Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 27, 2022

BÀI THƠ ‘ĐỢI XUÂN...’ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Trịnh Thị Nhâm






Bài thơ ĐỢI XUÂN của Đặng Xuân Xuyến là bài thơ lục bát ngắn 4 câu nhưng rất hàm súc!

ĐỢI XUÂN...

 

Đợi xuân xuân chửa chịu về

Đợi tình tình lại mải mê xứ người

Nâng lên ly rượu tự mời

Uống đi cho cạn nụ cười nhếch môi?!

*.

Hà Nội, 24 tháng 04.2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


"Đợi xuân xuân chửa chịu về". Mùa xuân mang lại sự tươi mới ấm áp cho vạn vật bừng nở. Rực rỡ sắc mầu hoa lá, rộn rã tiếng chim ca xua đi cái ủ dột buồn sầu của lòng người. “Đợi xuân” xuân sẽ đến chứ, bởi theo vòng quay, theo chu kỳ của thời tiết, của đất trời. Nhưng ở đây "... xuân chửa chịu về". Tôi cảm câu thơ này lồng hai ý. Thứ nhất: đây đích thị là người có tuổi rồi, cái tuổi xuân đi qua không bao giờ trở lại, đồng nghĩa với sức khoẻ hao tán, buồn lo đầy lên. Thứ hai: Mong một mùa xuân trọn vẹn đầy đủ ý nghĩa với ta, với mọi người trên toàn bờ cõi Việt Nam. Nhưng "... xuân chửa chịu về". Thôi thì đợi xuân chẳng được ta nghĩ đến tình. Tình yêu tiếp cho ta sức mạnh, cho ta say yêu cuộc đời, nhưng hỡi ôi "Đợi tình tình lại mải mê xứ người". Tình yêu, mình nhớ nhung mong đợi đâu còn thuộc về mình mà chỉ còn là vọng tưởng mà thôi.

Tôi rất thích hai câu thơ này:

“Nâng lên ly rượu tự mời

Uống đi cho cạn nụ cười nhếch môi?!”

Chỉ hai dòng ngắn ngủi mà đúc kết nên hai điều rất quý giá của con người: mùa xuân - tuổi trẻ, tình người - tình yêu! Không còn xuân, không có xuân, không có tình yêu chỉ còn lại đơn côi - ta với ta. "Nâng lên ly rượu tự mời", ta tự mời mình: nào uống đi, "Uống đi cho cạn nụ cười nhếch môi", có chút gì đó tự giễu cợt, hơi chua chát, khinh bạc cho con người, cho cuộc đời đen bạc. Uống rượu một mình, độc ẩm, độc thoại với lòng mình đâu còn là của riêng người trong thơ, mà là tâm trạng đã từng xảy ra trong cuộc đời của nhiều người. Cảm ơn tác giả đã nói hộ nỗi lòng của họ.

Bài thơ lục bát ngắn chuẩn chỉnh. Tác giả dùng từ "chửa" rất dân dã giàu sức biểu cảm chạm vào tâm can người đọc. Nếu anh dùng từ khác ví như từ “chẳng” thì câu thơ "Đợi xuân xuân chửa chịu về" thành "Đợi xuân xuân chẳng chịu về" sẽ thiếu hẳn sức gợi cảm. Hay từ "nhếch môi" trong câu "Uống đi cho cạn nụ cười nhếch môi" làm nên câu kết bài thơ rất tuyệt liền mạch, liền ý, khiến bài thơ có sự khắng khít chặt chẽ!

Tôi rất thích bài thơ này!

*.

Hạ Long, 25 tháng 4-2022

TRỊNH THỊ NHÂM

Địa chỉ: Tổ 9 khu 3, số 14/04 tòa A

chung cư Trần Hưng Đạo Plaza

thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Email: trinhnham52@gmail.com


No comments: