Nhà văn Trần Duệ
NHỮNG NGƯỜI Ở VEN RỪNG
Trần Duệ
Cuối cùng Mai cũng lấy được chồng.
Đám cưới được tổ chức khi cô gần ba chục tuổi, chấm dứt cái từ “gái ế” mà bà
con gọi lén đã nhiều năm qua. Xóm làng đều vui, riêng Mai thì không ai đoán được.
Cô sống với người mẹ đã già yếu. Ở miền núi, người ít, đất rừng mênh mông nhưng
phần lớn đều của nhà nước. Đất ở hẹp, người đông nên nhiều ngôi nhà nằm ở cạnh
nhau trông không giống cảnh vùng cao ngày trước. Nhà của Mai nằm ở cuối thôn,
có khu vườn khá rộng, xa nơi đông người. Vào những đêm tối trời, ngôi nhà có
ánh điện mờ mờ, nằm khuất dưới vườn cây, trông cũng buồn thiệt. Mai lấy chồng
nhưng không theo chồng về làm dâu. Chồng của Mai tên Huy, lớn hơn Mai khoảng bốn,
năm tuổi. Nghe nói anh lấy vợ trễ do mãi đeo đuổi chuyện làm thơ, nhưng thực ra
ở đây chưa ai từng nghe hoặc đọc thơ của chồng Mai. Gia đình Huy ở xã kế bên, anh
em đông, nên chuyện Huy đi ở rể cũng không khiến mọi người bận tâm cho lắm. Một
năm sau Mai sinh con gái. Bà con thấy mừng, vì tương lai trong xóm sẽ bớt được
một thằng hút, chích, đua xe... Ba năm nữa, vợ chồng Mai ly hôn, bà con lại thấy
vui vì xóm làng đã bớt được một thằng đàn ông suốt ngày say xỉn. Bà con đang cần
một người làm ra lúa, ra bắp chứ không cần một người làm thơ.
Mai có dáng người
cao nhưng thân hình khá to nên trông cũng cân đối. Không hiểu sao từ ngày ly dị
chồng thì nhìn Mai đẹp ra. Khuôn mặt đầy đặn và nước da hồng hào, mỏng như khói
thuốc. Mai trở thành đề tài cho nhiều người bàn tán; từ những cuộc nhậu của đám
đàn ông cho tới những lần đi bộ tập thể dục buổi sáng của các chị. Có những cuộc
tranh luận đến mức căng máu lên mặt. Có người gọi Mai là “bà giá”; người gọi
“bà goá”; người gọi “nạ dòng”, riêng mấy gã đàn ông “sồn sồn” lại gọi Mai là
“gà mái dầu”. Chằng biết ai nói đúng ai nói sai, bởi vì đây là nơi tập trung
người dân ở nhiều tỉnh thành về làm nghề rừng rồi định cư, có gia đình đã sống ở
đây nhiều đời; và đây cũng là nơi hội tụ nhiều giọng nói, nhiều tập quán khác
nhau. Gia đình Mai trước đây nghe nói cũng hạng khá giả trong xã, khi người cha
qua đời để lại cho hai mẹ con hơn năm hecta đất trồng lúa. Từ khi chia tay chồng,
bà con rất ít thấy cô ta ra đồng. Thật ra làm ruộng lúc này đã khác với trước
đây lắm rồi, tất cả đều có máy làm. Đến cuối vụ, Mai ra cân lúa rồi bán ở ngoài
ruộng, lấy tiền về. Gần như suốt năm cô không đụng vào một cọng cỏ ngoài đồng.
Vào một đêm
trăng mờ mờ, chị hàng xóm qua nhà Mai, tới cổng, thấy anh xóm trưởng đi ra. Khi
chào hỏi nhau, anh bảo đi thu thuế nông nghiệp. Mãi đến trưa hôm sau, nằm đong
đưa trên võng chị mới nhớ lại và cảm thấy phân vân, là nhà nước đã miễn thuế
nông nghiệp cho người trồng cây lúa từ nhiều năm rồi, sao bây giờ vẫn còn thu?
Cố gắng lục trong trí nhớ, cuối cùng chị cũng nhớ ra. Thôi rồi, cái câu “Đi
khám điền thổ” mà ông quan huyện đã nói trong vở tuồng: “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” đến
nay vẫn còn xài được. Chuyện đi thu thuế nông nghiệp được truyền đi khắp xã, chỉ
có hai người không nghe không biết, đó là cô Mai và vợ anh xóm trưởng.
Trong xóm có
anh Toàn năm nay anh cũng đã gần bốn chục tuổi nhưng vẫn sống một mình trong
ngôi nhà của cha mẹ để lại. Nghe nói trước đây anh là kỹ sư điện và làm việc ở
trên thành phố, nhưng không biết vì sao anh lại bỏ việc về sống ở đây. Nhiều
người phụ nữ trong xóm cứ bàn tán, rồi phân tích, vì nguyên nhân gì đến chừng
này tuổi mà không chịu lấy vợ? Nghĩ không ra, họ đoán bừa và đồn ra là anh “mắc
bệnh đằng dưới”. Nghĩa là, có một người phụ nữ ở cõi âm đã yêu anh nên không
cho anh yêu và lấy ai cả. Bà con theo dõi, thấy chiều chiều thay vì đi nhậu như
những người đàn ông khác, anh lại ra đứng nhìn chăm chăm vào cục đá to hơn ngôi
nhà nằm ở cuối vườn. Nghe nói cục đá này đã có từ thuở ông bà của anh đến đây
khai hoang, nhưng không hiểu sao gia đình vẫn để nguyên cho đến hôm nay. Mấy
ông “thầy đá” bảo, do đã tồn tại trên trái đất hàng triệu năm nên trong mỗi hòn
đá luôn có một linh hồn người chết nhập vào, và nó rất thiêng. Xâu chuỗi tất cả
những “kiến thức” đã biết, các chị kết luận anh Toàn “mắc bệnh đàng dưới”. Các
chị tự thấy phải có trách nhiệm theo dõi từng “hành vi” của anh Toàn, mặc dù
nhiệm vụ này chẳng có con ma nào phân công!
Một buổi sáng, kẻ
mua người bán ở chợ rỉ tai nhau, hồi đêm anh Toàn đi sửa điện cho nhà cô Mai!
Có người phân vân, là có thấy cô Mai tới nhà anh Toàn đâu mà nhờ? Một chị nói:
“Lạc hậu quá bà ơi, thời buổi này mấy đứa giữ trâu cũng dùng điện thoại di động
rồi”. Bàn cãi tranh luận chán, ai cũng thấy chuyện này vẫn còn đáng để hồ nghi.
Đến lúc này,
câu chuyện đi thu thuế nông nghiệp của anh xóm trưởng vẫn còn lưu trong bộ nhớ
của những người đàn ông trong xóm. Trong một cuộc nhậu, có người hỏi: “Dạo ni
xóm trưởng còn đi “chân nhện” không?”. Xóm trưởng nốc một ly rượu rồi bình thản
trả lời: “Người ta có đồng tình thì mình mới đi chân nhện,chứ họ không thích
thì đi sao được?”. Những khuôn mặt đang sần sần vì rượu bỗng đơ lại, không nhúc
nhích, hình như họ chỉ đồn đãi chứ không hề mong chờ điều đó.
Mẹ của Mai qua
đời, cả xóm bỏ việc kéo để đến phụ giúp Mai lo cho bà được mồ yên, mả đẹp. Người
tận tâm nhất trong cuộc ma chay đó chính là anh Toàn. Toàn tham gia từ việc dựng
rạp, đào huyệt, thậm chí cùng âm công khiêng hòm bà đi chôn. Chuyện tưởng rất bình
thường nhưng mọi người ai cũng để ý rồi mang ra bàn tán, như để khẳng định anh
Toàn đã “dính” với cô Mai. Một chị nói to bằng giọng Quảng Nam: “Đám mô anh
Toàn cũng làm nhiệt tình như rứa chứ riêng chi đám ni?”. Tất cả im lặng. Một chị
đứng lên, đưa tay thật cao rồi nói to: “Sory. Sory”. Mọi người cùng cười to.
Từ một làng quê
nghèo, xã bỗng chuyển mình lên thị trấn, mà biểu hiện đầu tiên là giá đất ở, đất
ruộng tăng vùn vụt. Từ chuyện giá đất tăng, đề tài về cô Mai và anh Toàn lại tiếp
tục được thảo luận sôi nổi. Một chị đã U50 to miệng: “Nhà thằng Toàn với con
Mai đều có vài hecta đất, nếu bán thì tụi nó thành triệu phú đô la Mỹ cho mà
coi”. Nghĩ, tụi hắn cũng dại, sao không bán đất bán nhà mà xài cho sướng? Toàn
cả ngày chỉ nhìn chăm chăm vào máy vi tính, rồi nhìn chăm chăm cục đá sau nhà,
rượu chẳng uống, gái gú chẳng dám nhìn. Con Mai còn dại hơn, cả ngày chỉ biết
chăm lo cho mấy cây xoài, cây mít trong vườn chứ không thấy đi chơi đâu cả. Thà
chồng nó chết thì ở vậy cho đành, để không chạm vào nỗi đau của con cái và họ
hàng, chớ đã ly dị thì tội gì mà không môi son, má phấn, diện áo đầm, nhuộm tóc
nâu tóc đỏ rồi sắm xe tay ga đi hát Karaoke, nhảy nhót với người ta cho vui? Cuộc
sống đang đi lên, tội gì mà mình không sống như mấy người ở thành thị cho sướng
cái thân?
Trong xóm có
anh Nghệ, trước đây chuyên nghề cưa gỗ. Nhóm thợ cưa của hắn đi làm ăn khắp nơi
trong cả nước, hay nói đúng hơn là phá rừng từ Nam ra Bắc, rồi phá vét từ Bắc
vô Nam. Bước chân của Nghệ tới đâu, rừng ở đó tan hoang. Nói cũng có phần oan cho
hắn, chứ thật ra những vùng rừng ở đó tan hoang không phải do một mình hắn. Hắn
chỉ là thằng làm thuê cho chủ để kiếm cơm mà thôi. Rừng ở đây bị khai thác đến
cạn kiệt không thuộc tội của Nghệ. Cách đây khoảng chục năm, nhóm thợ cưa của
Nghệ về tới vùng rừng này làm ăn thì rừng còn ở gần và có rất nhiều gỗ quý như
trắc, cẩm lai, gõ đỏ…Cả nhóm làm lán trại trong rừng, vài ngày đi ra chợ một lần.
Làm được gần một tháng, gỗ cưa ra chưa bán được thì cả nhóm bị kiểm lâm vây bắt trọn ổ. Khẩu súng AK lăm lăm
dong cả bọn ra khỏi rừng. Vốn đã đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều, Nghệ tin là
kiểm lâm dùng súng chỉ để “hù” chứ không dám bắn ai cả. Chính vì nghĩ vậy mà hắn
đã xông đến cướp súng rồi kêu gọi cả nhóm cùng chống trả những người thi hành
công vụ. May mà cả ba anh kiểm lâm chỉ bị thương nhẹ. Cả nhóm thợ cưa bị bắt
trên đường tìm ra ga tàu để về quê. Mãn hạn tù, vừa tuổi ba mươi, không hiểu vì
duyên cớ gì mà Nghệ lại chọn nơi này để định cư. Lúc này rừng đã hết nên Nghệ
cũng được xoá luôn cái hỗn danh “lâm tặc” mà nhiều người nguyền rủa. Nếu có ai
hỏi vì sao không về quê thì Nghệ bảo, trở về sau ba năm tù thì vợ đã dắt hai đứa
con đi lấy chồng khác mất rồi. Nghe người ta nói là người chồng sau rất thương hai
đứa con riêng của vợ nên Nghệ cũng không có gì vướng bận. Kể xong, Nghệ buông một
câu nhẹ nhàng mà vô cảm: “Khoẻ!”.
Không hiểu được
ai giới thiệu mà Nghệ về làm thuê cho gia đình Mai. Mai làm cho Nghệ một cái chòi
nhỏ ở trên mô đất ngoài ruộng. Hàng ngày Nghệ chỉ việc chăm lo cho mấy hecta ruộng
của gia đình Mai, rồi tự nuôi vịt đàn đẻ trứng cho riêng mình. Đàn ông trong
xóm kháo nhau: “Số thằng Nghệ sướng thiệt, đêm trăng thanh, gió mát có mấy em
không chồng ra ngủ chung với hắn đến sáng”. Nhiều người lần mò đi hỏi ai đã “ăn
nằm” với Nghệ, nhưng ai cũng chối bai bải nên Nghệ hoàn toàn vô tội. Người phụ
nữ mạnh miệng chối nhiệt tình nhất là chị Mười xe ôm. Người ta gọi tên chị rồi
kèm thêm chữ xe ôm là có nguyên nhân của nó, chứ thật ra chị ta không biết đi
xe máy.
Chị Mười đã hơn bốn mươi, thui thủi một
mình vì bị chồng bỏ do cưới nhau đã lâu mà không có con. Chị Mười có một chuyện
mà cả xóm đều biết và bàn tàn trong một thời gian khá dài. Có một dịp Mười về
thăm quê, xe dừng ở ngoài quốc lộ 1, lúc 10 giờ đêm. Từ đó về tới nhà phải đi
thêm gần năm chục cây số nữa. Một anh chạy xe honda ôm tuổi cũng “sồn sồn” đến
mời Mười đi xe. Trên đường về, trăng sáng, đường rừng vắng ngắt, Anh tài xế xe
ôm bỗng nổi máu “giống đực”. Nghĩ rằng vị khách đã “máu” giống mình, anh xe ôm
dừng xe lại, và Mười lặng thinh để cho
bàn tay của anh xe ôm “tự do đi lại” trên cơ thể của mình. Mười nói với một giọng
rất tình cảm “Anh ơi! em chỉ sống một mình, về nhà em có giường chiếu đàng
hoàng chứ làm ở đây em không thấy sướng”. Xe về tới nhà lúc đêm đã khuya. Khi vừa
bước xuống xe, Mười đi thẳng một mạch vào nhà. Anh xe ôm gọi: “Trả tiền xe chứ”.
Mười trả lời dứt khoát “Tui cho anh rờ, mò từ lúc lên xe đến giờ là quá nhiều rồi.
Coi như trừ”. Anh xe ôm mất đứt một cuốc xe, không hiểu về nhà sẽ trả lời sao với
vợ?
Tình cảm của
Mai và Toàn xem ra ngày càng khắng khít. Cứ vài ngày, người trong xóm lại thấy
Mai ghé nhà Toàn. Chuyện trai chưa vợ, gái chưa chồng nên mọi người chẳng mấy bận
tâm. Họ chỉ thắc mắc vì nhận thấy cuộc sống của Toàn vẫn không thay đổi, nghĩa
là vẫn cả ngày ngồi nhìn máy vi tính rồi ngồi nhìn cục đá phía sau nhà.
Có một đêm
ngoài đường tối bưng, Nghệ từ ngoài ruộng lần mò đi vào xóm rồi núp vào phía
ngoài vườn nhà Toàn để nhìn vào. Nghệ cố lắng nghe những âm thanh trong nhà
phát ra nhưng không rõ lắm. Nghệ nhè nhẹ đi vào sát hông nhà rồi nhìn qua khe hở
của cánh cửa. Toàn đang giảng bài cho mấy đứa nhỏ, trong đó có con gái của Mai.
Hắn rờ cái dao dắt sau lưng, thầm nghĩ: May mắn là không có cô Mai!
Cứ khoảng mươi
ngày, nửa tháng lại có một chiếc ô tô con chở những nam nữ thanh niên sang trọng
về đậu trong sân nhà Toàn. Họ ở chừng một buổi rồi đi. Lúc đầu người ta không để
ý, nhưng việc đó cứ lặp đi lặp lại hoài nên bà con cũng thắc mắc, vì ở vùng miền
núi này làm gì mà có người sang trọng về thăm? Có người nói, “chắc là thằng
Toàn hoạt động tình báo”. Nghe vậy có người phán ngay: “Cái thằng mắc bệnh đằng
dưới như nó thì hoạt động tình báo, tình biếc cái quái gì?”
Có một chuyện
xem ra cũng khá động trời ở cái khu ven rừng này, là một hôm, vợ của Nghệ bỗng đưa
hai đứa con gồm một gái và một trai vào tìm. Cả ba mẹ con đều ốm yếu và ăn mặc
vẻ nghèo khổ. Nghệ trốn biệt. Đàn vịt không ai cho ăn kêu váng cả đồng. May mà
ngày hôm sau có một bà không chồng quen lệ tìm ra nên đàn vịt không bị chết
đói. Đàn vịt không đói nhưng vợ con của Nghệ thì đói. Cả ba mẹ con ngồi khóc bên
vệ đường trước cổng nhà Toàn. Toàn đưa vợ con của Nghệ vô nhà mình cho ở nhờ. Sự
xuất hiện của vợ con Nghệ ở nhà Toàn khiến mọi người chú ý, và họ nhận ra là
lâu nay, Mai đến nhà Toàn không phải vì tình cảm riêng tư mà chỉ đến nhờ Toàn dạy
cách sử dụng máy vi tính.
Người đi tìm
Nghệ về chính là Toàn. Khi thấy mặt Toàn, Nghệ biết rằng mình phải làm chuyện
gì tiếp theo. Dù chưa thấy mặt vợ con nhưng Nghệ cũng biết là Toàn đang cưu
mang vợ con của mình. Nghệ thầm trách, tại sao Mai lại chỉ nơi “trốn” của Nghệ
cho Toàn biết? Khi đi, Nghệ không nói với ai, ngoài Mai. Những năm tháng về sống
ở cái xóm ven rừng, đến lúc này Nghệ cũng không hiểu tình cảm của mình dành cho
Mai là gì nữa. Đối với Nghệ, Mai là một bà chủ, một ân nhân, một người em, một
người bạn hay một thứ tình cảm gì đó mà Nghệ không hiểu được.
Nghệ nhớ lại cái ngày mới ra tù, ngồi uống rượu
một mình trong quán ở ven rừng thì gặp Huy. Trong tâm trạng chán chường Nghệ chẳng
cần quan tâm tới ai chung quanh. Huy cầm ly rượu đến trước mặt Nghệ:
- Thấy chú mày buồn quá, tao mời chú
một ly, được chứ?
Hai gã đàn ông đang buồn những nỗi buồn
khác nhau, nhờ ly rượu mà bỗng chốc trở nên thân thiết. Và đêm đó, Huy đưa Nghệ
về nhà. Sáng ra, không biết phải đi đâu, nên Nghệ dễ dàng nhận lời ở lại làm
thuê cho gia đình Mai. Khi vợ chồng Mai ly hôn, điều yêu cầu duy nhất của Huy
là mong Mai đừng đuổi Nghệ.
Nghe Toàn phân tích về hoàn cảnh của
vợ con trong những năm Nghệ đi làm rừng rồi đi ở tù, Nghệ nhận ra ở Toàn những
điều không như nhiều người đã nhận xét. Ngồi im lặng nghe Toàn nói chuyện, Nghệ
rờ rờ những mấy sợi râu mọc lưa thưa dưới cằm rồi buông thõng: “Muốn bỏ vợ cũng
không dễ!”. Toàn im lặng, không nói gì thêm.
Nghệ đưa vợ con về ngôi nhà nhỏ ở
ngoài ruộng. Nghe Toàn nói mọi người mới vỡ lẽ, là trong thời gian Nghệ ở tù,
do quá nghèo và phải nuôi hai đưa con nhỏ nên người vợ chỉ đi thăm chồng được một
lần. Sự ngóng trông lâu ngày tích thành oán hận, nên khi ra tù Nghệ không muốn
về quê nữa. Thật ra vợ Nghệ không lấy chồng khác như Nghệ nói lâu nay.
Ông xóm trưởng nói oang oang trong
quán nhậu ở đầu xóm: “Thằng Toàn thấy ngơ ngơ vậy mà nó giỏi thiệt. Không hiểu
nó nói cách gì mà vợ chồng con Mai với thằng Huy xáp lại với nhau rồi”. “Sao
anh biết?”. “Thì tụi nó đi đăng ký kết hôn lại ngày hôm qua rồi”. Mọi người đều
cười vui. Niềm vui, nỗi buồn của người dân ở đây cũng khá đơn giản. Người ta
chia tay họ cũng vui, người ta đoàn tụ họ cũng vui. Ông xóm trưởng nói để mọi
người trong quán cùng nghe: “ Đứa nào giúp cho nhau tìm được hạnh phúc là tao mừng
lắm rồi!”
Kết nối một cuộc tình đã ly tán là điều
không dễ dàng nhưng có hai người đã làm được, đó là Toàn và Nghệ. Hai người rủ
nhau đi tìm Huy. Lúc đó Huy đang sống ở một tỉnh khác. Cuộc sống của Huy chưa
phải bi đát cho lắm nhưng vẫn cô độc và nghèo khổ. Ban ngày Huy uống rượu và
làm thơ nhưng ban đêm lại đi cạo mủ cao su cho nông trường. Trong những năm
tháng xa vợ con, Huy đã hiểu được khả năng làm thơ của mình ở mức nào. Thơ là một
cái gì đó rất gần nhưng cũng quá xa mà không phải ai cũng chạm tới được. Nếu có
thơ hay thì đã hay từ hồi tuổi trẻ. Lúc này Huy mới thấy được là bản thân mình
không đủ sức, không đủ tài năng để tìm đến đỉnh cao của thơ, vậy nên chỉ làm
thơ cho vui mà thôi, còn ai khen chê thì mặc họ. Sau những ngày ly biệt, thứ
tài sản mà Huy đưa về cho vợ, cho con là một thân hình ốm nhách cùng một thùng
giấy đựng mì tôm, trong đó chứa đầy bản thảo thơ.
Ngôi nhà của Toàn vẫn sáng đèn mỗi
đêm, khu vườn sạch đẹp nhưng thực ra Toàn đã về thành phố sống từ lâu rồi. Ngày
ngày vợ của Nghệ vẫn vào dọn dẹp, chăm sóc nhà và vườn cho đến chiều mới về nhà
mình ở ngoài đồng. Tiền công của vợ chồng Nghệ vẫn được Toàn chuyển trả hàng
tháng. Bà con trong xóm đã biết được Toàn là một đại gia thật sự chứ không phải
như bà con đã nghĩ. Toàn là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty điện ở
trên thành phố. Lâu nay Toàn vẫn điều khiển việc kinh doanh của công ty qua máy
vi tính.
Cuộc sống của những người ở ven rừng
nơi đây vẫn tiếp tục trôi đi. Lâu lâu lại rộ lên một chuyện của ai đó để bà con
bàn tán, rồi sau đó đi vào quên lãng. Chính họ đã sống được bằng niềm vui, nỗi
buồn của chính mình và của người khác.
Khoảng ít năm sau, Toàn đưa vợ con về
thăm xóm. Vợ chồng Toàn nói đã thống nhất bỏ tiền xây dựng một khu nuôi dưỡng
người già cô đơn ngay trong đất vườn của nhà mình. Trong năm năm đầu, nhà dưỡng
lão sẽ nhận nuôi ba chục cụ, sau đó sẽ nuôi đủ ba trăm cụ. Họ nhờ vợ chồng Nghệ
và Huy quản lý. Vợ chồng Huy hứa sẽ cung cấp miễn phí đủ gạo ăn cho các cụ. Điều
mà mọi người đều bất ngờ là chị Mười xe ôm xin tình nguyện vào làm việc ở khu
dưỡng lão không nhận lương, tới khi không còn làm việc được nữa thì xin được ở
lại trong đó cho tới chết. Bà con cả xóm vỗ tay rần rần. Riêng ông xóm trưởng
nhà ta thì cười híp mắt.
Trại sáng tác Đà Nẵng, tháng 8/2019
Trần Duệ
No comments:
Post a Comment