Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm |
TRẰM TRÀ LỘC QUẢNG TRỊ
Hồ Tĩnh Tâm
Trưa ngày 21 tháng 8 năm 2010, sau khi chia tay người cậu, tôi cùng các anh Phan Văn Quang, Mai Thanh Tịnh, Xuân lợi, Võ Văn Luyến, ra khu Mai Cạnh viếng mộ ông bà nội của tôi, rồi từ đó chúng tôi đi xuyên qua thị xã Quảng Trị, đến huyện Hải Lăng, dừng chân tại Trằm Trà Lộc.
Trằm trong cách gọi quê tôi là bàu nước, đầm nước, hình thành một cách tự nhiên, có từ thuở nào tới giờ. Trằm Trà lộc rộng lắm, nó là nơi tích tụ nguồn nước từ các động cát, của các xã Hải Xuân, Hải Lâm, Hải Quy, Hải Thiện, Hải Thọ, Hải Vĩnh dồn về. Dân gian đồn rằng, từ thuở hồng hoang, khi Nữ Oa đội đá vá trời, bà đã lỡ tay làm rơi một núi đá xuống vùng đất Hải Lăng, khiến cả một vùng rộng lớn(hơn 36 ha) bị lún sâu thành trằm nước mênh mông, xung quanh rậm rịt cây rừng, chim chóc và muông thú nhiều vô kể. Nghe đồn giữa trằm nước có một con rắn thần, đầu mọc mồng đỏ chói như mồng gà, vẫn thường cất tiếng gáy ò ó o vào mỗi bình minh. Con rắn này lướt như bay trên mặt nước, quăng mình vù vù như gió trong rừng trằm; ai dám phá một cây rừng, ai dám hại một con cá, nó sẽ tìm đến tận nhà bắt chết, bởi vậy cả vùng trằm, từ bao nhiêu đời đã qua, vẫn giữ được vẻ hoang sơ của nó. Chỉ từ khi xãy ra chiến tranh, bom Mỹ mới dội xuống rừng trằm; nhưng hàng trăm ngàn tấn bom các loại, vẫn không thể nào hủy diệt được sự sống xanh tươi ở nơi đây.
Chúng tôi đến Trằm Trà Lộc vào quá ngọ chừng một tiếng, sau chặng đường băng qua các động cát, hai bên mọc dày phi lao và cây tràm hoa vàng. Xe đậu bên vệ đường, gần lối vào khu du lịch sinh thái của trằm, thuộc địa bàn làng Trà Lộc. Con đường nhỏ vào trằm được lát bằng từng tảng bê tông lớn, có vẻ như không hợp với sinh thủy nơi đây, nhưng rất may, chỉ sau vài trăm mét dọc theo khu dịch vụ, con đường đã trở lại vẻ hoang sơ của nó, khi bắt đầu luồn vào rừng.
Vốn là gả lãng tử mê chụp ảnh, khi bạn bè leo lên một cái tum lợp lá, cất cao trên mặt nước của trằm, tôi tranh thủ vác máy đi lang thang. Đang đi thì nghe tiếng gọi, “eng ơi, chụp con nhỏ ni một tấm nì”. Ngoái lại, tôi thấy một người phụ nữ đang toét miệng cười. Thấy nụ cười quá tươi, tôi phì cười, “nhưng nó có chồng chưa mà kêu tui chụp”. “Nó có chồng thì tui kêu eng chụp mần chi. Hay là eng chụp luôn tui nì, tui cũng có chồng con chi mô”. Vậy thì chụp. Thế nhưng tôi vừa nâng máy lên, nhanh tay bấm được hai tấm, thì cả hai đã chạy biến đi mất, để lại sau lưng tiếng cười khanh khách, trong veo trong vắt. Chu cha trời đất. Đến giọng cười cũng rặt giọng Quảng Trị, thương răng mà thương rứa trời.
Leo lên tum, tôi thấy trên sàn gỗ có trải chiếu, đã dọn ra một dĩa cá lớn. Xuân Lợi cười hì hì. “Cá tràu của trằm, không phải như cá lóc nuôi trong Nam Bộ mô, ăn thì biết”. Ừ nhỉ, nghe nói trằm nhiều cá lắm, nhưng không phải ai muốn câu, muốn chài, muốn lưới cũng được. Dân Hải Lăng rất ý thức chuyện bảo vệ tài nguyên sinh thái. Việc khai thác cá dưới trằm, đều có sự quản lý của chính quyền địa phương, có sự chỉ đạo của tỉnh, bởi tỉnh đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng đắp đập, ở về phía Đông Bắc, cơi rộng Trằm Trà Lộc ra cả trăm héc ta. Nguồn lợi từ nguồn sinh thái tự nhiên của Trằm Trà Lộc, nhờ vậy ngày càng trở nên dồi dào, phong phú. Để lưu giữ truyền thống xưa, vài năm một lần, ban quản lý lại cho “phá trằm”(xả nước), thả sức cho dân ùa xuống bắt cá. Nhiều nhất là cá chép, cá diếc, cá rô, cá tràu, cá thác lác, cá trắm, cá mè…
Con cá tràu hấp măng mà chúng tôi ăn, là cá của trằm, cá được phép khai thác theo kế hoạch. Cá của trằm, nên thịt săn chắc và ngon ngọt, đậm đà lắm. Chỉ tiếc, bạn bè sợ tôi say, không thực hiện được kế hoạch ngao du đã định sẵn, nên chỉ cho uống bia, chứ không cho uống rượu. Mà rượu ngon Quảng Trị thì thiếu gì. Ngay ở Hải Lăng này, Kim Long là thứ rượu thơm ngon có tiếng. Cầm chai rượu trong veo trong vắt lên, lắc nhẹ một cái, tăm sủi từ đáy chai sủi lên, lăn tăn li ti như nồi nước sắp sôi, hương rượu bốc lên lừng lựng, hương đưa phảng phất, thơm lạ thơm lùng.
(Tôi nhớ đêm vui với bạn bên bờ Hiếu Giang, cách đây đã vài năm, khi Thanh Tịnh chở tôi về Gia Độ, đến đầu cầu phao qua sông Thạch Hãn, điện thoại trong túi tôi rung dần dật. Tiếng Trần Bình vang lên: “Anh Tâm ơi, sao không đợi em. Em từ thị xã Quảng Trị về tới rồi này. Chừ em mần răng với năm lít Kim Long đây”. Lúc đó tôi hình dung ra, Trần Bình đứng bơ vơ trên bờ cát sông Hiếu, giơ cao can rượu đựng năm lít Kim Long lên trời gọi tôi, tự nhiên nao cả lòng)
Ngồi uống bia trên mặt nước ven bìa trằm, coi bộ thanh nhàn như các vị tiên hiền rừng trúc. Nồm nam rười rượi, hơi nước dưới mặt hồ bốc lên, hương sen trong lòng hồ đưa về, thỉnh thoảng lại nghe tiếng cá quẫy, tiếng cá búng mồi, lại cả tiếng chim hót véo von trên tán cây rũ bóng xuống mặt hồ, thi tứ tuôn tràn như suối dòng La La dào dạt. Ôi chao, quê hương đến tận cùng máu thịt quê hương. Hết võ Văn Luyến đọc thơ, đến Phan Văn Quang đọc thơ, Xuân lợi đọc thơ, rồi Thanh Tịnh ôm đàn nghêu ngao hát, thời khắc trôi qua lúc nào không biết. Chừng nhận ra, hoàng hôn đã buông la đà màu tím nhớ trên mặt trằm, anh em mới tạm dừng cuộc nhậu. Những rặng đước phía bên kia trằm đã xanh xẫm lại, nổi bật những cánh cò chớp trắng. Gần với vạt sen giữa trằm, một đàn vịt trời từ đâu ùa xuống, lượn lờ bên nhau như giỡn với ráng chiều tím lịm.
Bước lên bờ, tôi vịn vào những sợi dây rừng, hỏi Phan Văn Quang có biết dây gì không, anh chỉ cười lắc đầu. Xung quanh Trằm Trà Lộc xưa là rừng rậm um tùm, dây rừng bám vào thân cây leo lên, rồi vươn ra bốn phía, đan vào nhau chằng chịt, làm thành những cái võng lưới trên tán rừng, khó có cái gì đó từ trên cao, rơi lọt được xuống đất. Mùa hè, leo lên đó, nằm khểnh đọc sách, có lẽ không nơi nào sánh được.
Trong những cánh rừng trằm Trà Lộc, tới bây giờ, vẫn còn rất nhiều các loài cây cổ thụ, kể cả cây lộc vừng. Cây Lộc vừng càng cao tuổi, dáng thế càng đẹp, gốc nổi u sần sụi, đẹp đến hớp hồn người ta. Dân chơi kiểng trong Huế, trong Sài Gòn, ngoài Hà Nội tìm vào, hỏi mua mỗi cây mấy trăm triệu, dân làng cũng phớt lờ không chịu bán. Lộc vừng cổ thụ là hồn vía của Trằm Trà lộc, mấy trăm triệu, chứ mấy tỉ đồng, cũng không thể mua được. Có ai lại bán linh hồn của trằm đi bao giờ.
Trằm Trà Lộc hôm nay, dù đã được khai thác đưa vào du lịch, vẫn giữ được vẻ đẹp dịu dàng thơ mộng, của cả một vùng hồ rộng lớn. Ngoài giá trị là khu dự trữ sinh quyển lớn của quốc gia, Trằm Trà Lộc còn là nguồn nước dồi dào , đủ cung cấp cho cả vùng quê lúa Hải Lăng- thứ lúa dẻo thơm, làm nên thương hiệu rượu Kim Long(rồng vàng), dùng để tiến vua thuở nào.
Khi chúng tôi ra về, trong những cái tum cất là đà trên mặt nước ven trằm, vẫn còn những chàng trai, những cô gái ngồi lại với nhau. Họ nói cười ríu rít. Họ đàn hát say sưa. Có vẻ như đêm nay, họ ở lại với trằm, bởi vì mùa trăng Vu Lan đang đến.
Tôi bước đi trong tiếng ghi ta bập bùng, nâng bỗng lên giọng hát trầm ấm của một chàng trai, đang thả hồn vào không gian chiều tĩnh lặng.
Đã lâu rồi không trở về đây
Quảng Trị ơi bao năm tôi xa
Gặp lại nhau không nói nên câu
Ôi thương quá Quảng Trị tôi ơi
HTT
No comments:
Post a Comment