Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 8, 2022

CHUYỆN THẦY TRÒ VÀ NHỮNG BẬC CHA MẸ HỌC SINH XƯA - Khê Giang

 

Tác giả Khê Giang

CHUYỆN THẦY TRÒ 

VÀ NHỮNG BẬC CHA MẸ HỌC SINH XƯA

Khê Giang

1. Do được xếp hạng chỉ sau quỷ và ma nên chúng tôi vẫn thường xuyên bị lãnh đủ những hình phạt trên suốt chiều dài của hành trình đi tìm con chữ, ngày ấy chuyện bị đòn roi đối với đám trẻ trường làng là chuyện thường ngày, tựa như cơm bữa. Có hai hình phạt mà tôi ngán nhất đó là bị gõ vào các đầu ngón tay hay phần lưng bàn tay bằng thước gỗ, hai món này mỗi lần lãnh nhận là đau thốn đến tận tim do vùng tiếp xúc có rất ít da thịt che chở. Riêng các món còn lại như véo tai, phết roi mây vào mông hay quỳ vẫn là những hình phạt được coi là dễ chịu hơn. Năm học lớp Nhất (lớp cuối cùng của chương trình tiểu học) chúng tôi bị cô giáo phạt roi theo kiểu khá lạ, nếu phát hiện hai đối tác nói chuyện trong lớp, cả hai đều được mời lên bàn nằm ăn roi mà không cần biết đứa nào khai khẩu trước. Bị phát hiện viết bậy, đổ mực lên bàn hoặc kê bàn không ngay ngắn tất cả thành viên ngồi chung bàn đều được lãnh roi như nhau, bất kể trai hay gái. Để đối phó với việc bị đòn roi rất nhiều đứa đến trường thường phải mặc hai ba lớp quần. Án phạt ở trường đôi khi chỉ là hiệp một, lúc về nhà bị bạn mách hoặc thấy những lằn roi còn đỏ hằn trên mông, chúng tôi có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung từ cha mẹ, vì các cụ luôn tin tưởng sự đúng đắn công minh ở thầy cô. Việc xử (sử) dụng hình phạt đối với học trò cũng như việc đánh giá kết quả học tập, tất cả đều diễn ra hết sức công bằng, cho dù đối tượng là con của chính thầy cô hay những gia đình “ danh gia vọng tộc”, không hề ưu tiên gia đình có công với… xã hội. Vì vậy mới có chuyện nhiều nhiều học sinh lây lất hai ba năm vẫn chưa trèo qua một lớp.

2. Có lẽ so với nền giáo dục văn minh và hiện đại bây giờ, việc học sinh bị những hình phạt như vậy chắc ít ai đồng tình, tuy nhiên trong suy nghĩ của chúng tôi ngày đó, thầy cô luôn là những bậc đáng kính. Mặc dù bị đánh đòn là vậy nhưng khi đi trên đường chỉ nghe tiếng xe của thầy cô là tất cả kéo nón xuống, thụt lùi vào lề đường vòng tay cúi đầu chào. Điều lạ lùng là cái động tác chào kiểu ấy không chỉ diễn ra ở đám học trò mà kể cả người lớn. Các cụ râu tóc bạc phơ khi gặp thầy cô cũng tấp vào lề, xếp dù quạ kính cẩn cúi chào - những người được chào ấy nếu so ra tuổi tác chỉ trạc tuổi bằng con cháu của các cụ. Những ngày hội làng hay giỗ họ tộc khi được mời đến tham dự, thầy nghiễm nhiên được mời ngồi ở chiếu trên ngang với các vị chức sắc trong làng. Khi có việc riêng thầy cô đột xuất ghé nhà, cho dù đang lỡ tay với công việc vườn tược, các cụ vẫn vội vã lên trang phục truyền thống để ngồi hầu chuyện với thầy một cách cung kính. Mời được thầy đến dự đám kỵ giỗ là niềm hạnh phúc lớn của gia đình, một điều thành lệ khi thầy chưa cầm đũa chắc chắn trong nhà không ai dám bưng chén... Ngày Tết dành hai mùng cho nội ngoại nhưng mùng ba các cụ lại khăn gói đến chúc Tết thầy…

3. Nghe chuyện đánh đòn, án phạt nghiêm khắc đối với học sinh thời đó chắc nhiều người sẽ cho rằng tuổi thơ chúng tôi đã chịu nhiều thiệt thòi so với nền giáo dục văn minh và hiện đại như ngày nay? Xin thưa về vật chất, công cụ, phương tiện giảng dạy là có nhưng riêng tinh thần là không! Đến trường chúng tôi như tờ giấy trắng, không có một chút gợn dù nhỏ nhất về thầy cô, không bị áp lực chuyện học thêm học bớt, không sợ bị thầy cô chiếu cố trù dập, không có chuyện chạy trường, chạy điểm, không phải xa xót chuyện mua sách mới mỗi năm (những bộ sách được anh chị lớp trên cứ luân chuyển xuống lớp dưới, trải qua hơn một thập niên vẫn còn xử dụng tốt, vẫn mang nguyên giá trị về thẩm mỹ và tính hiện đại). Khi thấy chúng tôi đang đi lẻ loi trên đường trong trang phục học sinh hầu như tất cả những người điều khiển phương tiên giao thông đều rà xe lại hỏi lý do và sẵn sàng cho “quá giang” vì sợ chúng tôi trễ học hoặc không có tiền đi xe. Vào quán nước bắt gặp học sinh các chú các bác thường dành trả tiền. Khi vào bậc Trung học, từ nhà đến trường khoảng năm sáu cây số vậy mà khi lên xe đò chẳng một chủ xe nào lấy tiền học sinh trừ những lúc cả xe chỉ toàn một màu đồng phục áo trắng ( lúc đó chúng tôi tự nguyện trả tiền và nhà xe chỉ thu tiền tượng trưng). Đi tàu hỏa chỉ cần trình thẻ học sinh là được hoàn toàn miễn phí, cuối năm khi đạt thành tích tốt ngoài phần thưởng của trường chúng tôi còn nhận được quà từ chính quyền họ tộc, người thân…, khi tham dự lễ hội của Làng hay họ Tộc chúng tôi đều xếp ngồi ở vị trí trang trọng. Sự quý trọng thương yêu học sinh không chỉ gói ghém trong phạm vi nhà trường, trong cộng đồng xã hội mà còn ăn sâu vào tín ngưỡng: ngày mồng một Tết chúng tôi thường là những vị khách đầu tiên đến xông đất cho những nhà trong xóm (do đã có lời mời từ trước Tết). Cũng có đôi ba tin đồn thằng thằng A, con B bỏ học là do sợ thầy cô đánh, tuy nhiên khi trưởng thành lúc tiếp xúc, chuyện trò hay thổ lộ chúng tôi nhận ra đó chỉ là lý do phụ nằm trong muôn vàn lý do quan trọng khác.

4. Nói về thầy cô ngày đó, rời giảng đường kết thúc cuộc đời sinh viên những người đưa đò được phân bổ về khắp các vùng miền từ thành thị cho đến thôn quê, có nhiều thầy cô được điều về giảng dạy tại những nơi chốn xa xôi cách nhà cả trăm cây số, kể cả những nơi đang nằm trong vùng hỏa tuyến. Thế nhưng chẳng thấy thầy cô nào chạy trường, chạy khoảng cách. . Do không chạy chọt để lên chức nên thầy hiệu trưởng luôn được coi là người lãnh đạo anh minh, được mọi thầy cô đồng nghiệp tôn kính. Một hình ảnh rất đẹp về tình đồng nghiệp về văn hóa giao tiếp mà tôi may mắn được chứng kiến và nhớ mãi: trong giờ ra chơi khi các thầy đang ngồi trong phòng Hội đồng, nhác thấy cô giáo đồng nghiệp bước vào tất cả các thầy đều đồng loạt đứng dậy và thầy ngồi gần cửa nhẹ nhàng kéo ghế mời cô giáo ngồi. Thầy cô chỉ chú tâm vào công tác giảng dạy, không phải làm công việc bằng tay trái. Nhà trường không phải làm kinh tế, kinh doanh nên thầy cô không phải bận lòng vương víu những chuyện ngoài chữ nghĩa.. Vì vậy việc đánh đòn phạt quỳ học sinh ngày ấy tuy không phải là phương pháp giáo dục tối ưu vẫn được cộng đồng chấp nhận và những người bị xử phạt – lúc còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường cho đến khi sang bên kia sông vẫn hướng về người đưa đò với một niềm thương yêu kính trọng.

KHÊ GIANG




No comments: