Trong khoảng thời gian chừng 5,7 năm trở lại đây, người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất ở Việt Nam có lẽ là nhà thơ Nguyễn An Bình. Điều này khẳng định thơ của anh tạo được cảm xúc trong lòng các nhạc sĩ và được nhiều nhạc sĩ yêu quý: Nguyễn An Bình đã có hơn 700 bài thơ phổ nhạc, một con số kỷ lục!
Lý giải về điều đó, nhà văn Nguyên Cẩn cho rằng “Thơ Nguyễn An Bình giàu nhạc tính, những bài thơ của anh, vần điệu du dương, dễ gợi ý hay nhạc hứng trong lòng các nhạc sĩ, từ thơ bốn chữ , năm chữ , sáu chữ …
Em tươi non như ngàn lá,
Môi hồng thơm cánh lưu ly.
Về ngang nhà thờ ngày nọ,
Chuông mơ còn dấu tình si.
( Mùa thu xuống phố )
Chúng ta đọc tiếp
Về đâu sông ơi,
Sao đi mải miết .
Đưa người xa người
Tháng năm biền biệt.
(Về đâu sông ơi )
…đến thơ tám chữ
Nghe ai hát bản tình ca say đắm,
Khúc boléro chiều mượn chút men cay.
Tôi và em tình một thời lận đận,
Lan huệ thương hoài một sợi tóc mai”
( Khúc tình sầu boléro)
Nhà văn Nguyên Cẩn còn gọi Nguyễn An Bình là nhà thơ của tình yêu vì “Tình yêu luôn tồn tại trong mọi bài thơ, luôn trẻ trung, luôn thao thức dù ở tuổi nào…Ta ngờ như tác giả vẫn nuôi dưỡng tình yêu trong tâm hồn mình… Những cảm xúc không trôi đi mà đọng lại, thời gian và không gian đặc quánh tình yêu từ khi yêu 16 đến hơn 60 không có tuổi, mà chỉ có những rung động bao giờ cũng bồi hồi .”
&
Như thế thì tâm hồn Nguyễn An Bình là của chất thơ và vần điệu nên khi nhận được tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà… tôi vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Tất nhiên nhiều nhà thơ chuyển sang viết văn xuôi gần đây không ít, những lúc ấy tôi chợt nhớ đến một giai thoại mà Nguyễn Tuân đã kể: “Khi viết văn bí chữ, nhà văn Nguyên Hồng lấy xe đạp phóng đi một chập và vừa đạp ông vừa làm thơ vì “viết truyện đầu dễ bốc khói, thỉnh thoảng làm ít câu thơ cho người nó dịu đi” và thế là “khi xây dựng nhân vật, lúc cao hứng, ông dẹp truyện qua một bên và sang sảng ngâm thơ của mình.”
Tôi chợt liên tưởng vậy thôi chứ trường hợp của Nguyễn An Bình thì ngược lại, là nhà thơ viết văn và với tính cách điềm đạm, anh không có máu lãng tử như nhà văn Nguyên Hồng và cũng không mấy khi anh đưa thơ vào văn xuôi như nhà văn Kiệt Tấn.
Trong những năm gần đây Nguyễn An Bình in khá nhiều sách, cả thơ lẫn văn, thì hiểu là anh hết mực yêu văn chương, vì cái nghề văn không hề nhàn hạ thảnh thơi mà phải lao động cật lực, đêm ngày cày trên cánh đồng chữ, cẩn trọng trong từng dấu phẩy, chưa kể sự miệt mài quan sát, tìm tòi và suy nghĩ mới có thể kết hợp nhiều yếu tố trong nghệ thuật.
Vì làm gì có con đường tắt nào cho văn chương!
Nhìn chung thì tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà của Nguyễn An Bình có 15 truyện ngắn, có vài truyện khá dài (như Xóm Trọ hơn 7000 chữ, Bên dòng Potomac 5000 chữ, Còn xanh bóng núi 4300 chữ… ) nhưng phần lớn các truyện đều hiền lành và dung dị như chính con người anh. Cách viết của Nguyễn An Bình là pha trộn giữa truyện ngắn với bút ký, mỗi nét trong bức tranh đời người được anh kể lại bằng chất thơ của câu chữ nên ta thấy cuộc sống vùng sông nước phần êm dịu và nhẹ nhàng. Các chất liệu sống đều được anh sử dụng với một văn phong trong sáng, dễ hiểu, đọc lúc nào cũng thấy được tâm tình của tác giả.
Trong Chuyện tình trên phá Tam Giang ( 4920 chữ) kể về tình yêu cổ điển và có hậu của hai ngư dân nghèo. Mối tình của họ tuy chưa hẳn là trắc trở nhưng vẫn còn những toan tính thiệt hơn của người cha cô gái, rồi chỉ sau khi ông bị tai nạn từ cuộc trộm cá bất thành… mà tình duyên của họ được vuông tròn.
Chuột và người (4800 chữ) là một câu chuyện rất đời thường: Do tình cờ mà lão thợ hồ thất nghiệp trở thành kẻ bắt chuột lành nghề và kể từ đó thì vợ lão không cằn nhằn mà trở thành người cộng sự đắc lực, giúp chồng mọi việc. Nhưng đứa con trai thấy công việc này vừa hôi hám vừa thất đức, can không được, bỏ nhà ra đi.
Một buổi chiều lão Thìn đang khề khà bên ly rượu đế với các món thịt chuột thì bụng đau oằn oại, mắt trợn trừng, miệng ọc máu, vợ nghe kêu chạy vào thì lão đã ra đi. Trong đám tang, mặt hàng xóm đều có vẻ buồn nhưng bụng mừng thầm vì thoát được cái mùi hôi thối từ ngôi nhà lão. Chỉ có ông y tá già mới biết được nguyên nhân cái chết: Mấy tháng trước ông đã thấy triệu chứng bất thường, da và tròng mắt lão Thìn ngã màu vàng nghệ, bụng trương lên…
Nguồn cội ( 3200 chữ) Kể về chuyện một thanh niên bị đưa qua Mỹ, trong chiến dịch babylift, muốn tìm lại cội nguồn. Do tình cờ anh biết được tên người sĩ quan trước đây đã cứu giúp mình. Anh hỏi xin địa chỉ, về Việt Nam tìm, và được ông cho biết là trên đường chạy loạn thấy bé bị thương và thất lạc người thân nên ông phải gửi vào viện mồ côi. Chuyện cảm động nhưng các tình tiết hơi bị guợng ép.
Bến sông quê (2300 chữ) Chuyện nói về tiếng đàn buồn và xót xa của người đàn ông bị vợ bỏ: Bị mù từ năm 7 tuổi, anh mê nhạc, học và đàn vọng cổ rất hay. Do tình cờ cứu 2 mẹ con bị ghe lật nên được bà mẹ gả con. Sau 8 năm chung sống, người vợ không chịu nổi kham khổ với người chồng tật nguyền, đã bỏ đi.
Tình tiết đơn giản nhưng truyện có nhiều đoạn tả cảnh hay và một đoạn kết có hậu: “Năm Can ngước mặt nhìn ra bến sông. Anh biết con nước giờ nầy đã đứng lớn và sắp chuẩn bị cho đợt nước ròng. Một tiếng chim vịt kêu nhưng lần nầy anh không còn cảm thấy buồn tẻ lẻ loi nữa, hình như nó đã tìm được bạn tình”
Tấm thẻ bài. (3200 chữ) Là câu chuyện về một tình yêu bị chia cắt vì chiến tranh: Một người lính bên thua trận phải ra trình diện để học tập chính sách trong vài ngày, nhưng bị giữ gần 6 năm! Khi ra trại, thì người yêu đã vượt biên cùng gia đình. Anh xin đi Mỹ theo diện HO, nhưng hồ sơ bị thiếu. Thất vọng và giận dữ, anh bỏ lại thẻ bài ở phòng phỏng vấn. Rồi sau 2, 3 lần vượt biên, anh cũng qua được Mỹ.
Đến nơi anh quyết tìm người yêu nhưng vô vọng. Một hôm anh nhận được thẻ bài, do người con của người phỏng vấn ngày xưa gửi đến: Ông ân hận, vì bị vướng nguyên tắc, không giúp được anh, nên nhờ con trai tìm anh để trả lại thẻ bài. Câu chuyện tình người, cảm động.
Nhưng có thẻ bài mà người yêu còn sống hay đã chết? Anh ném thẻ bài xuống biển.
Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà (3900 chữ)
Phạm Đạt rất yêu quí đàn voọc chà vá chân nâu sống trên đỉnh Sơn Trà. Trong một chiều lên núi để chụp cảnh hoàng hôn thì bất chợt mưa gió đầy trời. “Mây đen đã bắt đầu quần tụ kéo tới xám xịt mỗi lúc một dầy thêm trên bầu trời, gió từ phía biển u u thổi càng lúc càng mạnh vào vách núi, anh nghĩ chắc có khi mình không kịp xuống triền núi về phía cây đa ngàn tuổi..”
Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, Đạt nghe có tiếng đàn và trong màn mưa anh còn thấy có ánh lửa chập chờn, anh lần đến ngôi nhà nhỏ và gặp một người con gái. Khi gõ cửa và bước vào trong, ánh lửa bập bùng làm anh ấm áp. Sau một lát chuyện trò, cô gái đánh đàn, âm thanh của núi rừng từ chiếc đàn đá tạo thành một bản trường ca bất tận. Anh xúc động cúi xuống hôn lên tóc, lên môi và 2 người có 1 đêm ân ái, nhưng khi thức giấc, anh không nhìn thấy nàng đâu.
Nhờ bức thư anh mới hiểu cô gái chính là 1 con voọc chà vá bị sụp bẩy mà anh đã giải cứu nhiều năm trước. Hoang đường như chuyện Liêu trai!
Nhiều lần quay lại “Hai mươi năm trôi qua tôi mong gặp lại nàng nhưng nàng và đồng loại nàng đã thật sự bỏ chốn cũ rời đi tìm chốn an bình trước cơn lốc hủy diệt tàn bạo của loài người”
Tưởng như chuyện thần tiên, nhưng đoạn kết là lời tố cáo bọn người đang âm mưu chiếm Sơn Trà làm của riêng, băm nát thiên nhiên.
Khác với các truyện ngắn trước, truyện có ý thức bảo vệ môi trường và gìn giữ thiên nhiên. Đoạn kết làm người đọc ấm lòng: “việc bảo vệ ngọn núi thiêng, bảo vệ màu xanh muôn đời của Sơn Trà đã có kết quả bước đầu thắng lợi, tất cả các dự án xẻ thịt Sơn Trà đều buộc phải dừng lại.”
Qua thơ hay văn người đọc dễ nhận ra là Nguyễn An Bình một nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, cảm giác như anh vừa sống vừa lắng nghe, ghi nhận những gì xảy ra xung quanh bên ngoài và cảm xúc bên trong lòng mình để suy nghĩ và sáng tác.
Là người điềm đạm, Nguyễn An Bình không dùng chữ to tát, cường điệu, anh viết truyện bình dị như tính cách của mình. Cái tên An Bình như vận vào những chuyện kể nhẹ nhàng, hiền hoà của anh. Ít khi thấy truyện ngắn có những xung đột dữ dội hay nhiều kịch tính.
Là nhà thơ viết truyện nên trong văn xuôi của Nguyễn An Bình không thể thiếu những hình ảnh, âm thanh và nhạc điệu. Xin được trích ra đây những đoạn văn tả cảnh rất có hồn:
- “ Con nước bắt đầu lớn, nước từ sông cái chảy vào kênh Cái Sâu lờ đờ bình lặng, từng vạt lục bình trôi dạt vào kênh điểm xuyến mấy chùm bông tim tím làm cảnh vật bớt buồn tẻ, đơn điệu. Lâu lâu một vài trái bần già rụng xuống dòng kênh nghe lỏm bỏm, trong không gian trầm lắng đó người ta lại nghe tiếng đờn vọng cổ cất lên từ trước nhà Năm Can, tiếng đờn như ai oán, nhớ thương chất chứa bao niềm tâm sự.” (tn Bến sông quê)
- “Nếu ai đã từng đi núi gặp phải cơn mưa rừng mới thấy hết cái dữ dội hung dữ của nó. Nó đến rất nhanh không kịp trở tay, có thể ào ạt chớp nhoáng rồi nhanh chóng đi qua như người khách lạ, có lúc lại dai dẳng nhiều ngày như một kẻ thù truyền kiếp đeo bám không rời. Tiếng mưa rào rạt đập vào các thân cây cành lá nghiêng ngả tạo nên những cơn dư chấn domino khiến người lạc trong núi phải khiếp vía. Trên độ cao hơn ngàn mét thần gió mặc sức hoành hành, những đám mây xám từ biển cứ ồ ạt kéo về, nước từ trên đỉnh núi theo các khe suối nhỏ ào ạt trôi băng băng xuống triền dốc như một cơn lũ dữ.”(tn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà )
Trong truyện ngắn hiện đại, ít thấy ai tả cảnh. Mà tả cảnh hay thì càng hiếm. Con người đang gục đầu trên máy tính, ngập trong hàng đống giấy tờ, số liệu… mấy ai còn có thời gian nhìn ngắm thiên nhiên!
Bài viết này không có tham vọng phê bình mà chỉ là những cảm nhận cá nhân khi đọc tập truyện ngắn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà để chia sẻ cùng tác giả Nguyễn An Bình nên chắc sẽ có bạn đọc nhìn qua một tâm cảm hay một góc nhìn khác. Để dẫn chứng tôi trích ra vài đoạn, phần còn lại xin dành cho độc giả đọc và khám phá.
Trương Văn Dân
Milano 20/8/2020
Tập truyện gồm 15 truyện ngắn được tác giả viết trong nhiều năm, có lời giới thiệu và cảm nhận của nhà văn HOÀI HƯƠNG và nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN. Sách dày 272 trang, giá 130.000 đồng do NXB Thanh Niên cầp giấy phép năm 2020
*Các bạn yêu văn hay muốn ủng hộ xin mail cho tác giả: luongmanh2106@gmail.com hay số điện thoại: 0909697644
No comments:
Post a Comment