó tính hàm súc, cô đọng, ý nghĩa ẩn sau ngôn từ, ý tại ngôn ngoại, có sức gợi lớn, âm hưởng và dư ba…
Trần Thương Bá đã kế thừa chất Vô Ngôn đó trong Hành Trình Thơ chặng cuối của mình.
Trở lại chữ Tâm và làm cho tâm an định, không còn chạy lăng xăng như “tâm viên ý mã” (tâm như vượn, ý như ngựa), điều phục tâm qua nhiều bước để đi đến giải thoát, giác ngộ mà 10 bức tranh Chăn trâu là biểu tượng cho hành trình tu chứng. Trần Thương Bá vẫn luôn mong ước điều đó, cho tâm được an lạc:
“Bao giờan lạc tâm nàylên nonnằm ngủgiữa bầy chim muông”(Đoản khúc 53).
Hình ảnh trong bài thơ trên khiến ta liên tưởng đến thơ Phạm Thiên Thư trong tập Động Hoa Vàng:
“Ta về rũ áo mây trời,gối trăng đánh thức bên đồi dạ lan.rằng xưa có gã từ quan,lên non tìm động hoa vàng ngủ say”
Gặp gỡ của hai nhà thơ khi cùng được tắm mát trong dòng suối đạo học phương Đông, trong thể thơ lục bát tứ tuyệt du dương, lại biến đổi nhịp điệu uyển chuyển đã góp vào thi ca dân tộc những bài thơ cô đọng nhưng có sức gợi lan xa, tạo cho người đọc sự rung cảm nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Đọc thơ của Phạm Thiên Thư và Trần Thương Bá ướp hương xưa là một liệu pháp điều trị chứng tâm bệnh thời đại nhiều thù hận, tham lam, tàn bạo này.
ĐỖ TƯ NHƠN
Thị Xã Quảng Trị, 14-4-2022
*
Tài liệu tham khảo:
1. Thơ tình tứ tuyệt. NXB Đồng Nai.
2.Động Hoa Vàng (Phạm Thiên Thư). NXB VN 2006
3.Thơ văn xuôi (Kahlil Gibran). NXB.Đà Nẵng 1998
4.Tâm tình hiến dâng (R. Tagore). NXB. ĐN 1996.
5.Nguồn Thiền. NXB Tự điển bách khoa 2009
6. Thương nhớ Võ Thìn. NXB. HN 2016
7.Từ điển Danh từ Phật học thực dụng (Tâm Tuệ Hỷ)
NXB Tôn giáo. 2005
1. Thơ tình tứ tuyệt. NXB Đồng Nai.
2.Động Hoa Vàng (Phạm Thiên Thư). NXB VN 2006
3.Thơ văn xuôi (Kahlil Gibran). NXB.Đà Nẵng 1998
4.Tâm tình hiến dâng (R. Tagore). NXB. ĐN 1996.
5.Nguồn Thiền. NXB Tự điển bách khoa 2009
6. Thương nhớ Võ Thìn. NXB. HN 2016
7.Từ điển Danh từ Phật học thực dụng (Tâm Tuệ Hỷ)
NXB Tôn giáo. 2005
No comments:
Post a Comment