CÁNH DIỀU ĐỒNG DAO
Trong dòng lục bát quê hương Bến Tre hiện nay, bỗng nhiên xuất hiện một tác giả tỏa chất thơ gắn liền cùng cục đất giàu nghĩa tình xứ Nam bộ. Lục bát có tiếng dễ làm và vì quá dễ nên rất… khó hay!
Chưa có tài liệu chính xác về khoảng thời gian lục bát ra đời, các nhà nghiên cứu cứ lấy truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du làm đỉnh cao lục bát nhưng quên mất Nguyễn Du không biết quốc ngữ và bản Kiều hiện nay được biết đến, rơi mất công sức bởi người chuyển quốc ngữ lẫn thành công từ bao thế hệ uốn nắn, hoàn thiện rồi vinh danh trong văn học đương đại!...
Lục bát xem ra rất có duyên với tác giả Ca Trúc, bởi lẽ anh được sinh ra tại nơi bát ngát dừa xanh và đồng nội lại cò bay thẳng cánh. Từ cục đất hiền hòa đã sinh ra người con đam mê gắn mình cùng quê hương và đem Hương Quê ấy kết tinh trong vần lục bát mang đậm chất đồng dao. Thơ Ca Trúc ngọt ngào như cô thôn nữ e ấp tuổi dậy thì. Hương cứ tỏa. Dáng điệu đà. Cứ thế chinh phục những tâm hồn thích không gian từ đồng nội nhưng ngày ngày khung cảnh đang vắng đi…
Có một chút xốn lòng khi đến với dòng thơ tác giả này! Có thể đâu đó trong mưu sinh, loài người đã rời xa vùng đất mẹ từng nâng đỡ những đứa con nay đang lạc bước vào chốn phồn hoa… Hương vị được cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng đâu là… sự thật!?
Đi tìm và khôi phục quá khứ e rằng chỉ còn lại những tác giả dám đeo bám, gìn giữ cái nôi con nhỏ. Dựng xương. Đắp thịt. Thổi hồn. Cho điệu lục bát say chiều, say đò, say luôn con nước lớn ròng với bao hò hẹn. Người thưởng thức lục bát của Ca Trúc có dịp hồi tưởng lại ký ức ngày tết, cưới hỏi, phong tục tập quán vùng miền v.v… với cơ may trở thành huyền thoại xa vắng ở tương lai…
Cấu trúc ngôn ngữ lẫn cách buông vần trong dòng lục bát Ca Trúc đang sở hữu đẹp một cách tự nhiên. Tuy cách thể hiện mộc mạc, đơn giản nhưng đậm chất tình Nam bộ với hơi hướm đồng dao. Những ngôn ngữ trực cảm luôn có nét sáng, tiếp cận nhanh cùng người thưởng thức thay cho các từ quá nhiều nghĩa bóng, đầy “rình rập”. Tính cách Ca Trúc mở ra sự hồn nhiên giúp người tiếp cận “cảm nhanh” rồi “xúc động” theo câu từ. Tất cả đã tạo ra một tác giả bình dị với cõi riêng mênh mông chân quê, chất phác…
Xa hoa cùng giản dị, vẫn luôn có cái đẹp riêng! Nếu nói “giản dị” không có điểm hút thì loài người thời nguyên thủy không còn lưu dấu văn hóa phi vật thể và đồng nội đã cháy trụi mảnh đất tổ tiên, nhường bước cho những đô thị choáng lộn đầy ắp ánh đèn… Ánh sáng ngọn nến, đèn “trứng vịt”, heo hút trong vùng sâu vẫn là nơi con cháu tìm về những ngày cuối năm. Đón chút Xuân xưa. Tìm cái mang đi trong mùa “giáp hạt”! Những điều này vẫn âm thầm bươn chải, tồn sống cùng thời gian đợi chờ tín hiệu báo xuân. Ca Trúc như con én nhỏ, liệng cánh trong trời lộng gió, đem câu lục bát gìn giữ bản sắc vùng miền. Dòng thơ của anh đang chảy cùng năm tháng với nhiều cảm xúc, chinh phục người đọc quay về vùng không gian bát ngát in bóng quê hương…
“Thèm ngồi
câu cá bờ ao
Dừa in đáy nước
xạc xào bóng nghiêng
Dường như
trút bỏ ưu phiền
Hòa mình quyện với
thiên nhiên miệt vườn
Dẫu rằng
một nắng hai sương
Đơn sơ vách lá
gạo lường, canh rau
Tình quê
sao thấy ngọt ngào
Theo ta vào giấc
chiêm bao bao lần.
(Nặng Tình Hai Chữ Quê Hương)
CT
Tâm sự từ tác giả Ca Trúc chắc còn không ít! Nhưng ngoài kia nắng chiều đã lệch, những cánh diều no gió đang chao liệng trong tiếng rì rào lẫn lộn điệu đồng dao…
VL – 28.9.2020
MacDung
macdungvh@gmail.com
No comments:
Post a Comment